Thụt rửa âm đạo: lợi hay có hại?

Ngày 12/06/2015 00:06 AM (GMT+7)

Đa phần các chuyên gia y tế đều khuyến cáo chị em không nên thụt rửa âm đạo thường xuyên, tuy nhiên nhiều người lại cho rằng việc này rất quan trọng để làm sạch âm đạo. Vậy thụt rửa âm đạo thực sự có lợi hay hại cho chị em?

Ước tính có khoảng 20% đến 40% phụ nữ Mỹ trong độ tuổi từ 15 và 44 nói rằng họ đã từng thụt rửa âm đạo ít nhất 1 lần trong đời. Con số này ở phụ nữ trẻ Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha còn cao hơn. Đa phần phụ nữ có thụt rửa âm đạo đều cho rằng đây là cách tốt nhất giúp họ loại bỏ mùi khó chịu của "vùng kín". Nó cũng giúp rửa sạch máu kinh nguyệt sau khi hết chu kỳ của họ. Cách vệ sinh sâu này cũng giúp chị em tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, thậm chí có thể ngăn ngừa việc có thai sau khi giao hợp. Nó có thực sự thần kỳ như tưởng tượng của chị em? Hãy cùng tìm hiểu về phương pháp thụt rửa âm đạo này nhé!

Thụt rửa âm đạo là gì?

Đây là 1 phương pháp để làm sạch sâu âm đạo của phụ nữ. Nguyên liệu thường dùng để thụt rửa âm đạo là dùng hỗn hợp bao gồm nước và giấm. Bạn cũng có thể mua dung dịch chuyên dụng để thụt rửa âm đạo ở các hiệu thuốc. Với loại này, nó sẽ chứa cả chất khử trùng và hương liệu tạo mùi thơm. Dụng cụ đi kèm để thụt rửa âm đạo là 1 cái chai có đầu dây nhỏ có thể đi sâu và phun nước trực tiếp vào âm đạo của bạn.

Lợi ích của việc thụt rửa âm đạo

Một số phụ nữ cho rằng họ thực sự cảm thấy thụt rửa âm đạo giúp họ cảm thấy sạch sẽ và sảng khoái hơn, đặc biệt là trong thời tiết nóng bức, khó chịu của mùa hè. Tuy nhiên, rất ít bằng chứng khoa học cho thấy lợi ích thực sự của việc thụt rửa âm đạo. 

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đã chứng minh được rằng thụt rửa âm đạo liên tục trong suốt 6 tháng trước khi mang thai có thể giúp chị em giảm nguy cơ sinh non. Tuy nhiên, cũng trong nghiên cứu này, các nhà khoa học khuyến cáo rằng, thụt rửa trong quá trình mang thai lại làm tăng nguy cơ sinh non ở sản phụ. Chính vì thế, chị em mang bầu cần hết sức lưu ý với biện pháp làm sạch sâu này.

Thụt rửa âm đạo: lợi hay có hại? - 1

Nhiều người chọn thụt rửa âm đạo vì cảm thấy phương pháp này giúp "vùng kín" sạch sẽ, thơm hương (Ảnh minh họa)

Thụt rửa âm đạo gây hại nhiều hơn lợi

Nhìn chung, thụt rửa âm đạo là không tốt cho "vùng kín" của chị em, nếu bạn đang ưa chuộng cách làm sạch sâu này, hãy suy nghĩ đến những lý do dưới đây trước khi tiến hành nhé:

Gây nhiễm trùng âm đạo

Thụt rửa âm đạo có thể làm rối loạn sự cân bằng tự nhiên của hệ vi khuẩn trong âm đạo. Môi trường âm đạo mất cân bằng chính là môi trường thuận lợi để các loại vi khuẩn xấu "nổi dậy" và tấn công "vùng kín" của chị em. Việc này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nếu bạn đang có thai vì nhiễm khuẩn âm đạo làm tăng nguy cơ sinh non và lạc nội mạc tử cung. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nếu bạn ngừng việc thụt rửa âm đạo sẽ giảm 40% nguy cơ bị viêm âm đạo do vi khuẩn.  

Bệnh viêm vùng chậu (PID)

PID là 1 bệnh nhiễm trùng tử cung, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được rằng những phụ nữ thường xuyên thụt rửa âm đạo có nguy cơ bị PID cao hơn lên tới 73%.

Biến chứng trong thai kỳ

Những phụ nữ có thói quen thụt rửa âm đạo hơn 1 lần trong 1 tuần sẽ gặp nhiều khó khăn hơn những người khung có thói quen này trong thời gian mang thai. Nó có thể khiến bạn tăng 76% nguy cơ bị thai ngoài tử cung. Tốt nhất, bạn nên ngừng phương pháp làm sạch sâu này khi muốn có bầu.

Thụt rửa âm đạo: lợi hay có hại? - 2

Các bác sỹ sản khoa khuyên bạn không nên thụt rửa âm đạo vì nó có hại nhiều hơn có lợi (Ảnh minh họa)

Ung thư cổ tử cung

Dù bạn chỉ thụt rửa âm đạo 1 lần 1 tuần thì nguy cơ mắc phải bệnh ung thư cổ tử cung cũng tăng lên đáng kể.

Kết luận: Theo các chuyên gia sức khỏe của trường Cao đẳng Sản phụ khoa Mỹ (ACOG), bạn nên tránh thụt rửa âm đạo. Vì mỗi người có một mùi âm đạo riêng, vì thế, không nhất thiết cứ phải thụt rửa sâu để làm sạch mùi âm đạo như các bạn vẫn tưởng. Tính axit tự nhiên của âm đạo có khả năng kiểm soát vi khuẩn và làm sạch âm đạo theo cách tự nhiên. Bạn chỉ cần rửa sạch ở bên ngoài "vùng kín" bằng nước ấm và xà phòng nhẹ là đủ để giữ nó sạch sẽ.

Tuy nhiên, nếu bạn nhận âm đạo của mình có mùi rất nặng đi kèm với dịch âm đạo, đó có thể là dấu hiệu của bệnh viêm âm đạo. Lúc này tốt nhất bạn nên đi khám để được điều trị đúng cách. 

Hương Giang (Theo WebMD)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe sinh sản