Xin đừng chủ quan với cúm!

Ngày 23/04/2013 14:51 PM (GMT+7)

TS Trần Như Dương, Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ Việt Nam cảnh báo các ca nhiễm cúm H1N1 tử vong trong thời gian qua là do chủ quan, coi thường bệnh cúm.

Bé gái 12 tuổi tử vong vì cúm

Sáng nay, ngày 23.4, bé gái 12 tuổi ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa đã tử vong tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) vì cúm H1N1.

Được biết, trước đó anh rể của bé gái ở Hà Nội, dù đang bị cúm nhưng vẫn về nhà ngoại ở Thanh Hóa thăm vợ con. Người anh rể này đã lây bệnh cho 3 thành viên khác trong gia đình. Hai người tự khỏi bệnh, riêng bé gái thì bệnh tiến triển nặng thêm.

Bắt đầu ngày 16.4, bé gái có biểu hiện sốt, khó thở nhẹ. Gia đình đưa bé đến khám tại BV huyện Vĩnh Lộc. Sau một ngày điều trị,bé bị khó thở nặng hơn, bác sĩ cho chuyển lên BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Tại BV tỉnh, cũng chỉ sau một ngày nhập viện, tình trạng khó thở của bệnh nhi càng tăng. Kết quả chụp X-quang phổi cho thấy cháu đã có tổn thương lan tỏa 2 phổi. Bệnh nhi tiếp tục được chuyển sang BV Lao và Bệnh phổi Trung ương và cuối cùng là chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết cháu bé nhập viện BV Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng suy hô hấp rất nặng, phải thở máy. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi dương tính với vi rút cúm H1N1. Ngay khi nhập viện, bệnh nhân đã được dùng thuốc kháng vi rút và hiện vẫn đang được hồi sức tích cực. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh quá nặng, cháu bé đã tử vong vào sáng ngày hôm nay. Như vậy tổng cộng từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã ghi nhận 3 ca tử vong vì cúm H1N1, trước đó là một thanh niên 23 tuổi và một người đàn ông 46 tuổi, đều ở Yên Bái.

Xin đừng chủ quan với cúm! - 1

Bé gái tử vong vì nhiễm cúm H1N1

Được biết, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam 83 tuổi được chuyển đến từ BV Nông nghiệp do tình trạng bệnh ho sốt, khó thở. Bệnh nhân cũng phải thở máy và có tổn thương cả 2 bên phổi.

Liên tiếp có ca nhiễm cúm H1N1 tử vong làm dấy lên lo ngại chủng vi rút này đã có sự biến đổi về độc lực và có nguy cơ bùng phát thành đại dịch như năm 2009. Lý giải việc từ đầu năm đến nay xuất hiện nhiều ca mắc và tử vong vì cúm H1N1, BS Hà cho biết, sau đại dịch cúm H1N1 vào năm 2009, đến nay chủng cúm này đã xuất hiện và lưu hành như một vi rút cúm mùa. Do đó việc ghi nhận ca mắc là đương nhiên. Bản nhân chủng vi rút cúm H1N1 có nhiều đoạn gene khác nhau và có khả năng biến đổi linh hoạt với môi trường sống. Để tồn tại và thích nghi với môi trường sống, khi xâm nhập vào cơ thể người để được nhân lên, vi rút này buộc phải biến đổi và sắp xếp các đoạn gene theo một cấu trúc mới. 

Đừng chủ quan với cúm

TS Trần Như Dương, Viện viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, cũng giống như cúm mùa thông thường thường khác các ca cúm H1N1 có thể tự khỏi nhưng vẫn có tỷ lệ tử vong nhất định. Nguy cơ tử vong cao hơn ở những đối tượng người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người mắc các bệnh mạn tính

"Người dân cho rằng cúm là bệnh "xoàng", bệnh thông thường nên không điều trị mà cứ mặc kệ. Quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Dù đa phần các ca bệnh có thể khỏi nhưng cần phải hiểu rằng bản chất của cúm là bệnh nghiêm trọng, có thể gây tử vong. Trên thế giới mỗi năm ghi nhận từ 250-500.000 ca tử vong vì cúm. Cúm H1N1 nguy hiểm hơn vì có thể lây từ người sang người, chính vì thế vi rút này đã từng gây ra đại dịch trên toàn thế giới vào năm 2009”.

Gần đây BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng mới ghi nhận trường hợp thanh niên trẻ, hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiền sử mắc bệnh đã tử vong vì cúm H1N1. Hay như trường hợp một người đàn ông 46 tuổi, không có tiểu sử bệnh tật cũng đã chết vì cúm H1N1. Điều này đã làm dấy lên mối nghi ngờ chủng cúm H1N1 đã có sự biến đổi về độc lực. Thậm chí, nhiều người lo ngại có sự kết hợp của các chủng vi rút cúm đang hoàng hành tạo ra vi rút cúm mới hết sức nguy hiểm.

Tuy nhiên, TS Dương khẳng định, các nghiên cứu gần đây cho thấy chưa có sự biến đổi về độc lực theo hướng mạnh lên của chủng vi rút cúm H1N1 này. Việc Việt Nam ghi nhận ca tử vong vì cúm H1N1 ở người trẻ là do đây là những người có cơ địa mẫn cảm nên khi mắc bệnh bệnh dễ tiến triển nhanh, gây suy hô hấp, suy đa phủ tạng và tử vong.

TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết các ca cúm tử vong đa phần là do nhập viện muộn, khi đã có biến chứng tức ngực, suy hô hấp, viêm phổi nặng.

Theo TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, kết quả giám sát cúm trong hơn 3 tháng đầu năm 2013 cho thấy chủng vi rút cúm H1N1 từng gây đại dịch vào năm 2009 chiếm tới 48% các mẫu xét nghiệm, thay thế dần cúm B và H3N2. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái, các mẫu xét nghiệm nhiễm cúm H1N1 chỉ chỉ chiếm 5-7%. 

Do đó, TS Dương nhấn mạnh, cần phải hiểu rằng bản chất của cúm là bệnh nghiêm trọng ,cúm H1N1 rất dễ lây từ người sang người. Vì thế, người dân không nên chủ quan, khi có biểu hiện cúm nên cách ly để tránh lây nhiễm cho mọi người xung quanh. Người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm vi rút cúm.

Nếu thấy có triệu chứng sốt cao, khó thở dù là người trẻ, không thuộc nhóm có nguy cơ cao bệnh diễn biến nặng như người già, trẻ em, phụ nữ có thai cũng cần đến ngay các cơ sở y tế điều trị. Thời điểm được coi là thời gian vàng, dùng thuốc Tamiflu trong điều trị cúm là 3 ngày đầu tiên có triệu chứng khởi phát bệnh. Nếu bệnh nhân được điều trị sớm trong thời gian vàng này thuốc sẽ ức chế sự nhân lên của vi rút trong cơ thể, giảm lượng vi rút trong cơ thể giúp bệnh diễn biến nhẹ, hạn chế nguy cơ tử vong. TS Dương cũng khuyến cáo để phòng tránh nhiễm cúm H1N1 người dân có thể tiêm vắc xin vì hiện tại Việt Nam đã có loại vắc xin phòng bệnh cúm này. 

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch cúm