Cô dâu, chú rể hốt hoảng vì có người nằm trên giường đêm tân hôn

Ngày 27/10/2016 19:06 PM (GMT+7)

Từ khi trải chiếu giường cưới không ai được nằm trước, bé gái cũng không được ngồi trên giường cưới…

Lo lắng khi có người nằm trước

Gia đình hai bên đều nghèo, nhà chồng chật chội nên vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) không có phòng tân hôn. Giường cưới cũng là giường cũ trang trí mới. Chăn ga gối đệm thì còn mới nên cặp uyên ương sẽ dùng tạm rồi sắm sau. Mẹ chồng bảo, nếu muốn cô dâu có thể mua bộ chăn ga mới mới màu đỏ trải lên.

Sau khi ấn định ngày cưới, trong nhà mọi người đều có ý thức kiêng kị nên không ai lên giường cưới ngủ nữa. Nhưng chồng tương lai của chị lại đón một cặp bạn cũ về ngủ trước ngày cưới. Mẹ chồng Thanh đã dặn cô gái là tối ra ngủ với mẹ, cho hai anh ngủ ở giường đó, nhưng tối họ đi chơi về, lại ngủ luôn trên giường cưới, khiến Hòa biết chuyện đã rất lo lắng bởi thầy bói đã dặn trước khi cưới cần kiêng không cho người tuổi Ngọ, tuổi Thìn trải chiếu, lên giường cưới. Mà cô gái kia tuổi Thìn, đã ly hôn chồng và đang định đi bước nữa.

Cô dâu, chú rể hốt hoảng vì có người nằm trên giường đêm tân hôn - 1

Giường cưới rất quan trọng nên cô dâu, chú rể và hai bên gia đình rất quan tâm trang trí, giữ gìn.

Chị Lê Thị Lan (Hà Nội) lấy chồng ở thành phố khác cách xa hàng trăm cây số. Chồng là con một, mẹ rất yêu quý. Nhưng mẹ chồng là người ghê gớm, thường ngủ cùng cậu con trai một để tâm sự.

Ngày cưới mẹ chồng đi đón dâu, nhưng về kêu say xe, nhất định đòi đi xe cô dâu, chú rể. Lên xe, bà nằm đầu gối lên đùi con trai, hai chân duỗi về phía con dâu, rồi ậm oẹ… khiến cô dâu váy áo trắng tinh phải thu mình ngồi nép sát cánh cửa ô tô đi hàng trăm cây số, về tới nhà chồng thì cô dâu mệt rũ cả tinh thần lẫn thể xác.

Chú rể lo cho đám cưới, lại vừa uống mấy chén rượu chúc mừng nên mệt phờ, vẫn đỡ mẹ xuống xe, rồi mới quay ra dìu cô dâu vào nhà. Cả hai cùng ngạc nhiên khi thấy mẹ chồng xuống xe đã đi vào nhà, nói cười hồ hởi với mọi người.

Tối muộn cô dâu chú rể thắp nến dắt nhau vào phòng tân hôn thì hốt hoảng vì… có người ngủ trên giường cưới. Bật vội đèn lên thì nhận ra mẹ chồng đang vô tư ngáy khò khò. Thế là hai vợ chồng mệt mỏi ra phòng khách ngủ, cả đêm thấp thỏm lo lắng không biết mẹ chồng ngủ trên giường cưới thì hôn nhân của họ “có sao” không?

Cô dâu, chú rể hốt hoảng vì có người nằm trên giường đêm tân hôn - 2

Nên để cô dâu, chú rể là người đầu tiên nằm trên giường cưới. Ảnh minh họa.

Ai được ngồi lên giường cưới?

Đám cưới truyền thống của người Việt khi nhà gái đưa dâu về nhà chồng, gia đình nhà trai sẽ đưa đại diện nhà gái lên xem phòng tân hôn. Trang trí phòng cưới, trải giường cưới đẹp mắt là biểu hiện trân trọng con dâu mới của nhà trai, là "bộ mặt" và thể diện của nhà trai nên việc này được coi trọng đặc biệt, việc chuẩn bị trang trí phòng cưới, giường cưới được hai nhà và cô dâu chú rể rất quan tâm.

Cô dâu chú rể còn chụp ảnh ghi lại những khoảnh khắc đầu tiên khi chính thức là vợ chồng. Nhiều gia đình cầu kỳ, coi trọng lễ nghĩa còn bàn bạc để thống nhất trang trí giường cưới, phòng cưới để đám cưới vui vẻ.

Kể từ khi trải chiếu giường cưới xong thì không ai được ngồi lên giường cưới nữa, và tuyệt đối không trải lại chiếu giường cưới.

Một số địa phương có tục lệ chọn bé trai lanh lợi, vui vẻ (hoặc vài bé trai) lên giường lăn lộn, vui chơi trên giường cưới trước tiên, với quan niệm vợ chồng mới cưới sẽ sớm có quý tử - cũng là một cách chúc phúc lành cho cặp uyên ương may mắn, có con có phúc. Gia chủ còn lì xì cho những người bày trí giường cưới và những đứa trẻ may mắn này.

Dân gian quan niệm rằng, người lớn - đặc biệt là phụ nữ mang bầu, những người không may mắn trong hôn nhân… thì tuyệt đối không được ngồi trên giường cưới cả trước và trong khi đám cưới diễn ra.

Cô dâu cũng kiêng đến gần giường cưới trước đêm tân hôn - với quan niệm là tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng sinh đẻ sau này.

Chú rể nếu cần phải ngủ trên giường tân hôn trước khi cưới, thì cần ngủ cùng với một bé trai. Lý do là các cụ xưa kiêng việc để chú rể ngủ một mình trên giường cưới bởi có thể là điềm “nửa đường đứt gánh”, hoặc sớm tan vỡ hôn nhân.

Tất cả việc kiêng kị dân gian đều nhằm cầu chúc sự an lành, hạnh phúc cho đôi uyên ương.

Có nên dùng giường cũ?

Trường hợp nhà chật, không có điều kiện mua sắm mới, cô dâu và chú rể cần khéo léo thuyết phục gia đình để chuẩn bị một "góc tân hôn", để cô dâu chú rể tự mua sắm giường cưới cho mình.

Nếu thực sự không có điều kiện và phải dùng giường cũ, cô dâu chú rể nên bàn với cha mẹ cho phép chọn mua bộ chăn ga gối đệm mới, như thế người lớn cũng hài lòng, cặp uyên ương cũng vui vẻ.

Theo Uyển Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện tình yêu