Vừa ngủ dậy người đàn ông đã bị liệt mặt, méo mồm vì lý do ít ai ngờ tới

Ngày 02/12/2016 17:53 PM (GMT+7)

Vừa ngủ dậy bước ra khỏi giường, thấy mặt “nặng như chì”, người đàn ông 46 tuổi bất ngờ khi phát hiện mình bị liệt mặt, méo mồm.

Ngủ dậy giật mình khi thấy bị méo mồm

Theo ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, từ đầu mùa rét tới nay, bệnh viện đã ghi nhận hàng chục ca bị méo mồm, liệt mặt... do lạnh, thậm chí có những trường hợp bị nặng phải điều trị nội trú cả tháng trời.

Ths.BS Nguyễn Ngọc Cảnh, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) cho biết, điển hình nhất trong những ca bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là trường hợp bệnh nhân tên Hùng, 46 tuổi ở Ninh Bình. Hiện bệnh nhân đã điều trị ở bệnh viện 3 tuần và chuẩn bị xuất viện.

Bệnh nhân Hùng chia sẻ, hôm đó là ngày đầu của đợt lạnh trong tháng 11, buổi sáng vừa ngủ dậy thấy “mặt nặng như chì”, lúc đầu ông Hùng chỉ nghĩ do hôm trước làm việc nặng nên vậy. Khi ra khỏi phòng, người nhà nhìn thấy mồm miệng méo xệch, khi đó ông mới biết mình bị liệt mặt.

Lo ngại điều chẳng lành xảy ra, ông Hùng được người nhà đưa đi thầy lang ở gần nhà để chữa, nhưng nhiều ngày bệnh không khỏi, sau đó người nhà đã đưa lên Bệnh viện Châm cứu Trung ương điều trị.

Vừa ngủ dậy người đàn ông đã bị liệt mặt, méo mồm vì lý do ít ai ngờ tới - 1

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Cảnh đang thăm khám cho một bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7.

“Khi tiếp nhận bệnh nhân này, mắt trái của bệnh nhân nhắm không kín, ăn uống rơi vãi, không huýt sáo được. Nhận thấy đây là ca liệt dây thần kinh số 7, nhưng đến viện muộn nên chúng tôi đã cho nhập viện để điều trị. Hiện bệnh nhân đã cải thiện được hơn 90% sau gần 3 tuần điều trị”, BS Cảnh chia sẻ.

Theo BS Cảnh, liệt dây thần kinh số 7 rất hay xảy ra trong mùa lạnh, đối tượng mắc nhiều nhất là người cao tuổi. Đặc biệt những trường hợp người đi tập thể dục trong mùa đông quá sớm hoặc không bảo vệ sức khỏe khi đi ra ngoài trời lạnh.

BS Cảnh cũng cho biết, tuy là bệnh lành tính, nhưng liệt dây thần kinh số 7 cũng để lại di chứng nặng nề nếu không được cứu chữa kịp thời. Biến chứng nặng nhất là loét giác mạc, thậm chí dẫn đến mù mắt.

Một vấn đề khác cũng được BS Cảnh lưu ý là việc tự chữa liệt mặt bằng phương pháp dân gian như dán đuôi lươn, chân ngóe lên mặt hay chữa theo các thầy lang. “Nhiều trường hợp, bệnh không nguy hiểm nhưng lại phải nhập viện vì những tác hại của việc chữa bệnh theo lang băm”, BS Cảnh cảnh báo.

Điển hình là trường hợp nữ bệnh nhân tên Hằng (37 tuổi, ở Thái Nguyên), bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do đi làm quá sớm. Triệu chứng ban đầu chỉ là mồm méo sệch, mắt khô, da mặt nhăn nheo. Tuy nhiên, trường hợp này không đến bệnh điện điều trị mà lại chữa theo lang băm bằng cách dán cao. Sau 10 ngày, bệnh liệt mặt không những không khỏi mà da mặt còn bị phồng dộp lên từng mảng và phải đưa đi cấp cứu.

Khi đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương, các bác sĩ chỉ can thiệp được vấn đề chữa liệt dây thần kinh số 7, còn vấn đề bị loét mặt do dán cao thì chỉ hạn chế được tác hại của nó, chứ không thể cải thiện được hoàn toàn. Như vậy, bệnh nhân Hằng phải chịu vết sẹo trên mặt cả đời.

Vừa ngủ dậy người đàn ông đã bị liệt mặt, méo mồm vì lý do ít ai ngờ tới - 2

Nhiều thanh niên cũng bị liệt mặt, nhất là trong mùa lạnh.

Cảnh báo nguy cơ liệt mặt ở trẻ nhỏ

Ngoài những trường hợp người lớn bị liệt dây thần kinh số 7 do thời tiết lạnh, Ths Cảnh cũng đặc biệt lưu ý đối với các phụ huynh về tình trạng trẻ nhỏ bị liệt dây thần kinh số 7, thậm chí có trường hợp bị liệt rất nặng.

“Chúng tôi vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi mới 9 tuổi đã bị liệt dây thần kinh số 7 trung ương. Điều đặc biệt là trường hợp này ngoài méo mồm còn bị liệt nửa người. Đối với trường hợp liệt dây thần kinh số 7 trung ương như bệnh nhi này việc điều trị khó khăn hơn nhiều so với các trường hợp liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên”, BS Cảnh cho hay.

Theo BS Cảnh, hiện nay tình trạng nhiều phụ huynh đưa trẻ đi học trong mùa đông, dù trời lạnh nhưng lại hay để trẻ ngồi hoặc đứng ở trước xe rất nguy hiểm. Dù trẻ được mặc ấm thì đứng phía trước xe vô tình gió lạnh sẽ tạt vào mặt, rất dễ gây liệt mặt.

Điển hình là trường hợp một bệnh nhi ở Thường Tín (Hà Nội) bị liệt mặt vì lý do như vừa nói trên. Quá lo lắng phụ huynh đưa trẻ đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương điều trị. 

“Trường hợp này liệt nhẹ, có thể tự khỏi nên chúng tôi chỉ cho thuốc về điều trị ngoại trú, chứ không cần châm cứu, bấm huyệt. Bởi, nếu cho điều trị ở viện, mỗi ngày 1 lần đưa trẻ từ nhà tới viện trong điều kiện thời tiết như hiện nay thì bệnh càng nặng thêm”, BS Cảnh chia sẻ.

Để phòng bệnh, BS Cảnh khuyến cáo người dân không nên đi tập thể dục quá sớm, nhất là người cao tuổi. Buổi sáng ngủ dậy nên ở trong phòng ấm 10-15 phút làm quen thời tiết trước khi ra ngoài. Đặc biệt là phải mặc ấm trong mùa lạnh, không nên cho trẻ ngồi trước xe máy khi đi ra đường.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h