'Cẩm nang' để thai kỳ hoàn hảo

Ngày 16/03/2013 09:50 AM (GMT+7)

Chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe bản thân sẽ giúp thai nhi khỏe mạnh từ trong bụng mẹ.

Để có thai kỳ hoàn hảo thì các mẹ nên quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe bản thân ngay từ trước và suốt thai kỳ. Những việc làm đơn giản nhưng lại có hiệu quả to lớn mà không phải mẹ nào cũng biết.

Dưới đây là những lưu ý trong sinh hoạt rất hữu ích cho mẹ bầu:

Về ăn uống

Uống đủ nước: Ít nhất là 2 lít mỗi ngày. Bạn cần đủ nước để đáp ứng nguồn chất lỏng do nước ối và khối lượng máu tăng. Nhờ thế, chất dinh dưỡng và oxy mới được bơm qua nhau thai, vào bào thai.

Đừng quên ăn vặt khi bị nghén: Để vượt qua cơn nghén, bà bầu nên ăn ít nhưng đều đặn. Tránh để mình quá no hay quá đói.

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin E: Các loại hạt, rau lá xanh, dầu thực vật... nhiều vitamin E, làm cho bé ít bị hen, dị ứng, chàm hay các bệnh khác.

Hạn chế caffein: Tiêu thụ nhiều caffein có liên quan tới sảy thai, trọng lượng sơ sinh nhẹ cân. Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm đề nghị, tối đa mỗi ngày thai phụ không được dùng quá 200mg caffein.

Cẩm nang để thai kỳ hoàn hảo - 1
Phụ nữ mang thai phải uống ít nhất đủ 2 lít nước mỗi ngày. (ảnh minh họa)

Uống thuốc bổ theo chỉ dẫn: Theo thống kê, có khoảng 40% phụ nữ ăn uống thiếu chất trước mang thai, nghĩa là khi họ thụ thai thì họ cũng đã bị thiếu hụt dinh dưỡng. Do đó, các viên bổ sung (sắt, canxi, magiê, vitamin...) theo chỉ dẫn của bác sĩ được dùng cho thai phụ là rất hữu ích. Để tối đa hóa sự hấp thu của cơ thể với vitamin và chất khoáng thì bạn nên dùng viên bổ sung sau bữa ăn.

Không tự ý dùng thuốc: Theo một nghiên cứu của Đại học Bristol, 39% người mẹ tự ý dùng thuốc có liên quan tới thai chết lưu, sảy thai hoặc bất thường thai nhi. Vì thế, cần luôn hỏi bác sĩ trước khi bạn dùng thuốc, cho dù là thuốc cảm sốt thông thường hay viên bổ sung.

Thận trọng với lạc: Các nghiên cứu gợi ý rằng, nếu mẹ hoặc bố (hay bất kỳ ai trong nhà bạn bị chàm, hen hoặc dị ứng) thì ăn lạc khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ dị ứng cho bé. Tất cả các loại hạt khác là an toàn vì giàu protein.

Nói ‘không’ với đồ uống chứa cồn: Chỉ một chút rượu cũng có thể gây hại cho bào thai. Bởi thế, bà bầu nên tránh xa rượu cũng như đồ uống có cồn như bia...

Bổ sung chất xơ: Thai phụ có xu hướng dễ bị táo bón do hệ tiêu hóa bị chậm lại. Bà bầu nên ăn nhiều rau, củ quả cũng như các loại bánh, ngũ cốc có bổ sung chất xơ.

Nói không với gia vị: Trong quý III, khi van ở đầu dạ dày dễ bị mở ra, gây nên chứng trào ngược thì bạn nên tránh đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhiều chất béo và gia vị.

Tăng cường vitamin D và canxi: Vitamin D và canxi là hai chất quan trọng cho xương và răng của thai nhi. Nên thêm cá chứa dầu, sữa và sữa chua trong dinh dưỡng hàng ngày. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên ra bên ngoài vì ánh nắng là nguồn tổng hợp vitamin D tốt nhất cho cơ thể.

Không phải ‘ăn cho hai người’: Lượng kalo chỉ nên tăng 15% khi mang thai (thêm 200-300 kalo/ngày) nhưng thai nhi cần nhu cầu đa dạng về vitamin và chất khoáng. Vì thế, thai phụ nên ăn đa dạng và lành mạnh hơn.

Đừng quên axit folic: Mẹ bổ sung đủ axit folic sẽ giúp bé tránh được khuyết tật ống thần kinh như nứt đốt sống và giảm nguy cơ bé sơ sinh nhẹ cân. Bé sinh nhẹ cân dễ bị bệnh hô hấp, tiểu đường. Do đó, nên bổ sung 400mcg axit folic từ khi muốn thụ thai tới khi kết thúc tuần 12 của thai kỳ. Một chế độ giàu axit folic gồm bánh mỳ, ngũ cốc, sữa bổ sung axit folic, rau lá màu xanh...

Cẩm nang để thai kỳ hoàn hảo - 2
Tập thể dục thường xuyên giúp thai kỳ khỏe mạnh hơn. (ảnh minh họa)

Về sinh hoạt hàng ngày

Mẹ bầu nên đi dạo: Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thai kỳ làm tăng hấp thu magiê cho bào thai. Magiê là chất cần cho sự phát triển mô, chuyển hóa canxi và phốtpho, giúp bé có hệ xương, răng chắc khỏe ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Hãy nằm nghiêng khi ngủ: Tư thế này cho phép lưu lượng máu tối đa lưu thông tới bào thai. Nếu mẹ nằm ngửa sẽ gây nhiều áp lực cho bé; đồng thời, hạn chế lưu lượng máu tới tim của mẹ, khiến mẹ bị chóng mặt.

Đừng quên đánh răng: Mang thai kéo theo những thay đổi ở răng miệng, khiến răng lợi dễ bị viêm, chảy máu và nhiễm khuẩn. Nên đảm bảo đánh răng khoảng 2 lần mỗi ngày, súc miệng với nước muối pha loãng sau mỗi lần đánh răng.

Tắm nước đủ ấm: Ngâm trong bồn nước nóng có thể gây ra các bất thường cho thai nhi, đặc biệt là hệ thống thần kinh. Chưa kể, khi tắm nước quá nóng còn làm bạn thấy nóng, tăng mồ hôi, chóng mặt và bị đỏ da.

Đừng cố nhịn tiểu: Đừng cố nín nếu bạn đang “buồn”. Nhịn tiểu làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu, trường hợp nặng có thể gây sinh non.

Tập thể dục thường xuyên: Bạn nên tập thể dục nhẹ nhàng trong thời kỳ mang thai. Luyện tập giúp tăng lưu lượng máu, mang lại lợi ích tăng trưởng cho bé.

Không mang giày cao gót: Các hormone trong thai kỳ làm các dây chằng ở chân bị lỏng lẻo. Do đó, chân và mắt cá chân sẽ dễ bị sưng đau. Bởi thế, bạn tuyệt đối không mang giày cao gót, cũng như các loại sandal nhiều dây buộc chặt.

Cẩm nang để thai kỳ hoàn hảo - 3
Khi mang bầu, nhất là vào mùa hè, nên chọn trang phục
có chất vải thoáng mát. (ảnh minh họa)

Chọn trang phục thoải mái: Tăng cân khi mang bầu làm tăng lưu thông máu, dẫn tới cảm giác nóng bức. Khi mang bầu, nhất là vào mùa hè, nên chọn trang phục có chất vải sờ thấy mát, nhẹ tay, thấm mồ hôi như các chất liệu tự nhiên là cotton, giúp làn da “dễ thở”.

Chọn áo lót: Bầu ngực to lên và không thoải mái khi có thai đòi hỏi bạn cần chọn áo lót co giãn và phù hợp. Thường khi sang tới quý II, những chiếc áo ngực bình thường không còn phù hợp với sự thay đổi ở ngực nữa.

Hãy lạc quan: Nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra rằng, những người mẹ suy nghĩ lạc quan giúp sinh ra những em bé khỏe mạnh hơn. Nếu bạn có một ngày tồi tệ thì nên thư giãn với bồn tắm, massage hoặc đơn giản là hít thở sâu.

Nếu mẹ bầu đi làm

Xem xét nơi làm việc: Môi trường làm việc có thể ảnh hưởng tới thai nhi và người mẹ. Do đó, khi mang bầu, bạn cần làm việc trong môi trường không chứa các nguy cơ có hại.

Thoải mái nơi công sở: Kiểm tra lại ghế ngồi, điều chỉnh tư thế ngồi thoải mái với máy vi tính... Nói chuỵên với sếp của bạn nếu bạn muốn cắt giảm công việc hoặc tránh xa những công việc nặng nhọc, độc hại.

Cẩm nang để thai kỳ hoàn hảo - 4
Hãy nhớ khám thai theo định kỳ các mẹ bầu nhé! (ảnh minh họa)

Về việc khám thai

Đi khám nha khoa: Nhiều phụ nữ mang thai bị bệnh viêm răng lợi, có liên quan tới sinh non. Do đó, nếu cần thì bạn phải đi khám nha khoa nhưng nên nói với bác sĩ về tình trạng thai nghén của bạn.

Quan tâm đến tiền sử mắc bệnh của bản thân: Nếu bạn có tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục hay bệnh nào khác thì nên nói cho bác sĩ khám thai biết. Bác sĩ sẽ đề mắt tới tất cả những gì có thể gây hại cho bào thai.

Khám thai định kỳ: Mẹ bầu đừng quên đi khám thai theo lịch của bác sĩ chuyên khoa hẹn nhé. Với những mốc khám thai quan trọng nhưng tuần 12, 22, 32, các mẹ không được bỏ qua. Trong suốt quá trình mang bầu, nếu có gì đó bất thường khiến bạn lo ngại thì bạn nên đi khám thai ngay.

Kết nối với con yêu

Nói chuyện với... bụng bầu: Các nhà khoa học chứng minh rằng, em bé có kích thích với âm thanh và biết liên lạc ngay cả khi bé chưa chào đời. Nói chuyện với bé trong bụng giúp bé cải thiện thị giác, thính giác, phát triển ngôn ngữ và vận động, tăng sự tự tin và thậm chí làm bé ngủ ngon hơn.

Nhận biết sự chuyển động của bé: Nếu bé di chuyển ít hơn thường lệ hoặc ngừng chuyển động thì bạn nên đi khám ngay. Bạn có thể cần học cách ghi chép số chuyển động của bé, thường là 10 cử động trong một khoảng thời gian để đảm bảo bé vẫn khỏe mạnh.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác