7 bước cho thai kỳ khỏe mạnh

Ngày 16/06/2013 10:08 AM (GMT+7)

Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bé yêu phát triển tốt nhất khi ở trong bụng mẹ.

Thời gian mang thai luôn là giai đoạn quan trọng nhất  trong cuộc đời mỗi chị em. Đây cũng là thời điểm rất nhạy cảm bởi bất kỳ hoạt động nào của thai phụ như ăn uống, đi lại, tập thể thao, du lịch v.v… đều ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Để đảm bảo cho bé yêu được trải qua “9 tháng 10 ngày” an toàn và khỏe mạnh trong bụng mẹ, bà bầu nên quan tâm đến những lời khuyên hữu ích sau đây.

1. Lưu ý đến lượng thực phẩm hàng ngày

Bé sẽ hấp thu tất cả chất dinh dưỡng cần thiết từ bạn trong suốt thời gian nằm trong bụng mẹ, vì vậy cần lưu ý đến chế độ ăn sao cho đầy đủ dưỡng chất. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, bà bầu có thể nghén nhiều loại thức ăn có vẻ kỳ lạ so với khẩu vị bình thường. Tuy nhiên bạn không cần quá lo lắng về điều này, miễn là đừng ăn một loại thức ăn thường xuyên và quá nhiều.

Đồng thời nên cân đối lượng chất bổ dung nạp, đảm bảo cho bé có đủ chất mà mẹ vẫn không bị béo phì, vì tăng cân quá mức dẫn đến nhiều nguy cơ về sức khỏe cho cả hai mẹ con. Bình thường một phụ nữ mang thai cần tăng khoảng 10 – 15 kg trong suốt 40 tuần lễ bầu bí. Điều này cho phép bé tăng từ 3 - 4 kg và từ 7 – 12 kg đối với “hệ thống nâng đỡ chịu thai” gồm nhau, nước ối, lượng máu gia tăng, mỡ và tuyến sữa ở vú. Các mẹ có thể tham khảo lượng thực phẩm chuẩn cho một ngày của bà bầu như sau: các protein hàng đầu – 3 phần; thức ăn có vitamin C – 2 phần; thức ăn có canxi – 4 phần; rau xanh, rau có màu vàng – 3 phần; ngũ cốc và các loại đường phức hợp – 4 đến 5 phần; rau và trái cây khác – 1 đến 2 phần; thực phẩm giàu chất sắt – 2 phần; tăng cường uống các loại nước với 1 ngày khoảng 8 ly, tránh dùng cà phê, trà, rượu, tốt nhất là uống nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội. Các mẹ cũng tránh ăn quá no mà nên chia khẩu phần ăn ra thành nhiều bữa nhỏ.

7 bước cho thai kỳ khỏe mạnh - 1
Chế độ ăn cân đối, phù hợp tốt cho cả mẹ và bé (hình minh họa)

2. Bổ sung vitamin hợp lý

Đôi khi đi khám thai, bác sĩ có thể cho bạn nhiều hoặc ít hơn lượng vitamin cần thiết so với nhu cầu của mẹ và bé. Vì vậy, cần trao đổi chi tiết với bác sĩ về chế độ ăn hàng ngày của bạn để có sự điều chỉnh phù hợp nhất. Nên nhớ vitamin và khoáng chất rất quan trọng cho sự phát triển của bé, không chỉ khi bé là thai nhi mà còn ảnh hưởng đến bé lúc chào đời và ngay cả sau này khi bé đã lớn khôn. Thường các mẹ có thể tìm thấy nguồn vitamin và khoáng chất dồi dào trong các loại thịt, trái cây, rau củ quả, như vitamin A, B, C, E, axit folic, sắt hay canxi. Thịt, cá, thịt gia cầm cung cấp nhiều chất đạm nhất. Đặc biệt, vitamin D có thể giúp thai nhi phát triển lành mạnh và hạn chế nguy cơ bé mắc bệnh tiểu đường tuýp 1.

3. Thư giãn và giữ tâm lý thoải mái suốt thai kỳ

Cố gắng tránh xa stress ngay cả khi bạn phải làm việc trong lúc bầu bí. Sự căng thẳng tâm lý ở mẹ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách tích cực ở bé, chưa kể tác động xấu đến lượng sữa của mẹ sau sinh. Thay vì để những lo toan thường ngày ám ảnh, hãy chú trọng tạo sự thư giãn cho bản thân bằng cách nghe nhạc êm dịu, tâm sự với chồng và người thân, bạn bè, tham gia các lớp học tiền sản, đi dạo, tập Yoga, tranh thủ nghỉ ngơi và ngủ ngắn trong ngày, hòa mình vào thiên nhiên và ánh nắng v.v…

4. Uống nhiều sữa

Dùng nhiều sữa và các chế phẩm từ sữa không chỉ cung cấp cho bà bầu lượng vitamin D dồi dào, mà còn rất hữu ích trong việc hình thành xương và răng ở thai nhi. Trong suốt thời gian mang thai, nhu cầu về canxi của bà bầu sẽ thay đổi từ khoảng 800mg canxi trong 3 tháng đầu, tăng đến 1200mg canxi trong 3 tháng giữa thai kì và 3 tháng cuối là khoảng 450mg can xi mỗi ngày. Vitamin D và canxi có nhiều trong sữa, sữa chua, bơ, phô mai, lòng đỏ trứng, cá và ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên khi chọn cá để bổ sung canxi và vitamin, nên tránh các loại cá có chứa nhiều thủy ngân như cá kiếm, cá mập, cá thu, dù các axit béo Omega 3 trong cá rất tốt cho sự phát triển não bé.

5. Chắn chắn dung nạp đủ axit folic

7 bước cho thai kỳ khỏe mạnh - 2
Axit folic tối quan trọng trong việc hình thành hệ thần kinh thai nhi. (hình minh họa)

Đây là loại vitamin rất cần thiết để sản xuất các tế bào hồng cầu, đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng thai nhi, đặc biệt trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ. Một nghiên cứu đã chứng minh uống bổ sung axit folic kéo dài từ 3 tháng trước lúc mang thai cho đến 12 tuần đầu của thai kì làm giảm sự cố khuyết tật dây thần kinh và tránh tình trạng não úng thủy ở bé. Nếu chưa uống axit folic trước khi thụ thai, chị em cần bổ sung ngay khi mang bầu. Ngoài việc được sản xuất dưới dạng viên, axit folic còn có nhiều trong các loại rau lá xanh như rau bina, đậu Hà Lan, bông cải xanh, đậu xanh, trứng, gan, cam, chuối, bắp, trái dừa v.v … Không chỉ tốt cho bé, axit folic còn giúp móng tay và tóc của bà bầu thêm óng mượt và khỏe mạnh.

6. Tập thể dục, Yoga dành cho bà bầu

Luyện tập đều đặn, vừa sức làm cơ thể tiết ra những hóa chất có tính an thần, giúp bà bầu thư giãn, giải tỏa căng thẳng, lo âu trong cuộc sống và ngủ ngon hơn. Thêm vào đó, máu huyết lưu thông nhanh trong khi tập luyện có nghĩa cơ thể mẹ và bé đang hấp thụ nhiều oxy. Các bắp thịt dẻo dai, linh hoạt do tập thể dục và Yoga, kết hợp thư giãn và kỹ thuật thở còn giúp bà bầu chuyển dạ dễ dàng. Tuy vậy, chắc chắn rằng khi chọn lựa bất kỳ môn thể thao hay các động tác Yoga nào, bà bầu phải tham khảo trước ý kiến chuyên môn của bác sĩ để tránh gây nguy hại cho mẹ và bé do phương pháp tập luyện không phù hợp.

7. Chăm sóc hình ảnh bản thân

Đa số thai phụ thường mặc định bầu bí là giai đoạn xuống sắc nhất, dù cố chăm chút ngoại hình kỹ đến đâu chăng nữa. Đây là một quan niệm sai lầm cần tránh. Vì khi mang thai, việc giữ gìn hình ảnh bên ngoài gọn gàng, tránh tăng cân quá nhiều sẽ giúp mẹ bầu thấy tự tin và vui sống hơn. Chưa kể ngắm mình xinh đẹp cũng là một phương pháp thai giáo hiệu quả cho bé.

Quỳnh Như
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Dinh dưỡng thai kỳ