Vụ Formosa: Cấm đánh cá tầng đáy trong vòng 20 hải lý?

Ngày 27/08/2016 15:27 PM (GMT+7)

Phương án khai thác thủy hải sản 4 tỉnh bị ảnh hưởng do Formosa gây ra phải dựa vào khoa học, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chịu trách nhiệm trước dân về độ an toàn.

Sáng 27-8, tại UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mời ngư dân 4 tỉnh miền Trung tham gia Hội nghị “ Báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường và bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản sau công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại hội nghị, căn cứ vào kết quả điều tra, đánh giá mức độ , phạm vi ô nhiễm môi trường biển do sự cố môi trường gây ra tại ven biển 4 tỉnh miền Trung của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) công bố ngày 22-8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) hướng dẫn khai thác, giám sát sản phẩm hải sản khai thác, nuôi trồng thủy sản và nghề muối tại tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.

Vụ Formosa: Cấm đánh cá tầng đáy trong vòng 20 hải lý? - 1

Ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình phát biểu

Đối với khai thác thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra 4 phương án thảo luận.

Thứ nhất là cấm ngư dân khai thác hải sản tại vùng biển từ 10 hải lý trở vào bờ kéo dài từ Vũng Án đến hết hòn Sơn Chà và tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ.

Thứ hai là cho phép ngư dân khai thác bình thường nhưng cấm ba vùng biển như Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương ( Hà Tĩnh ) với diện tích 300 km2, Nhật Lệ ( Quảng Bình ) với diện tích 330 km2, hòn Sơn Chà ( Thừa Thiên – Huế ) với diện tích 160 km2 và tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ.

Thứ ba là cho phép ngư dân khai thác bình thường, tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản khia thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ, cấm nghề khai thác cá tầng đáy từ 20 hải lý trở vào tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đối với các nghề : lưới, kéo, rê đáy, lăn, lồng bẫy.

Thứ tư là cho phép ngư dân tham gia hoạt động khai thác hải sản bình thường trên các vùng biển và tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về.

Đối với nuôi trồng thủy sản: Khôi phục hoạt động nuôi trồng thủy sản bình thường trên biển và vùng ven biển tại 4 tỉnh Hà Tĩnh , Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.

Vụ Formosa: Cấm đánh cá tầng đáy trong vòng 20 hải lý? - 2

Ngư dân Quảng Trị lo lắng khi không được đánh bắt gần bờ vì sự an toàn hải sản

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng không thể cấm ngư dân đánh bắt ở khu vực trong phạm vi 10-20 hải lý. Theo đó, Bộ NN-PTNT cần hướng dẫn các địa phương này có phương án kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản ở 3 khu vực hiện Bộ Tài nguyên - Môi trường đang khuyến cáo là Sơn Dương (Hà Tĩnh), Nhật Lệ (Quảng Bình) và Sơn Chà (Thừa Thiên - Huế).

Còn ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chọn phương án 4. Riêng ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định địa phương này không chọn phương án nào. Việc này phải do Bộ NN-PTNT chủ động, khai thác được hay không bộ này phải phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên - Môi trường thống nhất chứ không thể 4 địa phương lựa chọn. “Việc lựa chọn phương án khai thác phải dựa trên khoa học, có sự phản biện để chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quảng bình không được phép chọn, Bộ NN phải có trách nhiệm phối hợp để đem ra cho nhân dân” - ông Ngân khẳng định.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám, cho rằng Bộ NN-PTNT sẽ là cơ quan quyết định đến phương án, khu vực khai thác nhưng không thể áp đặt. Tại hội nghị này, theo ông Tám thì Bộ NN-PTNT đưa ra để xin ý kiến các địa phương, muốn lắng nghe. Bộ NN không trốn tránh trách nhiệm, việc không lựa chọn là quyền của Quảng Bình.

Tại hội nghị, đại biểu các địa phương đề nghị phải đưa đối tượng các tàu công suất trên 90 CV vào hỗ trợ bởi họ cũng bị thiệt hại do giá cả giảm nặng, thị trường không ai mua; các đối tượng làm dịch vụ, thương mại ven biển; hộ kinh doanh chế biến thủy hải sản... Đồng thời đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Y tế nhanh chóng kiểm tra chất lượng thủy sản đánh bắt trong thời gian xảy ra cá chết hiện đang nằm trong các kho đông lạnh. Nếu an toàn thì cho phép bán để tháo gỡ khó khăn cho người dân

Theo Q. Nhật
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự