Phụ nữ có phải ai cũng nên uống thêm thuốc bổ? Đáp án khiến nhiều người thở phào

Ngày 19/07/2022 19:44 PM (GMT+7)

Muốn bồi bổ sức khỏe và ngăn ngừa bệnh, nhiều người tìm đến các loại thực phẩm bổ sung, liệu việc này có tác dụng, mời bạn xem phần giải đáp của BS gốc Việt Trần Huỳnh, Đại học Y khoa California Northstate University (Mỹ).

Nghe audio
0:00
0:00

Câu hỏi: Tôi đã hơn 50 tuổi, vừa mãn kinh, cơ thể khỏe mạnh và không có triệu chứng bệnh gì. Tôi thấy nhiều người ở tuổi mình rất chăm dùng các thực phẩm bổ sung, bồi dưỡng cơ thể. Tôi cũng có được biếu một số loại mà chưa dùng. Theo bác sĩ, tôi có nên sử dụng thuốc bổ để khỏe mạnh hơn, chống bệnh…? 

(Độc giả Lê Nguyệt, Hải Phòng)

PGS.BS gốc Việt Trần Huỳnh (Huynh Wynn Tran), Đại học Y khoa California Northstate University (Mỹ) trả lời:

Chào bạn,

Thực phẩm chức năng (TPCN) hay còn gọi là thuốc bổ, là một thị trường lớn tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Theo một bài báo từ trường Y Harvard, có đến 70% người lớn tuổi tại Mỹ dùng ít nhất một loại TPCN và hơn một nửa số người lớn tuổi dùng mỗi ngày ít nhất 2 loại.

Theo tôi, thuốc bổ hay TPCN không thể và không bao giờ thay thế được chế độ ăn uống cân bằng, khoẻ mạnh từ thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, nó có thể có vai trò trong một số trường hợp có rủi ro cao khi thiếu chất trong chế độ dinh dưỡng như thiếu vitamin D, vitamin B12.

PGS.BS gốc Việt Trần Huỳnh (Huynh Wynn Tran).

PGS.BS gốc Việt Trần Huỳnh (Huynh Wynn Tran).

Các nghiên cứu về TCPN cho thấy những sản phẩm này rất ít có tác dụng thực sự. Một nghiên cứu tổng hợp (dựa trên 179 nghiên cứu) về TPCN ở 4 loại được mua nhiều nhất là Vitamin D, Vitamin C, Canxi, và Multivitamin (vitamin tổng hợp) cho thấy dùng 4 loại này không hề giúp ích gì trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch - là loại bệnh giết người hàng đầu tại Mỹ.

Tuy nhiên, một nghiên cứu khác, Physician's Health Study II, về dùng vitamin tổng hợp cho thấy đàn ông giảm được 9% rủi ro ung thư. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng bị nhiều chỉ trích vì chỉ thực hiện trên các bác sĩ nam tại Mỹ, đa số là người khoẻ mạnh không có bệnh.

Điều rủi ro cao nhất của TPCN là chất lượng các loại này không được Cơ quan quản lý thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) kiểm soát và khi chúng ta mua sản phẩm trên các trang mạng hay siêu thị thì cũng không chắc được là chúng có tác dụng thật sự không. Và vì vậy, đa số các sản phẩm này, theo luật của FDA, đều ghi rõ trên lọ là "không có tác dụng chữa trị bệnh".

Lý do rất nhiều người vẫn dùng TPCN, theo các nhà nghiên cứu, là có thể sản phẩm có tác dụng tâm lý, và tác dụng tâm lý này có thể làm tinh thần người dùng tốt hơn.

Thực tế, TPCN vẫn có thể tốt cho một số trường hợp như: 

- Bệnh nhân rủi ro cao thiếu vitamin D nên uống bổ sung vitamin D, nhất là trong mùa nhiều dịch bệnh, vì vitamin D được chứng minh có vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch và sức khỏe của xương. Nhưng uống thừa vitamin D lại không tốt. 

- Bệnh nhân loãng xương có thể cần vitamin D và Canxi. 

- Bệnh nhân bệnh mãn tính đường ruột như Crohn disease, không thể dùng Lactose (Intolerance) và bệnh nhân ăn chay trường (không có thịt cá, sữa, trứng) thường dễ thiếu Vitamin B12 nên cần bổ sung vitamin B12.

- Người lớn tuổi cũng có rủi ro về thiếu vitamin B12 do hấp thu vitamin ít hơn với bệnh viêm bao tử.

Không nên tùy tiện sử dụng các sản phẩm bổ sung. (Ảnh minh họa)

Không nên tùy tiện sử dụng các sản phẩm bổ sung. (Ảnh minh họa)

Một số tác dụng phụ nguy hiểm của TPCN nếu uống bừa bãi:

- Liều Beta Carotene cao có thể dẫn đến ung thư phổi.

- Liều vitamin E cao có thể dẫn đến đột quỵ.

- Vitamin K có thể tương tác với thuốc loãng máu (blood thinner).

- Vitamin B6 liều cao có thể dẫn đến tổn thương thần kinh.

- Uống quá nhiều Vitamin D có thể dẫn đến sạn thận...

Với trường hợp một người qua 50 tuổi, vừa bước vào giai đoạn mãn kinh và không có triệu chứng bệnh gì, thì tốt nhất nên ăn uống cân bằng và tập thể dục đều đặn.

Nói chung, trước khi quyết định uống TPCN, chúng ta nên gặp bác sĩ để tìm hiểu kỹ và biết cách dùng đúng. Có thể bác sĩ sẽ hỏi lại bạn về chế độ ăn uống, lối sống, thói quen tập luyện và kiểm tra xét nghiệm trước khi tư vấn và hướng dẫn sử dụng TPCN nếu cần bổ sung. Không ai nên tự quyết định uống TPCN hay nghe lời các “bác sĩ mạng”. 

Mọi thắc mắc của bạn đọc về các vấn đề sức khỏe sẽ được các chuyên gia tư vấn trong những bài tiếp theo. Mời quý độc giả đón đọc các bài Hỏi đáp bác sĩ vào các ngày thứ 3-5 hàng tuần trên mục Sức khỏe.

Mật ong pha thứ này không khác nào thuốc bổ, tốt cho tim, giúp giảm cân
Mật ong khi được kết hợp cùng với giấm táo, hiệu quả sẽ tăng thêm gấp bội tạo thành thứ "thuốc bổ" có tác dụng hỗ trợ chữa không ít căn bệnh thường gặp.

Sống khỏe

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe