10 sự thay đổi kỳ lạ của bà bầu

Ngày 04/02/2013 13:48 PM (GMT+7)

Khi mang thai, người phụ nữ sẽ có nhiều thay đổi đến kì lạ...

Chị em đều nghĩ đơn giản rằng, nếu có bầu thì mình chỉ ốm nghén hoặc thèm ăn một vài món ăn thôi. Nhưng thực ra còn nhiều hiện tượng bất thường khác mà chị em sẽ phải trải qua nhưng chưa hiểu rõ về nó.

1. Tiết nhiều nước bọt

Nhiều bà bầu gặp hiện tượng ứa nước bọt trong khi mang thai. Việc tiết nước bọt nhiều và liên tục khiến nhiều thai phụ thấy khó chịu.

Hiện tượng này thường xảy ra ở những tháng đầu của thai kỳ và khi chị em buồn nôn do ốm nghén.

Hiện nay chưa có những giải thích rõ ràng để lý giải hiện tượng này nhưng các chuyên gia cũng đưa ra một số giả thiết ban đầu như việc thay đổi hormone trong cơ thể phụ nữ khi mang thai chính là thủ phạm. Bên cạnh đó, khi ốm nghén, buồn nôn nhiều người không muốn nuốt nước bọt khiến lượng nước bọt dồn ứ trong khoang miệng gây nên tình trạng này.

Khi bị hiện tượng này, chị em nên uống nước thường xuyên và uống từng ngụm nhỏ. Nên đánh răng và xúc miệng cẩn thận.

2. Bất thường ở nha khoa

Ngoài một số bộ phận khác trên cơ thể, chị em cũng có nguy cơ bị viêm nướu, chảy máu chân răng khi mang thai. Điều này được lý giải đo lượng hormone progesterone và estrogen tăng cao, dẫn tới sự gia tăng lưu lượng máu ở toàn bộ phận cơ thể.

Đôi lúc thai phụ phát hiện ra mình đang đánh răng rất nhẹ nhàng nhưng chân răng rỉ máu đỏ nên đã rất sợ hãi. Thậm chí là đang ngồi làm việc bình thường cũng thấy máu chân răng chảy ra. Điều mẹ bầu cần làm ngay là đi khám nha khoa để bác sĩ xác định bạn có bị viêm nhiễm nha khoa hay không.


10 sự thay đổi kỳ lạ của bà bầu - 1

Trong thời gian mang thai, thai phụ cần định kỳ đi kiểm tra nha khoa. (Ảnh minh họa)

Viêm nướu răng và các bệnh nha chu cũng ảnh hưởng đến dây chằng và hệ xương của cơ thế. Những dấu hiệu này có thể làm tăng nguy cơ sinh non và trẻ sinh ra nhẹ cân, hiện tượng đột quỵ và các vấn đề nghiêm trọng khác cho mẹ bầu.

Các chuyên gia khuyên rằng, chị em trong thời gian mang thai nên đặt lịch khám nha khoa định kỳ và thực hành vệ sinh răng miệng tốt ở nhà.

Các nha sĩ sẽ tư vấn và giúp đỡ mẹ bầu giải quyết vấn đề răng miệng tốt nhất. Các mẹ cũng không nên hốt hoảng và lo lắng, chỉ cần biết cách chăm sóc răng miệng tốt thì những triệu chứng này sẽ chấm dứt sau khi sinh bé xong.

3. Ăn đồ lạ

Có nhiều ông chồng đã phải rất vất vả để tìm mua đồ ăn cho vợ bầu nghén. Đồ ăn thì sẽ là bình thường nhưng cái sự lạ là ăn gì?

Nhiều chị em khi nghén có những sở thích rất kì lạ, ăn đất nung (ông đầu rau, đất sét nung), ăn tường bếp, uống nước đá... Một số người gọi đây là hội chứng Pica, tức là những người có thể ăn bất cứ thứ gì. Nhưng hiện tượng này cũng chỉ xảy ra ở một số mẹ bầu và se chấm dứt ngay sau khi hết nghén.

10 sự thay đổi kỳ lạ của bà bầu - 2

Nhiều thai phụ khi bị nghén có những khẩu vị kỳ lạ. (Ảnh minh họa)

Giải thích cho hiện tượng này, một số chuyên gia cho rằng do những thay đổi về mặt tâm sinh lý, yếu tố ngoại cảnh khiến chị em bỗng dưng thay đổi "khẩu vị".

4. Viêm nghẹt mũi

Thai phụ thường dễ bị nghẹt mũi, viêm mũi gây chảy máu. Nguyên nhân do sự thay đổi của các kích thích tố dẫn đến niêm mạc mũi bị sưng. Các vết sưng đó sẽ ngăn cản sự lưu thông không khí  trong mũi của bạn. Khiến mũi bị khô, đặc biệt là trong thời tiết lạnh.

10 sự thay đổi kỳ lạ của bà bầu - 3

Mẹ bầu cần vệ sinh khoang mũi và giữ ấm cơ thể trong suốt thai kỳ.(Ảnh minh họa)

Mẹ bầu có thể khắc phục tình trạng này bằng cách nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày để vệ sinh khoang mũi. Trước khi tắm nước nóng, bạn hãy hít một hơi thật sâu hơi nước bốc lên, bạn sẽ dễ chịu ngay thôi.
 
5. Các vấn đề về dạ dày

Sự gia tăng hormone progesterone làm chậm thời gian tiêu hóa thức ăn từ dạ dày tới ruột, có thể gây ra hiện tình trạng táo bón ở mẹ bầu.

Mẹ bầu cần bổ sung các vitamin tổng hợp, đặc biệt là vitamin có chứa hàm lượng sắt thấp trong khoảng thời gian ngắn để tránh táo bón.

Ngoài ra, cần chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày, bổ sung nhiều nước, ăn các thực phẩm rau củ quả giàu chất xơ để giúp quá trình tiêu hóa thuận lợi hơn.

Trong một số trường hợp đặc biệt, nếu tình trạng táo bón kéo dài khiến chị em khó chịu thì nên cần đi khám chuyên khoa. Lưu ý, tránh sử dụng các loại nhuận tràng, thuốc kích thích đi tiêu vì nó có khả năng làm giảm lượng nước trong cơ thể sự hấp thụ dinh dưỡng.

6. Giãn tĩnh mạch

Khi thai nhi càng ngày càng phát triển, bé đòi hỏi một nguồn cung cấp máu rất lớn để tiếp nhận oxy và chất dinh dưỡng bổ sung. Từ tuần 20 tuần trở đi, lượng máu bé cần tăng gấp đôi.

Đây chính là nguyên nhân khiến mẹ bầu gặp hiện tượng giãn tĩnh mạch ở bắp chân, bàn chân. Điều này là hiện tượng bình thường khi phụ nữ mang thai. Nhưng để giảm đau và sưng, khi nằm mẹ bầu cần kê cao chân. Trong trường hợp giãn tĩnh mạch nặng thì cần sử dụng tất hỗ trợ cho bệnh nhân giãn tĩnh mạch.

Ngoài ra mẹ bầu nên lựa chọn quần áo có độ co giãn tốt. Nên sử dụng giày đế bằng có chất lượng để đi lại thoải mái.

Bên cạnh nguyên nhân kể trên, giãn tĩnh mạch còn xảy ra ở mẹ bầu bị bệnh trĩ. Khi bị trĩ, búi trĩ sưng xổ ra bên ngoài hậu môn. Cùng với sự gia tăng áp lực của trọng lượng thai nhi khiến các tĩnh mạch bị chèn ép làm bệnh tình nặng nề hơn. Mẹ bầu cần phải giữ vệ sinh và sử dụng thuốc theo toa cẩn thận.

7. Làn da xấu đi

Do những thay đổi về nội tiết trong thai kỳ khiến da dẻ của nhiều thai phụ trở nên “kém sắc” so với trước. Nhiều người có thể thấy xuất hiện đốm nám nhỏ, mụn trứng tấn công trên da mặt. Thường gặp nhất là ở bà bầu là da bị sạm, đen hơn trước ở một số bộ phận trên cơ thể như cổ, núm vú, nách, bẹn khiến nhiều chị cảm thấy “đỏ mặt” khi xuất hiện trước đám đông.

Nhưng mẹ bầu đừng quá lo lắng, ngay sau khi bạn sinh xong, những rắc rối này sẽ biến mất. Nhiều chị em còn “thay máu” da dẻ nhuận hồng hơn xưa cho bõ những ngày chịu “đen”.

Tuy nhiên trong thời kỳ mang thai, làn da của thai phụ cũng nhạy cảm hơn. Chị em không nên lạm dụng mỹ phẩm, sử dụng chất tẩy rửa mạnh. Lưu ý khi ra ngoài trời nên sử dụng kem chống nắng và che chắn, bảo vệ làn da.

10 sự thay đổi kỳ lạ của bà bầu - 4

Tăng cường bổ sung vitamin C từ trái cây tươi để tăng độ săn chắc cho da.(Ảnh minh họa)

8. Bàn chân to ra

Trong quá trình mang thai và sau khi sinh, nhiều chị em liên tục phải sắm giày dép mới vì bàn chân to ra. Có thể bạn đang đi giầy cỡ 36, nhưng khi mang bầu, đặc biệt vào những tháng giữa và cuối thai kỳ bạn sẽ đi giày cỡ 38, 39. Nguyên nhân là nhiều mẹ bầu bị phù nề bắp chân, bàn chân do lượng abumin trong nước tiểu cao. Thứ 2 có thể do dây chằng ở xương chậu của chị em giãn lỏng ra để chuẩn bị sự ra đời của bé.

Hiện tượng này có thể kéo dài ngay cả giai đoạn vài tháng đầu sau sinh, sau đó sẽ trở lại bình thường.

9. Tử cung to hơn bình thường

Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy tử cung của mình lớn dần lên cùng với thai kỳ. Theo các nhà nghiên cứu, tử cung của bà bầu có thể to hơn mức bình thường đến 500 lần. Điều này giúp chị em sinh nở dễ dàng hơn.

10. Khó thở

Trong thời kỳ đầu mang thai, hầu như mẹ bầu nào cũng có cảm giác bị hụt hơi, khó thở. Điều này do sự phát triển thai nhi chèn ép lên phổi nên gây áp lực và dẫn tới hiện tượng khó thở.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác