Bà bầu tiêm vắcxin: chuyện không đơn giản

Ngày 21/05/2013 00:05 AM (GMT+7)

Thai phụ có nên tiêm ngừa hay không? Nếu có thì nên tiêm ngừa những loại bệnh nào?

Mang thai là một việc quan trọng nên ngoài những băn khoăn thường thấy về dinh dưỡng, sinh hoạt vợ chồng, chế độ làm việc ra thì tiêm ngừa cũng là một vấn đề được nhiều mẹ bầu quan tâm thắc mắc.

Vậy thai phụ có nên tiêm ngừa hay không? Nếu có thì nên tiêm ngừa những loại bệnh nào? Liệu việc tiêm ngừa có an toàn cho bé còn trong bụng mẹ hay không?

Vì sao thai phụ nên tiêm ngừa?

Để phòng ngừa bệnh tật, tiêm ngừa là phương pháp được sử dụng khá rộng rãi hiện nay, đặc biệt là đối với trẻ em. Ngoài ra, muốn trẻ sinh ra khỏe mạnh, có sức đề kháng và khả năng miễn dịch cao thì việc phòng ngừa ngay từ khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ là điều nên làm. Vậy nên theo các chuyên gia y tế tiêm phòng cho phụ nữ mang thai là cần thiết.

Nhiều phụ nữ không biết rằng cơ thể họ không có các kháng thể “cập nhật mới nhất” và dễ mắc các bệnh gây hại cho chính bản thân và bé chưa chào đời của mình. Trong tình hình khám bệnh hiện nay, đôi khi các bác sĩ có thể quên, không có những chỉ dẫn cần thiết cho người mẹ. Vì thế, tốt nhất bạn nên nói chuyện với bác sĩ để xác định cơ thể bạn sẽ cần đến những vắc-xin nào và liệu bạn có nên tiêm ngừa trong thai kỳ hay chờ đến sau khi bé chào đời.

 Bà bầu tiêm vắcxin: chuyện không đơn giản - 1
Vắc-xin vừa giúp mẹ bầu bảo vệ mình, vừa giúp bảo vệ bé trong bụng mẹ. (ảnh minh họa)

Mẹ bầu nên tiêm ngừa vắc-xin gì?

Các loại vắc-xin dưới đây được cho là an toàn với thai phụ có nguy cơ nhiễm bệnh:

Viêm gan siêu vi B: Những thai phụ có nguy cơ cao về bệnh này và đã xét nghiệm ra kết quả âm tính có thể tiêm ngừa vắc-xin này. Bạn sẽ cần 3 liều tiêm ngừa để tạo miễn dịch cho bệnh. Các liều thứ 2 và 3 được tiêm vào tháng thứ nhất và tháng thứ sáu sau liều thứ nhất. Vắc-xin được sử dụng để bảo vệ bà mẹ và bé chống lại bệnh cả trước và sau khi sinh.

Cúm (bất hoạt): Vắc-xin này giúp ngăn chặn bệnh nặng ở người mẹ trong suốt thai kỳ. Tất cả phụ nữ sẽ mang thai (bất kỳ ba tháng nào) trong mùa cúm nên đi tiêm ngừa vắc-xin này. Đừng quên nói chuyện với bác sĩ để xác định liệu bạn có cần tiêm ngừa vắc-xin cúm hay không..

Uốn ván / Bạch hầu / Ho gà (Tdap): Tdap được khuyến cáo trong thời kỳ mang thai, tốt nhất là trong ba tháng cuối thai kỳ hoặc cuối ba tháng giữa thai kỳ (sau 20 tuần). Nếu không được chỉ định tiêm ngừa trong thai kỳ, bạn nên tiêm ngừa Tdap ngay sau khi sinh bé.

Vắc-xin nào nên tránh dùng cho thai phụ?

Các loại vắc-xin sau đây có nguy cơ truyền sang trẻ chưa sinh và dẫn đến sảy thai, sinh non hoặc dị tật bẩm sinh cho thai nhi:

Viêm gan siêu vi A: Do chưa xác định được sự an toàn của vắc-xin này nên mẹ bầu phải tránh tiêm ngừa trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có nguy cơ cao phơi nhiễm bệnh này nên có thảo luận giữa rủi ro và lợi ích với bác sĩ.

Sởi, Quai bị, Rubella (MMR): Phụ nữ nên có biện pháp tránh thai ít nhất một tháng sau khi tiêm vắc-xin sống này. Tuy vậy, nếu xét nghiệm rubella ban đầu cho thấy rằng bạn không miễn dịch với rubella thì sau khi sinh bạn sẽ được tiêm ngừa.

Varicella (thủy đậu / trái rạ): Vắc xin này dùng để ngăn ngừa bệnh thủy đậu (trái rạ), nên được tiêm ít nhất một tháng trước khi mang thai.

Pneumococcal (phế cầu): Do chưa xác định được sự an toàn nên nó được tránh sử dụng trong thời kỳ mang thai, trừ những phụ nữ có nguy cơ cao hoặc có bệnh mãn tính.

Oral Polio Vaccine (OPV – vắc-xin bại liệt dạng uống) và Inactivated Polio Vaccine (IPV – vắc-xin bại liệt bất hoạt): OPV (có virus sống đã  giảm độc lực) lẫn IPV (bất hoạt) của vắc-xin này được khuyến cáo không tiêm ngừa cho phụ nữ mang thai.

Bà bầu tiêm vắcxin: chuyện không đơn giản - 2
Thai phụ phải tiêm ngừa theo đúng chỉ định của bác sĩ. (ảnh minh họa)

Các tác dụng phụ sau khi tiêm ngừa

Sau khi tiêm vắc-xin, có thể xảy ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Hãy báo ngay cho bác sĩ biết những tác dụng phụ mà bạn gặp phải sau khi tiêm.

- Viêm gan siêu vi A: đau nhức và mẫn đỏ tại chỗ tiêm, đau đầu, mệt mỏi, một số trường hợp rất hiếm bị dị ứng nghiêm trọng.

- Viêm gan siêu vi B: Đau nhức chỗ tiêm, sốt.

- Bệnh cúm: Nổi đỏ và sưng tại chỗ tiêm có thể kéo dài đến hai ngày, sốt.

- Uốn ván / Bạch hầu: sốt nhẹ, đau nhức và sưng tại chỗ tiêm.

- Sởi, quai bị, Rubella (MMR): Phát ban không lây nhiễm, sưng tuyến hạch ở cổ và má, đau và cứng khớp 1-2 tuần sau khi tiêm.

- Thủy đậu (trái rạ): Sốt, đau nhức hoặc mẫn đỏ tại chỗ tiêm, phát ban hoặc mụn thịt nhỏ sau khi chủng ngừa 3 tuần.

- Phế cầu khuẩn: Sốt, đau tại chỗ tiêm.

-Vắc xin bại liệt đường uống (OPV): Không có.

- Vắc-xin bại liệt bất hoạt (IPV): Mẫn đỏ, khó chịu tại chỗ tiêm.

Vắc-xin có an toàn không?

Tất cả các loại vắc-xin đều được kiểm tra độ an toàn dưới sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền về độ tinh khiết, tính hiệu quả và an toàn. Tuy vậy, một số người có thể dị ứng với nguyên liệu sử dụng để sản xuất vắc-xin, chẳng hạn như trứng trong vắc-xin cúm. Vì thế các mẹ bầu không nên tự ý tiêm ngừa vắc-xin mà chưa nói chuyện trước và/hoặc có sự yêu cầu từ bác sĩ sản khoa của mình.

Vắc-xin có gây hại cho bé chưa sinh không?

Một loạt các loại vắc-xin, đặc biệt là các vắc-xin dùng virus sống đã được làm giảm độc lực không nên được tiêm ngừa cho thai phụ vì có thể gây hại cho bé. Một số vắc-xin có thể tiêm ngừa cho người mẹ ở ba tháng giữa hoặc ba tháng cuối thai kỳ, trong khi một số khác chỉ được chỉ định ít nhất ba tháng trước hoặc ngay sau khi bé được sinh. 

Theo Linh Lan (MarryBaby)
Nguồn:

Tin liên quan