Truy tìm sự thật chuyện bị “quả báo” vì xâm phạm đền thiêng

Ngày 26/11/2015 19:04 PM (GMT+7)

Từ khi ngôi đền thờ vị hoàng tử thời Lý bị đập bỏ, một số người có liên quan gặp những chuyện không hay, vậy là những lời đồn thổi theo hướng ma mị rộ lên, khiến người dân hoang mang, lo lắng. Phóng viên Báo GĐ&XH đã vào cuộc để làm rõ thực hư...

Những lời đồn thổi

Một ngày đầu năm 2009, một vị doanh nhân ăn mặc rất sang trọng bước vào Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người (số 1, Đông Tác, Hà Nội) giới thiệu mình là Tổng giám đốc của một công ty có trụ sở ở Hà Nội. Người đàn ông này trình bày mong muốn nhờ các nhà ngoại cảm về xem giúp nguyên nhân tại sao mấy năm nay người dân ở xã Vĩnh Sơn (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), nơi quê ông lại gặp nhiều cái chết, tai nạn, mang bệnh tật một cách đầy bí ẩn như thế.

Không biết diễn biến sự việc sau đó như thế nào, nhưng năm 2010, ở mảnh đất Vĩnh Sơn ven dòng sông Lam, những chiếc ôtô chở gạch đá, sắt thép tấp nập để xây dựng một ngôi đền thờ mới. Đây là ngôi đền thờ Lý Nhật Quang – vị hoàng tử thứ 8 của Vua Lý Thái Tổ đồng thời là vị tướng có công lao đánh giặc ngoại xâm, tiễu trừ giặc ở miền Tây xứ Nghệ. Tương truyền, khi đánh giặc ở vùng biên, ngài đã bị thương và dừng lại ở đây để trị thương và nơi lưu huyết tích của ngài được người dân lập đền thờ. Tuy nhiên, vào những năm  70 của thập kỷ trước, vì nhiều lý do, ngôi đền thờ chính và thờ vọng của ngài đã bị phá bỏ.

Chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Hữu Châu, một cựu chiến binh và là người lưu giữ thần phả, thần tích về hoàng tử Lý Nhật Quang trên vùng đất này. Theo ông Châu, vị trí ngôi đền mới xây bên ven bờ sông Lam năm 2010 không phải là nơi tọa lạc của ngôi đền chính ngày xưa mà là ngôi đền thờ vọng và nơi chôn cất thầy thuốc đã chữa bệnh cho ngài Lý Nhật Quang. Còn nền cũ của ngôi đền chính là ở phía trong làng Thượng Thọ thì người dân đã xây dựng nhà cửa hết rồi. Nhưng có điểm chung mà ông Châu cũng như nhiều người dân ở đây kể lại thì dù là đền chính hay đền thờ vọng, bất kể ai có hành động xâm phạm đều gặp những chuyện không may như mù mắt, tâm thần, thậm chí qua  đời không rõ nguyên do(?).

Cho dù nhiều câu chuyện, hay những cái chết bí ẩn đã xảy ra cách đây khá lâu nhưng người dân nơi đây vẫn kể lại một cách rành mạch: Đó là chuyện về 2 người cùng dòng họ Nguyễn Sĩ, trước đều là cán bộ của xã Vĩnh Sơn. Khi ngôi đền chính xuống cấp, hai vị cán bộ này đã cho đập phá, dỡ hết đồ đạc trong ngồi đền cũ. Một thời gian sau hai người này đột tử.

Truy tìm sự thật chuyện bị “quả báo” vì xâm phạm đền thiêng - 1

Ngôi đền thờ mới được xây dựng bên ven bờ sông Lam. Ảnh: P.B

Cũng trên nền đất cũ của ngôi đền, nhiều hộ dân được cấp đất và xây dựng nhà cửa kiên cố để sinh sống nhưng cũng không được bình yên. Nhiều câu chuyện ma mị cứ bám riết lấy họ, một số người còn bị bệnh tật, mù lòa.

Trước những câu chuyện đồn thổi, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Duy Công (xóm 4, làng Thượng Thọ) để được trò chuyện.

Ngồi trên thềm hè với đôi mắt bị mù, ông Công buồn bã kể: Năm 1995, gia đình ông được cấp cho mảnh đất trên nền chính điện cũ. Sau đó ông xây nhà và đưa con cháu đến ở, kể từ đó mắt ông cứ mờ dần, con cái thì luôn ốm đau, bệnh tật, làm ăn thất bát. Tuy đã đi khám nhiều nơi, nhưng đôi mắt của ông chẳng thể cứu được. Giờ, ông bị mù vĩnh viễn.

Phía trước ngôi nhà của ông Công là nhà của anh Bình. Cũng như ông Công, nhà anh Bình xây  trên nền đất của ngôi đền cũ thờ huyết tích hoàng tử Lý Nhật Quang. Anh Bình cũng đã mù một mắt, mắt còn lại thì đang bị mờ dần.

Truy tìm sự thật chuyện bị “quả báo” vì xâm phạm đền thiêng - 2

Ông Nguyễn Hữu Châu kể chuyện xoay quanh ngôi đền hoàng tử Lý Nhật Quang.

Theo lời của ông Nguyễn Hữu Châu, nền đền thờ chính ngày xưa bây giờ nằm trọn dưới hai ngôi nhà của ông Công và anh Bình. Hiện nay, giáp ranh giữa hai nhà đã được dựng lên một bát hương, những chuồng gà, chuồng lợn được di chuyển sang nơi khác cho sạch sẽ, tránh “phạm thượng”.

Ngoài đền thờ chính thì xung quanh ngôi đền thờ vọng nằm bên dòng sông Lam cũng có nhiều câu chuyện đồn thổi. Sau khi ngôi đền thờ vọng này xuống cấp, nhiều người đã vào dỡ gỗ lấy về dùng. Một thợ buôn gỗ tên Vi ở huyện Tân Kỳ thấy cây lim khô chơ vơ giữa khoảng đất rộng đã mua lại cây gỗ đó. Tối hôm đó về, không hiểu vì sao ông Vi đổ xăng lên người rồi tự thiêu. Không những thế, 5 - 6 người được ông thuê để cưa cây và vận chuyển cũng phát điên, tự mình cầm dao chém vào người, vào tay mình…

Tiếp đến là câu chuyện của người đàn ông mang mấy cái xà ngang (trục hoành) trong đền đem về gác lên xà nhà. Dù rằng ông này vào tận miền Nam làm ăn, nhưng kể từ khi ông mang trục hoành về nhà thì làm ăn thất bát, con cháu bệnh tật liên miên, những tai nạn  bắt đầu ập đến. Vì quá sợ hãi, người đàn ông này đã về quê, mang trả lại khúc gỗ vào ngôi đền cũ, từ đó mới yên ổn.

Bị bệnh vì xưởng sản xuất vũ khí từ thời chiến tranh?

Những câu chuyện kỳ bí khi “động đền”, đại loại như trên thì nhiều vô kể. Chúng tôi đã cố gắng tìm cách gặp gỡ trực tiếp nhân chứng trong những câu chuyện này nhưng dường như chúng chỉ là giai thoại. Nhiều người kể chuyện vanh vách nhưng nếu hỏi đích xác tên tuổi, địa chỉ những “nạn nhân” kể trên thì ai cũng chỉ ậm ừ vì không biết ở đâu.

Bỏ qua những yếu tố mang tính mê tín dị đoan xung quanh ngôi đền chúng tôi được chính quyền xã Vĩnh Sơn cho biết: Nguyên nhân một số người dân nơi đây bị ung thư, bị mù mắt có thể là do hậu quả của một xưởng sản xuất vũ khí ngày xưa đặt trên nền ngôi đền chính. Theo anh Nguyễn Bá Toàn, Xã đội trưởng xã Vĩnh Sơn thì vào khoảng năm 1947, để có vũ khí chiến đấu chống Pháp quân ta đã xây dựng tại địa bàn xã một xưởng chế tạo vũ khí mang tên Lê Đình Dụ. Đến năm 1949, xưởng bị máy bay địch đánh sập và vùi sâu vào lòng đất rất nhiều thuốc nổ, vũ khí và chất hóa học. Đây có thể chính là nguyên nhân gây ra các căn bệnh tâm thần, mù mắt hoặc ung thư cho người dân?

Chính quyền xã Vĩnh Sơn báo cáo tình hình lên huyện, lên tỉnh, một vài đoàn về đã lấy mẫu đất, mẫu nước để nghiên cứu.

Có thể thấy, câu chuyện “báo oán” chỉ là dư luận đồn thổi, chuyện người này, người kia mắc bệnh, gặp nạn chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi. Thiết nghĩ, việc tìm rõ nguyên nhân bệnh tật, chặn đứng nó hay chí ít cũng đưa ra một giải thích bằng kiến thức khoa học để giúp người dân nơi đây bớt lo lắng là việc cần làm ngay của các cơ quan chức năng.

Anh Nguyễn Bá Toàn, Xã đội trưởng xã Vĩnh Sơn đặt ra nghi vấn, liệu những hóa chất của xưởng vũ khí cũ có phải đã ngấm vào đất, vào nước và gây nhiễm độc?  Và chính những chất độc này đã khiến nhiều người sinh sống gần đó bị bệnh lạ dẫn đến cái chết không rõ nguyên nhân hoặc bị tâm thần, ung thư và mù mắt hay không? Sau khi bấm đốt ngón tay, anh Toàn xác nhận: “Có khoảng hơn chục người dân sống quanh ngôi đền Lý Nhật Quang cũ bị chết vì ung thư. Và hiện nay còn 4, 5 người nữa bị ung thư di căn giai đoạn cuối”.

Theo Phùng Bình
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot