Chuyện chảy nước mắt ở nơi bị 'giặc ruồi' tấn công

Ngày 03/08/2015 00:09 AM (GMT+7)

"Mấy đứa bé trong nhà thì bị bệnh tiêu chảy, đau mắt suốt, khoảng dăm ba hôm lại phải ra nhà thuốc gần đấy khám rồi mua thuốc uống mới khỏi, tình trạng này cứ xảy ra liên tục và lặp đi lặp lại, tội mấy đứa nhỏ lắm", bà Hạnh nói.

Để tìm hiểu về tình trạng ruồi sinh sôi nảy nở nhiều vô số gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân trong thời gian gần đây, chúng tôi đã tìm đến ấp 9, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An để chứng kiến vụ việc.

Ruồi tung hoành

Cách ấp 9 khoảng vài cây số, khi nghe chúng tôi hỏi đường vào ấp, chị hàng nước mía cứ như những người bói toán, hỏi liền là phóng viên đi viết về ruồi phải không, tôi nhẹ gật đầu, chị lên tiếng với giọng sang sảng: “Ruồi ở đây thiếu gì em ơi, nhưng trong ấp 9 mới nhiều, nhiều đến nỗi mà không thể tưởng tượng nổi tại sao người dân khu vực đó có thể sống được”.

Chuyện chảy nước mắt ở nơi bị giặc ruồi tấn công - 1

Bà Vũ Thị Hạnh kể về nạn ruồi trong tuyệt vọng

Chúng tôi đến ấp 9 vào một buổi trưa ít gió, hỏi thăm dăm bảy người trong ấp mới đến được nhà bà Vũ Thị Hạnh. Chưa kịp niềm nở, vui mừng, mắt bà Hạnh như hẳn cụp xuống, rồi bỗng thở dài, nhỏ nhẹ lên tiếng: “Ruồi ở đây nhiều lắm cháu ơi, nỗi khổ vì ruồi thì sao mà kể thấu được. Ăn cơm cùng ruồi, uống nước cùng ruồi, thậm chí ngủ cũng không yên với ruồi. 

Tệ hơn nữa, bà Năm nay đã 63 tuổi, cơ thể có nhiều vết mổ chưa lành hẳn vì suốt ngày phải bịt nhiều lớp để tránh ruồi, nếu không ruồi mà chui vào đấy đẻ trứng thì chỉ khổ con khổ cháu. Mấy đứa bé trong nhà thì bị bệnh tiêu chảy, đau mắt suốt, khoảng dăm ba hôm lại phải ra nhà thuốc gần đấy khám rồi mua thuốc uống mới khỏi, tình trạng này cứ xảy ra liên tục và lặp đi lặp lại, tội mấy đứa nhỏ lắm”.

Nhìn mấy đứa trẻ con đen nhẻm, ốm nhách, mặt mũi bơ phờ, ngồi mát dưới tán cây mà trong tay không quên cầm que tre dài, trên đầu que tre có móc vào vài ba cái lá cây để đuổi ruồi mới thấy chúng đáng thương đến nhường nào.

Ngồi nghe bà Hạnh nói về ruồi, chúng tôi quan sát trên bàn, trên giường, trên nhà trên, dưới nhà bếp, ngoài vườn... thậm chí trên khuôn mặt nhăn nheo bởi thời gian của bà cũng có vài ba con ruồi đậu lại.

                                 Chuyện chảy nước mắt ở nơi bị giặc ruồi tấn công - 2                          

Ruồi bám đầy trên bàn và thức ăn khi chỉ mới dọn thức ăn ra trong vòng chưa tới 30 giây.

Khi thấy chúng tôi thắc mắc về nguyên nhân tại sao ruồi lại bỗng nhiều bất thường đến vậy, và ruồi thế này lâu chưa, thì bà quả quyết: “Ruồi xuất hiện nhiều cách đây cũng khá lâu rồi, sau khi trang trại nuôi gà đối diện nhà thành lập". 

Trang trại gà thành lập cách đây khoảng 3 năm rồi, chỉ cách nhà bà Hạnh vài ba chục mét. Kể từ ngày có trang trại thì ruồi nhiều vô kể, càng lúc càng nhiều thêm.

Gia đình, hàng xóm, vợ chồng mất tình thân vì ruồi

Chuyện chảy nước mắt ở nơi bị giặc ruồi tấn công - 3

Chị Băng trải những tấm keo bẫy dính đầy ruồi

Ngồi chăm chú lắng nghe cuộc trò chuyện giữa tôi và bà Hạnh, chị Thái Thị Đông Băng 34 tuổi, con dâu bà Hạnh chỉ tay về phía trại gà nói thêm: “Lúc xưa nhà này có nhiều hàng xóm tới chơi lắm, nhưng kể từ khi có trại gà, nhiều ruồi thì ít ai dám đến, không đến một phần chỉ vì ruồi, mà phần khác là do mùi phân gà bên trại gà bay qua nữa. Mùa nắng nóng chỉ cần 1 cơn gió nhẹ thổi qua là mùi hôi tanh nồng nặc cả khu xóm, nhà ở xa thì bị ít, nhà ở gần thì bị nhiều hơn, đến lúc mưa thì thê thảm hơn nhiều, tanh lắm, hôi lắm em ơi".

Khi thấy chúng tôi thắc mắc là nếu ruồi nhiều thế này thì làm sao ăn cơm, chị Băng ngập ngừng cho biết ăn cơm phải ăn theo giờ thì mới mong tránh được ruồi. Buổi sáng phải dậy thật sớm, trước lúc trời hừng sáng, cả nhà phải lo ăn vội, phần ai nấy ăn. Buổi chiều phải đợi trời tối mịt thì gia đình mới dùng bữa. Thế nhưng khó khăn nhất là buổi trưa, sau khi dọn thức ăn ra, phần ai nấy ăn, ăn lấy ăn để, ăn vì sợ ruồi bâu vào mỗi lúc một nhiều. 

"Không ít lần tôi và chồng cãi nhau vì ăn nhanh hay ăn chậm. Với tôi và mẹ thì nghĩ bữa cơm gia đình ở vùng quê là phải ăn chậm, cả gia đình cùng ngồi trò chuyện, nhưng bây giờ cứ phải ăn nhanh, chứ ruồi vào thì ăn bực mình lắm", chị kể.

Mấy năm trở lại đây, đến ngày giỗ chồng, bà Hạnh nói con chỉ làm vài mâm cơm. Đồ cúng không được đặt theo cách cúng bình thường, mà phải ra chợ mua bọc ni lông bọc hết lại vì sợ rằng không biết cúng cho người mất, hay chỉ để cúng ruồi.

Bà Hạnh kể, lúc trước ngày cúng giỗ, bà con xa gần kéo về đông lắm, còn giờ thì rất ít người về, nếu có cũng vài ba người. Cúng xong, đợi nén nhang tàn, họ vội vã đi ngay vì không dám ăn ruồi. Mình sống ở đây thấy cảnh đó quen rồi, cố nuốt, chứ họ chắn chắn không dám ăn. Việc như vậy cứ xảy ra, nên bà con, hàng xóm, tình thân cứ thế nhạt nhẽo dần.

Trả lời phóng viên, phó Chủ tịch xã Lương Hòa ông Ngô Tấn Thời cho biết đã nhận được sự kiến nghị, bức xúc của người dân trong khu vực. Hiện tại ông đã triệu tập chủ trại gà để tìm hiểu nguyên nhân. Ông và chính quyền địa phương sẽ cố gắng tiến hành biện pháp diệt ruồi trong thời gian sớm nhất.

Trần Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự