Sau khi khỏi COVID-19, ngoài yếu tố tinh thần thì việc chăm sóc dinh dưỡng là rất quan trọng, đặc biệt những người có triệu chứng ho, khó thở cần bổ sung một số loại thực phẩm tốt cho phổi.
Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia.
Hiện nay, dù số ca mắc COVID-19 gia tăng, nhưng do phần đông dân số đã được tiêm phòng vắc xin đầy đủ nên hầu hết mọi người bớt lo lắng về việc xảy ra biến chứng nặng. Tuy nhiên, vấn đề hậu COVID-19 lại đang khiến rất nhiều người băn khoăn, nhất là về ảnh hưởng đến phổi sau khi khỏi bệnh.
Bác sĩ Đinh Thế Tiến - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, đa số các bệnh nhân khi đi khám hậu COVID-19 đều muốn được chụp chiếu phổi, nhưng thực tế thì không phải ai mắc COVID-19 cũng bị ảnh hưởng đến phổi. Những người sau khi khỏi COVID-19 bị tổn thương phổi đa số là trường hợp trước đó nằm viện dài ngày, phải thở máy, thở ô xy…
Bác sĩ Tiến kiểm tra phim chụp phổi cho một bệnh nhân đến khám hậu COVID-19 tại bệnh viện.
Với những trường hợp dù không có tổn thương phổi ngay sau khi mới khỏi bệnh cũng không nên chủ quan, mà nên đi khám khi phát hiện triệu chứng khó thở, tức ngực, hụt hơi, ho kéo dài… Ngoài ra, việc bổ sung dinh dưỡng sau khi khỏi COVID-19 cũng rất quan trọng.
TS.BS Nguyễn trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, ngoài vấn đề điều trị (nếu có tổn thương), tập thở theo hướng dẫn của bác sĩ, thì việc lựa chọn thực phẩm tốt cho phổi sau khi mắc COVID-19 cũng là việc nên làm.
“Có rất nhiều thực phẩm tốt cho những người có triệu chứng khó thở, ho kéo dài sau khi mắc COVID-19. Các loại thực phẩm giúp “dưỡng phổi” này có thể dùng bằng nhiều cách khác nhau như kết hợp nấu món ăn, chế biến thành dạng uống hoặc ăn trực tiếp”, bác sĩ Hưng cho hay.
Một số loại gia vị quen thuộc như gừng, tỏi có tác dụng rất tốt cho phổi.
Theo tư vấn của bác sĩ Hưng, các loại gia vị như gừng, tỏi, nghệ chứa hoạt chất chống nhiễm khuẩn và giảm viêm tốt cho phổi. Khi sử dụng có thể dùng các chế phẩm từ gừng tỏi hoặc kết hợp chế biến thành các món ăn trong bữa cơm gia đình là rất tốt. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên lạm dụng, vì đây là các loại gia vị cay, nóng, nếu dùng quá nhiều có thể gây hệ lụy cho sức khỏe như nổi mụn, hại dạ dày...
Ngoài nhóm gia vị, có thể dùng các loại hạt chứa dầu như hạt điều, hướng dương, hạnh nhân… cũng rất tốt cho phổi. Trong các loại hạt này chứa khoáng chất và magie có tác dụng làm giãn cơ trơn bao bọc xung quanh phế quản, từ đó làm giãn phế quản, giúp không khí dễ dàng đi qua đường thở tới các phế nang.
Đối với hoa quả, nên chọn những loại quả chứa nhiều vitamin C, chứa chất chống ô xy hóa, chống viêm như bưởi, táo nhằm giúp cải thiện chức năng phổi, nhất là những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ngoài ra, nên tăng cường các loại rau xanh, đặc biệt là các loại rau họ cải rất tốt cho phổi.
Để hồi phục nhanh sau mắc COVID-19 cần thiết phải ăn cân đối, đa dạng các loại thực phẩm. Ảnh minh họa.
Nói như vậy không có nghĩa là người bị ho, khó thở, có dấu hiệu ảnh hưởng đến phổi sau khi mắc COVID-19 chỉ sử dụng những loại thực phẩm trên, bác sĩ Hưng cho rằng, vẫn phải bổ sung cân đối, đa dạng các loại thực phẩm để nâng cao sức đề kháng.
Theo đó, trong giai đoạn phục hồi sau khi mắc COVID-19, mọi người cần chú ý đến một số vấn đề về chế độ ăn uống như sau:
- Ưu tiên các sản phẩm như: thịt, cá, trái cây, rau… tươi sống, mới thu hoạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hạn chế các sản phẩm đóng gói, thực phẩm chế biến sẵn.
- Đảm bảo tất cả các bữa ăn đều được nấu tại nhà thay vì phụ thuộc vào các loại đồ ăn bên ngoài.
- Ăn nhiều thức ăn trong một bữa có thể khó khăn trong giai đoạn đầu hồi phục sau nhiễm COVID-19, do vậy người bệnh nên chia các bữa ăn thành 5-6 bữa nhỏ trong ngày.
- Nhiều bệnh nhân COVID-19 gặp khó khăn khi nuốt trong thời gian hồi phục, vì vậy nên chế biến các món ăn lỏng, mềm để dễ nuốt và hấp thu tốt hơn.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến thức ăn. Rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi tiếp xúc và ăn uống.
Tin liên quan
Thực phẩm mọc mầm xuất hiện rất nhiều trong đời sống hàng ngày, tuy nhiên không phải loại nào cũng tốt hoặc cũng gây ngộ độc, vì thế mọi...
Tin bài cùng chủ đề TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng
Bí đỏ có rất nhiều công dụng với sức khỏe, có thể để được lâu, nhưng cần phải sử dụng và bảo quản đúng cách mới phát huy được hết công dụng của loại quả này.