Đa số người Việt phát hiện bệnh gan ở giai đoạn cuối

Ngày 30/07/2015 00:09 AM (GMT+7)

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, do nhiều người không biết tình hình bệnh nên chỉ đến khi bệnh đã biến thành xơ gan, ung thư gan mới đến bệnh viện thăm khám. PGS khuyến cáo người dân mang con đi tiêm chủng viêm gan B, đặc biệt là tiêm mũi đầu tiên trong 24 giờ sau sinh.

Hàng năm, tại Việt Nam có hàng triệu người mắc bệnh viêm gan, trong số đó có đến hàng vạn người đã bị tử vong vì căn bệnh nguy hiểm này. Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhận thức của người dân chưa cao cả trong phòng và điều trị bệnh.

Để giúp người dân phòng và điều trị căn bệnh này hiệu quả, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, đồng thời là giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nhân tháng hành động phòng chống bệnh gan 2015.

- Thưa ông! Ông đánh giá như thế nào về tình hình viêm gan ở Việt Nam hiện này?

- Trong nhiều năm qua, do tính chất âm thầm của bệnh nên nhiều người không biết đến viêm gan, đặc biệt là viêm gan B và C, đây là hai “kẻ thù thầm lặng” rất nguy hiểm.

Theo các điều tra, tỷ lệ viêm gan B ở Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao chiếm khoảng 15 đến 20% dân số, viêm gan C chiếm từ 4 đến 7% dân số tùy thuốc vào từng tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều người không biết tình hình bệnh nên chỉ đến khi bệnh đã biến thành xơ gan, ung thư gan mới đến bệnh viện thăm khám.

Đa số người Việt phát hiện bệnh gan ở giai đoạn cuối - 1

PGS Nguyễn Văn Kính cho biết, nhiều người đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn xơ gan hoặc ung thư gan.

Hiện nay, với chương trình phòng chống viêm gan do Bộ Y tế phát động, chúng tôi đang đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, khám sàng lọc để làm sao phát hiện sớm nhất, nhanh nhất nhằm giúp bệnh nhân điều trị và có thể khỏi hoàn toàn viêm gan virus C.

- Ông có thể nói cụ thể hơn những công việc sẽ làm trong tháng hành động này để giúp người dân phòng chống bệnh viêm gan?

- Tháng hành động quốc gia về phòng chống viêm gan, chúng tôi sẽ tập trung, phối hợp với các các phương tiện thông tin đại chúng, để đưa thông tin chính xác giúp người dân cập nhật kiến thức về căn bệnh viêm gan B và C, cũng như mối nguy hiểm và nguy cơ bị nhiễm các virus này.

Ví dụ như virus viêm gan B lây qua đường đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Virus viêm gan C cũng vậy, tuy nhiên tỷ lệ lây nhiễm khác nhau.

Ngoài ra, chúng tôi tổ chức giờ viêm gan phát sóng trên truyền hình để các chuyên gia có kinh nghiệm trao đổi, tương tác với người bệnh và người dân giúp cho họ có nhận thức về bệnh viêm gan virus này.

Không chỉ có vậy, chúng tôi còn tổ chức phòng tư vấn, xét nghiệm miễn phí cho người dân tại khu vực phòng khám Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, dự tính sẽ xét nghiệm sàng lọc cho khoảng 1000 người. Đồng thời, bệnh viện cũng đã chuẩn bị được những trang thiết bị hiện đại như máy đo lượng virus, máy giải trình gen để phát hiện những tuýp viêm gan chính xác và hiệu quả hơn.

Đa số người Việt phát hiện bệnh gan ở giai đoạn cuối - 2

Hãy đi khám sức khỏe để được tư vấn và xét nghiệm phát hiện bênh viêm gan sớm.

- Như ông vừa cho biết, bệnh viêm gan khó phát hiện qua các biểu hiện lâm sàng. Vậy làm sao để người dân có thể phát hiện bệnh một cách sớm nhất?

- Để phát hiện sớm bệnh viêm gan virus thì người dân cần phải đi khám định kỳ, trong quá trình khám sức khỏe nhân viên y tế sẽ tư vấn làm các xét nghiệm cần thiết. Chỉ có xét nghiệm mới có thể khẳng định được là viêm gan C hay B.

Đối với những người có biểu hiện lâm sàng như: mệt mỏi, vàng mắt chiếm tỷ lệ rất thấp chưa đến 10% số người viêm gan.

- Vậy hiện nay, tỷ lệ viêm gan ở Việt Nam đang ở mức độ như thế nào? Có gia tăng hay không?

- Để đánh giá về tỷ lệ tăng hay giảm phải tùy thuộc vào các cuộc đánh giá định kỳ. Tuy nhiên, nhờ Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai từ năm 1997 đến nay, tỷ lệ viêm gan B ở trẻ em dưới 10 tuổi hiện nay chỉ còn dưới 2%.

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền người dân hãy mang con đi tiêm chủng viêm gan B, đặc biệt là tiêm mũi đầu tiên trong 24 giờ sau sinh và những mũi tiếp theo trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hy vọng, đến năm 2017 chúng ta sẽ đạt được đích tỷ lệ viêm gan B ở trẻ em dưới 10 tuổi còn dưới 1%.

- Hiện nay, rất nhiều người kể cả là trẻ nhỏ khi mắc bệnh viêm gan lại sử dụng những loại thuốc nam để điều trị. Vậy ông có nhận định như thế nào về vấn đề này?

- Tất cả những loại thuốc đông y đều có hiệu quả hỗ trợ trong điều trị viêm gan chứ không chữa khỏi hoàn toàn viêm gan. Đây là điều chắc chắn.

Các thuốc điều trị hiện nay đều được Bộ Y tế đưa ra trong phác đồ điều trị chuẩn viêm gan và được áp dụng trong tất cả các cơ sở y tế trong toàn quốc, đó là kết hợp thuốc Interferon và Ribavirin để điều trị trong vòng 48 tuần với những người bị viêm gan C, còn viêm gan B hiện nay cũng có rất nhiều thuốc điều trị. Tuy nhiên, việc điều trị phải tùy thuộc vào tải lượng virus của từng bệnh nhân cũng như bệnh nhân đã từng được điều trị hay chưa được điều trị.

- Vậy hai căn bệnh viêm gan C và viêm gan B có thể điều trị khỏi được hay không?

- Riêng viêm gan C thì có thể điều trị khỏi được. Nhưng viêm gan B do quá trình tấn công đã gắn vào gen nên quá trình trục xuất ra khỏi tế bào gan là cả quá trình gian khổ. Bởi vậy phải mất rất nhiều năm với áp lực thuốc để tải lượng virus không tăng lên và không phát hiện được thì người đó có thể coi như là đã điều trị được.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tiêm chủng mở rộng