Nữ kế toán giỏi giang bỗng dưng phát điên vì lý do không ai ngờ, cảnh báo một lối sống nhiều người trẻ mải mê

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 24/11/2022 11:58 AM (GMT+7)

Được sếp và đồng nghiệp đánh giá cao về trình độ chuyên môn, nữ kế toán bất ngờ phải đến viện tâm thần sau một sự cố ở công ty.

TS.BS Trần Thị Hồng Thu - PGĐ Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, trong cuộc sống hiện đại, việc phải đối mặt với áp lực công việc là điều khó tránh khỏi, nếu không biết cân bằng sẽ dễ gặp nhiều hệ lụy, nhất là sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, nhiều người không hề nhận ra khi mình bị stress trong công việc, thậm chí là bị loạn thần, trầm cảm mà vẫn cố tỏ ra bình thường. Chính điều này khiến cho bệnh tình ngày càng nặng, khi đó việc tiếp cận và điều trị khó khăn hơn.

Điển hình như trường hợp của nữ bệnh nhân Nguyễn Thị Thanh Hà (32 tuổi, ở Hà Nội), hiện là kế toán cho một tập đoàn lớn ở Hà Nội. Ngoài 30 tuổi và chưa có gia đình, Hà dành hết thời gian cho công việc và luôn được lãnh đạo, đồng nghiệp đánh giá rất cao về trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm.

Nữ kế toán luôn tự đổ lỗi cho mình, từ đó suy nghĩ đến mất ngủ và mắc bệnh. (Ảnh minh họa)

Nữ kế toán luôn tự đổ lỗi cho mình, từ đó suy nghĩ đến mất ngủ và mắc bệnh. (Ảnh minh họa)

Hà chia sẻ, cô sẵn sàng làm việc thâu đêm, làm thay khi đồng nghiệp bận trông con, lo việc gia đình. Người thân nhiều lần khuyên Hà không nên quá ham công việc, cần dành thời gian cho mình để kiếm bạn đời nhưng cô chỉ gật gù cho qua chuyện, hàng ngày vẫn lao đầu làm việc như con thiêu thân.

Trong một lần làm giấy tờ cho đơn hàng xuất khẩu, Hà cùng đồng nghiệp có một sai sót nhỏ khiến lô hàng không thể thông quan. Dù Hà không phải chịu trách nhiệm chính nhưng cô luôn cảm thấy có lỗi, nhiều lần đến phòng lãnh đạo xin lỗi.

Cũng chính vì vậy, Hà nhiều đêm mất ngủ, tinh thần bất an, bỏ ăn khiến cơ thể gầy rộc. Khi Hà có biểu hiện nói nhảm, hay khoe chiến tích công việc trước đây, gia đình liền đưa cô đi khám. Bác sĩ kết luận nữ kế toán này bị trầm cảm, mắc hội chứng ám ảnh, rối loạn cảm xúc và phải nhập viện điều trị.

“Tôi chưa bao giờ mắc lỗi trong công việc, luôn được khen là người giỏi giang, có trình độ. Vì thế khi mắc lỗi, tôi lo lắng, sợ mọi người đánh giá sai về mình nên suy nghĩ nhiều và tự gây áp lực cho bản thân dẫn tới như vậy”, Hà chia sẻ sau khi điều trị khỏi.

Cần biết cách bố trí, ưu tiên thứ tự công việc và dành thời gian cho bản thân để giảm áp lực. (Ảnh minh họa)

Cần biết cách bố trí, ưu tiên thứ tự công việc và dành thời gian cho bản thân để giảm áp lực. (Ảnh minh họa) 

Bác sĩ Hồng Thu cho biết, những trường hợp như nữ kế toán trên không hề hiếm gặp, và không chỉ có ngành kế toán mà tất cả các ngành nghề đều có những áp lực trong công việc, dẫn đến stress, trầm cảm.

Do vậy, việc cân đối công việc với thời gian thư giãn dành cho bản thân rất quan trọng. Ngoài ra, cần có kế hoạch sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên để tránh quá tải. Tuy nhiên, cũng không nên để bản thân rơi vào tình trạng quá nhàn rỗi, như vậy gây ra tâm lý không tốt, khi gặp áp lực không đối phó được, cũng dễ mắc bệnh. 

“Sức khỏe tinh thần sẽ có được khi chúng ta biết cách duy trì các mối quan hệ, giải quyết khó khăn trong cuộc sống mà vẫn giữ được sự cân bằng tinh thần. Nói chung, bạn nên cố gắng thích nghi tốt với mọi hoàn cảnh, nhất là những hoàn cảnh không thể chủ động, những hoàn cảnh khách quan không mong muốn, thậm chí cả những nghịch cảnh thì mới có thể giữ sức khỏe tâm thần tốt”, TS Thu tư vấn.

Từ vụ mẹ hại con nghi do trầm cảm, chuyên gia chỉ 13 dấu hiệu gia đình chớ coi thường
Trần cảm sau sinh thường khởi phát đột ngột và rất nặng, vì thế cần phải nhận biết các dấu hiệu để sớm có biện pháp can thiệp, tránh hậu quả đáng tiếc...

Trầm cảm sau sinh

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh trầm cảm