Vụ sập hầm vàng: Đau lòng bố tự tay bới tìm xác con

Ngày 26/08/2016 15:00 PM (GMT+7)

Đó là nỗi đau của ông Bàn Văn Nhún, bố của nạn nhân Bàn Văn Nhung trú tại thôn Cam 3, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Không chỉ có ông, nhiều người thân của các nạn nhân khác đều rơi vào hoàn cảnh xót xa tương tự.

Tự tay bới xác con trai

Đến xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là bầu không khí tang thương đang bao trùm khắp các bản nghèo. Và câu chuyện về vụ sập hầm vàng được mọi người nhắc đến nhiều nhất trong những ngày này.

Vụ sập hầm vàng: Đau lòng bố tự tay bới tìm xác con - 1

Ông Bàn Văn Nhún trú thôn Quýt 1, bố của nạn nhân Bàn Văn Nhung đau đớn trước cái chết của con trai. Vợ ông bỏ đi từ khi Nhung chưa tròn một tuổi. Ảnh: Đ.V

Theo chỉ dẫn của một người dân địa phương, chúng tôi tìm được đến nhà ông Bàn Văn Nhún (trú thôn Quýt 1) bố của nạn nhân Bàn Văn Nhung (SN 1999), một trong 5 nạn nhân của xã bị thiệt mạng trong vụ sập hầm vàng.

Trong ngôi nhà lụp xụp, ông Nhún đang ngồi ăn cơm với mấy người hàng xóm. Thấy có khách đến nhà, ông buông đũa lên bàn rót nước mời khách. Người đàn ông có vẻ ngoài lam lũ bật khóc khi chúng tôi nhắc đến cái chết của con trai ông. Ông Nhún cho biết, Nhung mới đi làm vàng chưa được 1 năm. Nhung cũng chỉ về nhà thăm nhà một lần và đưa cho bà nội 3 triệu đồng để chữa bệnh.

“Tôi cũng là người đã từng làm việc tại khu mỏ vàng vừa sập nhưng tháng 7 vừa qua tôi đã trốn về vì công việc rất nặng nhọc. Lúc đó tôi rủ thằng Nhung trốn cùng nhưng nó không chịu vì tiếc 30 triệu chủ vàng chưa trả. Nó là đứa con duy nhất của tôi, mẹ bỏ đi khi nó chưa được một tuổi, tôi ở vậy nuôi con và chăm sóc mẹ già. Tôi không bỏ trốn chắc giờ hai bố con đã “gặp nhau” rồi, ông Nhún nghẹn ngào.

Theo ông Nhún, hai năm trước cuộc sống quá khó khăn, mẹ già lại đau ốm luôn mà không có tiền chữa bệnh, ông quyết định khăn gói lên mỏ vàng ở huyện Văn Bàn làm thuê. Đi được hơn 1 năm thì con trai ông xin lên làm cùng. Công việc ở mỏ vàng khá cực nhọc, ngày làm 12 tiếng, lương 1,4 triệu đồng/tháng. Lương một năm trả 1 lần, ngày thường chỉ nuôi ăn.

“Ngày 19/8, tôi và mẹ đang nói chuyện dưới bếp thì có một phụ nữ gọi điện báo con trai tôi bị lũ cuốn khi đang ngủ trong lán cạnh hầm vàng. Tôi gọi ngay vào máy của con trai nhưng không ai trả lời. Linh tính có chuyện chẳng lành tôi đã gọi thêm 2 người nữa lên chỗ con. Trưa ngày 20/8, đến hiện trường chúng tôi chứng kiến cảnh tượng đau lòng: Xác người nằm la liệt và từng tốp người đang khênh xác ra ngoài.

“Hỏi ai cũng lắc đầu không biết con tôi ở đâu nên 3 người chúng tôi chia nhau ra tìm. Sau đó tôi thấy con đang bị vùi lấp dưới đống bùn cạnh con suối. Tôi cuống cuồng đào bới cháu lên, rồi thuê 4 người 4 triệu đưa xác về. Con tôi mới 17 tuổi, còn trẻ quá. Hai bố con tôi trước giờ nương tựa nhau mà sống, giờ nó bỏ tôi đi thì tôi biết sống sao đây”, ông Nhún tức tưởi.

Mất mạng vì đi đào vàng để lấy tiền cưới vợ

Chúng tôi đến nhà ông Bàn Văn Thắng bố của nạn nhân Bàn Văn Lợi (SN 1999) khi đã quá trưa nhưng trong nhà rất đông người. Hỏi chuyện mới biết, gia đình mới làm xong lễ 3 ngày theo phong tục địa phương.

Trong ngôi nhà nhỏ tuềnh toàng chẳng có gì giá trị ngoài bộ bàn ghế mới mua. Ông Thắng không kìm được cảm xúc khi chúng tôi hỏi về cái chết của con trai ông. “Tội nó quá, mới đi làm được hơn 2 tháng thì mất mạng, chúng tôi mới đi hỏi vợ cho nó và đã định ngày cưới. Nó đi đào vàng thuê để lấy tiền cưới vợ. Vậy mà...”, ông Thắng nghẹn đắng.

Theo lời ông Thắng thì: “Khoảng 5 giờ 30 ngày 19/8, tôi mới ngủ dậy, nhận được một cuộc điện thoại nói con tôi gặp nạn và chết rồi. Đến ngày 21 thì có người đưa xác con tôi về tận nhà và đưa cho tôi 20 triệu nói là để tôi lo mai táng cho con…”.

Tiếp tục tìm đến Trạm Y tế xã Cam Cọn chúng tôi gặp chị Đặng Thị Bảy (Sinh 1969), trú tại bản Cam 3. Chị Bảy là vợ nạn nhân Bàn Văn Nhung. Sau khi chồng mất vì quá đau đớn chị đã đổ bệnh và phải đưa đi cấp cứu. Nằm trên giường bệnh, chị Bảy thì thào kể, hai vợ chồng chị đã kết hôn được gần 20 năm nhưng không có con, vợ chồng ở nhà quanh năm chỉ quanh quẩn bên vườn sắn, đồi ngô nên cuộc sống lúc nào cũng thiếu thốn. Năm ngoái, có vài người bạn trong xã đến nhà rủ chồng chị đi đào vàng thuê. “Chồng tôi đi làm từ tháng 7/2015. Sau đó anh ấy đi làm có gửi về cho gia đình được 10 triệu. Trước khi xảy ra vụ việc thương tâm này, tôi có gọi cho chồng hỏi về ăn Rằm tháng 7 không, anh bảo là không về được, tháng sau sẽ về. Thế mà giờ đây...”, chị Bảy khóc nấc.

Chia tay gia đình các nạn nhân chúng tôi cứ day dứt mãi với những người thân ở lại, xót xa cho những cái chết trẻ, oan uổng. Bao giờ bản nghèo này mới yên bình trở lại?

Ông Nhún cho biết, sau khi làm ma chay cho con trai xong, thì UBND xã Cam Cọn có gọi ông ra và nói rằng có một nhóm người đến làm thỏa thuận đền bù thiệt hại vì con trai ông đã mất. Sau đó, ông cùng với người nhà của 4 nạn nhân khác gặp một nhóm người xưng là chủ của mỏ vàng. "Nhóm người này nói họ sẽ đưa 100 triệu đồng để gia đình những người nhà nạn nhân không đưa vụ việc ra pháp luật. Chúng tôi không đồng ý, họ lại nói sẽ đưa 130 triệu đồng. Tôi đồng ý vì nghĩ con đã mất không muốn đôi co".

Ông Nhún cũng cho biết, trước đó cũng có một nhóm người đến đưa cho ông 20 triệu để lo mai táng cho con. Khi được hỏi, ông có biết nhóm người trên thuộc công ty nào không, thì ông lắc đầu không biết.

Xác định nạn nhân tử vong theo kiểu “nước đến đâu be bờ đến đấy”?

Đến ngày 25/8, giới chức tỉnh Lào Cai và huyện Văn Bàn đã thừa nhận có thêm 5 nạn nhân tử vong trong vụ sạt lở bãi vàng ở Mà Sa Phìn đêm 19/8.

Đáng lưu ý, trước đó nhiều ngày, chính quyền sở tại vẫn khẳng định: Chỉ 2 người chết và 4 người bị thương. Trong khi đó, từ số báo ngày 23/8, Báo GĐ&XH đã nêu đích danh tên tuổi, quê quán của nhiều phu vàng khác đã tử vong. 5 trong số 7 nạn nhân đã được cơ quan chức năng xác minh và thừa nhận. Tiếp tục điều tra, chúng tôi phát hiện: Số nạn nhân chết và mất tích trong vụ việc trên đã vượt qua con số 13.

Hiện tại, trên khu vực khai thác vàng có rất nhiều người từ nhiều địa phương khác nhau đang đi tìm tung tích người thân. Họ cho biết, do chính quyền địa phương không xác nhận người thân của họ đã thiệt mạng và mất tích trong vụ việc nên đành huy động người nhà tự tìm kiếm. Theo ghi nhận của phóng viên có ít nhất 3 trường hợp có danh tính, địa chỉ cụ thể.

Sáng 25/8, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Phạm Bình Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, Lào Cai cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi mới xác định được thêm 5 nạn nhân tử vong ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Tổng số người chết sau vụ sạt lở lán trại đêm 19/8 ở Ma Sà Phìn là 7. Còn số người mất tích chúng tôi vẫn đang trong quá trình xác minh”.

Khi PV đặt câu hỏi hiện lực lượng chức năng huyện Văn Bàn đang phối hợp xác minh những nạn nhân khác như thế nào thì ông Minh trả lời rằng cần phải có thời gian. Vị Phó chủ tịch huyện cũng nhấn mạnh, lực lượng chức năng đang tiếp tục xác minh những nạn nhân tử vong theo như Báo nêu.

Theo Đ.Việt – C.Tuân
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự