7 điều phụ nữ mang thai nên tránh

Ngày 28/05/2013 05:00 AM (GMT+7)

Việc kiêng kỵ khi mang thai tuy khó thực hiện nhưng lại tạo ra nhiều lợi ích cho cả mẹ lẫn con.

Bằng các nghiên cứu dài kỳ, khoa học đã phát hiện thấy có rất nhiều điều phụ nữ nên và không nên làm trong giai đoạn mang thai. Việc kiêng kỵ này tuy khó thực hiện nhưng nó lại tạo ra nhiều lợi ích cho cả mẹ lẫn con.

Không nên ăn thực phẩm Junk food

Junk food là tiếng lóng nói về đồ ăn có hàm lượng dinh dưỡng thấp nhưng lại có quá nhiều chất bất lợi như đường, mỡ và muối. Đơn cử như khoai tây rán, pizza, bánh kẹo, các loại chip, các loại snack, đồ uống ngọt, nước tăng lực…  Dùng dài kỳ dễ gây nghiện, gây béo phì, tăng mỡ máu và nhiều hệ lụy khác.

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí The FASEB Journal số tháng 3/ 2013, phụ nữ mang thai ăn nhiều Junk food sẽ làm thay đổi cơ chế phát triển đại não, làm thay đổi cả khẩu vị của trẻ, làm cho chúng dễ mắc các chứng bệnh chuyển hóa.

Khi ra đời, trẻ sẽ nghiện một số thực phẩm xấu giống mẹ và có tỷ lệ nghiện các loại chất kích thích như cần sa, ma túy cao hơn so với nhóm trẻ sinh ra từ người mẹ ăn uống cân bằng.

Không nên uống cà phê

Sau khi kết thúc nghiên cứu dài kì trên 60.000 phụ nữ, Viện Y học Cộng đồng Na Uy (NIPH) khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên uống cà phê. Theo nghiên cứu, chỉ cần 1 tách cà phê/ ngày có thể làm giảm cân ở trẻ sơ sinh.

Một tách cà phê chứa khoảng 140 mg caffein, nếu tiêu thụ 200 – 300 mg caffeine/ ngày sẽ làm tăng Hội chứng nhẹ cân khi sinh (SGA) từ 27 – 62%. Nếu đứa trẻ sơ sinh có trọng lượng trung bình 3,6kg, người mẹ cứ dùng 100 mg caffein/ ngày thì đứa trẻ sẽ giảm 21 – 28 gam trọng lượng.

Caffein còn là thủ phạm làm chậm lớn bào thai ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Ngoài caffein, người ta còn phát hiện thấy thuốc lá cũng là thủ phạm làm giảm trọng lượng trẻ sơ sinh.

7 điều phụ nữ mang thai nên tránh - 1
Phụ nữ mang thai không nên uống nhiều cà phê. (ảnh minh họa)

Không nên uống rượu

Trên tạp chí Pediatrics số tháng 2/2013, các chuyên gia ở Đại học Cartin (CU) Australia cho biết, khi mang thai phụ nữ không nên uống rượu, bởi khi ra đời trẻ dễ mắc phải Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SID) và nhiều bệnh nan y khác.

Theo nghiên cứu, nếu các bà mẹ khi mang thai lạm dụng rượu thì cứ 6 trẻ mắc bệnh SID sẽ có 1 trẻ bị tử vong. Để có kết luận, nhóm đề tài đã tiến hành nghiên cứu dài kì ở 77.895 phụ nữ sinh con trong giai đoạn 1983 – 2005. Kết quả, có 171 trẻ mắc bệnh SID rơi vào 21.841 phụ nữ có tật nghiện rượu.

Những đứa trẻ sinh ra từ người mẹ nghiện rượu có tỉ lệ mắc SID cao gấp 7 lần so với những phụ nữ không uống rượu, trong thời kỳ mang thai nếu uống nhiều rượu thì tỷ lệ này sẽ tăng lên tới 9 lần.

Không uống thuốc động kinh

Dựa vào những nghiên cứu mới nhất liên quan đến tác hại của thuốc động kinh, cuối tháng giêng 2013, Viện Hàn lâm Thần kinh Mỹ (AAN) khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên uống thuốc chữa bệnh động kinh có tên Valproate (tên thương phẩm Depakote) bởi nó làm tăng rủi ro mắc bệnh tự kỷ, những vấn đề liên quan đến phát triển trí tuệ lẫn thể chất ở trẻ sơ sinh.

Valproate là loại thuốc được kê đơn chữa bệnh động kinh, bệnh rối loạn tâm thần và đau nửa đầu. Phụ nữ mang thai dùng thuốc thì không chỉ gây các khuyết tật khi sinh mà còn làm giảm chỉ số thông minh (IQ) cũng như khả năng học tập của trẻ sau này.

Khuyến cáo trên AAN dựa vào nghiên cứu của các chuyên gia ở Đại học Liverpool, Anh ở 500 phụ nữ mang thai từ năm 2000 – 2004, một nửa số này mắc bệnh động kinh, 34 người dùng thuốc để chữa cơn co giật.

Trong tổng số 415 trẻ sinh ra của nhóm người này, có 19 phát triển chậm lớn thần kinh đến khi được 6 tuổi, 12 mắc bệnh tự kỷ, 1 mắc bệnh rối lọan tăng động chú ý (ADHD) và 3 mắc bệnh rối loạn đọc. Tổng thể, nếu trẻ sinh ra từ người mẹ dùng thuốc Valproate và các loại thuốc khác thì tỷ lệ chậm lớn tăng 6 – 10 lần so với những người phụ nữ không dùng thuốc.

Đặc biệt, các bé trai mắc bệnh cao gấp 3 lần bé gái. Với mối nguy hiểm nói trên, giới y học khuyến cáo phụ nữ trong giai đoạn còn sinh con nên tránh xa nhóm thuốc này, đặc biệt là trong giai đoạn thai kỳ, trong đó 3 loại thuốc cần tránh là Carbamazepine (Tegretol), Valproate và Lamotrigine (Lamictal).

Không lạm dụng vitamin D

Đó là khuyến cáo của các chuyên gia ở Trung tâm nghiên cứu Môi trường Helmltz (HCER), Đại học Martin Luther của Đức, công bố trên tạp chí Dị ứng (Allergy) số tháng 2/ 2013. Theo nghiên cứu của HCER, khi mang thai phụ nữ lạm dụng dưỡng chất này thì có thể làm tăng dị ứng ở trẻ.

Nhóm đề tài đã phát hiện thấy trong máu phụ nữ mang thai có hàm lượng vitamin D cao thì trong nhau thai cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Nghiên cứu trên thực hiện ở 622 phụ nữ mang thai và những đứa con họ sinh ra.

Kết quả, những bà mẹ có hàm lượng vitamin D trong máu thấp thì hàm lượng vitamin D trong máu của trẻ đến khi 2 tuổi vẫn thấp và ít mắc bệnh dị ứng. Ngược lại, nếu phụ nữ có hàm lượng vitamin D trong máu cao khi mang thai thì mức độ mắc bệnh dị ứng ở trẻ, đặc biệt là dị ứng thực phẩm rất cao.

Ví dụ như dị ứng lòng đỏ trứng, protein, sữa, lạc, đậu nành và các loại đỗ. Nhóm đề tài khuyến cáo phụ nữ nên hạn chế dùng vitamin D thai kỳ hoặc hỏi ý kiến bác sĩ để dùng ở mức độ hợp lý và có lợi.

7 điều phụ nữ mang thai nên tránh - 2
Thai kỳ tăng cân quá nhiều gây bất lợi cho cả mẹ lẫn con. (ảnh minh họa)

Không nên tăng cân quá nhiều

Một trong những bất lợi ở phụ nữ tăng cân quá nhiều trong giai đoạn thai kỳ là làm cho não của trẻ sơ sinh phát triển không ổn định. Đó là kết luận rút ra từ nghiên cứu ở 16 phụ nữ mang thai do Viện nghiên cứu Mẹ và Bé (MIRI) của Mỹ thực hiện.

Theo nghiên cứu, những đứa trẻ của các bà mẹ béo phì có sự truyền đạt gen ngay từ giai đoạn bào thai khác so với những bà mẹ gầy, trong khi những bà mẹ có trọng lượng bình thường thì lại không có hiện tượng nói trên.

Đặc biệt, trong quá trình phát triển trong dạ con lại xuất hiện rất nhiều hiện tượng bất thường như tỷ lệ tế bào tử vong lớn hay còn gọi là hiện tượng tự sát của tế bào (apoptosis). Ngoài ra, còn xuất hiện nhiều bất thường khác sau khi đứa trẻ ra đời, kể cả hiện tượng mắc bệnh tự kỷ và các chứng bệnh rối loạn liên quan đến thần kinh.

Hạn chế tăng huyết áp vào cuối giai đoạn thai kỳ

Sau khi kết thúc nghiên cứu dài 27 năm trên 750 ca sinh, các chuyên gia ở Đại học Copenhagen, Đan Mạch cho biết, có khoảng 10% phụ nữ mắc bệnh cao huyết áp thai kỳ. Nếu tăng vừa phải vào đầu giai đoạn mang thai thì có lợi hơn là tăng vào cuối giai đoạn thai kì, nó gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của cả mẹ lẫn con, đặc biệt là ở đứa trẻ trong tương lai.

Nếu tăng huyết áp ở mức nhỏ (nhất là 3 tháng đầu) sẽ giúp cho việc sinh đẻ được thuận lợi, nhưng ở cuối thai kì có thể làm tăng nhiều biến chứng như tăng tỉ lệ tử vong khi sinh và tăng tỉ lệ trẻ mắc bệnh cao huyết áp.

Cho đến nay, các nhà khoa học cũng không hiểu vì sao có hiện tượng huyết áp thai kỳ, người ta mới chỉ tình nghi đến yếu tố tiến hóa, do di truyền, nhất là do gen của người bố truyền sang cho con gái và do những yếu tố khách quan khác.

Để giảm thiểu căn bệnh này, trước khi mang thai phụ nữ nên tư vấn khám và điều trị đồng thời các căn bệnh bản thân mắc phải, duy trì cuộc sống vận động, ăn uống cân bằng khoa học, từ bỏ lạm dụng rượu bia, chất kích thích, ăn uống kiêng khem hoặc sống trong môi trường quá độc hại.

Theo Khắc Nam (Mẹ & bé)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chăm sóc bà bầu