Trẻ ăn dặm bị táo bón mẹ phải làm sao?

Linh San - Ngày 27/03/2021 17:30 PM (GMT+7)

Trẻ ăn dặm bị táo bón thường là do trẻ đang gặp phải một số vấn đề về tiêu hóa do hệ tiêu hóa vẫn còn non yếu và chưa hoàn thiện. Mặc dù táo bón không quá nguy hiểm nhưng nó sẽ khiến trẻ bị khó chịu, lười ăn hơn.

Trẻ ăn dặm bị táo bón nguyên nhân do đâu?

Tại bất cứ độ tuổi nào, trẻ cũng đều cũng có thể bị táo bón. Tuy nhiên, có nhiều thời điểm mà nguy cơ táo bón này sẽ cao hơn, đó là lúc bé có sự thay đổi trong chế độ dinh dưỡng của mình.

Trẻ ăn dặm bị táo bón mẹ phải làm sao? - 1

Trẻ bị táo bón thường rất khó chịu. (Ảnh minh họa)

Và giai đoạn ăn dặm cũng chính là thời điểm mà trẻ dễ bị táo bón hơn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bé ăn dặm bị táo bón bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan.

- Hệ tiêu hóa của trẻ vẫn chưa thích nghi kịp với thực phẩm mới: Trong khoảng 6 tháng đầu đời, trẻ sẽ được bú mẹ hoàn toàn. Vì thế, hệ tiêu hóa của trẻ không cần phải hoạt động quá nhiều do sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng lý tưởng nhất, loãng, dễ hấp thu và tiêu hóa.

Tuy nhiên, khi bước sang tuổi ăn dặm, các loại thực phẩm khác với sữa mẹ khiến trẻ khó hoặc không kịp thích ứng. Từ đó, không tiết ra đủ enzyme tiêu hóa thức ăn làm thức ăn được tiêu hóa kém hơn. Đồng thời, những loại thực phẩm ăn dặm này cũng thường đặc hơn sữa mẹ làm cho trẻ gặp phải tình trạng táo bón kéo dài.

- Thời điểm mẹ cho bé ăn dặm quá sớm: Khoảng 99% trẻ sẽ được mẹ cho tập ăn dặm khi được 6 tháng tuổi. Thực tế, mẹ cũng có thể cho trẻ ăn dặm sớm hơn nhưng cần phải tùy theo yêu cầu của trẻ.

Trẻ ăn dặm bị táo bón mẹ phải làm sao? - 2

Trẻ uống quá ít nước cũng là nguyên nhân bị táo bón. (Ảnh minh họa)

Trước khi cho trẻ ăn dặm, mẹ nên quan sát những dấu hiệu xem trẻ đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng ăn dặm hay chưa với những dấu hiệu như thích thú với món đồ ăn mà mẹ đưa cho, tự lấy thức ăn đưa vào miệng hoặc đưa tay với thức ăn.

Với những bé chưa sẵn sàng cho việc ăn dặm nhưng mẹ đã vội vàng cho ăn hoặc cho trẻ ăn quá nhiều sẽ dẫn đến quá tải hệ tiêu hóa và làm bé bị táo bón.

- Trẻ ít bú sữa mẹ: Dưới 1 tuổi, sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng quý giá nhất mà không có bất cứ thực phẩm nào có thể thay thế được. Dù trẻ có ăn dặm nhưng không có nghĩa là nên bú sữa mẹ ít đi, thực đơn ăn dặm dù có phong phú đến mấy cũng không thể bù đắp được những chất dinh dưỡng quý có trong sữa mẹ.

Hơn nữa, sữa mẹ không chỉ là giúp cung cấp nước mà cơ thể mẹ còn tiết ra loại enzyme đặc biệt để trẻ tiêu hóa thực phẩm dễ dàng hơn. Vì thế, bú sữa mẹ ít đi cũng chính là nguyên nhân khiến trẻ ăn dặm bị táo bón.

- Trẻ không được uống đủ nước: Bước sang giai đoạn ăn dặm, ngoài việc cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ thì mẹ cũng nên bổ sung thêm nước cho trẻ. Thiếu nước sẽ khiến cho phân khô và cứng hơn, làm tình trạng táo bón trở nên nặng nề hơn.

Ngoài những nguyên nhân trên còn có một số nguyên nhân khác khiến bé ăn dặm bị táo bón như pha sữa quá đặc, mẹ thay đổi bột ăn dặm, cách chế biến món ăn chưa khoa học, thực đơn hàng ngày thiếu chất xơ, tâm lý của trẻ mỗi khi ăn...

Một số trường hợp trẻ bị táo bón có nguyên nhân là bị trĩ, sa trực tràng...do vậy, mẹ cần phải quan sát từng biểu hiện của trẻ để sớm tìm ra nguyên nhân và phương pháp khắc phục hiệu quả nhất.

Cách khắc phục tình trạng bé ăn dặm bị táo bón

- Thay đổi thực đơn ăn dặm cho bé: Khi trẻ mới bắt đầu bước sang giai đoạn ăn dặm, mẹ nên chế biến thực phẩm ở dạng lỏng, mềm, hạn chế sử dụng những thực phẩm rắn, đặc và khó tiêu.

Tốt hơn hết, mẹ nên cho bé ăn cháo loãng và pha sữa đúng tỉ lệ quy định. Việc này sẽ giúp hệ tiêu hóa dần dần tập quen với thức ăn mới.

- Bổ sung thực đơn giàu chất xơ: Mẹ nên lựa chọn các loại rau giàu chất xơ và có chất nhớt để giải quyết tình trạng cho trẻ như rau đay, rau mồng tơi, quả đậu bắp hoặc các loại khoai tây, khoai lang…

Trẻ ăn dặm bị táo bón mẹ phải làm sao? - 3

Cách khắc phục trẻ táo bón cũng không quá khó khăn. (Ảnh minh họa)

- Bổ sung thêm nước cho trẻ: Mẹ có thể bổ sung thêm nước cho trẻ ăn dặm bằng các loại nước khoáng, nước ép trái cây, kết hợp bú sữa mẹ đều đặn (không cai sữa mẹ cho đến khi trẻ được 24 tháng tuổi, trừ trường hợp bất khả kháng). Không cho trẻ uống các loại đồ uống có sẵn hay đóng chai.

- Massage nhẹ nhàng, kích thích trẻ vận động: Vận động thể chất sẽ giúp trẻ tăng cường trao đổi chất và tiêu hóa cho cơ thể. Mẹ hãy luôn luôn khuyến khích các bé vui chơi, vận động mỗi ngày để bé vui khỏe, ăn uống tốt nhất.

Nếu trẻ chưa biết đi hay biết bò, mẹ cũng có thể giúp bé hoạt động bằng bài tập đạp chân như đạp xe đạp, massage vùng bụng sau ăn khoảng 1 giờ...

Ngoài ra, mẹ nên cho bé tập đi đại tiện mỗi ngày theo một giờ nhất định để tạo thành thói quen. Khi tất cả đã trở thành thói quen thì bé sẽ đi ngoài đều đặn hơn và không lo lắng tình trạng trẻ ăn dặm bị táo bón quay trở lại.

Nếu tình trạng táo bón của trẻ ngày càng ở mức độ và những cách khắc phục dường như không có hiệu quả, mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám ngay, không nên để tình trạng này kéo dài.

Trẻ bị táo bón nên ăn gì sẽ nhanh khỏi?
Để biết trẻ bị táo bón nên ăn gì tốt cho đường tiêu hóa, mẹ hãy tham khảo những thông tin chi tiết dưới đây nhé!
Linh San Tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Táo bón