Bầu bí, người như "ghẻ lở"

Ngày 03/05/2014 09:00 AM (GMT+7)

Mẹ bầu rất dễ bị dị ứng và tình trạng dị ứng thậm chí đến mức nghiêm trọng.

Trong thời gian mang thai, hoạt động của các cơ quan và sự chuyển hóa trong cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi do sự biến đổi của nội tiết tố thai nghén. Do đó, người ta thấy rằng, các thai phụ dễ bị dị ứng và tình trạng dị ứng thậm chí đến mức nghiêm trọng.

Khoảng 20 – 30% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mắc các bệnh dị ứng, thường gặp nhất là mề đay, chàm, ngứa, viêm mũi dị ứng, nôn hoặc tiêu chảy. Dị ứng ở phụ nữ mang thai tuy không trực tiếp gây hại cho thai nhi nhưng tác động tiêu cực đến việc ăn, ngủ, trạng thái cảm xúc và các sinh hoạt của người mẹ, từ đó gián tiếp gây ra những ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.

Nguyên nhân

Dị ứng là một phản ứng bất thường của hệ miễn dịch. Dị ứng xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể chịu ảnh hưởng của một chất nào đó trong môi trường. Bình thường, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ phản ứng và đào thải những vật thể lạ xâm nhập vào cơ thể. Khi có thai, hệ miễn dịch của cơ thể bị ảnh hưởng của nội tiết tố thai nghén và trở nên “mất cảnh giác” với các vật thể lạ xâm nhập vào cơ thể. Đó là lí do vì sao khi mang thai người phụ nữ trở nên dễ nhạy cảm với nhiều thứ mà trước đây họ vẫn tiếp xúc bình thường.

Các chất gây dị ứng được gọi là dị nguyên. Dị nguyên có thể gặp là nấm mốc, vật nuôi, một số thực phẩm, bụi, côn trùng, phấn hoa, thuốc chữa bệnh, các dung dịch có mùi (nước hoa…). Nhiều trường hợp bị dị ứng mà không xác định được nguyên nhân.

Một số biểu hiện dị ứng

- Nồi mề đay, phát ban

- Mẩn ngứa, viêm da

- Ngạt mũi, hắt hơi, viêm mũi dị ứng

- Nôn, buồn nôn

- Tiêu chảy

Bầu bí, người như quot;ghẻ lởquot; - 1
Mẹ bầu rất dễ bị dị ứng và tình trạng dị ứng thậm chí đến mức nghiêm trọng. (ảnh minh họa)

Các chứng dị ứng thường gặp

Mẩn ngứa – viêm da: Nhiều thai phụ bị mẩn ngứa ngoài da từ khi thụ thai đến lúc sinh xong. Ngứa làm thai phụ khó chịu và gãi cũng không đỡ, gãi nhiều có thể gây sây sát da và nhiễm trùng da, dẫn đến nhiễm khuẩn các cơ quan khác của cơ thể. Bệnh không nguy hiểm đến thai nhi nhưng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của thai phụ.

Nôn, buồn nôn: Tình trạng nghén trong những tháng đầu tiên của thai kì biểu hiện bằng tăng tiết nước bọt, buồn nôn và nôn cũng được coi là một dạng dị ứng. Một số ít thai phụ bị nôn mửa rất nặng đến mức gây sút, hốc hác, tụt huyết áp, mạch nhanh, thậm chí có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Tiêu chảy: Thường gặp do dị ứng thực phẩm. Sau khi ăn một thực phẩm nào đó (đặc biệt là hải sản) thai phụ thường đau bụng, nôn, tiêu chảy. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến mất nước, tụt huyết áp, trụy mạch.

Với những thai phụ đã từng bị dị ứng từ trước (như hen phế quản) có thai bệnh thường tăng lên. Cơn hen dễ xuất hiện khi tiếp xúc với các dị nguyên như bụi, khói, không khí thay đổi…

Khi bị dị ứng thai phụ nên làm gì?

Ở những thai phụ đã từng bị dị ứng từ trước đó, việc mang thai có thể khiến tình trạng dị ứng nặng thêm. Để hạn chế bị dị ứng, thai phụ nên tránh những môi trường dễ gây dị ứng, tránh sử dụng những thức ăn gây dị ứng (đặc biệt là các loại hải sản lạ), nên uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh.

Thai phụ phải cẩn trọng với việc sử dụng các thuốc chống chỉ định với phụ nữ mang thai và cho con bú. Do vậy, khi bị dị ứng thai phụ không được tự ý dùng thuốc mà phải đến tư vấn với bác sĩ chuyên khoa, các bác sĩ sẽ quyết định cho bạn dùng thuốc điều trị hợp lí.

Phòng ngừa dị ứng

Khi dự định mang thai, bạn hãy chuẩn bị cho mình một hệ miễn dịch khỏe mạnh để đảm bảo không mắc các chứng dị ứng thai sản.

Bs. Phan Văn Qúy – Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh về da khi mang thai