Ướt mắt nhớ những mùa Tết đói

Ngày 09/02/2016 12:42 PM (GMT+7)

Giữa những ê hề đồ tết, thỉnh thoảng nhớ lại Tết đói ngày xưa tự nhiên cũng thấy mình trở nên yếu đuối, thấy mắt ướt kỳ ghê.

Tết, sự kinh hoàng sợ sệt của tất thảy chị em làm con, làm dâu là dọn mâm bày cỗ, là rửa bát, chùi nồi. Mâm cỗ ngày tết luôn có sự hiện diện của những món ăn mà ngày thường là đại diện cho sự sang trọng đủ đầy nhưng trong những ngày tết lại thường xuyên bị bỏ thừa.

Món phổ biến đó là những đĩa thịt gà đầy ú ụ, những đĩa thịt luộc chẳng mấy ai động đũa. Gần đây, người ta cố gắng bổ sung vào mâm cỗ ngày tết những món độc lạ săn được ở đâu đó. Khi là thịt lợn rừng, khi là đồ trên sông dưới bể…Nói chung, ăn uống ngày tết bây giờ chỉ có sự khác biệt của đồ độc lạ, nỗi lo có gì ăn ngày tết đã lùi xa về dĩ vãng.

Thế nhưng, giữa những ứa thừa mâm cỗ ấy thỉnh thoảng người ta vẫn nên nhớ về những mùa tết cũ, những mùa cái ăn ngày tết vẫn là nỗi lo toan chật vật, những mùa tết mà chúng tôi, những đứa trẻ quê lúc ấy vẫn coi kẹo là một thứ hàng xa xỉ .

Ký ức tôi nhớ mãi một mùa tết. Mùa tôi được mẹ bỏ lên chiếc giỏ xe, đằng sau chở mấy con gà ra chợ bán. Mẹ bảo, bán hết gà sẽ đủ tiền lo tết, mua cả quần áo mới cho thằng cu. Đến chợ, mẹ vẫn để tôi trên giỏ xe bên cạnh rồi cầm từng con gà đi này nỉ từng người qua đường mua. Đến tầm trưa, mẹ cũng chỉ bán được hai con gà. Chiếc xe chở tôi về như chở nặng thêm những lo toan.

Tôi cũng nhớ một mùa tết. Mùa tết ấy, bố tôi là cán bộ ủy ban, lại có thêm nghề làm người tổ chức đám cưới (từ sang trọng ngắn gọi tân thời gọi là MC đám cưới) thành ra tết cũng đã qua đi những chuyện lo cái ăn ngày tết. Đợt ấy, ngày cận tết có một người bạn của bố sang nhà tôi chơi. Người đàn ông mặc trên mình bộ quần áo cũ kỹ, mòn sờn, cái dáng rụt rè của một người không dư dả về cái ăn cho lắm.

Sau buổi chuyện trò, bố tôi mời chú ở lại dùng cơm. Bữa cơm hôm ấy, đang ăn thì chú bật khóc. Bố tôi buông đũa hỏi chuyện, chú thở than: Sang được bác mời cơm, ăn no đồ ngon lại nhớ đến vợ con ở nhà mấy hôm nay phải ăn khoai, nhà hết gạo rồi. Bữa ấy, mẹ tôi phải đong cho chú mấy lon gạo đem về nhà lo cho nhà chú ngày tết không phải ăn khoai.

Ướt mắt nhớ những mùa Tết đói - 1

Nhớ Tết xưa (Ảnh minh họa)

Trong khó khăn, người ta thường xích lại gần nhau, khi đủ đầy người ta có vẻ như phải bận toan lo việc khác mà bỏ bê nghĩa tình sau trước hơn thì phải. Bố tôi kể, người chú được nhà tôi cho gạo cứu đói tết năm đó giờ cũng đã là người thành đạt, thành đạt theo nghĩa là giàu có hơn nhà tôi, nhưng cũng từ khi đó chú chưa đến thăm lại nhà tôi, chưa ăn với gia đình tôi một bữa cơm để ôn lại ngày khó ấy.

Tết ngày càng mất đi  sự thiêng liêng của nó. Có nhiều lý do xã hội để giải thích, nhưng lẽ thường với những cái gì người ta gom góp chắt chiu có được mới tốt hơn. Một bữa cơm ngày tết từ việc là cơ hội cho trẻ được ăn một bữa thịt thà, được ăn no nê kẹo trở thành nỗi xót xa về đồ thừa.

Nhà tôi là trưởng tộc, theo tục lệ ở quê trong ba ngày tết ngày nào gia đình cùng phải làm ba bữa, mỗi bữa mấy mâm cơn để cúng tổ tiên. Đồ thừa sau mỗi ngày như thế lại  nhiều hơn, toàn là những thứ chưa ai đụng đũa, đồ thừa khi tết hết cũng ê hề có khi phải ăn lai rai cho đến hết tháng giêng. Cũng may, công cụ bảo quản bây giờ ngày càng hiện đại nên có thể kéo dài thêm thời gian lưu trữ thức ăn.

Giữa những ê hề đồ tết, thỉnh thoảng nhớ lại tết đói ngày xưa tự nhiên cũng thấy mình trở nên yếu đuối, thấy mắt ướt kỳ ghê.

Hồ Viết Thịnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan