“Xin chữ đầu năm mới tái sinh được lớp vỏ”

Ngày 20/02/2015 10:57 AM (GMT+7)

“Xin chữ đầu năm gần như chỉ mới tái sinh được lớp vỏ bên ngoài mà chưa làm sống lại cái chất văn hóa nhân văn truyền thống”, TS. Trần Trọng Dương bày tỏ.

Vẫn được quy ra “ngân phiếu”

Trao đổi với phóng viên, TS. Trần Trọng Dương (Viện Hán Nôm) cho rằng, xin chữ thư pháp đã được “hồi sinh” bởi những người hiếu cổ và được quản lý, điều hành bởi các cơ quan chức năng, như Trung tâm Hoạt động Văn khoa Văn Miếu Quốc Tử Giám. 

Năm nay, phố ông đồ có một địa điểm mới, chất lượng ông đồ cũng tốt hơn sau 2 kỳ sát hạch. Nhưng dù cho chữ trong sân của Văn Miếu, hay bán chữ ở vỉa hè như những năm trước thì thực chất vẫn được quy ra "ngân phiếu", "quy trình xin chữ" cổ truyền không còn nữa.

“Xin chữ đầu năm mới tái sinh được lớp vỏ” - 1

Theo TS. Trần Trọng Dương, "quy trình xin chữ" cổ truyền không còn nữa

Người cho chữ hầu như chẳng biết người xin chữ là ai. Hơn nữa, người xin chữ và người cho chữ không còn tâm thái ngồi pha ấm trà hỏi han nhau về gia đình con cái, về hoài vọng khát khao trong cuộc sống để tìm câu nhặt chữ, rồi thanh thản đặt bút viết được một bức chữ cho hợp người hợp cảnh.

“Xin chữ đầu năm gần như chỉ mới tái sinh được lớp vỏ bên ngoài, mà chưa làm sống lại cái chất văn hóa nhân văn truyền thống”, TS. Dương bày tỏ.

Nhà nghiên cứu thư pháp Trần Trọng Dương cho biết, thời xưa, xin chữ khác thời nay khá nhiều. Trong môi trường chữ Hán là chữ viết chính thống, Nho giáo chiếm vị trí hàng đầu thì việc xin chữ luôn gắn liền với “đạo” và “lễ”. 

Người được xin chữ thường phải có đủ các tiêu chí: đạo đức, học vấn và tài hoa. Ấy là chưa kể đến các tiêu chí danh vọng và tuổi tác… Vì thế, người xin chữ phải sắm lễ lạt, đích thân đến tận nhà “thầy” để cầu thỉnh. 

TS. Trần Trọng Dương cho rằng, hình ảnh ông đồ ra vỉa hè viết chữ như nhà thơ Vũ Đình Liên khắc họa chỉ là một hình ảnh "thất thế" của những người có chút chữ, không còn phương thức mưu sinh nào khác, đành phải ra vỉa hè để "bán chữ" vào thời buổi mạt vận của Hán học.

Theo TS Dương, thời nay, người ta có thể thương mại hóa đủ thứ thì chuyện xin chữ ở phố ông đồ cũng là chuyện bình thường. 

Tuy nhiên, ông cũng chứng kiến vẫn có những người có chuyên môn, có nhân cách, nhưng họ chấp nhận ngồi xuề xòa cùng với nhiều người khác, không hẳn chì vì mấy đồng tiền, mà vì những thứ khác nằm trong vẻ đẹp của chữ nghĩa. Họ sẵn sàng, bỏ cả tiếng đồng hồ để trò chuyện với một người biết đúng lễ nghĩa của việc xin chữ.

Phải làm văn hóa trước, làm kinh tế sau

“Xin chữ đầu năm mới tái sinh được lớp vỏ” - 2

Theo nhà thư pháp Lê Quốc Việt, phố ông đồ không phải nơi phân lô bán hàng, chặt chém con chữ, bòn rút của dân

Nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Trọng Dương cho rằng, để xin chữ trở thành một tập tục tốt thì công việc lại nằm ở những người quản lý và những người cho chữ. Bởi nếu gò mình viết như những cái máy chữ trong Văn Miếu, hay chỉ biết chặt chém vỉa hè thì chỉ phản tác dụng.

Những người cho chữ phải xác định, mấy cái ngân phiếu, mấy cái đồng tiền (công nhật) kia chỉ là chuyện tầm thường, cái quan trọng là khôi phục được cái lề thói của việc chữ nghĩa. 

Nhà thư pháp Lê Quốc Việt, giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam cho rằng, xin và cho chữ phải được muôn dân ra đề bởi tiền là tiền thật nên để dân ra đề chứ không thể theo ý ông đồ.

Chẳng hạn: Dân xin chữ “Đỗ”, ông đồ lại chỉ cho chữ Nhẫn là hỏng. Do đó, các ông đồ hãy nhìn vào chính mình, thấy yếu thì rút lui, đừng nhân chữ bẩn, chữ xấu khắp Hà Nội.

“Phố ông đồ không phải nơi phân lô bán hàng, chặt chém con chữ, bòn rút của dân. Các ông đồ nên nghĩ ngồi trong Hồ Văn cho chữ như triển lãm văn hóa hơn là đi bán chữ. Phải làm văn hóa trước, làm kinh tế sau”, ông Việt bày tỏ.

Theo Diệu Thu (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan