Tình dang dở - Công thức tạo bi kịch trong phim Hàn

Ngày 30/03/2013 09:10 AM (GMT+7)

Những mối tình không thành trong phim truyền hình xứ kim chi thường là câu chuyện trong quá khứ và là nút thắt tạo kịch tính cho sự việc diễn ra ở hiện tại.


Tình dang dở - Công thức tạo bi kịch trong phim Hàn - 1
Bộ phim Ngọn gió đông năm ấy cũng cho nhân vật nữ chính mắc bệnh u não để tạo kịch tính.

Chắt đến giọt nước mắt cuối cùng của khán giả

Nổi tiếng ở châu Á và lan ra khắp thế giới, nền công nghiệp sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc đã khẳng định được vị thế riêng trong suốt 2 thập kỷ qua với những serie phim tình cảm éo le, ngang trái đầy kịch tính. Trong đó, các nhà làm phim đã triệt để khai thác những câu chuyện tình yêu vô cùng cảm động, lôi cuốn người xem và kết thúc phim thường là một cái kết không có hậu.

Tình yêu của đôi nam nữ nhân vật chính, sau bao biến cố chia ly rồi tái hợp nhưng cuối cùng vẫn không đến được với nhau do ông trời bắt một trong hai người phải mắc căn bệnh hiểm nghèo, điển hình nhất là máu trắng. Có thể kể ra đây một câu chuyện tình dang dở vì ung thư trong phim Hàn đã lấy không ít nước mắt của người xem là Trái tim mùa thu.

 Tình dang dở - Công thức tạo bi kịch trong phim Hàn - 2
Trái tim mùa thu - câu chuyện dang dở đẫm nước mắt của màn ảnh xứ Hàn.

Trong phim nhân vật nữ do Song Hye Kyo thủ vai mắc bệnh máu trắng, hình ảnh cô gục đầu trên vai người anh, người cô yêu tha thiết khi anh cõng cô đi dọc bờ biển luôn đọng lại trong tâm trí người xem. Bản nhạc nền trong phim và mối tình bi thương đẫm lệ cùng diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên nổi tiếng đã khiến Trái tim mùa thu trở thành tác phẩm truyền hình kinh điển của Hàn Quốc, đứng hàng top về mức độ éo le, kịch tính.

Cùng một kiểu mượn yếu tố ung thư để xây dựng kịch tính cho phim, biến các câu chuyện tình dang dở thành những bản tình ca nổi tiếng, các nhà làm phim xứ kim chi liên tiếp khai thác tình huống này trong các phim Thành thật với tình yêu, Nấc thang lên thiên đường, Scent of a Women, Padam Padam hoặc suýt nữa dang dở như Chuyện tình Harvard (do ban đầu các nhà làm phim định để nữ nhân vật chính do Kim Tae Hee đóng mắc bệnh ung thư nhưng khán giả xem phim vì quá ngưỡng mộ câu chuyện tình yêu đẹp đã viết thư yêu cầu phim kết thúc có hậu. Vì thế, phim không phải là tình dang dở).

 Tình dang dở - Công thức tạo bi kịch trong phim Hàn - 3
Tình dang dở trong Nấc thang lên thiên đường đã đưa phim lọt vào hàng top phim nổi tiếng về đề tài tình yêu

Trong lúc này, bộ phim truyền hình mới nhất của SBS hiện đang làm mưa làm gió trên màn ảnh Hàn Quốc và các diễn đàn phim Hàn ở Việt Nam là Ngọn gió đông năm ấy cũng có nhân vật nữ chính mắc bệnh u não. Tuy phim mới chiếu được một nửa và chưa biết số phận cô gái mù Oh Young sẽ ra sao nhưng rõ ràng câu chuyện tình yêu trong phim cũng khá sướt mướt và kịch tính một phần là vì nhân vật nữ chính là người khuyết tật, mắc bệnh nguy hiểm.

Ngoài việc dùng bệnh ung thư, máu trắng, bệnh hiểm nghèo nói chung để tạo bi kịch, các nhà làm phim truyền hình Hàn Quốc còn rẽ hướng để cho một trong hai nhân vật chính phải chết vì tai nạn hoặc bị sát hại. Mối tình dang dở giữa họ khiến khán giả nhớ mãi. Các bộ phim tiêu biểu gần đây có tình dang dở kiểu này là Phía đông vườn địa đàng, Iris 1.

Vì yêu nên đành dang dở

Trong muôn hình vạn trạng của tình yêu trong phim Hàn, ngoài kiểu vì yêu em (hay anh) quá nên thành hại em (anh) còn có một kiểu tình yêu mà vì yêu tha thiết nên đành dang dở, chấp nhận dừng lại, chấp nhận đứng từ xa, cầu chúc cho người ấy hạnh phúc... Đó là tình yêu đơn phương.

Trong một số phim Hàn, những nhân vật nam yêu đơn phương thường bao dung, cao thượng luôn trong tình cảnh "bên ngoài cười nụ, bên trong khóc thầm" nhưng các nhân vật nữ yêu đơn phương thường gây ra nhiều sóng gió cho người trong cuộc, nói cách khác, đó là vai ác, góp phần đưa câu chuyện tình yêu của cặp nam nữ chính hết qua thác ghềnh lại vượt biển mênh mông.

 Tình dang dở - Công thức tạo bi kịch trong phim Hàn - 4
Trong Iris 1 Lee Byun Hun đã không thể hạnh phúc bên Kim Tea Hee.

Dường như biết rõ được tình đơn phương là tình yêu đau đớn nhất đối với tất cả ai từng rơi vào lưới tình nên các nhà làm phim xứ kim chi luôn chú trong xây dựng nhân vật người thứ 3, yêu đơn phương và ôm trong lòng mối tình dang dở. Dĩ nhiên, tình đơn phương của họ cũng là một mắt xích quan trọng tạo nên bi kịch trong hầu hết các bộ phim có tỷ suất người xem cao.

Có thể kể ra đây một vài nhân vật có tình yêu đơn phương được khán giả yêu thích không thua kém so với các nhân vật chính bởi tình yêu mãnh liệt và sự cao thượng của họ. Đó là chàng họa sĩ Tae Hwa trong Nấc thang lên thiên đường, là giám đốc Lee Joon Hee trong Ước mơ vươn tới một ngôi sao, Chan Woo trong Mối tình đầu, Han Tae Suk trong Trái tim mùa thu, Ji Hoo trong Vườn sao băng... Đây là một vài trong số những nhân vật nam, tuy không phải chính nhưng được nhớ mãi trong các bộ phim truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc. Họ không chỉ đẹp trai, tài giỏi mà đôi khi còn hiểu đối phương hơn cả nhân vật nam chính nhưng vì đã được sắp sẵn là người thứ 3, là người không được lựa chọn nên chấp nhận lùi lại, giữ trong lòng mối tình dang dở.

 Tình dang dở - Công thức tạo bi kịch trong phim Hàn - 5
Vai diễn Ji Hoo của Kim Hyun Joong được không ít người thích hơn cả nhân vật nam chính trong Vườn sao băng nhờ tình yêu cao thượng của anh.

Cũng vì tình dang dở là tình mãi mãi đẹp nên họ cũng được nhớ mãi cùng với bộ phim. Điều đó chứng tỏ các nhà làm phim đã nắm bắt được tâm lý người xem và sử dụng nhuần nhị bí kíp tạo kịch tính khi xây dựng câu chuyện tình yêu đặc trưng kiểu Hàn (éo le, bi lụy), nhưng vẫn có sức hút đối với khán giả quốc tế (sâu sắc và kịch tính).

Không chỉ dừng lại ở việc khiến cho câu chuyện tình trở nên dang dở ở cuối phim nhằm vét cạn nước mắt của khán giả, các nhà làm phim truyền hình Hàn Quốc còn chủ động tạo ra tình dang dở của thế hệ trước để lớp con cháu sau này vì chuyện của người lớn trong quá khứ mà lao đao, vật vã. Tình tiết chung thường thấy là nhân vật nam nữ sau khi yêu nhau bỗng chính phát hiện bố mẹ của họ năm xưa từng là một đôi thanh mai trúc mã nhưng vì một lý do đặc biệt đã không đến được với nhau như di cư sang nước ngoài, chuyển nhà, chuyển trường, bố mẹ ngăn cản... Sau này, họ gặp lại nhau trong một tình huống trớ trêu là con cái của họ yêu nhau, rồi hận thù, ngăn cấm... Những mối tình dang dở thế hệ trước làm liên lụy thế hệ sau như thế này thường xuyên xuất hiện trong phim Hàn, có thể nói là phổ biến đến mức quen thuộc.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phim Hàn Quốc