Phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng tại TP. HCM

Ngày 08/05/2016 11:11 AM (GMT+7)

Tại TP. HCM thời gian qua, nắng nóng trung bình 35 – 36 độ C, có lúc đỉnh điểm lên đến 40 độ C, chỉ số tia cực tím lớn ảnh hưởng đến sức khỏe về da. Ngoài ra, nắng nóng còn báo động hơn về tình trạng ngộ độc thực phẩm nếu không biết phòng chống.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. HCM (ATVSTP) thì thực phẩm là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng như đạm, đường, béo, các vitamin, chất khoáng và chất xơ cho cơ thể. Vì là môi trường giàu chất dinh dưỡng nên thực phẩm cũng là thức ăn hấp dẫn cho các loại vi sinh vật, trong đó có vi sinh vật gây bệnh. Điều kiện nhiệt độ nóng, ẩm hiện nay chính là môi trường lý tưởng cho vi sinh vật xâm nhập vào thực phẩm và phát triển nhanh về số lượng cũng như tiết độc chất gây nên ngộ độc cho người ăn.

Mặt khác, vì thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm có bản chất là chất hóa học nên do quá trình phân hủy tự nhiên, thực phẩm cũng sẽ bị tác động, thay đổi cấu trúc theo điều kiện nhiệt độ, ẩm độ, thời gian,… chúng sẽ bị hỏng, biến chất và trở nên độc.

Phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng tại TP. HCM - 1

Người dân bị ngộ độc thực phẩm chữa trị tại bệnh viện - Ảnh: V.Luận

Trong suốt quá trình từ nuôi trồng, sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phối... thực phẩm đều có nguy cơ bị ô nhiễm bởi các tác nhân sinh học, hóa học và vật lý học. Do vậy, nếu từng khâu trong chuỗi thực phẩm này không tuân thủ theo các quy định về ATVSTP thì thay vì là chất dinh dưỡng, thực phẩm bị nhiễm độc sẽ là nguyên nhân gây nên ngộ độc thực phẩm, có tác động xấu đến sức khỏe con người.

Để phòng chống ngộ độc thực phẩm nói chung, trong mùa nắng nóng nói riêng, mỗi chúng ta cần tuân thủ theo 10 nguyên tắc vàng sau đây:

1. Lựa chọn thực phẩm tươi sạch an toàn

Nên lựa chọn thịt, cá màu hơi hồng (thịt heo) hoặc đỏ tươi (thịt bò), thớ thịt săn chắc không có mùi lạ. Chọn cá tươi có mang đỏ hồng, thịt cá săn chắc không vỡ bụng không có mùi hôi.

Không sử dụng rau lạ, rau bị dập nát, úng. Ngâm kỹ, rửa rau quả ít nhất 3 lần hoặc rửa dưới vòi nước chảy để loại trừ phần lớn các thuốc bảo vệ thực vật tồn dư. Không sử dụng rau, củ dập nát, gãy vụn, hôi thối, mốc meo hoặc bị sâu bọ xâm nhập. 

2. Thực hiện ăn chín uống sôi, ngâm kỹ, gọt vỏ quả tươi trước khi sử dụng

Không ăn tiết canh, thịt heo, bò, cá, thủy sản sống hay tái vì các mầm bệnh ký sinh trùng, vi sinh vật có trong các thực phẩm này không bị tiêu diệt bởi nhiệt độ nấu chín sẽ đi vào cơ thể gây nên các bệnh lý như sán dãi bò, sán dãi heo, sán lá gan, sán lá phổi,…

Ngâm kỹ, rửa rau ít nhất 3 lần hoặc rửa dưới vòi nước chảy để có thể loại trừ phần lớn các hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư qua đường rửa trôi. Nấu chín, mở vung cũng là cách tốt để loại trừ phần lớn hóa chất bảo vệ thực vật còn sót lại qua con đường bay hơi.

3. Ăn ngay thức ăn vừa được nấu chín

Ăn thức ăn sau nấu chín trong vòng 2 giờ đầu vì điều kiện chế biến, bảo quản không tốt, thời tiết nóng ẩm sẽ làm thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật và vi khuẩn sẽ phát triển rất nhanh theo thời gian, có thể sinh ra độc tố nên nguy cơ gây nên ngộ độc thực phẩm là rất lớn.

4. Che đậy bảo quản thức ăn sau khi được nấu chín

Các côn trùng như ruồi, bọ, gián,… và vật nuôi như chó, mèo thường mang theo rất nhiều vi trùng, trong đó có vi trùng gây bệnh, khi chúng chạm phải thức ăn không được che đậy sẽ làm nhiễm độc thức ăn.

Phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng tại TP. HCM - 2

Người dân mua rau, củ, quả sạch tại chợ phiên bán nông sản sạch tổ chức tại TP. HCM vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần - Ảnh: V.Luận

5. Đun lại thức ăn cũ trước khi sử dụng

Thức ăn nên chuẩn bị vừa đủ khi ăn, nếu bị thừa thì phải bảo quản chúng ở nhiệt độ thích hợp như nhiệt độ hâm nóng (trên 60 độ C) hay bảo quản lạnh (4-5 độc C) để tiêu diệt hay hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, đun kỹ thức ăn cũ trước khi dùng để tiêu diệt mầm bệnh. Tránh đun lại thức ăn cũ quá 2 lần.

6. Không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm chín, không dùng chung dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín

Việc lây nhiễm vi sinh vật dễ dàng từ thực phẩm sống (thịt, cá, trứng,…) sang thức ăn đã nấu chín và gây ra ngộ độc thức ăn khi chúng ta bảo quản thức ăn, dùng chung dụng cụ chế biến như dao, thớt dành cho thức ăn còn sống với thức ăn đã được nấu chín.

7. Rửa sạch tay trước khi chế biến thực phẩm, đặc biệt sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các nguồn dễ ô nhiễm khác

Rửa tay sạch là biện pháp hữu hiệu, tiện lợi và dễ dàng nhất ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm. 

Tay cần được rửa sạch trước khi chế biến thực phẩm; trước khi tiếp xúc thực phẩm; trước khi ăn; sau khi chế biến thịt, cá, rau quả tươi sống; sau khi đi vệ sinh; sau khi ho, hắt hơi, xì mũi, gãi đầu, ngoáy mũi, tai, chạm vào đồ lót; sau khi chạm vào rác, chất, vật bẩn; sau khi ăn, hút thuốc…

8. Bảo đảm dụng cụ nơi chế biến thực phẩm phải khô ráo, gọn gàng sạch sẽ hợp vệ sinh

Điều này giúp giảm thiểu số lượng vi sinh vật còn sót trên bề mặt dụng cụ sau khi rửa.

9. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu, hỏng mốc, quá hạn

Thức ăn biến chất, hỏng, ôi thiu không những không còn giá trị dinh dưỡng mà còn chứa độc chất, vi khuẩn gây nguy hại đến sức khỏe chúng ta.

10. Sử dụng nguồn nước sạch trong chế biến thực phẩm

Giữ gìn và sử dụng nguồn nước sạch trong gia đình và nơi công cộng luôn là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo sức khỏe của mỗi người chúng ta. Nguồn nước sẽ trở nên độc và lây truyền các bệnh qua đường phẩm, gây nên các bệnh mãn tính nguy hiểm khi bị ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh (bệnh tả) hay bị ô nhiễm bởi các chất độc công nghiệp.

Người tiêu dùng nên quan sát và chọn mua thực phẩm tại các cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cố định, điều kiện vệ sinh nơi bán hàng, dụng cụ, thiết bị bảo quản thực phẩm đảm bảo, nhân viên bán hàng không dùng tay trần bóc trực tiếp thức ăn, nước đá,… Đối với quán giải khát cần quan sát nơi bảo quản đá uống, cách làm nhỏ đá uống. Không chọn mua thức uống giải khát tại những nơi mà đá uống được bảo quản trên miệng cống, chặt hoặc đập nhuyễn đá ngay trên nền nhà, lề đường, dùng đá uống để ướp lạnh trái cây, thịt sống.

Đối với sản phẩm thực phẩm có bao gói, người tiêu dùng cần có thói quen xem kỹ nhãn mác. Các thông tin trên nhãn sản phẩm cần lưu ý bao gồm tên và địa chỉ sản xuất, thành phần nguyên liệu, phụ gia, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thông tin cảnh báo, hướng dẫn sử dụng…

Việc phòng chống ngộ độc thực phẩm không chỉ từ việc tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, công tác quản lý ATVSTP của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn là ý thức, trách nhiệm của mỗi người tiêu dùng. Trong đó, việc trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm là biện pháp tốt nhất, hữu hiệu nhất để có thể tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình và gia đình.

Văn Luận
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ngộ độc thực phẩm