‘Tỷ phú ve chai’ không ngờ đổi được tiền rách

Ngày 22/10/2015 08:22 AM (GMT+7)

“Tôi sẽ lấy một nửa gửi ngân hàng để nuôi hai con. Một nửa còn lại gửi về quê cho bên gia đình nội và gia đình ngoại. Cả hai bên đều rất khó khăn”, chị chia sẻ về việc sử dụng số tiền hơn 200 triệu đồng sắp nhận.

Ngồi trong căn nhà trọ, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi, Quảng Ngãi) chia sẻ: “Tôi cứ ngỡ hơn 1 triệu yên tiền bị rách sẽ không đổi được. Bởi, nó rách nát hết rồi. Ai ngờ, mấy hôm trước, tôi nhận được điện thoại thông báo chính thức từ ngân hàng, số tiền này có thể đổi được. Nghe tin ấy, tôi mừng đến chảy nước mắt”.

Chị kể, đầu tháng 6/2015, ngân hàng Maritime Bank ở đường Phan Xích Long hỗ trợ đổi 5,24 triệu yên Nhật nhặt được. Sau khi kiểm kê, trong đó có 1,16 triệu yên bị rách nát không thể sử dụng. Lúc này, ngân hàng Maritime Bank cho biết sẽ chuyển số tiền bị rách sang ngân hàng Trung ương Nhật Bản giám định để đổi sang tiền nguyên vẹn.

‘Tỷ phú ve chai’ không ngờ đổi được tiền rách - 1

Chị Hồng không ngờ đổi được số tiền bị rách

Thỉnh thoảng, chị Hồng vẫn nghe một số người cho rằng, số tiền rách có thể đổi được. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cũng cho rằng, vì tiền quá cũ nên không thể đổi được. Trong lòng rất muốn số tiền ấy được đổi nhưng thâm tâm chị vẫn cho rằng, việc được đổi là khó trở thành hiện thực.

Đây cũng chính là lý do khi nhận được thông tin số tiền này được đổi khiến chị Hồng vô cùng xúc động. Chị có ý định nhờ ngân hàng đổi thẳng sang tiền Việt Nam. Qua thăm hỏi, chị được biết, số tiền 1,16 triệu yên bị rách có thể đổi được hơn 200 triệu đồng.

Khi được hỏi: “Chị định sử dụng số tiền này như thế nào?”, chị Hồng thành thật: “Trước đây, khi nhận gần 700 triệu đồng, tôi đã làm từ thiện nên lần này vẫn chưa nghĩ đến việc này. Có lẽ, tôi sẽ lấy một nửa gửi ngân hàng để nuôi hai con. Một nửa còn lại gửi về quê cho bên gia đình nội và gia đình ngoại. Cả hai bên đều rất khó khăn”.

Chị Hồng phấn khởi chia sẻ, nhờ số tiền trước đây đã nhận, chị đón hai con vào Sài Gòn. Chị thuê một căn nhà nhỏ gần chỗ trọ cũ để thuận tiện cho việc thu mua ve chai. Đứa con gái, chị đã cho đi học nghề làm tóc. Riêng đứa con trai đã được đi học một trường gần nhà.

Có số tiền lớn trong tay, chị Hồng tiếp tục công việc thu mua ve chai. Chồng chị ngoài việc thu mua còn ở nhà phân loại ve chai. Chị cũng từng kinh doanh thêm cá tươi được gửi từ quê vào. Tuy nhiên, do công việc này chiếm quá nhiều thời gian, chị sợ mất mối thu mua ve chai nên đành gác lại.

Không ít người gặp hỏi: “Có nhiều tiền rồi sao không bỏ nghề ve chai?”. Chị bảo, nghề này đã gắn kết với vợ chồng chị nhiều năm liền. Cũng nhờ nghề ấy, chị nuôi được hai con. Nhiều lúc, ốm nặng, tưởng chừng dậy không nổi nhưng ngẫm đến tương lai các con nên vẫn ngồi dậy, đẩy xe đi. Lắm lúc trời nắng, say xẩm mặt mày, chỉ dám nghỉ bên vệ đường rồi tiếp tục đi.

Riêng ngày mưa gió, sự vất vả tăng lên gấp bội phần. Lắm khi, nghĩ về số phận, chị rơm rớm nước mắt. Nhưng, ngẫm về hai con, chị lại có động lực để tiếp tục công việc.

Mấy ngày qua, chị mất ngủ vì nghĩ đến số tiền hơn 200 triệu đồng sắp nhận được. “Đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy mình may mắn khi mua được chiếc loa thùng chứa tiền. Số tiền ấy rất lớn đối, đã thay đổi cuộc sống gia đình tôi. Nhờ nó, vợ chồng con cái tôi mới được đoàn tụ”, chị cười.

Đại diện ngân hàng Maritime Bank xác nhận, phía ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã hoàn tất quá trình giám định và khẳng định, số tiền 1,16 triệu đồng của chị Hồng có thể đổi. Do hoàn cảnh khó khăn, ngân hàng Maritime Bank quyết định hỗ trợ toàn bộ chi phí liên quan đến quá trình giám định. Ngân hàng cũng sẵn sàng quy đổi toàn bộ số tiền này sang tiền Việt Nam nếu chị Hồng có nhu cầu.

‘Tỷ phú ve chai’ không ngờ đổi được tiền rách - 2

Mặc dù có số tiền lớn, chị vẫn tiếp tục công việc thu mua ve chai

Hơn một năm trước, chị Hồng mua được chiếc loa cũ bên trong có 5 triệu yên. Sau đó, chị giao lại cho Công an quận Tân Bình. Ngày 28/4/2014, cơ quan chức năng đăng tin tìm chủ sở hữu.

Một năm sau chị Hồng xin nhận lại tiền thì công an cho biết bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi) có đơn cho rằng 5 triệu yên là của chồng bà - ông Afolayan Caleb (48 tuổi, quốc tịch Nam Phi). Công an phải gia hạn việc giải quyết để xác minh yêu cầu của bà Ngọt. Sau đó, công an xác định chồng bà Ngọt đã sử dụng hộ chiếu giả để vào Việt Nam và làm việc cho công ty "ma". Từ đó cơ quan này bác yêu cầu của bà Ngọt, quyết định trả toàn bộ số tiền cho chị Hồng.

Ngày 2/6, khi nhận được tiền, chị Hồng đề nghị ngân hàng thu đổi 5,24 triệu yen nhưng qua kiểm đếm, có 1,16 triệu yên bị rách nát, hư hại lớn, không đủ điều kiện lưu thông. Hơn 4 triệu yên còn lại, chị Hồng đổi được 700 triệu đồng.

Nhật Hưng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự