Vợ chồng hội ngộ sau 40 năm ly tán

Ngày 15/07/2015 00:09 AM (GMT+7)

Vì chiến tranh, ông bà cùng các con ly tán. Ông bà cứ nghĩ người còn lại đã chết nên thờ cúng suốt 40 năm qua. Bất ngờ, họ gặp lại khiến mọi người không khỏi xúc động.

Đến huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) vào buổi trưa nắng nóng, vợ chồng bà Phan Thị Tý (85 tuổi) và ông Nguyễn Niết (87 tuổi) vẫn cười tươi, cùng vào bếp nấu ăn. Khi có người lạ đến hỏi về cuộc trùng phùng sau 40 năm, ông Niết cười: “Vui lắm cô chú ạ! Trước đây, tôi cứ tưởng bà ấy và các con chết hết rồi. Bà ấy cũng vậy. Không ngờ, chúng tôi lại có thể gặp nhau rồi vui vầy như thế này”.

Ông Niết và bà Tý cưới nhau, sinh được bốn người con, hai nam và hai nữ. Vào đầu năm 1975, Quế Sơn là chiến trường ác liệt, người dân thường xuyên chịu những cuộc ném bom dữ dội và các trận càn của địch. Nhà ông bà cũng như nhà nhiều người dân khác bị thiêu rụi trong biển lửa.

Vợ chồng hội ngộ sau 40 năm ly tán - 1

Vợ chồng ông Niết bà Tý ngày gặp lại

Không chịu đựng nỗi cảnh binh biến, vợ chồng ông quyết định dắt díu bốn đứa con là Nguyễn Thị Ty (16 tuổi), Nguyễn Văn Tuệ (10 tuổi), Nguyễn Văn Huệ (8 tuổi) và Nguyễn Thị Liên (3 tuổi) vào nam tìm “chân trời mới”. Họ dắt con vào Hội An rồi ra cảng Đà Nẵng lên xà lan. Thuở ấy, dân di cư đông như kiến. Trong lúc lên xà lan, ông bà để lạc mất chị Ty và anh Huệ.

Lênh đênh trên biển nhiều ngày, nhiều người lả đi vì đói khát. Nhiều người lấy nước biển thấm vào môi cho đỡ khát. Không ngờ, hành động này khiến họ bị dịch tả rồi chết như rạ.

Xà lan gần cập cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), ông Niết dặn vợ và hai con ngồi im để mình lên ca nô đi kiếm nước. Lúc này, bà Tý thấy con gái xỉu trên tay nên lê lê lết đi xin ít nước. Đoàn người dồn đẩy, bà lạc mất anh Tuệ. Bà gọi khản cổ nhưng không thể tìm ra.

Hơn một ngày sau, bà đành phải vào đất liền cùng cô con út. Chồng con lạc hết, trong túi không có tiền nên bà quyết định dắt con đi bộ về quê. Hơn một tháng đi bộ ròng rã, hai mẹ con mới về đến quê nhà.

Riêng ông Niết trở lại chỉ còn mỗi anh Tuệ. Ông dắt con trai tìm khắp nơi trên xà lan, rồi sang các thuyền khác tìm. Ông lần giở từng xác người để xem mặt nhưng vẫn không thấy vợ con đâu. Lúc này, nhiều người bảo: “Vợ và con ông bị khát chết và bị rơi xuống biển hết rồi”. Người đàn ông khóc váng khi lượm được thẻ căn cước của vợ.

Hai ngày sau, ông đành đáp xuống cảng Cam Ranh. Hai cha con sống lang bạt khắp nơi. Ông kiếm sống bằng cách làm thuê, đêm gặp đâu xin ngủ ở đấy. Trong thâm tâm, ông cho rằng, vợ và con đã chết hết, về quê không còn mặt mũi nào để gặp bà con chòm xóm. Do đó, khi đến huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, ông quyết định dừng lại để mưu sinh. Ông sang từ thẻ căn cước ra một bức ảnh lớn để thờ vợ. Hàng năm, ông chọn ngày 12/2 âm lịch, ngày gia đình ly tán để làm giỗ.

Ba năm sau, có một người phụ nữ từng qua một đời chồng thấy cuộc sống của cha con ông khốn khổ, xót thương nên thường giúp đỡ. Đàn ông thiếu vắng vợ, gặp cảnh này nên mủi lòng. Sau đó, họ gá nghĩa vợ chồng và sinh hạ được ba người con trai.

Nhiều lần, anh Tuệ cùng ba đứa con trai với vợ sau hỏi về gốc gác, khuyên cha nên về quê tìm người thân. Ông buồn rười rượi: “Vợ và con của cha ở đó chết hết rồi. Về thì chẳng còn ai nữa. Về tìm chỉ thêm buồn đau”.

Riêng bà Tý, sau khi về quê vẫn nuôi hy vọng chồng và các con sẽ trở về. Theo thời gian, chị Ty và anh Huệ cũng về nơi chôn rau cắt rốn. Riêng ông Niết và anh Tuệ vẫn bặt vô âm tín. Theo thời gian, niềm tin hai người này còn sống dần tắt lịm. Bà Tý đinh ninh chồng đã chết nên sang ảnh thờ phụng, lấy ngày 13/2 âm lịch hàng năm làm giỗ. Và, bà ở vậy nuôi các con.

Một ngày giữa tháng 5/2015, chị Liên đang bán hàng ở chợ Đàn thì một người quen bảo: “Ba mi (mày) còn sống mà sao mi không đi tìm kiếm?”. Chị thật thà trả lời: “Ba con chết 40 năm rồi, chú nói chi (gì) kì rứa (vậy)?”. Người đàn ông quả quyết có người ở Cam Lâm về xã Quế Thuận (huyện Quế Sơn) xác minh lý lịch, có cha là Nguyễn Niết.

Sau khi chợ tan, chị Liên đến nhà ông Phan Văn Huệ (Phó bí thư Đảng ủy xã Quế Thuận) hỏi sự việc và khẳng định có chuyện này. Đồng thời, ông Huệ đưa số điện thoại con trai út của ông Niết với người vợ sau. Từ anh con trai này, chị Liên có được số điện thoại của anh Tuệ (con trai của ông Niết với bà Tý).

Sau đó, chị Ty gọi điện với anh Tuệ. Anh Tuệ khẳng định mẹ và ba người thân của mình đã chết cách đây 40 năm. Chị Ty cảm nhận người đang trò chuyện có mối quan hệ ruột thịt nên hỏi nhiều thông tin. Chi không thể ngờ, mình hỏi câu nào, anh Tuệ trả lời đúng câu ấy. Chẳng hạn, hai chị em thường khiêng nước rớt thùng trúng chân, hay chuyện anh Tuệ với anh Huệ từng ra Đà Nẵng bán bánh mì…

Vợ chồng hội ngộ sau 40 năm ly tán - 2

Ông Niết giúp vợ vào bếp

Hôm sau, chị Ty cùng người thân vào Khánh Hòa để xác thực. Vào đến nơi, chị Ty nhận ra ngay cha và em trai. Ba người ôm nhau khóc miết không nói được lời nào. Vài ngày sau, ông Niết cùng chị Ty về Quế Sơn.

Ngày gặp, bà Tý rơm rớm nước mắt sờ vào mặt chồng. Bà không thể ngờ, 40 năm, mình đã làm giỗ cho người sống. Hai vợ chồng ngồi ôn lại những chuyện cũ. Bà trách, chừng ấy thời gian sao ông không quay trở lại tìm mà còn lấy vợ khác. Ông giãi bày, vì cứ tưởng bà và các con đã chết, xác rơi xuống biển nên không còn đủ can đảm trở về. Họ lại rấm rứt khóc.

Chính ông Niết hạ bức ảnh mình trên bàn thờ xuống. “Giờ gặp gỡ thế này, tôi thấy mình có lỗi với bà ấy và các con quá. Chắc bà ấy phải chịu đựng rất nhiều. Những ngày còn lại của cuộc đời, tôi chỉ mong bà ấy được yên vui, hạnh phúc”.

Hôm chúng tôi đến, bà Tý mừng mừng tủi tủi chia sẻ: “Ngày ông ấy đi, các con còn nhỏ. Nay, ông trở về, cả hai chúng tôi đều già, các con cũng lớn khôn hết rồi. Thậm chí, chúng tôi còn cả một đứa chắt ngoại. Kết hôn là duyên, xa nhau là biến cố và gặp gỡ là định mệnh. Gặp lại là một điều đáng mừng rồi”.

Nhật Thủy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot