Những kiểu làm màu của vợ khiến chồng chán ghét

Ngày 14/05/2016 09:19 AM (GMT+7)

Đừng “động tí là khóc”, đừng dùng nước mắt làm vũ khí gây áp lực cho chồng nếu bạn không muốn một ngày nào đó anh ấy thản nhiên trước giọt nước mắt của bạn.

Dưới đây là những điều đàn ông cảm thấy chán nản nhất ở vợ mình. Phụ nữ nên biết để tránh mắc phải những sai lầm này khiến tình cảm vợ chồng có rạn nứt:

Khóc lóc

Tất nhiên, đây là phản xạ bản năng của cơ thể trước những sự việc không như ý muốn. Đôi khi khóc còn là cách để giải tỏa những bí bách và áp lực. Tuy nhiên, với đàn ông, nước mắt của phụ nữ thực sự là đáng sợ. Và sẽ còn đáng sợ hơn nếu bất cứ lúc nào vợ cũng dùng nước mắt để gây áp chế cho mình.

Một số bà vợ lại nghĩ rằng, nếu mình khóc anh ấy sẽ chịu xuống nước, chịu làm theo ý mình. Sự thật đúng là như vậy, nhưng nếu áp dụng quá nhiều nó trở thành một cảm giác tức tối với chồng. Đừng “động tí là khóc”, đừng dùng nước mắt làm vũ khí từ những chuyện nhỏ nhặt nhất nếu bạn không muốn một ngày nào đó, trước những giọt nước mắt của bạn, anh ấy thản nhiên như không.

Những kiểu làm màu của vợ khiến chồng chán ghét - 1

Đừng “động tí là khóc”, đừng dùng nước mắt làm vũ khí từ những chuyện nhỏ nhặt nhất nếu bạn không muốn một ngày nào đó, trước những giọt nước mắt của bạn, anh ấy thản nhiên như không. (Ảnh minh họa)

Thở dài

Điều này cũng là một phản xạ tự nhiên của cơ thể như khóc. Con người chúng ta thường thở dài khi mệt mỏi và đó chẳng có gì là tội lỗi cả. Nhưng phải thừa nhận rằng, một số phụ nữ dùng tiếng thở dài thay cho một lời thông báo về thái độ bực bội không hài lòng, khó chịu của mình. Tiếng thở nặng nề, kéo dài hơn và diễn ra liên tục cho tới khi chồng hỏi: “Rốt cục em có chuyện gì vậy”.

Nhớ nhé, nếu ban cò gì cần phải nói, tốt nhất hãy dừng công việc lại, tiến đến bên chồng và mở lời bằng câu: “Em có chuyện này muốn nói với anh”. Khi đó, chồng bạn sẽ ngay lập tức tập trung vào câu chuyện và lắng nghe bạn một cách chăm chú, bằng một thái độ tích cực. Còn nếu khi về nhà, bạn cứ im ỉm, thở dài thườn thượt sẽ chỉ làm cho không khí gia đình thêm nặng nề, tâm lí của anh ấy bực bội, và khi bạn bắt đầu chia sẻ câu chuyện, anh ấy chẳng còn giữ được cảm xúc bình tĩnh và tỉnh táo để tiếp nhận nữa.

Im lặng, khó chịu

Trong cuộc sống không thể tránh được những lúc chúng ta muốn có khoảng thời gian riêng cho mình. Nhưng có sự im lặng hữu ích và sự im lặng phá hoại.

Sự im lặng hữu ích xảy ra là sau một cuộc trò chuyện, tranh luận, bạn thẳng thắn nói với chồng rằng: “Em cần chút thời gian để suy nghĩ”. Bạn có thể vào phòng, nằm một mình, ngừng trò chuyện… Tốt thôi, điều đó là vô cùng cần thiết và chồng bạn hoàn toàn hiểu việc ấy có ý nghĩa như thế nào.

Nhưng sự im lặng phá hoại là khi bạn không hài lòng điều gì đó về chồng, bạn không nói ra mà giữ nó trong lòng, tất cả những gì bạn thể hiện là một gương mặt “nặng như chì”, không nói không rằng, ngay cả khi anh ấy hỏi bạn cũng không trả lời. Thái độ tiêu cực này của bạn hoàn toàn không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm cho mọi chuyện thêm trầm trọng hơn mà thôi.

Đập phá đồ khi tranh luận

Đây không phải là lỗi nhiều phụ nữ mắc phải nhưng nó vẫn xảy ra. Phải thừa nhận rằng phụ nữ chịu nhiều áp lực sau khi kết hôn: công việc, con cái, chồng, gia đình hai bên… và khi có vấn đề bức xúc, họ cảm thấy bị đẩy dồn lên đến tận cùng nhiều hơn là đàn ông.

Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn được phép đập phá đồ đạc khi tức giận. Hình ảnh người vợ quăng quật đồ trong nhà khi tranh luận trong mắt chồng thực sự… gớm ghiếc. Hãy kiểm soát cảm xúc của bản thân. Nếu bạn cảm thấy quá bức xúc, tốt nhất dừng cuộc nói chuyện lại và vào phòng một mình. Đừng đập phá đồ đạc bởi nó còn làm ảnh hưởng tới kinh tế của chính gia đình bạn.

Không ngừng đổ lỗi

Nhận lỗi là một việc rất khó nhưng nếu bạn không thể dung cảm nói ra câu: “Em sai rồi”, hãy im lặng thừa nhận. Đừng viện cố, đẩy đưa sang nhiều lí do khác.

Những kiểu làm màu của vợ khiến chồng chán ghét - 2

Nhận lỗi là một việc rất khó nhưng nếu bạn không thể dung cảm nói ra câu: “Em sai rồi”, hãy im lặng thừa nhận. Đừng viện cố, đẩy đưa sang nhiều lí do khác. (Ảnh minh họa)

Một số phụ nữ hay có thói quen đổ lỗi cho người khác, thậm chí họ còn quay ngoắt ra đổ lỗi cho chồng: “Vì anh… nên thành ra em mới làm hỏng việc…” Đây là một thái độ rất khó chấp nhận. Khi phân tích tình hình và chỉ ra cái sai của bạn, chồng hoàn toàn không có ý muốn kết tội hay hạ bệ bạn, đơn giản là để bạn nhìn thấy cái chưa đúng và rút kinh nghiệm. Đừng xù lông lên như một con nhím và tìm cách đổ lỗi cho người khác. Thái độ thiện chí tiếp thu của bạn sẽ được đánh giá cao hơn nhiều.

Nói đi nói lại nhiều lần

Đây là một trong những lỗi cơ bản của chị em phụ nữ: nói mãi một chủ đề lặp đi lặp lại.

Anh ấy đã từng phạm sai lầm, hai người từng trò chuyện về vấn đề đó, câu chuyện ấy nên dừng lại tại thời điểm ấy. Nhưng phụ nữ hay có thói quen nhắc lại sai lầm trước của chồng ở sai lầm hiện tại. Anh ấy làm hỏng việc này và nhiều bà vợ trong lúc kể tội không quên đèo bòng thêm hàng tá chuyện trước đó (thậm chí nó đã qua lâu đến mức không biết điều đó có thật hay không) để kể tội chồng. Hành động này của các bà vợ thực sự khiến chồng vô cùng chán ghét.

Tra hỏi chồng như tù nhân

Thiếu lòng tin vốn dĩ đã là một điểm gây hại trong hôn nhân và cách bộ lộ sự thiếu lòng tin đó nếu không khéo sẽ trở thành thứ “giết chết hôn nhân”.

Một số bà vợ mắc bệnh “thám tử” khi hỏi chồng như hỏi tội phạm: “Anh nói xem, anh đi đâu, làm gì, với ai, bao giờ về…”. Liên tiếp những câu hỏi được đặt ra, thậm chí ngay cả khi chồng trả lời họ vẫn không tin và tiếp tục đưa ra hàng chục câu hỏi khác để kiểm chứng. Đây thực sự là một sai lầm!

Hãy hỏi những gì cần thiết, ở một mức độ chuẩn mực và ngữ điệu khi hỏi hòa nhã, nhẹ nhàng. Nếu bạn thực sự có gì đó nghi ngờ, tốt nhất nên có đủ bằng chứng, đừng tra khảo như hỏi cung bởi vì điều đó chỉ làm bạn mất điểm trong mắt chồng mà chẳng thu lại kết quả gì.

Coi thường chồng

Tất nhiên rồi, chẳng người đàn ông nào có thể chấp nhận điều này từ vợ. Một người vợ luôn bày tỏ thái độ hoài nghi về năng lực, tư duy và khả năng của chồng sẽ khiến anh ấy chán nản và không còn muốn gần gũi. Từ lời nói, thái độ, gương mặt biểu cảm của vợ bộc lộ sự thiếu tôn trọng với chồng là vũ khí gây sát thương cho cuộc hôn nhân của bạn. Nên nhớ, chúng ta cần tôn trọng nhau trong mọi tình huống, kể cả lúc người kia mắc lỗi đi chăng nữa. 

Sam Sam (Theo Family)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan