Âm đạo bị “tàn phá” nặng nề sau sinh, mẹ nhớ phải chăm sóc đúng cách!

Ngày 24/05/2018 10:21 AM (GMT+7)

Âm đạo của bạn sẽ bị “tàn phá” ghê gớm trong quá trình sinh nở. Vì thế, nó cần được chăm sóc đặc biệt, theo dõi liên tục để tránh viêm nhiễm không đáng có ở thời kỳ hậu sản.

Khoảng 6 tuần sau sinh, các cơ quan trong cơ thể phụ nữ, nhất là cơ quan sinh dục sẽ dần hồi phục trở về trạng thái bình thường. Nhưng dưới những tác động mạnh mẽ trong quá trình chuyển dạ, “vùng kín” của chị em sẽ có một số thay đổi. Vì thế, trong giai đoạn này, cần phải được chăm sóc đặc biệt, theo dõi liên tục để tránh viêm nhiễm không đáng có ở thời kỳ hậu sản cũng như những căn bệnh liên quan về sau.

Sản dịch kéo dài bao lâu?

Trước khi sinh, tử cung cần được mở rộng để bé yêu dễ dàng chui ra ngoài. Do vậy, sau sinh chính là lúc tử cung hoàn thành “sứ mệnh” và bắt đầu quá trình phục hồi. Tại thời điểm này, niêm mạc tử cung sẽ hoại tử, bị xơ hóa và bong ra lẫn với những cục máu đông nhỏ từ vết thương, nơi nhau bám và chất nhầy tử cung thoát ra ngoài, đó chính là máu sinh hay thường gọi là sản dịch.

Sản dịch có thể kéo dài đến 6 tuần sau sinh. Trong vài ngày đầu tiên, nó sẽ có màu đỏ tươi và nhiều giống như những ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt. Khi đứng lên hoặc khi nằm xuống, bạn có thể cảm nhận dòng máu đang chảy ra. Dù điều này có thể khiến bạn có chút “hoang mang nhẹ” nhưng thực tế, nó là bình thường. Tuy nhiên, nếu máu chảy nhiều đến nỗi, chưa đầy 1h đồng hồ đã ướt đẫm miếng tã sau sinh thì bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ.

Âm đạo bị “tàn phá” nặng nề sau sinh, mẹ nhớ phải chăm sóc đúng cách! - 1

Sản dịch có thể kéo dài đến 6 tuần sau sinh. (Ảnh minh họa)

Sau sinh khoảng 3-4 ngày, lượng máu chảy ra có màu hồng nhạt và sau 8-10 ngày thì máu phải có màu trắng vàng. Nếu lượng máu đã giảm xuống nhưng vẫn có màu đỏ tươi, thậm chí là đỏ sẫm… thì có thể là cách cơ thể nói với bạn rằng, bạn đang có vấn đề. Hãy nghỉ ngơi và thử giãn nhiều hơn để xem tình trạng “báo động” trên có giảm bớt hay không! Nếu không có cải thiện, nhanh chóng tham vấn ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế là “khôn ngoan”.

Nếu sau 6 tuần, bạn vẫn thấy dấu hiệu ra sản dịch kèm theo máu có mùi hôi, sốt 38-39 độ, bụng dưới căng tức, đau tràn… thì nhiều khả năng bạn đã bị bế sản dịch – hiện tượng sản dịch vẫn còn trong tử cung. Tình trạng bế sản dịch rất nguy hiểm, bởi vậy, bạn cần đến bệnh viện để được khám chữa kịp thời.

Các cục máu đông có bình thường không?

Nếu bạn thấy có các cục máu đông nhỏ, kích thước bằng đồng xu, màu đỏ đậm và trông giống như thạch… bạn cũng đừng vội lo lắng, bởi đó là bình thường sau sinh. Điều quan trọng là phải theo dõi lưu lượng máu một cách cẩn thận trong 1 giờ tiếp theo. Nếu bạn thấy máu ra nhiều, nhanh mà lại đau bụng, trướng bụng thì đó có thể là dấu hiệu bệnh của tử cung, bạn cần đến bác sĩ thăm khám ngay.

Chăm sóc các mũi khâu tầng sinh môn như thế nào?

Không phải tất cả phụ nữ đều phải rạch và khâu tầng sinh môn khi sinh. Nhưng nếu bạn nằm trong danh sách những phụ nữ bị “động chạm” dao kéo thì bạn cần giữ vết khâu sạch sẽ để tránh bị nhiễm trùng. Hãy đổ nước ấm vào một chai sạch và dùng để vệ sinh “vùng kín” sau khi đi tiêu hoặc đi tiểu, rồi dùng khăn bông mềm lau nhẹ cho khô vết thương. Hoặc bạn cũng có thể vừa tiểu tiện vừa xối nước bằng vòi hoa sen để tránh nước tiểu làm bẩn vết khâu.

Âm đạo bị “tàn phá” nặng nề sau sinh, mẹ nhớ phải chăm sóc đúng cách! - 2

Sau sinh mẹ nên chăm sóc vùng kín cẩn thận để tránh nhiễm trùng. (Ảnh minh họa)

Khi vết thương chưa lành, việc đi tiểu có thể là một “cực hình” với bạn, nhưng đừng vì thế mà cố gắng nhịn tiểu, bởi việc này có thể khiến bạn bị bí tiểu và gặp các vấn đề liên quan đến thận. Uống nhiều nước giúp nước tiểu của bạn loãng hơn, đi tiểu sẽ đỡ rát hơn.

Làm thế nào để biết mình bị nhiễm trùng?

Các mũi khâu, tử cung và bàng quang… là dễ bị nhiễm trùng nhất. Vì thế, bạn cần biết:

Các mũi khâu: Dấu hiệu đầu tiên của nhiễm trùng là tăng đau ở các mũi khâu, dù bạn vẫn đang dùng cùng một lượng thuốc giảm đau. Da đỏ lên quanh các mũi khâu hoặc xuất hiện các chất dịch màu vàng hay xanh lá cũng là dấu hiệu mà bạn cần đặc biệt quan tâm.

Tử cung: Máu sinh (sản dịch) có mùi hôi, nặng mùi có thể là “báo động đỏ” của nhiễm trùng tử cung. Hoặc, bạn bị ra máu nhiều bất thường (cần phải thay băng sau mỗi giờ hoặc bị ra những cục máu to hơn quả bóng golf thì đó là một dấu hiệu của băng huyết cần được sự can thiệp y tế ngay.

Bàng quang: Các triệu chứng của nhiễm trùng bàng quang, bao gồm: rát khi đi tiểu; phải đi tiểu thường xuyên và cảm giác không nín nhịn được, có máu hoặc có mùi hôi trong nước tiểu; đau trằn bụng dưới; đau lương ở hai bên hoặc đau ở giữa lưng; tè dầm vào ban ngày như trẻ em…

Nếu bạn thấy bất kỳ triệu chứng nào như đã đề cập, hãy lưu tâm vì rất có thể bàng quang của bạn đang kêu cứu.

Âm đạo bị “tàn phá” nặng nề sau sinh, mẹ nhớ phải chăm sóc đúng cách! - 3

Các mẹ nên đợi ít nhất 6 tuần mới khởi động lại "chuyện ấy". (Ảnh minh họa)

Khi nào được “yêu” trở lại?

Đây không phải là mối bận tâm của nhiều phụ nữ nhưng lại là câu hỏi đầu tiên trong danh sách thắc mắc của đàn ông. Khuyến cáo chung là: chờ ít nhất 6 tuần sau sinh, các cặp đôi mới nên “yêu” trở lại. Có một vài lý do như sau:

Đầu tiên là tăng nguy cơ nhiễm trùng: Tử cung của bạn cần phải được chữa lành tại nơi có nhau thai. Khu vực này dễ bị nhiễm trùng nếu vi khuẩn lọt vào trong quá trình giao hợp.

Thứ hai, có thể mất 6 tuần để các mũi khâu hoàn toàn lành và giảm tối đa nguy cơ viêm nhiễm.

Còn “ngày dài tháng rộng”, hãy kiên nhẫn đợi chờ đến khi bạn cảm thấy thoải mái nhất về tâm sinh lý để có cuộc “tái hợp” nhé!

Nhật ký những ngày vỡ mộng sau sinh khiến mẹ nào cũng thốt lên: Giống hệt như mình
Mẹ có ngờ đâu những ngày sau sinh còn mệt mỏi gấp nhiều lần so với khi bầu bí.
Minh Hương (Dịch từ CJ)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chăm sóc cơ thể sau sinh