Vợ Lý Hải mách mẹo dạy con xin lỗi

Ngày 23/04/2014 09:14 AM (GMT+7)

Dựa vào clip cách một ông bố dạy con gái nói lời xin lỗi khiến hàng triệu người khóc, hotgirl 2 con Minh Hà chia sẻ về cách cô dạy con.

Một đoạn clip ngắn nói về cách của một ông bố với con gái về lời xin lỗi được lan truyền gần đây trên internet khiến không ít dân mạng cảm động rơi nước mắt.

Câu chuyện bắt đầu khi cô em gái (tên Jane) đụng vào người chị của mình nhưng không chịu xin lỗi mà chỉ nói rằng đó là tai nạn.Trước sự bướng bỉnh của con, ông đã dạy con gái cách phát âm 2 từ xin lỗi. Một cách nhẹ nhàng, ông đã kiên trì thuyết phục con gái và khiến không ít người rơi lệ vì xúc động.

Vợ Lý Hải mách mẹo dạy con xin lỗi - 1
Không phải bạo lực sẽ mang lại hiệu quả giáo dục tốt, quan trọng chúng ta khéo léo lựa lời nói để con trẻ hiểu được điều cốt lõi nhất khi nó sai.

Câu chuyện dạy con khiến nhiều người phải suy ngẫm này đã được bà xã Lý Hải chia sẻ trên trang cá nhân kèm theo những bộc bạch rất riêng của cô cũng về cách dạy hai con, bé Rio và Cherry nói lời xin lỗi.

Vợ Lý Hải mách mẹo dạy con xin lỗi - 2
Bà xã Lý Hải chia sẻ đoạn clip kèm ý kiến cá nhân trên facebook.

Theo hotgirl 2 con, “xin lỗi không chỉ mang ý nghĩa là nhận lỗi mà còn là 1 cách giáo dục cách sống lịch sự, ý thức biết quan tâm đến người khác, và giúp bé chú ý hơn đến hành động của mình vì một hành động vô ý có thể gây tổn thương cho người khác.”

Bà xã Lý Hải kể lại:

Khi mình học ở Anh, mình đã từng thấy rất lạ: ngoài việc xin lỗi khi có lỗi thì người ta còn xin lỗi ngay cả khi họ không có lỗi mà chỉ là hành động của họ "CÓ THỂ" làm phiền đến người khác. Chẳng hạn, họ với tay lấy đồ mà món đồ ngay trước mặt bạn họ cũng nói sorry trước khi lấy. Họ đi ngang qua bạn hơi nhanh và có thể chạm vào bạn dù thật sự chưa chạm, họ cũng xin lỗi. Hoặc khi bạn bước vào cửa tiệm đúng lúc họ bước ra họ cũng nói sorry mặc dù họ chưa đụng vào bạn và nếu họ thấy trước bạn sẽ bước vào chắc chắn họ sẽ dừng lại nhường cho bạn vào rồi sau đó họ mới bước ra. Cũng như việc khi thang máy đến, họ luôn đứng đợi mọi người bên trong bước ra rồi mới bước vào chứ không ào ào bước vào khi thang máy vừa mở cửa.

Ở Việt Nam, theo cảm nhận chủ quan của mình, nói ra lời xin lỗi thật sự là khó khăn. Bản thân mình trước đây cũng vậy, kể cả khi lỗi rành rành là của mình nhưng việc xin lỗi và nhận lỗi cảm giác như tự bôi tro trét trấu lên mặt, cảm thấy rất xấu hổ và nhiều người chọn phương pháp là lảng tránh thay vì đối diện sự thật và nhận lỗi. Và thế là lỗi lầm cứ kéo dài năm này sang năm khác. Ngoài cảm giác áy náy thì chuyện không xin lỗi còn có thể làm mất đi mối quan hệ với người mà ta làm lỗi. Nếu ngay từ đầu ta nhận lỗi thì sẽ dễ hoá giải các mối quan hệ hoặc hiểu lầm nếu có :) Ngoài ra, rất nhiều quan niệm sai lầm là ai xin lỗi có nghĩa là mình có lỗi. Vì thế khi không có lỗi hoặc gián tiếp làm lỗi mà xin lỗi thì lại sợ bị quy chụp là lỗi của mình nên đã nhát xin lỗi lại càng không dám xin lỗi. 

Câu chuyện về nói lời xin lỗi có lẽ còn là 1 câu chuyện dài về văn hoá... Mình không phải là 1 người hướng ngoại nhưng mình nghĩ học tập cách nói xin lỗi thế này cũng tốt đấy chứ và mình sẽ cố gắng dạy con như thế mặc dù việc này sẽ không dễ dàng vì ngoài xã hội không phải người lớn nào cũng sẵn sàng nói xin lỗi. Việc giải thích cho trẻ vì sao con cần nói xin lỗi khi mà 1 người lớn khác làm lỗi với con lại không xin lỗi con cũng thật khó. 

Mình từng coi một đoạn phim hoạt hình dạy trẻ nói lời xin lỗi khi phạm sai lầm. Theo đó, xin lỗi bao gồm 3 bước:

1. Nhìn thẳng vào người đối diện và nói lời xin lỗi một cách chân thành

2. Kể về lỗi lầm đã xảy ra

3. Và xin được tha thứ

Việc dạy trẻ nó lời xin lỗi cần phải giúp trẻ phân biệt đúng sai, hiểu được lỗi của mình và nó lời xin lỗi 1 cách chân thành chứ không chỉ dừng lại ở lời xin lỗi suông lấy lệ. Trẻ cần ý thức về việc làm của mình là sai trái và thật sự hối lỗi để lần sau không tái phạm nữa. Nếu trẻ quá ngang bướng, hãy cho con thời gian và dùng biện pháp ngọt ngào giải thích cho bé vào lúc khác, 1 lần không được thì nhiều lần. Hãy ví dụ cho trẻ nếu người khác làm vậy với con con sẽ thấy thế nào để trẻ có thể hiểu cảm giác của người khác khi mình gây ra lỗi với họ. Đôi khi cũng cần cứng rắn để cho trẻ thấy rằng việc liên tiếp phạm sai lầm sẽ khiến mọi người xa lánh con, kể cả ba mẹ. Ba mẹ sẽ không nói chuyện với con, không mua đồ chơi cho tới khi con nhận lỗi. Khi bé ý thức được một hành động là sai mà vẫn tái phạm thì đôi khi cảm giác sợ lại hiệu quả. Đối với với trẻ nhỏ, ba mẹ có thể đơn gian chỉ là tập cho bé quen với việc nói lời xin lỗi. Tùy từng độ tuổi mà chúng ta chọn cách giải thích phù hợp để trẻ nghe theo. Cuối cùng, quan trọng nhất, cha mẹ cần là một tấm gương đầu tiên để bé học theo . Hãy xin lỗi con khi bạn làm sai ngay cả khi bé mới vài tháng tuổi.

Vợ Lý Hải mách mẹo dạy con xin lỗi - 3
Bà xã Lý Hải và hai bé Rio, Cherry.

Sau khi kết hôn với nam ca sĩ Lý Hải và hạ sinh được 2 nhóc tì kháu khỉn, Rio và Cherry, hotgirl Sài Thành quyết định lùi về hậu phương để chăm sóc hai con và gia đình. Minh Hà vốn được lòng rất nhiều chị em vì là một bà mẹ khéo chăm con, thường xuyên chia sẻ những phương pháp nuôi con trân facebook. 

Mời độc giả theo dõi những bài viết liên quan

Dạy con biết cãi mới là mẹ 'khôn'

Cay mắt clip cha tặng con sinh non

Quy tắc giao tiếp cha mẹ PHẢI dạy con

Vợ Lý Hải kể chuyện con đi mẫu giáo

C.Bon
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan