Trẻ tiểu học học quá nhiều có thể ảnh hưởng xấu đến cảm xúc

Ngày 23/10/2015 00:09 AM (GMT+7)

Theo một chuyên gia giáo dục tiểu học của ĐH Sư phạm Hà Nội, nếu ép học sinh tiểu học phải học quá nhiều, có thể khiến trẻ mắc những căn bệnh trầm trọng liên quan tới cảm xúc.

Soạn bài để chủ động kiến thức?

Mặc dù theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh tiểu học không phải chuẩn bị bài ở nhà, song hiện nay, một số trường tiểu học vẫn yêu cầu học sinh việc này với mong muốn học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn.

Khi được hỏi về việc phụ huynh nhìn nhận ra sao trước việc giáo viên yêu cầu học sinh tiểu học soạn bài trước ở nhà, chị Dương Thị Nga - phụ huynh có con học tại một trường tiểu học trên địa bàn Cầu Giấy - Hà Nội nói: "Với lứa tuổi tiểu học, tôi chưa muốn con mình phải chịu quá nhiều áp lực học hành. Song thời gian gần đây do cô giáo yêu cầu các con phải chuẩn bị bài trước ở nhà nên tôi thấy tối nào cháu cũng "hì hụi" học bài".

"Nhìn cháu như vậy tôi rất thương, song cũng không biết làm thế nào nên đành bỏ lại hết công việc nhà để ngồi cùng cháu, xem chỗ nào cháu chưa hiểu để hướng dẫn", chị Nga nói.

Một phụ huynh khác là chị Lê Thị Phương Lan (Hoàng Hoa Thám- Ba Đình- Hà Nội) thì khá hài lòng khi con mình có ý thức soạn bài ở nhà, vì theo phụ huynh này, khi con trẻ soạn bài ở nhà sẽ chủ động được việc học ở trường.

Trẻ tiểu học học quá nhiều có thể ảnh hưởng xấu đến cảm xúc - 1

(Ảnh minh họa)

Với quan điểm là nhà sư phạm, cô giáo Phạm Thị Yến - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B - Hà Nội chia sẻ: "Qua kinh nghiệm nhiều năm làm giáo dục, tôi cho rằng, việc tạo cho trẻ thói quen chuẩn bị bài ở nhà trước khi đến lớp là cần thiết, khuyến khích tinh thần ham học hỏi, chủ động kiến thức của trẻ".

Song, cô giáo Yến cũng cho rằng, ở mỗi nhà trường, cách thức tiến hành để trẻ chủ động soạn bài ở nhà phải phù hợp, không rập khuôn, máy móc, không tạo cho trẻ áp lực nặng nề.

Cũng theo cô Hiệu trưởng Phạm Thị Yến, khi giáo viên yêu cầu học sinh chuẩn bị bài vở ở nhà nên có sự trao đổi trước với phụ huynh để phụ huynh học sinh hiểu, đồng tình và ủng hộ.

Nếu phụ huynh chưa đồng tình hay có cách nghĩ khác nhà trường cũng phải lắng nghe trên quan điểm chia sẻ. Như vậy việc tạo cho trẻ thói quen chuẩn bị bài vở ở nhà mới thực sự khách quan, khoa học.

Vị Hiệu trưởng này cũng thông tin thêm rằng bà đã giữ thói quen chuẩn bị bài đã vài chục năm nay, từ ngày còn là học sinh tiểu học và tới nay thói quen đó vẫn không bỏ được.

Được biết tại Tiểu học Thành Công B, có hai khối lớp 4 và 5 là giáo viên yêu cầu học sinh chuẩn bị bài, còn khối lớp khác không yêu cầu.

Học nhiều quá khiến cảm xúc có vấn đề

Khác với suy nghĩ của vị Hiệu trưởng trên, cô Vũ Thu Hương - Khoa Giáo dục Tiểu học - ĐH Sư phạm Hà Nội lại khá gay gắt trước việc học sinh tiểu học phải soạn bài ở nhà.

Theo cô Hương, buộc trẻ phải soạn bài ở nhà, khi ấy trẻ không còn thời gian vui chơi, tạo áp lực quá lớn cho trẻ, nếu nặng trẻ sẽ mắc bệnh rối loạn tâm lý, cảm xúc, dẫn tới bạo lực học đường, nhẹ thì khiến trẻ luôn trong trạng thái bị nhồi kiến thức, mệt mỏi về thể chất và tinh thần.

Minh chứng về điều này, cô giáo Hương cho rằng, một ngày trẻ có 24 giờ đồng hồ,  trong đó thời gian ngủ là 8-9 giờ, 8-10 giờ trẻ học tập và sinh hoạt ở trường, thời gian còn lại chỉ vài tiếng để hoạt động thể lực vui chơi giải trí vậy mà lại yêu cầu trẻ phải học bài buổi tối ở nhà là điều bất hợp lý, phản khoa học.

Do là lứa tuổi non nớt, khi phải học hành triền miên, trẻ rất dễ có cảm giác mệt mỏi, căng thẳng. Nếu điều này nếu kéo quá dài, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng, một số trẻ nảy sinh tâm lý bạo lực học đường, dễ nổi nóng, đánh đấm, cáu gắt với bạn bè, thầy cô và cha mẹ.

Cô Hương cho rằng, ở giai đoạn tiểu học, điều cần nhất với trẻ là trẻ được tự do hoạt động, nếu trẻ cứ phải lặp đi lặp lại việc ngồi một chỗ với đống bài vở, chữ nghĩa là điều phản khoa học.

"Đọc sách nhiều nhưng không có trải nghiệm thực tế, không được hoạt động thể lực, vui chơi giải trí, kết quả thu lại chỉ là con số không tròn trĩnh", vị chuyên gia này cảnh báo.

Minh Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot