WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về Ebola

Ngày 08/08/2014 18:09 PM (GMT+7)

Hôm nay (8/8), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố dịch Ebola bùng phát tại Tây Phi là mối nguy y tế cộng đồng khẩn cấp toàn cầu và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ châu Phi.

Trước sự hoành hành vượt mức kiểm soát của virus Ebola, Tổ chức Y tế thế giới đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch bệnh nguy hiểm này. Quyết định này được đưa ra sau khi WHO kết thúc cuộc họp khẩn bàn về cách phòng chống Ebola diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ.

WHO khẳng định hậu quả của sự lây lan toàn cầu là đặc biệt nghiêm trọng xét về sự tàn phá của virus, sự lây lan tại các cơ sở y tế và cộng đồng, các hệ thống y tế yếu kém tại những quốc gia bị ảnh hưởng”.

Trong một tuyên bố, WHO nêu rõ: “Cộng đồng quốc tế cần phải phối hợp hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh Ebola trên toàn thế giới”.

WHO yêu cầu tất cả các quốc gia có dịch Ebola - cho đến nay gồm Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone - phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, không nên chỉ có lệnh cấm chung về du lịch quốc tế, kinh doanh.

Phát biểu tại hội nghị ở Geneva – Thụy Sĩ, Giám đốc WHO - Giáo sư Margaret Chan - cho biết tuyên bố nêu trên là “một lời kêu gọi rõ ràng về sự đoàn kết quốc tế” dù nhiều nước hiện chưa có bất kỳ ca nhiễm Ebola nào.

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về Ebola - 1

Gần 1000 người ở Tây Phi đã thiệt mạng vì Ebola

Đợt bùng phát Ebola hiện nay còn kéo dài nhất trong lịch sử. WHO từng ra quyết định tương tự đối với dịch cúm gia cầm vào năm 2009 và bệnh bại liệt hồi tháng 5. WHO cho biết kể từ tháng 3 đã có hơn 1.700 ca mắc Ebola và ít nhất 932 trường hợp tử vong ở các quốc gia Tây Phi như Sierra Leone, Guinea, Liberia và Nigeria.

Tổng thống Liberia, bà Ellen Johnson Sirleaf, đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 90 ngày. "Tôi xin tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước Cộng hòa Liberia có hiệu lực từ ngày 6/82014 và trong thời gian 90 ngày", bà tuyên bố.

"Quy mô và phạm vi của dịch bệnh Ebola đã vượt quá tầm kiểm soát của bất kỳ quốc gia nào. Chính phủ và nhân dân Liberia đòi hỏi có các biện pháp đặc biệt đối với sự tồn vong của nhà nước và để bảo vệ cuộc sống của người dân chúng tôi", bà nói thêm.

Trước đó, Liberia đã đóng cửa nhiều trung tâm y tế, bệnh viện do các nhân viên y tế lo ngại bị nhiễm bệnh. Chính phủ cũng huy động quân đội thực hiện chiến dịch "Lá chắn trắng," phong tỏa các khu vực nhiễm dịch.

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về Ebola - 2

Bác sĩ Brantly (phải) bị nhiễm virus Ebola khi đang làm từ thiện ở Liberia

Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines cho biết 7 công nhân trở về từ châu Phi và nghi bị nhiễm Ebola chưa có bất kỳ triệu chứng nào của virus Ebola. Họ đang được theo dõi mỗi ngày vì thời gian ủ bệnh từ 2 - 21 ngày. Họ nằm trong nhóm 15 người hồi hương từ Sierra Leone trong khoảng thời gian từ ngày 26-6 đến 15-7.

Các quốc gia Đông Nam Á đang tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Ebola có nguy cơ lan rộng ra khỏi Tây Phi, bằng các quy định kiểm tra, cách ly ngay tại sân bay và cửa khẩu.

Hà Anh (T.H)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot