Xóm nhà không cửa ở đất Mũi

Ngày 10/04/2014 08:29 AM (GMT+7)

Đi khắp xóm cũng không nhà nào có cửa. Mà đâu phải dân ở đây nghèo đâu, nhà nào cũng có tủ lạnh, tivi, xe máy… nhưng không nhà nào 'làm nổi' cái cửa.

Ở chót Mũi Cà Mau có một “xóm nhà không cửa” (thuộc ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển). Theo các bậc lão làng sinh ra và lớn lên tại đây thì đây là nơi duy nhất trên đất nước ta còn lưu giữ lại được nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng sông nước miền Tây...

Từ TP.Cà Mau đến xã Đất Mũi mất hơn 2 giờ. Đón chúng tôi là một thanh niên có cái tên “không đụng hàng”- Lùn - nhân viên Trạm phát thanh xã. Lùn niềm nở: “Hôm qua, em đã nghe chú Tiến (Lý Hoàng Tiến - Bí thư Đảng ủy xã Đất Mũi) giao nhiệm vụ dẫn đường cho các anh đến xóm Mũi”.

Cất nhà ở vậy cho mát

Từ trụ sở UBND xã Đất Mũi đến “xóm nhà không cửa” thuộc ấp Mũi chưa đầy 5km. Ngay từ lúc mới đặt chân ở đầu làng ấp Mũi, chúng tôi đã cảm nhận được sự yên bình, gần gũi đến mức lạ thường của làng quê nơi đây. Những ngôi nhà khang trang san sát dựa lưng vào bìa rừng, còn mặt trước thì hướng ra con lộ giao thông nông thôn bóng loáng. Điều khiến mấy anh bạn đi chung với tôi giật mình là ở xóm này chỉ cần đứng ở trước nhà đã có thể nhìn thấy hết mọi đồ đạc bên trong.

Xóm nhà không cửa ở đất Mũi - 1

Người dân xóm Mũi nhiệt tình hiếu khách.

Ông Trần Thanh Tùng - Trưởng Ban nhân dân ấp Mũi cười tươi cho biết: “Cũng vì mê cái phong tục tạo nên một nét đẹp đời thường này mà cách đây mấy chục năm tôi đã đưa vợ con về đây sinh sống. Ở đây người dân chỉ lo làm giàu, chứ của cải, tiền bạc, heo, gà… thì không lo mất trộm”.

Ông Tùng quê gốc ở miệt Giá Rai (Bạc Liêu), năm 1991 khi phong trào nuôi tôm trên đất bãi bồi ở Ngọc Hiển phát triển, ông cũng bị cuốn theo chuyện “cơm áo gạo tiền” mà dạt về đây. Đến năm 1995, bãi bồi bị giải tỏa, ông Tùng không trở lại quê hương mà quyết định đưa cả gia đình về đây định cư sinh sống.

Vốn là người chất phác nên dù không phải là dân địa phương nhưng hơn 10 năm trước ông Tùng được bà con xóm Mũi tin tưởng bầu làm công an ấp, rồi phó ấp và bây giờ là Trưởng ban nhân dân ấp Mũi. “Hơn 10 năm hoạt động ở đây, tui chưa phải xử lý đến 5 vụ trộm cắp” - ông Tùng nói.

Vậy là cũng có trộm - anh bạn tôi hỏi. Ông Trưởng ban nhân dân ấp vội khua tay: “Trộm gì đâu. Chẳng qua là mấy ông bợm nhậu đang đêm hết mồi đi bắt mấy con cua của bà con về làm mồi nhậu ấy mà. Mấy con cua thì ăn nhằm gì, nhưng không biết ai làm nên phải điều tra. Nói điều tra cho oai vậy chứ chỉ cần hỏi ai bắt cua thì mấy ông bợm nhậu đã nhận rồi. Gọi là “trộm” để cho mấy ông hay nhậu chừa đi cái tật rượu chè thôi”.

Sau mấy câu lý giải từ “trộm” của ông Tùng, mọi người có mặt ồ lên cười. Hóa ra, “trộm” ở xứ này được bà con quan niệm nhẹ nhàng đến thế. Mà nghĩ cũng phải, vì nếu như ở xóm Mũi có người tham lam thì đã không tồn tại cái danh "xóm nhà không cửa".

“Lo mà làm để ăn”

Tìm đến nhà của ông Tám Đá (Nguyễn Văn Đá, SN 1949), hỏi ông về phong tục, tập quán cất nhà không cửa ở đây, chúng tôi được vợ chồng ông trả lời đúng một câu: “Cất nhà vậy ở cho mát, chứ dùng cửa làm chi, bít bùng, nóng nực lắm!”.

Thấy chúng tôi trố mắt lên khi nghe vậy, ông Tám Đá nói vội: “Tính đến đời con tui nữa là đã 4 đời gia đình tui sinh sống ở làng này. Tui cũng hổng biết nhà không cửa có từ khi nào nữa à nghen. Chỉ biết khi mới chào đời thì nhà tui đã không cửa. Đi khắp xóm cũng không nhà nào có cửa. Mà đâu phải dân ở đây nghèo đâu, nhà nào cũng có tủ lạnh, tivi, xe máy… nhưng không nhà nào “làm nổi” cái cửa. Mình cũng theo phong tục của ông cha mà sống”.

Tiếp lời chồng mình, bà Huỳnh Thị Ba nói: “Hai vợ chồng tui có đến gần 40 đứa con cháu. Từ lúc tụi nó còn nhỏ, vợ chồng tui đã dạy bảo chúng nó không được tham lam của ai. Phải biết lo mà làm để ăn".

Hai bên đường dọc theo con lộ dẫn vào Khu du lịch văn hóa Mũi Cà Mau thuộc ấp Mũi là những dãy nhà sàn của cư dân bản xứ. Ngoài nét văn hóa đặc trưng nhà không cửa thì nhà sàn cũng là một nét đẹp độc đáo. Do địa hình gần biển nên từ tháng 9 -10 hàng năm nước biển dâng cao có khi cả mét. Do vậy nhà nào cũng phải làm sàn cao hơn 1m.

Của cải cứ để ngoài đường

Ông Tùng cho biết, ấp Mũi có 341 hộ, 1.780 nhân khẩu. Cách đây vài năm, ấp Mũi có đến 100% nhà không cửa. Bây giờ thì một số gia đình đã làm cửa, tuy nhiên, chỉ chiếm một phần nhỏ.

"Cái có giá trị nhất ở đây là nét đẹp trong lối sống của ông bà tổ tiên để lại. Mà cái này nhà nào cũng có thì cần gì lấy trộm của ai”.

Ngư dân Nguyễn Văn Ngọt

Nói về việc nhà không cửa, ông Nguyễn Văn Bi (Hội Nông dân ấp Mũi) bộc bạch: “Không phải vì ở đây là nơi độc đạo, không lối thoát nên không có trộm mà dân ở đây không ai biết tham lam tài sản của người khác. Ai cũng lo làm ăn phát triển kinh tế gia đình mình hết, nên ban đêm xe cộ đậu ngoài sân cũng không ai thèm lấy”.

Quả đúng như lời ông Bi, từ đầu ấp đến cuối ấp, chúng tôi ghi nhận ở từng hộ gia đình bà con “bỏ mặc” tài sản của mình. Dân xóm Mũi sống chủ yếu nhờ vào việc khai thác hải sản nên ban ngày ai cũng ra biển đánh bắt. Đồ đạc, của cải để lại mà không bị mất thứ gì.

Ông Lý Hoàng Tiến - Bí thư Đảng ủy xã Đất Mũi khẳng định: Cuộc sống của người dân ở ấp Mũi không tệ nạn trộm cắp, nhà nhà thi đua ra sức làm ăn. Điều khá thú vị là ở xã này tỷ lệ nhà không cửa khoảng 40%, riêng xóm Mũi có đến hơn 90%. Đơn cử như nhà anh Nguyễn Văn Ngọt đã qua 3 lần cất lại nhà nhưng không nhà nào có cửa. Mà theo cách lý giải ví von của ngư dân này thì “không có người tham, xây cửa làm gì cho tốn kém”. 

Để chứng minh rằng mình không nói khoác, anh Ngọt đưa tay chỉ cho chúng tôi nhiều tài sản có giá trị trong nhà rồi nói: “Cái có giá trị nhất ở đây là nét đẹp trong lối sống của ông bà tổ tiên để lại. Mà cái này nhà nào cũng có thì cần gì lấy trộm của ai. Còn chuyện tiền của, nếu quyết tâm lao động thì sẽ có thôi”. 

Theo Hoàng Hạnh (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan