Chưa tiếp cận được mảnh vỡ lớn gần Vũng Tàu

Ngày 10/03/2014 07:08 AM (GMT+7)

Lãnh đạo Cục Hàng Hải cho biết, đã huy động lực lượng chức năng và ngư dân ở một số tàu đánh cá ở khu vực được phát hiện những mảnh kim loại để xác minh. Tuy nhiên lực lượng này chưa tìm thấy những vật thể nghi vấn trên.

* Tiếp tục cập nhật...

19h20 ngày 10/3

Ngay sau khi thủy phi cơ DH-C6 vừa đáp xuống sân bay Phú Quốc sau hành trình tìm kiếm máy bay Malaysia gặp nạn, thứ trưởng bộ GTVT Phạm Quý Tiêu chủ trì cuộc họp báo, thông tin cho khoảng 100 phóng viên báo chí trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Tiêu cho biết đến thời điểm hiện tại, lực lượng tìm kiếm các nước đã huy động tất cả 34 máy bay, 40 tàu các loại tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích (chưa kể rất nhiều tàu cá của ngư dân).

“Trong ngày hôm nay, lực lượng tìm kiếm của Việt Nam gồm 3 máy bay AN 26, 1 thủy phi cơ; 8 tàu hải quân và 2 tàu của cảnh sát biển… đã tham gia tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, đến bây giờ không có tín hiệu gì liên quan đến máy bay Malaysia gặp nạn, riêng vật thể lạ mà máy bay Singapore phát hiện, chúng tôi cho vớt lên nhưng vật này không liên quan đến chiếc máy bay mất tích”, ông Tiêu thông tin.

Theo thứ trưởng Phạm Quý Tiêu, ngày mai, các lực lượng tìm kiếm tiếp tục công việc trên phạm vi rộng hơn. Đến thời điểm này, Việt Nam đã cho phép Malaysia, Mỹ, Trung Quốc và Singapore vào vùng biển Việt Nam phối hợp thực hiện tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.

19h15 ngày 10/3

Chiều tối ngày 10/3, sau khi chiếc trực thăng Mi 171 số hiệu 02 vừa hạ cánh xuống sân bay Phú Quốc, đại tá - cơ trưởng Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 917 (Sư đoàn 370) cho biết: " Sau gần 3 tiếng đồng hồ đi tìm kiếm trên biển. Đoàn bay đã bay được 240km, khu vực tìm kiếm là vùng biển ở phía nam, cách đảo Thổ Chu khoảng 80km, khu vực độ 8 độ 27 phút 40 giây vĩ độ bắc 102 độ 58 phút 48 giây kinh độ Đông. Tầm bay 500m, tốc độ bay 200km/h nhưng vẫn không phát hiện được gì mới".

Khoảng 19h, đoàn thị sát của Thứ trưởng Bộ GT-VT Phạm Qúy Tiêu trên chiếc thủy phi cơ DH-C6 cũng vừa quay trở lại sân bay Phú Quốc.

19h ngày 10/3

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, kế hoạch tìm kiếm 11/3, về tàu các lực lượng sẽ tìm kiếm phía nam vĩ độ 8. Chia thành hai tổ, tổ 1 tìm kiếm từ nam vĩ độ 8 đến khu vực đã tìm kiếm của ngày 8/3. Tổ 2 tìm kiếm ở phía đông khu vực tìm kiếm ngày 9/3 mở đều ra hai phía đường bay từ hai điểm IGARI đến đường bay Tân Sơn Nhất.

Về không quân tiếp tục tìm kiếm ở khu vực phía nam đảo Thổ Chu đến vĩ độ 7 và mở rộng ra phía đông đến kinh độ 16.

Đồng thời điều tàu xác minh khu vực đông nam của Vũng Tàu cách mũi Khu Cấp 32 lý.

18h30 ngày 10/3

Lãnh đạo Cục Hàng Hải cho biết, đã huy động lực lượng chức năng và ngư dân ở một số tàu đánh cá ở khu vực được phát hiện những mảnh kim loại để xác minh. Tuy nhiên lực lượng này chưa tìm  thấy những  vật thể nghi vấn trên.

Hiện nay các tàu của Việt Nam vẫn đang tìm kiếm những mảnh kim loại lớn trên biển theo thông tin của Cơ quan Kiểm soát không lưu Hồng Kông. Các tàu một số nước đang làm thủ tục xin vào vùng biển Việt Nam để tìm kiếm.

18h ngày 10/3

Chiều ngày 10/3, đại tướng Phạm Văn Trà, Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đến sân bay Cà Mau thăm cán bộ, chiến sĩ  phi hành đoàn của Trung đoàn 917 và nhắc nhở một số công việc liên quan đến việc thành lập Sở chỉ huy không quân tiền phương tại Cà Mau.

Đại tá Trần Văn Lâm, Sư đoàn phó Sư đoàn không quân 370 đã báo cáo tình hình hoạt động, phương tiện và lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ máy bay Malaysia mất tích. Hiện nay, tính luôn trực thăng Mi 917-8431, hiện tại sân bay Cà Mau có 3  trực thăng lên thẳng của Trung đoàn 917, tham gia phối hợp tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích. 

17h ngày 10/3

Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết, hiện nay các lực lượng đang mở rộng tìm kiếm sang phía Tây của khu vực phát hiện vật thể lạ. Nếu không thấy, ngày 11/3, lực lượng tìm kiếm dự kiến sẽ mở rộng khu vực tìm sang phía Đông. Khu vực tìm kiếm được xác định từ  phía Tây của đảo Côn Sơn cho đến phía Đông khu của vực có vật thể lạ hiện lực lượng tìm kiếm đang tìm.

Về 2 tàu của Trung Quốc khi vào Việt Nam, nếu tham gia vào việc tìm kiếm thì đơn vị của Việt Nam sẽ đi cùng để hướng dẫn, cùng tham gia tìm kiếm, cứu hộ.

Chưa tiếp cận được mảnh vỡ lớn gần Vũng Tàu - 1

Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam

Trong những ngày tới, các đơn vị sẽ duy trì việc tìm kiếm, căn cứ vào vị trí khả nghi để phân lực lượng tỏa ra tìm. Trong trường hợp cuộc tìm kiếm kéo dài sẽ bàn bạc với các nước bạn để phân công, phân chia khu vực rà soát, mở rộng hướng tìm kiếm.

Về phát hiện mảnh vỡ cách Vũng Tàu khoảng 60km phía Đông Nam, Sở chỉ huy Trung tâm Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã đề xuất Bộ Quốc phòng điều Hải Quân vùng 2 hoặc tàu từ Bà Rịa Vũng Tàu ra xác định.

16h30 ngày 10/3

Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không VN cho hay, Cơ quan Kiểm soát không lưu Hồng Kông thông báo một máy bay của họ phát hiện nhiều mảnh vỡ giống kim loại trên mặt biển cách Vũng Tàu khoảng 60km phía Đông Nam (xung quanh tọa độ 09043’N-107025’E). Đây là nơi nhiều tàu đánh cá hoạt động. Cơ quan chức năng đã thông báo cho ngư dân hỗ trợ, xác minh thông tin trên.

15h40 ngày 10/3

Một trực thăng của Trung đoàn 917 thuộc Sư đoàn 370, Không quân VN số hiệu Mi 917 - 8431 xuất phát từ sân bay Cần Thơ đã đáp xuống sân bay Cà Mau.

Chưa tiếp cận được mảnh vỡ lớn gần Vũng Tàu - 2

Đoàn công tác trung ương vừa đáp trực thăng từ Cần Thơ đến sân bay Cà Mau, lúc 15h40 chiều nay.

Chuyến bay này chở theo đoàn công tác của trung ương vừa được tăng cường xuống Cà Mau để chuẩn bị thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Cà Mau.

Đại tá Trần Lâm Văn Lâm, Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 370 cho biết, đến thời điểm này, có 3 chiếc trực thăng Mi 171 trực chiến tại sân bay Cà Mau, chờ lệnh cất cánh.

15h20 ngày 10/3

Thông tin từ Cục hàng không cho biết, trực ban sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 thông báo tàu HQ 637 báo về đã vớt được vật thể theo thông báo và yêu cầu của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Malaysia ở vị trí cách đảo Thổ Chu 130 km về phía Tây Nam.

Vật thể được xác định là nắp cuộn cáp đã đóng rêu. Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn yêu cầu tàu HQ 637 giữ vật thể tìm được, chụp ảnh gửi về Sở chỉ huy. Các phương tiện tàu bay, tàu biển tiếp tục tìm kiếm tại các khu vực theo kế hoạch hôm nay.

15h ngày 10/3

15h ngày 10/3, thêm một đợt bay tìm kiếm xuất phát từ sân bay Phú Quốc, Kiên Giang. Đợt bay này gồm trực thăng Mi 171 mang số hiệu 02 và thủy phi cơ mang số hiệu VNT 777. 

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu cùng ông Lâm Hoàng Sa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã có mặt trong đợt bay này.

Dự kiến, hai chuyến bay này sẽ thẳng hướng ra vùng biển phía nam đảo Thổ Chu, nơi vừa có thông tin phát hiện vật thể lạ, nghi là phao cứu sinh.

14h ngày 10/3

Cục Hàng không cho biết, tính đến 13h30 hôm nay (10/3), Việt Nam đã thực hiện 4 chuyến bay tìm kiếm, gồm 3 AN26 và 1 DHC 6.

Trong chiều nay, Việt Nam tiếp tục duy trì 2 trực thăng MI171, Singapore 1 C130 và Malaysia 2 K35 để tìm kiếm. Lúc 13h26 phút, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Malaysia thông báo tàu bay R65 của Singapore phát hiện vật thể nghi là xuồng cứu sinh tại tọa độ 08016’05’ N – 1020 51’ 11’’ S (vị trí này cách đảo Thổ Chu 140 km về phía Tây Nam) và yêu cầu Việt Nam hỗ trợ phương tiện đến xác minh.

Hiện tại, Việt Nam đang điều động trực thăng từ Phú Quốc và tàu cứu nạn hàng hải ở khu vực gần nhất tiếp cận khu vực trên theo yêu cầu của Malaysia. Dự kiến tàu cứu nạn hàng hải HQ 2003 đến lúc 16h30.

13h55 ngày 10/3

Tính đến nay, các lực lượng đã sử dụng 8 máy bay (AN 26: 3 chiếc; Mi 171: 2 chiếc; CASA: 2 chiếc; thủy phi cơ DHC6: 1 chiếc) cùng 8 tàu các loại đang tìm kiếm tại khu vực có vật thể lạ. Đồng thời, các đơn vị đã mở rộng phạm vi về hướng Tây Bắc so với khu vực tìm kiếm ngày 9/3.

Trước đó, lúc 9h, Tổng Tham mưu trưởng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trực tiếp đến Trung tâm điều hành của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn để chỉ đạo công tác tìm kiếm. 10h00, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Hải quân bảo đảm nhiên liệu, lương thực, thực phẩm cho tàu SAR 413 trong suốt quá trình chỉ huy tìm kiếm cứu nạn để tiếp tục ở lại thực hiện nhiệm vụ chỉ huy hiện trường.

Đồng thời, tàu này triển khai tổ bảo đảm thông tin không lưu của Không quân để thành lập sở chỉ huy hỗn hợp trên tàu SAR 413.  Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đảm bảo quân y, hậu cần cho 2 sở chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc và Cà Mau (sân bay Cà Mau) để phối hợp chỉ đạo lực lượng trong, ngoài nước và nắm tình hình sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh.

13h20 ngày 10/3

Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cứu hộ vừa cho biết, thông tin mới nhất lúc 10h20 ngày 10/3/2014, máy bay DHC6 phát hiện tại tọa độ 07 độ 47'30N - 102 độ 57'12E (cách phía Tây Tây Nam đảo Thổ Chu/Kiên Giang 96 hải lý) có một vật thể hình vuông, màu da cam, nghi là phao. Hiện các lực lượng đang tiếp cận.

Chưa tiếp cận được mảnh vỡ lớn gần Vũng Tàu - 3

Vật thể được nghi là áo phao, các lực lượng đang tiến hành tiếp cận, trục vớt. (Ảnh: Đức Nguyễn)

12h35 ngày 10/3

Đại tá Trần Văn Lâm, Sư đoàn phó Sư đoàn 370 Không quân Việt Nam cho biết, Bộ Quốc phòng vừa quyết định thành lập 2 trung tâm cứu hộ cứu nạn đặt tại sân bay Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và sân bay Cà Mau. Hai trung tâm bắt đầu các hoạt động từ hôm nay.

Trưa cùng ngày, tại sân bay Cà Mau, khá nhiều phóng viên trong và ngoài nước túc trực tại đây để đưa tin về diễn biến tìm kiếm cứu nạn máy bay Malaysia mất tích và chờ sự xuất hiện của Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu đến sân bay Cà Mau chủ trì cuộc họp với các lực lượng chức năng tại đây.

Chưa tiếp cận được mảnh vỡ lớn gần Vũng Tàu - 4

Có nhiều phóng viên trong và ngoài nước túc trực tại sân bay Cà Mau để đưa tin về diễn biến tìm kiếm cứu nạn máy bay Malaysia mất tích. (Ảnh: Nắng Mới)

12h10 ngày 10/3

12h00, trực thăng Mi 171 số hiệu 04 do thượng tá Ngô Vi Sơn làm cơ trưởng; trung tá Nguyễn Đức Tải dẫn đường kiêm phi công; thượng tá Phạm Văn Tuấn làm nhiệm vụ cơ giới trên không cùng thượng tá Dương Văn Đại, cơ giới đang đợi lệnh tại sân bay Cà Mau để ra khu vực tìm kiếm.

Cùng làm nhiệm vụ trên trực thăng Mi 171 số hiệu 04 còn có bác sĩ quân y là thượng uý Đào Bá Tuấn, đại uý Lê Ngọc Hành là nhân viên cứu hộ. Trong quá trình tìm kiếm, nếu phát hiện có người gặp nạn, nhân viên cứu hộ sẽ làm nhiệm vụ tiếp cứu và đưa lên trực thăng cho nhân viên quân y cấp cứu. Trên máy bay có trang bị 2 cẩu (1 cẩu 150kg và 1 cẩu 300kg) để thả nhân viên cứu hộ và đưa người bị nạn lên máy bay khi phát hiện. Trong quá trình tìm kiếm, sẽ hạ thấp độ cao từ 100 - 200m để quan sát.

Trong khi đó, tại sân bay Cà Mau, trực thăng Mi171 mang số hiệu 02 của Trung đoàn 917 (Sư đoàn 370) đã lên đường từ Cà Mau đi Phú Quốc (Kiên Giang) đón Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu.

11h55 ngày 10/3

Ông Đoàn Hữu Gia (Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam) cho biết, hiện nay, chiếc máy bay MI17, thủy phi cơ CHD6 đang tìm kiếm ở khu vực phát hiện ra mảnh vỡ nghi vấn cách đảo Thổ Chu 80km về phía Nam. Hai máy bay AN26 bay tầm cao hơn mở rộng khu vực tìm kiếm ở phía trên đảo Thổ Chu và phía Nam đảo Thổ Chu với tổng diện tích tìm kiếm lên đến khoảng 14.000 km2.

3 tàu của Mỹ và 2 tàu Trung Quốc cũng đang tiến vào khu vực tìm kiếm và có khả năng sẽ vào hải phận Việt Nam.

Đến thời điểm này, vẫn chưa tàu nào tìm thấy mảnh vỡ nghi là cửa sổ mà máy bay nhìn thấy hôm qua.

Liên quan đến việc một máy bay Vietnam Airlines bắt được tín hiệu SOS khi qua vùng trời huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng) vào chiều qua, ông Gia cho biết, ngay khi nhận được thông tin, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng đã cử người xuống kiểm tra nhưng không thấy gì.

11h50 ngày 10/3

Cục Hàng không Việt Nam đang áp dụng biện pháp đảm bảo an ninh tăng cường cấp độ 1 đối với tất cả sân bay cả nước. Hành khách làm thủ tục sẽ bị nhân viên sân bay thường xuyên phỏng vấn. Hành khách phải tháo giày, áo khoác đưa qua máy soi.

11h25 ngày 10/3

Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng không, phương án tìm kiếm mới sẽ hướng tới việc rà soát trên một  khu vực rộng khoảng 10.000km2 về phía Đông Bắc vị trí tìm kiếm ngày đầu, và sát hơn về phía mũi Cà Mau.

Phương án này đang được đề xuất do phương án tìm kiếm cũ không đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Chưa tiếp cận được mảnh vỡ lớn gần Vũng Tàu - 5

Chưa tiếp cận được mảnh vỡ lớn gần Vũng Tàu - 6

Sở chỉ huy tại Cục Hàng không xác định tọa độ, khoanh vùng tìm kiếm

11h10 ngày 10/3

Hiện tại, có 3 máy bay AN26, 1 máy bay trực thăng MI 171, 1 thủy phi cơ DHC6 và 7 tàu đang trên biển tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn chiếc máy bay Malaysia mất tích.

10h15 ngày 10/3

Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn vừa cho biết, lúc 9h45, máy bay CASA số hiệu 212 và máy bay CASA số hiệu 9891 cất cánh từ Gia Lâm đi Đà Nẵng và tiếp tục từ Đà Nẵng đi Tân Sơn Nhất để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.

Hiện nay, tàu HQ 627 ở Phú Quốc đã sẵn sàng chở nhiên liệu cho tàu SAR 413 và các nhà báo trong nước và quốc tế ra hiện trường khu vực tìm kiếm có vật thể lạ.

9h55 ngày 10/3

Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, phía Việt Nam đã huy động 10 máy bay các loại, 7 tàu hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư. Thời gian tới sẽ điều thêm tàu mang chức năng khác nhau như rada ngầm để tham gia cứu hộ.

Hiện tại, Ủy ban QG Tìm kiếm cứu nạn cứu hộ chưa có thông tin mới về vật thể lạ. Nếu trong ngày hôm nay tìm được vật thể lạ thì đó cũng là một căn cứ để các lực lượng có thêm định hướng. Các tàu, máy bay đang mở rộng khu vực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Cái khó khăn nhất đối với lực lương tìm kiếm là vị trí ở trên biển. Do vậy, trừ khi các máy bay thu thập được các vật thể nổi trên biển để có đánh giá, xác minh chính xác. Khi định vị được khu vực tìm kiếm sẽ sử dụng những tàu chuyên dụng có trang bị rada ngầm và thợ lặn để tìm kiếm.

9h20 ngày 10/3

Lúc 9h15, chiếc máy bay Mi 171 mang số hiệu 04 đã sẵn sàng cất cánh làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ. Thủy phi cơ DHC6 cũng đang ra khu vực vật thể lạ nghi là cửa thoát hiểm của máy bay để xác minh thông tin. Hiện tại, trên các tàu đều có áo phao, lực lượng quân y túc trực.

9h10 ngày 10/3

Lúc 9h, chiếc máy bay Mi 171 mang số hiệu 04 đã sẵn sàng cất cánh làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ. Thủy phi cơ DHC6 cũng đang ra khu vực vật thể lạ nghi là cửa thoát hiểm của máy bay để xác minh thông tin. Hiện tại, trên các tàu đều có áo phao, lực lượng quân y túc trực.

8h20 ngày 10/3

8h sáng nay, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến Ủy ban QG Tìm kiếm cứu nạn cứu hộ nghe báo cáo và chỉ đạo tìm kiếm máy bay Malaysia bị mất tích. Tại đây, Thượng tướng yêu cầu các đơn vị khi phát hiện các vật thể lạ phải báo cáo về ngay và không được khẳng định hay kết luận gì gây hoang mang dư luận. Đồng thời, Bộ Quốc phòng cũng đã đồng ý cho tàu nước ngoài tham gia cứu hộ, nhưng phải có tàu Việt Nam đi cùng.

Thượng tướng cũng đồng ý với đề xuất cho 1 tàu số hiệu 413 chốt tại vị trí gần vật thể lạ, đồng thời làm tổng chỉ huy cho các tàu khác tìm kiếm, giao Quân chủng Hải quân tiếp tế dầu, lương thực và thực phẩm cho tàu 413.

Chưa tiếp cận được mảnh vỡ lớn gần Vũng Tàu - 7

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ (thứ 2 từ trái sang) chỉ đạo việc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.

Cũng tại cuộc họp, Trung tướng Phùng Minh Hòa - Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân cũng đã đề xuất và được sự đồng ý từ cấp trên về việc máy bay Việt Nam sẽ được tìm kiếm từ độ cao 1.500m trở xuống. Máy bay nước ngoài sẽ tìm kiếm từ độ cao 1.500m trở lên. Vùng tìm kiếm mở rộng ra khu vực phía Nam đảo Thổ Chu.

8h00 ngày 10/3

Đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917 (Sư đoàn 370) cho biết: Sáng nay, 2 tổ bay ở sân bay Cà Mau sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ tìm kiếm và sẵn sàng đợi lệnh từ Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân.

Theo lịch trình, trực thăng Mi171 mang số hiệu 02 của Trung đoàn 917 sẽ bay từ Cà Mau đi Phú Quốc (Kiên Giang) để đón Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu, sau đó sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ tìm kiếm, quan sát. Đến chiều cùng ngày sẽ bay về Cà Mau. Còn trực thăng Mi171 mang số hiệu 04 của Trung đoàn 917 sẽ tiếp tục bay từ Cà Mau đi đến khu vực nghi máy bay của Malaysia bị mất tích để tiếp tục tìm kiếm.

Chưa tiếp cận được mảnh vỡ lớn gần Vũng Tàu - 8

Chưa tiếp cận được mảnh vỡ lớn gần Vũng Tàu - 9

Cán bộ kỹ thuật Trung đoàn 917 kiểm tra an toàn, bổ sung nhiên liệu, chuẩn bị công tác cứu nạn, cứu hộ trên vùng biển Tây Nam. (Ảnh: Nắng Mới)

7h50 ngày 10/3

Chuẩn đô đốc Doãn Văn Sở - Tư lệnh Vùng 5 Hải quân thông tin: Hai tàu mang số hiệu HQ 954 và HQ 637 của Hải quân Vùng 5 vẫn phối hợp tìm kiếm liên tục suốt đêm qua nhưng đến thời điểm hiện tại chưa có phát hiện gì liên quan đến máy bay gặp nạn.

Hiện tại, 6 tàu của Hải quân Vùng 5 với đầy đủ thiết bị, phương tiện máy móc, lương thực thực phẩm phục vụ dài ngày trên biển đang chờ lệnh.

7h25 ngày 10/3

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, tính đến nay đã có 20 máy bay tham gia việc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích. Trong đó: Việt Nam 7; Malaysia 6; Trung Quốc 2; Hoa Kỳ 2; Singapore. 22 tàu bao gồm: Việt Nam 8; Malaysia 6; Trung Quốc 3; Hoa Kỳ 2; Singapore 3.

6h30 ngày 10/3

Malaysia đã thống nhất với Việt Nam tìm kiếm phía Nam đường FIR Hồ Chí Minh. Singapore sẽ tìm kiếm ở khu vực giữa Việt Nam và Malaysia.

Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cử Đại tá Võ Hà Trung, Trưởng phòng Tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành sáng nay vào đảo Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang tham gia việc tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.

Chưa tiếp cận được mảnh vỡ lớn gần Vũng Tàu - 10

Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đang liên lạc với các tàu, máy bay tiếp cận vật thể lạ để lấy thông tin

Cũng theo đề nghị của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, do tàu SAR 413 không đủ nhiên liệu cho hoạt động tiếp theo nên các đơn vị đã đồng ý cho tàu quay về bờ bổ sung nhiên liệu và bàn giao chỉ huy hiện trường cho tàu Cảnh sát biển CSB 2001 đến khi tàu SAR 413 quay trở lại tìm kiếm.

Đến 23h00 ngày 09/3/2014, Việt Nam đã sử dụng 7 máy bay, điều 8 tàu các loại tham gia tìm kiếm tại hiện trường.

6h20 ngày 10/3

Trong sáng sớm nay, tàu Hải quân 888, tàu nghiên cứu biển có trang bị máy quét đa tia và đo đa tia không gian ba chiều cùng đội thợ lặn đã ra khu vực nghi có vật thể lạ để xác minh.

5h45 ngày 10/3

Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết: Sáng nay (10/3), sẽ cho thủy phi cơ DHC6 bay ra khu vực nghi có cửa thoát hiểm máy bay, đồng thời chuẩn bị các phương án triển khai sở chỉ huy ở đảo Phú Quốc để tạo thuận lợi cho công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn chiếc máy bay mất tích.

Phía Việt Nam cũng đang xem xét cấp phép cho 2 tàu của Trung Quốc và 1 tàu của Mỹ tham gia công tác tìm kiếm. Căn cứ vào các dấu hiệu của vật thể lạ và hướng gió, các lực lượng sẽ mở rộng khu vực tìm kiếm về phía Tây đảo Thổ Chu.

Trước đó (tối 9/3), Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát, Chính ủy Hải quân vùng 5 cho biết: Hai tàu mang số hiệu HQ 954 và HQ 637 của Hải quân Vùng 5 vẫn đang phối hợp với các lực lượng khác tiếp tục tìm kiếm chiếc máy của Malaysia bị mất tích, nhưng vẫn chưa phát hiện dấu vết liên quan. Tất cả các tàu của vùng 5 Hải quân đã sẵn sàng chờ lệnh của cấp trên nhằm tăng cường và mở rộng phạm vi tìm kiếm

Cũng theo đề nghị của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, do tàu SAR 413 không đủ nhiên liệu cho hoạt động tiếp theo nên các đơn vị đã đồng ý cho tàu quay về bờ bổ sung nhiên liệu và bàn giao chỉ huy hiện trường cho tàu Cảnh sát biển CSB 2001 đến khi tàu SAR 413 quay trở lại tìm kiếm.

Đến 23h00 ngày 09/3/2014, Việt Nam đã sử dụng 7 máy bay, điều 8 tàu các loại tham gia tìm kiếm tại hiện trường.

Mời độc giả theo dõi toàn bộ thông tin về vụ việc Máy bay Malaysia mất tích trên tin tức EVA. Chúng tôi liên tục cập nhật diễn biến của vụ việc:

Máy bay Malaysia có thể đã phát nổ trên không

Điện thoại của một hành khách mất tích vẫn reo

Video: Nỗ lực tìm kiếm máy bay mất tích

Xuất hiện ảnh mảnh vỡ nghi của máy bay mất tích

Máy bay Malaysia quay đầu lại trước khi mất tích

Theo Đức Nguyễn - Cửu Long
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Máy bay MH370