Truân chuyên những phận đời bám trụ trên “hòn đảo của người già”

Ngày 30/05/2015 17:32 PM (GMT+7)

Nhiều năm nay, cái tên Cù Lao Xanh (xã đảo Nhơn Châu, TP. Quy Nhơn, Bình Định) đã không còn nguyên vẹn ý nghĩa như cái tên của nó. Cuộc sống vốn lắm nỗi nhọc nhằn khiến thế hệ trẻ rời đi khỏi đất mẹ quê cha..

Phận ly hương

Nói về những chính sách phát triển kinh tế và chăm lo đời sống nhân dân trên đảo, ông Nguyễn Xuân Quý, Chủ tịch UBND Nhơn Châu chia sẻ: “Nhiều năm qua, Nhơn Châu vẫn luôn được đất liền quan tâm hỗ trợ về mọi mặt. Tỉnh đã trình Trung ương xin đầu tư nguồn điện lưới cho đảo, khi được chấp thuận và đầu tư sẽ kéo điện lưới Quốc gia từ đất liền ra đảo. Dự án xây bể chứa nước ngọt đủ để cho tất cả gia đình trên xã đảo cũng đã được phê duyệt. Y tế được đầu tư, một bác sĩ giỏi được tăng cường ra đảo để chăm sóc sức khỏe, khám bệnh cho người dân. Mong rằng với những quan tâm đó, người dân sẽ yên tâm bám biển, các thế hệ cùng nhau xây dựng lại cuộc sống mới!”.

Truân chuyên những phận đời bám trụ trên “hòn đảo của người già” - 1

Phụ nữ làng chài đợi thuyền về.

Cù Lao Xanh cách thành phố Quy Nhơn 24 km về phía Đông Nam. Cách không xa mấy đất liền, cuộc sống nơi này là một thế giới biệt lập. Chẳng những nghèo nàn, mảnh đất cù lao thêm chìm vào nỗi buồn ngày càng thưa thớt người trẻ tuổi. Mỗi năm, hàng trăm người rời bỏ xã đảo vào đất liền mưu sinh lập nghiệp để lại sự vắng vẻ, hiu quạnh và những mảnh đời lay lắt giữa bốn bề sóng nước. Cũng bởi vậy, người dân trên đảo hay đùa rằng Cù Lao Xanh là đảo của người già. Trong ánh chiều yếu ớt, làng chài yên bình đến vắng lặng. Ven xóm nhà là vài người phụ nữ họp chợ, những cụ già ngồi lặng lẽ hướng ra biển. Đúng như cái tên người dân đặt, con đường nối liền ba thôn chưa đến 1km nhưng đã có hàng chục cụ già ngồi đợi với bao tâm trạng buồn trông lẫn lộn. Những con người gần đất xa trời này không ít thì nhiều đều có con cái còn lang bạt kiếm sống nơi đất khách. Trong cảnh nhàn rỗi bất đắc dĩ, mỗi khi chiều về họ lại ra bờ kè nhìn hướng về biển cả mênh mông. Trong những ánh mắt mờ đục kia ẩn chứa bao nỗi chờ mong, thấp thỏm và bao nỗi buồn không nói thành lời.

Chưa bao giờ người ta thấy hòn đảo này nhiều người già đến thế. Bởi bao lớp trai gái đã đi bươn chải bên ngoài, chỉ còn những mái đầu bạc ở lại. Ông Trần Văn Mọn, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã đảo Nhơn Châu cho biết: “Xã đảo chỉ có 3 thôn nhưng Hội người cao tuổi có đến 240 hội viên. Hầu hết mọi người không còn khả năng lao động và sống phụ thuộc vào nguồn trợ cấp của con cái. Con cháu họ đua nhau rời đảo đi làm thuê làm mướn, kiếm kế sinh nhai trong đất liền”. Chẳng nói đâu xa, ngay như ông Mọn cũng có một người con đang sinh sống tại Gia Lai. Trước đây, các con ông đều làm biển nhưng vì công việc thất bát nên nản chí ra đi rồi trôi dạt lên cao nguyên.

Được biết đến như một người thuộc thế hệ đầu tiên sinh sống trên đảo, cụ Lê Xuân Tòng (86 tuổi) chia sẻ: “Cù Lao Xanh của thuở xưa nay chỉ còn dĩ vãng. Nghề chài lưới vất vả mà hấp lực từ thị thành quá lớn. Tụi trẻ bỏ về thành phố hết cả rồi!”. Cũng như cụ Tòng, những bậc cao niên trên đảo từng một thời chứng kiến hòn đảo ấm no, sinh xôi nảy nở giờ đây càng thêm xót xa.

Sở dĩ bao lớp thanh niên trai tráng đều bỏ đảo vào đất liền kiếm sống là cuộc sống khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Quý, Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, cho biết: “Người dân sống bằng nghề đánh bắt gần bờ. Nhưng do cuộc sống bấp bênh, dân bỏ nghề biển vào đất liền làm đủ thứ nghề, từ làm công nhân, phụ hồ, bồi bàn đến bán vé số, giúp việc gia đình là chủ yếu!”.

Truân chuyên những phận đời bám trụ trên “hòn đảo của người già” - 2

Các cụ già ngồi bên bờ biển.

Trong kí ức ngư dân vẫn còn hình ảnh ghe xuồng mỗi ngày cập bến đầy ắp ghe cá. Thu nhập cao khiến thanh niên trai tráng hồ hởi đi biển. Nhưng dần sau này việc đánh bắt dần bấp bênh, thiên tai gió bão thất thường khiến việc chài lưới càng nguy hiểm, từ đó cù lao không còn giữ chân được lớp trẻ. Ông Phạm Mực (78 tuổi) được biết đến là người có nhiều con đi lập nghiệp phương xa. Ông có 7 người con thì có đến 5 người phải tha phương cầu thực tận các nơi như Lý Sơn, Quy Nhơn, Phú Yên, Cà Ná, TP. HCM. Trong nỗi buồn và nhớ con, vợ chồng ông cụ này vẫn đành chấp nhận cảnh ly biệt. Công việc đi biển lẽ ra của trai tráng nhưng ngư dân trên đảo lại toàn là người già, phụ nữ. Đàn ông thì thả lưới mành, câu mực, lặn ốc, đàn bà và người già cặm cụi đan, vá lưới. Các con có gia đình và lập nghiệp phương xa, vợ chồng ông Ngô Hòa (63 tuổi, thôn Tây) ở lại bám biển mưu sinh. Vợ chồng ông phải chèo thúng ra khơi từ lúc 3h sáng để đánh cá. Đến 5h, hai vợ chồng lại nhọc nhằn thu lưới về nhặt nhạnh cá bán cho thương lái. Vất vả là thế nhưng mỗi ngày vợ chồng già này chỉ kiếm được hơn 30.000 đồng đi chợ. Ông Hòa tâm sự: “Người già đi biển gặp nhiều nguy hiểm lắm, mùa đánh bắt cũng là mùa biển động, nhưng mà không đi làm thì lại đói. Đi lưới thả câu được vài con cá con mực dư ăn thì đem bán”.

Bóng chiều trên xứ đảo

Cuộc sống khốn khó, thêm việc học hành của con em trên đảo cũng lắm thiệt thòi. Đảo chỉ có trường cấp 1 và cấp 2 nên con em muốn học hết phổ thông phải lặn lội vào thành phố Quy Nhơn trọ học. Kinh tế khó khăn và chi phí học cấp 3 chẳng khác gì học đại học khiến nhiều gia đình từ bỏ giấc mơ cho con ăn học thành tài. Hàng năm, số học sinh đậu đại học chỉ đêm trên đầu ngón tay. Phần lớn thanh thiếu niên còn lại phải nghỉ học đi làm lụng nuôi thân rồi cũng dắt nhau rời đảo. Một lý do khiến người trẻ ra đi là vì hạnh phúc lứa đôi và mái ấm gia đình. Từ một vài dòng họ sinh sống trên đảo, mọi người gắn bó lập gia đình với nhau sinh sôi, nảy nở các thế hệ sau này. Điều này khiến lớp trẻ sinh sau đẻ muộn khó đến được với nhau bởi các mối quan hệ họ hàng gần xa.

Đã có không ít trường hợp, đôi trẻ có tình cảm yêu thương nhau nhưng chẳng thể nào nên vợ nên chồng. Cụ thể như trường hợp anh Võ Xuân Hải, trước đây anh đã từng quen biết và để mắt tới một cô gái trong xã. Thế nhưng khi giới thiệu với gia đình, anh mới té ngửa rằng cô gái mình thương lại có quan hệ họ hàng xa. Không lấy được vợ trên đảo, sau này anh Hải phải tìm người yêu ở trong đất liền. Hiện anh đã lập gia đình và vợ anh là người quê ở huyện Phù Mỹ.

Bà Nguyễn Thị Không (59 tuổi), góa chồng từ 15 năm trước vì căn bệnh ưng thư gan. Một mình nuôi cả đàn con. Giờ đây, bà lại phải thui thủi một mình nuôi đứa cháu nội, để con đi làm ăn ở xa. Bà Không rưng rưng: “Vì hoàn cảnh khó khăn, lớn lên các con tôi đi tứ xứ làm thuê làm mướn. Đứa vào Quy Nhơn làm thợ hồ rồi lấy vợ ở huyện Tuy Phước, thằng trôi dạt sang tận sang tận Lào kiếm kế sinh nhai. Tôi ở nhà chăm nuôi đứa cháu và sống nhờ vào số tiền ít ỏi các con gửi về”. Cũng như bà Không, niềm mong mỏi của vợ chồng ông Mực là được sớm đoàn tụ với con cháu. Nhưng xem ra, đó vẫn là ao ước bởi 5 người con của cụ đều sống trong cảnh khó khăn thiếu thốn. Ngăn sông cách biển khiến việc về quê thăm hỏi khá tốn kém lại mất khá nhiều thời gian, nguy hiểm. Nhớ con nhớ cháu, ở tuổi xế chiều, hai vợ chồng ông vẫn khóc như hai đứa trẻ. Cũng như bao con người còn bám trụ trên đảo, vợ chồng ông Mực mang ý nguyện giữ lại mái nhà và chốn tìm về cho con cháu sau này. Ông Mực tâm sự: “Mình còn ở đây thì còn giữ được mái nhà, nơi chôn nhau cắt rốn của các con. Mình mà cũng bỏ xứ ra đi thì sau này con cháu muốn tìm quê hương, cội nguồn cũng khó!”.

Chiều trên bến cảng nhỏ xíu, những con thuyền nằm gối bãi không buồn ra khơi, những ông bà lão lại hướng về biển cả, nơi đã cho họ bao điều và bây giờ là một ước mơ về ngày đoàn tụ.  

Theo Gia Ly
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan