Xét tuyển đợt 1: Nhiều trường đứng ngồi không yên

Ngày 11/08/2016 08:47 AM (GMT+7)

Việc thí sinh được nộp hồ sơ vào hai trường, mỗi trường hai ngành trong đợt đầu tiên đang khiến các trường ĐH đứng ngồi không yên vì lo lượng thí sinh ảo sẽ rất lớn.

Nhiều trường lo không đủ thí sinh

Nhiều trường top giữa nhận định, năm nay, tỉ lệ ảo sẽ rất lớn khi thí sinh được nộp hai trường. Điều này khiến các trường phải tính toán để có thể  tuyển đủ thí sinh nhập học.

Lãnh đạo một số trường tốp giữa cho biết, khi nhận phiếu đăng kí xét tuyển, nhà trường sẽ phân loại thí sinh. Thí sinh nộp vào trường có điểm chuẩn cao hơn điểm chuẩn của trường sẽ tạm xếp vào danh sách ảo bởi nếu trúng tuyển, khả năng lớn là thí sinh sẽ chọn trường có thương hiệu.

TS.Trương Đại Lượng – Phó trưởng phòng đào tạo Đại học Văn hóa cho biết, năm nay, theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, các trường không cập nhật danh sách, thứ hạng thí sinh nộp hồ sơ nên không gây xáo trộn như năm ngoái trong kỳ tuyển sinh.

Tuy nhiên, mỗi thí sinh được nộp 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng nên thuận tiện cho thí sinh tuy nhiên các trường gặp “khó” vì không phán đoán được lượng “ảo”.

Xét tuyển đợt 1: Nhiều trường đứng ngồi không yên - 1

Đại diện phòng đào tạo ĐH Mỏ Địa chất cho biết, tính đến hết ngày 9/8, trường có khoảng 1500 – 1800 thí sinh đến nộp đơn trực tiếp tại trường. Với số lượng đó, trường dự báo năm nay điểm chuẩn sẽ không thay đổi nhiều so với năm ngoái. Nếu chênh lên chỉ lên hoặc xuống 0.5 điểm đối với các ngành hot.

Ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, tính đến ngày 9-8, trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã có gần 9000 thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1.

Theo nhận định của ông Tớp, với lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường Đại học Bách khoa thì nguyện vọng 1 sẽ có một số ngành tuyển đủ chỉ tiêu.

Theo ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Kinh tế Quốc dân, đến nay trường đã nhận được khoảng 2.000 bộ hồ sơ. Số lượng hồ sơ mà nhà trường nhận được trực tiếp chiếm gần 50% số chỉ tiêu của trường.

Còn tại Đại học Thủy lợi, GS Trịnh Minh Thụ, Phó hiệu trưởng ĐH Thủy lợi cũng cho biết, đến nay, trường nhận được 2.000 hồ sơ nguyện vọng 1 và khoảng vài nghìn hồ sơ nguyện vọng 2. Tuy nhiên, do thí sinh được nộp 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng nên chắc chắn sẽ có lượng thí sinh ảo.

Trường nghề than thiếu công bằng        

Theo nhận định của ông Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, xã hội vẫn chưa có mức đãi ngộ đối với những người học nghề. Do đó, lượng thí sinh hướng đến học đại học và các trường cao đăng chuyên nghiệp vẫn cao hơn học nghề.

Ông Hiệp lý giải, hiện lương của lao động có bằng đại học vẫn cao hơn mức lương của những lao động có bằng học nghề nên thí sinh vẫn có xu hướng học đại học để có thu nhập cao trong tương lai.

Đồng quan điểm, ông Lê Thế Hưng, Trưởng phòng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cũng cho biết, mức lương của những người học cao đẳng nghề vẫn thấp hơn so với những người học cao đẳng chuyên nghiệp. Do đó, trường nghề vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút người học.  

Do đó, để học sinh hướng tới học nghề cần phải có chính sách đồng bộ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Ông Hưng đề xuất, hết bậc THCS cần phải chia luồng học sinh một phần theo hướng học đại học còn lại theo học nghề. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải mở rộng thông tin về nhu cầu nguồn nhân lực, chính sách đãi ngộ… để người học hướng tới học nghề nhiều hơn.

Theo Diệu Thu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Điểm thi đại học