Tình yêu của “hoa khôi làng” giúp chàng trai bại liệt thành ông chủ

Ngày 05/01/2015 11:17 AM (GMT+7)

Chị là cô gái được mệnh danh “hoa khôi của làng” còn anh là chàng trai bại liệt, không thể tự đứng trên đôi chân của mình. Số phận ghép họ với nhau để làm nên những điều kỳ diệu.

Hạnh phúc ngọt ngào

Căn nhà nhỏ của vợ chồng Lê Tiến Vĩ (35 tuổi) và vợ là chị Nguyễn Thị Thương (30 tuổi) nằm sâu trong con đường ngoằn ngoèo, đi qua cánh đồng mênh mông của làng Thi Phương (xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Căn nhà cấp bốn của anh chị do cha mẹ anh để lại. Phía trong là gian sinh hoạt của gia đình, còn phía trước là xưởng gỗ điêu khắc.

Anh Vĩ là con thứ tư trong một gia đình có năm anh em. Được sinh ra vốn lành lặn như bao đứa trẻ khác, nhưng khi lên bốn tuổi, di chứng sau một cơn sốt ác tính đã khiến đôi chân của anh không còn lành lặn.

Cha mẹ anh đã nhiều lần ôm con lặn lội khắp các bệnh viện, với mong muốn con trai được tung tăng cắp sách tới trường như bao bạn bè, nhưng rồi đành nuốt nước mắt bất lực ôm con trở về.

Tình yêu của “hoa khôi làng” giúp chàng trai bại liệt thành ông chủ - 1

Cuộc sống hạnh phúc của gia đình anh Vĩ, chị Thương

Nhà nghèo, nay đôi chân lại bị liệt, anh trở thành gánh nặng của gia đình. Vì vậy nên luôn sống trong sự tự ti mặc cảm, có lúc anh dường như tuyệt vọng, khi nhìn thấy nỗi buồn trong đôi mắt của người mẹ.

Học xong cấp hai, sang cấp ba vì trường học quá xa nên Vĩ phải dừng lại việc học của mình. Những tưởng cuộc sống của Vĩ sẽ trôi đi trong lặng lẽ, nhưng thương mẹ, anh không thể ngồi yên để nhìn cuộc sống trôi qua trong sự nghèo khó, tạm bợ.

Năm 18 tuổi, anh lê đôi chân của mình đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở các trung tâm xin việc làm, nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Vẫn không bỏ cuộc, anh tiếp tục con đường xin việc, nếu ai thuê gì sẽ cố gắng hoàn thành nhưng vẫn không ai chấp nhận anh, vì đôi chân đi lại đã khó khăn, huống chi là làm việc.

Nhưng rồi, thần may mắn đã mỉm cười với anh. Đó là khi anh được nhận học việc trong một cơ sở điêu khắc gỗ tại trung tâm thị trấn Duy Xuyên (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

Tìm được cơ hội có thể học nghề và làm việc kiếm tiền giúp mẹ, anh mừng như mở cờ trong bụng. Hằng ngày, ngay từ sáng sớm, anh lặn lội đến cơ sở làm việc. Với bàn tay khéo léo và sự nhanh trí, chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã làm thành thạo những sản phẩm được giao.

Được sự tin tưởng của ông chủ, anh trở thành một học viên xuất sắc của cơ sở. Cũng tại nơi đây, bước ngoặt cuộc đời lại đến với anh một lần nữa khi anh gặp Thương, người con gái xinh đẹp làm kế toán cho xưởng điêu khắc, nơi anh đang làm.

Nhìn anh chịu thương chịu khó, lại tốt bụng, nên người con gái xinh đẹp ấy đã thầm yêu trộm nhớ. Thương được biết đến là hoa khôi của làng bên, lại sinh ra trong một gia đình khá giả.

Được học hành đến nơi đến chốn, rồi về làm kế toán cho cơ sở, cô được khá nhiều chàng trai để ý. Trong số đó, không thiếu những anh chàng hào hoa, phong nhã có nghề nghiệp ổn định, kinh tế vững vàng. Gia đình cô hy vọng sẽ cưới được người con rể giàu có đẹp trai cho xứng tầm.

Đám cưới bất ngờ và cái kết có hậu

Tuy thiệt thòi về đôi chân nhưng bù lại anh Vĩ có khuôn mặt điển trai và nụ cười rất duyên. Trời lấy đi đôi chân lại cho anh đôi tay khéo léo và con người khỏe mạnh. Trái tim của người con trai khuyết tật ấy thực sự xốn xang, rung động khi cảm được trái tim người con gái xinh đẹp nhất vùng lại dành cho mình.

 Biết tin con gái mình yêu một anh chàng khuyết tật, cha mẹ, anh em họ hàng chị Thương kịch liệt phản đối, cho rằng một người như anh Vĩ thì sẽ làm được gì và lo lắng nếu gắn kết cuộc đời với người khuyết tật, Thương sẽ rất cực khổ.Mẹ cô thậm chí đòi từ mặt đứa con gái của mình, nếu chị nhất quyết lấy anh thợ tật nguyền.

"Lúc đó, mình cảm thấy tủi thân quá. Cũng là con người, nhưng tại sao người khuyết tật lại không được yêu và bị cấm đoán? Giá như đôi chân không bị tật nguyền, chắc chắn mình sẽ được yêu như bao người. Bị làng xóm bàn tán chuyện "chân què mà dám yêu hoa khôi", ra đường ai cũng nhìn mình chỉ trỏ. Khi đó, mình chỉ biết cúi mặt, lê đôi chân tật nguyền đi thật nhanh", anh Vĩ kể.

Tình yêu của “hoa khôi làng” giúp chàng trai bại liệt thành ông chủ - 2

Sản phẩm có được từ bàn tay khéo léo của anh Vĩ

Cha mẹ anh rất mừng vì anh có người con gái đẹp đem lòng thương yêu, nhưng vẫn canh cánh trong lòng không biết con mình sẽ như thế nào khi anh bị kỳ thị, phân biệt. Bị gièm pha, chị Thương vẫn quyết tâm làm đám cưới với anh sau bốn năm yêu nhau.

Đoán biết tâm lý của anh Vĩ vẫn còn e ngại, chị nói: "Em lấy anh, chúng mình lấy nhau chứ đâu phải lấy họ hàng, làng xóm đâu mà anh sợ". Đón nhận tình yêu, nhưng anh vẫn lo cho chị. Thấy con gái khăng khăng đòi lấy người con trai tật nguyền làm chồng, cấm cản không được nên gia đình đành chấp nhận cho họ thành đôi.

Ngày đám cưới họ diễn ra thật đơn sơ, giản dị. Ngoài những người được mời còn có những người láng giềng trong xã tới xem "hoa khôi lấy chàng trai tật nguyền". Sau hơn 4 năm gắn bó, đến nay, anh chị đã có cơ ngơi đàng hoàng, cùng đứa con gái bốn tuổi. Trong vùng, mọi người thấy vậy cũng mừng cho họ và ít đàm tiếu hơn.

Sau khi cưới nhau, hai vợ chồng về mở cơ sở điêu khắc tại nhà. Bước đầu anh thu nhận một số thợ có tay nghề, rồi nhận thêm những thanh niên trong vùng không có điều kiện học hành về đào tạo học nghề. Ngoài các thanh thiếu niên lêu lổng trong làng, anh Vĩ còn nhận thêm các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để dạy nghề miễn phí.

Đến nay, xưởng điêu khắc của anh có gần 20 người, trong đó hơn một nửa đã trở thành thợ lành nghề với thu nhập ổn định. Sau khi học xong, nếu không muốn đi nơi khác làm việc, anh Vĩ lại nhận các em làm công tại đây, với thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng mỗi tháng.

Hỏi về những dự tính của mình, anh Vĩ cho biết, hiện nay anh đang muốn mở rộng quy mô của xưởng, nên tính sang năm sẽ làm đơn xin thuê mặt bằng để mở xưởng. Vì nhân công đông, mà quy mô chật chội sẽ khó hoạt động.

Ngoài ra, anh còn muốn mở một phòng trưng bày tại trung tâm xã những sản phẩm của mình để được nhiều người biết đến.

Nói về cảm nghĩ của mình sau mấy năm gắn bó với người chồng khuyết tật, Thương chia sẻ: "Tôi cảm thấy không ân hận khi cưới anh Vĩ làm chồng. Từ cuộc sống của chúng tôi, tôi mong muốn Xã hội bây giờ hãy cởi mở hơn với người khuyết tật. Thậm chí người khuyết tật còn có nhiều điều mà người bình thường cần phải học tập. Cuộc sống của chúng tôi đã khẳng định điều đó".

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Tám, Trưởng thôn Thi Phương, xã Điện Phong cho hay: "Gia đình anh Vĩ là trường hợp đặc biệt. Thông thường, những người khuyết tật hay tìm hiểu và lấy nhau vì hiểu chung hoàn cảnh, nhưng trường hợp của anh Vĩ và chị Thương thì ở đây chỉ có một. Anh Vĩ là thanh niên khuyết tật nhưng đã biết vượt lên số phận, sống có ích cho xã hội. Đó là một tấm gương tốt cho lớp trẻ địa phương".

Theo Đinh Hiền (Đời sống và pháp luật)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện tình yêu