Tuyển sinh ĐH-CĐ: Bỏ điểm sàn từ năm 2014

Ngày 25/02/2014 10:49 AM (GMT+7)

Đại diện Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng năm 2014.

Sau khi lắng nghe góp ý của các chuyên gia giáo dục và các cựu quan chức trong ngành giáo dục, Bộ GD-ĐT đã quyết định bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng từ năm 2014. Các trường ĐH, CĐ có đề án riêng đáp ứng điều kiện quy định thì được tự chủ tuyển sinh. Đồng thời Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chung. Các trường tuyển sinh riêng có thể sử dụng kết quả kỳ thi chung để tuyển thí sinh.

Về phương án thay thế điểm sàn, ông Bùi Anh Tuấn (Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GD&ĐT) nói: “Bộ GD&ĐT đã nhận sự khó khăn về phía mình để tạo sự dễ dàng cho người học, tiêu chí là đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Những năm trước đây, Bộ có hội đồng điểm sàn để tư vấn cho Bộ nhằm xác định điểm sàn cho từng khối. Năm 2012 - 2013, Bộ đã đưa lên diễn đàn và nhận được nhiều ý kiến đóng góp về xây dựng phương án điểm sàn. Vì vậy, năm 2014 sẽ không có Hội đồng điểm sàn mà có chỉ có Hội đồng tư vấn đảm bảo chất lượng nguồn tuyển”.

"Nhiều ý kiến cho rằng, điểm sàn năm 2013 chưa hợp lý, chưa sát với thực tế, mặc dù là thừa nguồn tuyển nhưng nhiều trường đại học, cao đẳng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Do đó, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, điểm sàn nên thay thế bằng các tiêu chí khác", ông Tuấn khẳng định.

Tuyển sinh ĐH-CĐ: Bỏ điểm sàn từ năm 2014 - 1

Thí sinh thi đại học năm 2013

Chia sẻ về điều này, TS Lê Trường Tùng, hiệu trưởng trường Đại học FPT cho rằng việc bỏ điểm sàn cần thực hiện đồng bộ với giải pháp khống chế chỉ tiêu theo nguồn lực từng trường, căn cứ theo lực lượng giảng viên, cơ sở vật chất và suất đầu tư/đầu sinh viên.

Bên cạnh việc Bộ GD-ĐT khống chế về chỉ tiêu tuyển sinh, các trường cũng cần đưa ra thêm tiêu chí để xác định ngưỡng tối thiểu vào học đại học, cao đẳng. Đồng thời, các tiêu chí này phải được công bố công khai để các cơ quan quản lý và dư luận xã hội giám sát.

Trước đó, ngày 17/2, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo: Thủ tướng đồng ý với phương án thi tốt nghiệp 4 môn và bỏ chủ trương miễn thi tốt nghiệp 20%. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ GD-ĐT khẩn trương xây dựng phương án tổ chức thi từ năm 2015 và công bố công khai vào đầu quý III năm 2014 theo hướng nội dung thi nhằm tạo động lực để học sinh học tập, phát triển toàn diện, đồng thời có tính hướng nghiệp...

Theo Tuyết Hoàng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan