Cho con tiêm vaccine “xách tay”, khác gì “gửi trứng cho ác”?

Ngày 23/12/2015 10:41 AM (GMT+7)

Khẳng định việc một bộ phận người dân đưa con em ra nước ngoài tiêm chủng là nhu cầu chính đáng trong phòng chống bệnh tật cho trẻ, nhưng Bộ Y tế cũng khuyến cáo: Việc quyết định tiêm cho con vaccine bên ngoài, qua “cò” chẳng khác nào phụ huynh đang “gửi trứng cho ác”.

2 năm nữa, Việt Nam “ra lò” vaccine 6 trong 1

Tại Hội thảo khoa học “Vaccine Việt Nam – phát triển và hội nhập” do Bộ Y tế tổ chức ngày 22/12, đại diện Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) cho hay: Theo mục tiêu của Chương trình Sản phẩm Quốc gia vaccine phòng bệnh cho người, đến năm 2020, nước ta sẽ sản xuất và thương mại hóa được ít nhất 7 loại vaccine quan trọng phòng bệnh cho người, gồm: Vaccine đa giá, vaccine Rota, viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero, Hib cộng hợp, cúm mùa, thương hàn, dại và viêm gan A.

Đại diện Vabiotech cho hay, vaccine Hib cộng hợp do Công ty được giao chủ trì thực hiện đã tiến hành những bước nghiên cứu đầu tiên từ năm 2005 và đến nay đang chuẩn bị được thử nghiệm trên người. Sau năm 2019, dự kiến khi hoàn thành sẽ có được quy trình công nghệ sản xuất vaccine Hib cộng hợp ở quy mô 300.000 liều/loại. Đại diện Vabiotech cho biết: “Thành phần Hib cộng hợp do công ty sản xuất cũng có thành phần tương đương như thành phần Hib mà hai nhà sản xuất GlaxoSmith Kline (GSK) và Sanofi Pasteur đang sử dụng cho vaccine 6 trong 1 là Infarix hexa và Hexaxim. Do vậy, kháng nguyên của vaccine Hib cộng hợp này cũng sẽ có thể kết hợp được với các thành phần kháng nguyên khác để phối hợp thành vaccine 6 trong 1 trong thời gian tới”.

Cho con tiêm vaccine “xách tay”, khác gì “gửi trứng cho ác”? - 1

Người dân nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bùng phát dịch bệnh nguy hiểm. Ảnh minh họa: Chí Cường

Trao đổi bên lề Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, sắp tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cung cấp miễn phí vaccine cho người dân trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Về việc sản xuất vaccine 6 trong 1, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, Bộ Y tế hiện giao cho 3 cơ quan nghiên cứu, mỗi cơ quan phát triển từ 1 - 2 loại vaccine. Bộ đã thành lập Hội đồng chung và Ban Chủ nhiệm đề tài để làm sao phối trộn vaccine 6 trong 1. Hiện nay, Hội đồng đang làm việc liên tục với các công ty, đối với các đơn vị triển khai sản xuất các loại vaccine này.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ: “Nghiên cứu để phát triển từng thành phẩm vaccine một thì dễ hơn, nhưng khi nghiên cứu phối trộn các thành phần vaccine, các công ty phải phối hợp với nhau từ kháng nguyên, dung dịch bảo quản… để làm sao phối trộn thành công. Hy vọng, tới năm 2017 – 2018, Việt Nam sẽ sản xuất được vaccine 6 trong 1. Đến năm 2020 sẽ có vaccine thương phẩm đưa ra thị trường. Về mặt chất lượng, vaccine này sẽ đảm bảo vì Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là cơ quan quản lý quốc gia về vaccine theo tiêu chuẩn quốc tế”.

Nên cân nhắc việc cho con tiêm vaccine qua “cò”

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến hết năm 2016, Việt Nam vẫn sẽ khan hiếm vaccine dịch vụ (từ Pháp, Bỉ). Trên thực tế, một bộ phận người dân hoặc chờ đợi vaccine dịch vụ, hoặc chấp nhận mất chi phí cao đưa con ra nước ngoài tiêm chủng, hoặc tiêm bằng vaccine dịch vụ theo hình thức “xách tay”. Về vấn đề này, Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ đang tích cực can thiệp, làm việc với các công ty để có điều phối vaccine dịch vụ về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Khẳng định việc người dân đưa con em ra nước ngoài tiêm chủng là nhu cầu chính đáng trong phòng chống bệnh tật cho trẻ, nhưng Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long một lần nữa khuyến cáo: Việc đâu đó có hiện tượng người dân tiêm vaccine “xách tay” là tuyệt đối không được phép, vì điều này vô cùng nguy hiểm. Trước thực tế khan hiếm  vaccine kéo dài trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã tiến hành nhiều biện pháp để khắc phục như cử cán bộ y tế ra nước ngoài để tìm hiểu xem nguồn cung vaccine của các quốc gia thế nào để có cách ứng phó. Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu Cục Quản lý dược làm việc chặt chẽ với các công ty vaccine trên toàn cầu để tiến hành nhập khẩu vaccine. Song nhìn chung, việc khan hiếm vaccine hiện xảy ra ở nhiều nước khác trên thế giới trong đó có cả Pháp - nơi được cho là quê hương sản xuất ra nhiều loại vaccine.

PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định: “Vaccine không đảm bảo chất lượng, không được bảo quản đúng quy trình, đúng nhiệt độ rất dễ xảy ra phản ứng nguy hiểm cho cơ thể. Những vaccine “xách tay” không chắc chắn được kiểm định về chất lượng hay không, người tiêm cũng có thể không có kỹ thuật, không đủ các phương tiện cấp cứu nếu xảy ra phản ứng”. Như thế, việc quyết định tiêm bên ngoài, qua “cò”, với hàng “xách tay” không rõ nguồn gốc chẳng khác nào phụ huynh đang “gửi trứng cho ác” với những nguy cơ, hiểm họa khôn lường”.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, thông tin một số cá nhân có rao bán các "suất" tiêm vaccine dịch vụ ngoại giao của cán bộ y tế với giá lên tới hàng chục triệu đồng cần được kiểm chứng, bởi hiện nay quy trình kiểm định, phân phối vaccine diễn ra rất chặt chẽ. Theo đó, vaccine sau khi nhập khẩu về Việt Nam, Bộ Y tế sẽ tiến hành kiểm nghiệm. Sau đó, các công ty phân phối mới tiến hành phân bổ vaccine cho các đơn vị có đăng ký với công ty từ trước. Hiện tại, chưa có lô vaccine nào chưa được kiểm định mà đã được đưa ra thị trường. Do vậy, sẽ khó có tình trạng vaccine được nhập khẩu về kiểm định xong mà bị “ghim” lại không đưa ra lưu thông trên thị trường. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay: Nếu ở đâu đó có tình trạng giá bán vaccine cao hơn giá trần nhiều lần,  Bộ Y tế sẽ cử cán bộ thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm sai phạm.

160.000 liều vaccine dịch vụ sắp về Việt Nam

“Tôi phải khẳng định lại rằng chất lượng của vaccine tiêm chủng dịch vụ và vaccine tiêm chủng mở rộng là tương đương nhau, không có sự khác biệt. Người dân nên cho trẻ đi tiêm chủng mở rộng đúng lịch để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bùng phát dịch bệnh nguy hiểm. Về vaccine dịch vụ, hiện Bộ Y tế cũng đang đàm phán với các đối tác liên quan để lô vaccine với khoảng 160.000 liều vaccine dịch vụ tổng hợp được nhập khẩu về Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Cùng với đó là hơn 40.000 liều vaccine dịch vụ đang được kiểm định và dự kiến đưa vào tiêm chủng trong cuối tháng 12 này. Hy vọng quyết định đó sẽ giải quyết phần nào những bức xúc của người dân về nhu cầu tiêm vaccine”.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế

Theo Võ Thu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot