Lớp học thực hành dành cho cha mẹ để dạy trẻ theo phương pháp Montessori

Ngày 22/08/2016 00:02 AM (GMT+7)

Có phải phương pháp giáo dục Montessori nổi tiếng trên toàn thế giới chỉ dành cho trẻ nhỏ? Rất nhiều phụ huynh đã suy nghĩ như vậy nhưng thực tế lại chứng minh: cha mẹ cũng cần học Montessori.

Cuối tuần vừa qua, một lớp học về thực hành phương pháp Montessori đã được tổ chức tại Trung tâm văn hóa Pháp – 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Nằm trong chuỗi chương trình tọa đàm về phương pháp Montessori dành cho các bậc cha mẹ, sự kiện lớp học Thực hành Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori đã được đông đảo phụ huynh quan tâm tới dự.  

Lớp học thực hành dành cho cha mẹ để dạy trẻ theo phương pháp Montessori - 1

Khá đông khán giả đã đến tham gia chương trình 

Mặc cho hoàn lưu cơn bão số 3 ảnh hưởng nhiều đến thời tiết Hà Nội cuối tuần, nhưng cả hội trường trung tâm văn hóa Pháp với hơn 200 ghế vẫn kín chỗ. Những vị phụ huynh đã không quản nắng mưa tới đây từ sớm để tham dự vào chương trình hướng dẫn thực hành những hoạt động Montessori mà cha mẹ có thể làm cùng con cái ngay trong cuộc sống hàng ngày và ra mắt bộ sách Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori của hai tác giả người Pháp Ève Herrmann và Marie-Hélène Place.

Lớp học thực hành dành cho cha mẹ để dạy trẻ theo phương pháp Montessori - 2

Chương trình có sự hướng dẫn của cô giáo Hà Phương - phó hiệu trưởng chịu trách nhiệm chuyên môn của trường mầm non Flying Fingers School, cùng dịch giả Tố Nga - một trong những dịch giả tiếng Pháp đã dịch bộ sách “Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori"

Các hoạt động thực hành được đưa ra trong chương trình dựa theo việc phân chia các giai đoạn tuổi phù hợp với sự phát triển của trẻ cũng như thực tế tại Việt Nam. Theo cô Hà Phương, cách phân chia phổ biến là các giai đoạn bé từ 0 đến 6 tháng tuổi, 6 đến 18 tháng tuổi, 18 đến 36 tháng tuổi và từ 3 đến 6 tuổi, tuy nhiên các trường Montessori ở Việt Nam thường có các lớp cho trẻ từ 3- 6 tuổi chứ ít có các lớp cho trẻ các giai đoạn nhỏ hơn. Như vậy, nếu như các bậc cha mẹ muốn con mình được tiếp xúc sớm với phương pháp Montessori thì phải làm gì? Câu trả lời có lẽ ngay ở trong chương trình hướng dẫn thực hành lần này.

Với phương pháp Montessori, cha mẹ có thể bắt đầu với trẻ ngay từ khi trẻ trong giai đoạn sơ sinh. Khi trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi, các bậc phụ huynh có thể bắt đầu với việc xây dựng thế giới cho trẻ. Với giai đoạn này, dịch giả Tố Nga cũng lưu ý với độc giả về những hoạt động đa dạng mà cha mẹ có thể làm cho trẻ như trong cuốn sách 60 hoạt động Montessori giúp trẻ trưởng thành – Chờ con lớn thì đã muộn đã đề cập: Phòng cho trẻ phải là không gian yên tĩnh để khuyến khích sự chú ý và tập trung của trẻ, không gian xung quanh cần tách rời giữa không gian ăn, không gian ngủ, không gian chơi…

Hay các đồ chơi chuyển động mà phụ huynh có thể tự làm cho bé trong giai đoạn như vòng tròn giúp bé kết hợp cử động của cánh tay và bàn tay, quả bóng để luyện chân giúp trẻ phát triển cơ bắp giúp đứng lên được và rất nhiều các hoạt động khác. Thực tế, có vô vàn cách đơn giản, dễ làm để vừa giúp trẻ chơi lại vừa rèn luyện được sự tập trung, khả năng quan sát, khả năng khéo léo, rèn luyện các giác quan cũng như phát triển cơ bắp sức khỏe cho trẻ ngay từ khi con chào đời. 

Lớp học thực hành dành cho cha mẹ để dạy trẻ theo phương pháp Montessori - 3

Bộ sách “Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessorri" cũng được giới thiệu trong chương trình.

Trong các giai đoạn tiếp theo, những hoạt động của trẻ tập trung vào các lĩnh vực như thực hành cuộc sống, giác quan, toán học, ngôn ngữ, địa lý, lịch sử, khoa học, nghệ thuật. Các bài học và khái niệm đều được đưa tới trẻ từ cụ thể đến trừu tượng, từ dễ đến khó tùy vào độ tuổi và tùy vào giai đoạn của trẻ. Nếu như trẻ trong giai đoạn 6 đến 18 tháng tập trung phần nhiều vào các hoạt động phát triển giác quan, phát triển ngôn ngữ thì trẻ trong giai đoạn 18 đến 36 tuổi lại được phương pháp Montessori đặc biệt quan tâm đến việc thực hành cuộc sống và ngôn ngữ đọc viết. Đặc biệt, giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi là giai đoạn được các phụ huynh Việt Nam chú ý nhất và cũng là phân khúc học sinh mà các trường Montessori ở nước ta hướng tới.

Ở giai đoạn trẻ 3 đến 6 tuổi, khả năng tiếp nhận kiến thức và năng lực để trải nghiệm với môi trường xung quanh của trẻ đã rất tốt, do vậy phương pháp Montessori đưa ra những hoạt động giúp trẻ trải nghiệm và thẩm thấu ở cả 8 lĩnh vực: thực hành cuộc sống, giác quan, toán học, ngôn ngữ, địa lý, lịch sử, khoa học, nghệ thuật. Với mỗi lĩnh vực, cô Hà Phương cũng hướng dẫn các vị phụ huynh có mặt tại chương trình những hoạt động thực hành đơn giản mà cha mẹ có thể tương tác với con ngay ở nhà. 

Lớp học thực hành dành cho cha mẹ để dạy trẻ theo phương pháp Montessori - 4

Dịch giả Tố Nga giới thiệu khá nhiều hoạt động thực hành trong bộ sách “Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori"

Cùng với những hoạt động thực hành, những học cụ cho phương pháp Montessori cũng vô cùng đơn giản và dễ kiếm. Ngay trong chương trình, cô giáo Hà Phương cũng hướng dẫn các vị phụ huynh sử dụng các học cụ để chơi với trẻ.

Với lĩnh vực thực hành cuộc sống, bài học xúc thìa nhỏ là cách đơn giản nhất để trẻ rèn luyện sự tập trung của bản thân và sự khéo léo của đôi tay. Với lĩnh vực khoa học – địa lý, bài học về đất-nước-không khí và quả địa cầu không chỉ giúp trẻ ghi nhớ về mặt kiến thức mà còn giúp trẻ nâng cao cảm nhận xúc giác của mình. Tuy không thể giới thiệu hết với các phụ huynh vì thời gian có hạn nhưng những hoạt động cô giáo Hà Phương đưa ra đã phần nào giúp các khán giả định hướng được những hoạt động mà mình có thể chơi cùng con ở nhà.

Lớp học thực hành dành cho cha mẹ để dạy trẻ theo phương pháp Montessori - 5

Cô Hà Phương hướng dẫn các hoạt động Montessori cùng học cụ

Là một người mẹ cũng nghiên cứu rất nhiều về các phương pháp dạy con trên thế giới, chị Kim Ngân – khách mời đặc biệt của chương trình lần này - cũng có nhiều chia sẻ về kinh nghiệm của mình khi thực hành phương pháp Montessori với bé nhà chị trong 3 năm đầu đời. Được biết, chị Ngân cũng là Admin của hội “Nghiên cứu Montessori” trên mạng xã hội FaceBook với sự tham gia của gần 16.000 thành viên.

Trong quá trình nuôi dạy bé nhà mình, chị Ngân luôn cố gắng tương tác với con nhiều nhất có thể. Khi được hỏi về những điểm chị thích nhất ở phương pháp Montessori khiến chị muốn lựa chọn phương pháp này trong quá trình nuôi dạy con, chị chia sẻ: “Một đặc điểm mình rất thích ở Montessori là các bé có được độ tập trung rất là cao. Bởi vì con được làm điều mình thích. Chính xác là khi các con được thả vào môi trường con tự do và làm điều mình thích, con có thể tập trung 100% trong một thời gian dài. Và bố mẹ đừng bao giờ can thiệp khi con đang tập trung tuyệt đối như thế…

Việc tập trung cũng cần rèn luyện. Từ sơ sinh, mỗi ngày mình cho con khoảng 10 đến 15 phút tự chơi với đồ chơi của mình và tăng dần khi con lớn. Thời gian con tự chơi một mình vô cùng quan trọng, đó chính là lúc con phát huy tối đa trí tưởng tượng của mình mà không có bất kỳ sự can thiệp nào của người lớn và là lúc bạn ấy có thể tập trung 100% vào công việc của mình.”

Lớp học thực hành dành cho cha mẹ để dạy trẻ theo phương pháp Montessori - 6

Các diễn giả của chương trình chụp ảnh cùng đại diện của đơn vị tổ chức chương trình: TTVH Pháp và đơn vị phát hành Dinhtibooks

Không mang tính lý thuyết, chương trình lần này đưa ra những hoạt động mà thực tế các trường Montessori ở Việt Nam đang giảng dạy và bổ sung thêm nhiều hoạt động đơn giản, dễ hiểu và dễ áp dụng ngay trong cuộc sống hàng ngày mà các bậc phụ huynh có thể thực hành cùng con theo đúng tinh thần Montessori. Bên cạnh những hướng dẫn thực hành, chương trình còn giới thiệu những học cụ đơn giản và bài tập minh họa liên quan để cha mẹ có thể tự làm, tự áp dụng ngay trong quá tình dạy dỗ con em mình tại nhà mà không cần phải đến bất kỳ trường lớp nào. Đây cũng chính là mục đích ra đời của bộ sách Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori và cũng là ý nghĩa mà chương trình lớp học thực hành Montessori muốn mang đến cho các vị phụ huynh. 

Cẩm Tú
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự