Vì sao tội phạm ấu dâm ngày một gia tăng?

Ngày 14/03/2017 10:06 AM (GMT+7)

Đại tá Đỗ Cảnh Thìn khẳng định ấu dâm là loại bệnh lý xuất phát từ chính môi trường sống đang bị xuống cấp...

Trao đổi với PV, Đại tá, TS. Đỗ Cảnh Thìn, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân) khẳng định, ấu dâm là loại bệnh lý xuất phát từ chính môi trường sống đang bị xuống cấp...

Ấu dâm có phải một thứ bệnh hoạn không, thưa ông?

Ấu dâm không chỉ là một dạng bệnh lý mà còn là sự rối loạn về nhân cách, sai lệch về nhận thức của con người. Đây là một thứ bệnh không phải sinh ra đã có sẵn, chủ yếu phụ thuộc vào môi trường sống, những yếu tố sinh hoạt gây biến đổi về nhân cách, chi phối hành vi của con người.

Trước những vụ việc tội phạm ấu dâm bị tố giác vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan điều tra chưa tích cực vào cuộc?

Dư luận không nên vội vàng, cần thận trọng khi bình xét. Để chứng minh tội phạm ấu dâm không phải đơn giản, nhất là khi Luật Tố tụng lại quy định thời hạn điều tra, nếu quá thời hạn đó mà chưa có đủ chứng cứ thì cũng không làm được. Một trong những nguyên tắc của điều tra là phải có chứng cứ phạm tội trực tiếp. Một đứa trẻ chưa có nhận thức đầy đủ, có thể nói ra tên người ABC nhưng trách nhiệm cơ quan điều tra phải chứng minh hành vi đó là phạm tội.

Ngay cả khi có kết quả khám nghiệm y khoa cho thấy cháu bé bị tổn thương, nhưng bản thân kết luận đó cũng không thể chỉ ra được đối tượng xâm hại. Cũng không loại trừ vết thương đó xuất phát từ tai nạn bên ngoài. Thứ hai, bản thân kỹ năng, hiểu biết về trình tự tố cáo của chính người thân trẻ bị hại không phải ai cũng nắm được. Lẽ ra ngay khi xảy ra vụ việc, điều đầu tiên phải lưu giữ những chứng cứ, tang vật liên quan trực tiếp như: Quần áo lót, lông, tóc, tinh dịch... cho đến những dấu tích chứng minh đối tượng phạm tội thời gian đó có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, nhiều gia đình lại chọn cách tắm rửa, thay quần áo cho trẻ rồi mới thông tin tới cơ quan điều tra, như vậy đã vô tình xóa toàn bộ dấu tích vụ án.

Vì sao tội phạm ấu dâm ngày một gia tăng? - 1

Đại tá, TS. Đỗ Cảnh Thìn, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân)

Với góc độ chuyên gia nghiên cứu tâm lý học tội phạm, theo ông, kẻ ấu dâm thường có những biểu hiện ngoài đời như thế nào?

Đối tượng biến thái, có sở thích ấu dâm thường xuất hiện ở những kẻ nghiện ngập ma túy, rượu chè, sống bê tha. Ngoài ra, có những kẻ nhìn bề ngoài bình thường, có học thức song thường có biểu hiện nhìn ngó, bình phẩm về hình dáng trẻ em một cách không bình thường hoặc có những hành vi, lời nói thể hiện những đam mê dục vọng bất thường...

Nghiên cứu những đối tượng tội phạm nước ngoài cho thấy, ấu dâm có hai loại hành vi: Một là thích quan hệ với trẻ em; hai là hành hạ làm trẻ đau đớn. Chính vì thế, loại tội phạm này đã và đang gây căm phẫn trong dư luận.

Theo ông, tội phạm ấu dâm thường thực hiện hành vi trong những hoàn cảnh, địa điểm nào?

Không gian sinh hoạt vắng vẻ, trẻ nhỏ không có người lớn trông coi… là môi trường thuận lợi cho đối tượng thực hiện hành vi đồi bại. Bên cạnh đó, chúng cũng thường chủ động gần gũi, tiếp xúc, rủ rê, chơi bời với trẻ em để chờ cơ hội thực hiện xâm hại. Các bậc phụ huynh cần lưu ý rằng, hơn 90% vụ xâm hại tình dục trẻ em là do người thân sống xung quanh các em gây ra.

Dư luận đặt nghi vấn, phải chăng sự răn đe của pháp luật còn quá nhẹ khiến loại hình tội phạm ấu dâm ngày một gia tăng?

Đây là cách hiểu phản khoa học. Tôi khẳng định pháp luật hiện có đầy đủ khung pháp lý, chế tài xử phạt đối với các hành vi xâm hại trẻ em. Hơn nữa, thực tiễn chứng minh không phải cứ có hình phạt nghiêm thì tội phạm sẽ giảm. Những loại tội phạm bệnh hoạn như ấu dâm ngày một gia tăng là do góc ảnh hưởng tiêu cực từ internet, sự tha hóa trong lối sống, xuống cấp về nhận thức của một bộ phận người trong xã hội...  

Cảm ơn ông!

TS. Vũ Thu Hương, Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội:

Nỗi đau bị xâm hại sẽ theo các em suốt đời

Với một đứa trẻ bị xâm hại, giờ phút kinh hoàng chống trả yếu ớt lại hành vi của những kẻ đang coi mình là một thứ trò chơi, cảm giác thật khủng khiếp. Nỗi đau đớn đến từ những bộ phận nhạy cảm nhất, kín đáo nhất, bí ẩn nhất khiến nỗi khiếp sợ nhân lên gấp bội. Cho dù sau đó, con có được chữa chạy về cơ thể, về tâm lý đến đâu, vết sẹo lớn mà con mang trong người cũng khiến con như trở thành một con người khác, một con người khuyết thiếu. Đã có những em bé không thể phục hồi được tâm trí sau những vụ xâm hại tình dục. Đã có những em bé phải mang thương tổn nghiêm trọng ở bộ phận sinh dục sau khi kẻ thủ ác đạt được điều hắn mong muốn. Một đứa trẻ lành lặn, xinh đẹp, khỏe mạnh bỗng chốc trở thành tật nguyền về cả tầm hồn lẫn thể xác. Nỗi đau đớn đó con sẽ mãi mãi mang theo cho đến tận khi xuống mồ!.

Liên tiếp những vụ xâm hại đau lòng

Công an TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vừa khởi tố vụ án “dâm ô đối với trẻ em” xảy ra tại phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu. Qua điều tra, cơ quan công an phát hiện thêm 6 cháu bé khác được cho cũng từng bị ông N.KT. dâm ô, kéo dài trong khoảng thời gian từ năm 2012 - 2016. Ngày 12/3, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã yêu cầu lãnh đạo Bộ Công an và VKSND Tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp vào cuộc điều tra, sớm làm rõ và có kết luận về vụ việc này.

Ngày 10/3, gia đình một bé gái học lớp 1, Trường tiểu học L.T.V (TP HCM) đã làm đơn tố cáo về việc cháu bị người đàn ông tên Đ. xâm hại tình dục ngay trong giờ nghỉ trưa tại lớp.

Ngay sau Tết Đinh Dậu, một cháu bé 13 tuổi ở Cà Mau đã tự vẫn sau khi bị hàng xóm xâm hại nhiều lần nhưng không được các cơ quan chức năng xử lý dù gia đình đã báo cáo.

Hãy dạy trẻ cách phòng tránh bị xâm hại thông qua quy tắc bàn tay hoặc quy tắc “đồ lót”

Đối với quy tắc bàn tay, phụ huynh hãy giơ 5 ngón tay để chỉ cho bé:

- Ngón cái - gần mình nhất tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như: Ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột - bé có thể ôm hôn mọi người hoặc đồng ý đề các thành viên trong nhà ôm hôn, thể hiện tình yêu thương, tắm rửa khi bé còn nhỏ.

- Ngón trỏ - tượng trưng cho thày cô, bạn bè ở trường lớp hoặc họ hàng của gia đình. Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa.

- Ngón giữa - người quen như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ - bé có thể bắt tay chào hỏi họ.

- Ngón áp út - gặp người mới gặp lần đầu, các bé có thể dừng lại ở mức vẫy tay chào.

- Ngón út - ngón tay xa bé nhất thể hiện cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc người có cử chỉ thân mật, khiến bé thấy lo sợ, bất an, bé hoàn toàn có thể bỏ chạy, hét to để thông báo với mọi người xung quanh.

Với quy tắc "đồ lót", phụ huynh có thể nói với con rằng: “Khi con mặc đồ lót, khu vực "kín" chỉ dành riêng cho con. Không ai có quyền đụng chạm vào đó”.

Theo Tuyết Trịnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h