“Chồng quốc dân” chăm vợ bầu cực khéo, giữa trưa phóng xe 13km đi mua bún cá, ngày lâm bồn thức trắng 2 đêm

Đan San - Ngày 20/02/2023 14:00 PM (GMT+7)

Không chỉ khéo chiều vợ, anh Thế còn là ông bố rất “mát tay" trong việc chăm con.

Người ta vẫn nói, phụ nữ muốn biết chồng có yêu thương mình hay không cứ nhìn lúc đang ở khoa sản. Có một người chồng hết mực lo lắng, không ngại phục vụ cơm nước, ăn uống… khi vợ chửa đẻ nhất định là niềm tự hào, hạnh phúc vô bờ của các chị em. Với anh Anh Thế (SN 1994, Hà Nội), chăm sóc vợ khi mang bầu vừa là cách anh thể hiện tình yêu, vừa là trách nhiệm, bổn phận của một người chồng, người cha. 

Mua bún cá chăm vợ nghén, ngày 2 lượt đưa đón đi làm

“Anh em nào mà được nếm cảm giác chờ vợ đau đẻ thì đảm bảo sẽ sốt ruột lắm, vì chưa bao giờ thấy vợ nhăn nhó đến thế, mà cơn đau nó cứ dài lê thê”, anh Thế vẫn đùa vui khi nhớ lại kỷ niệm cùng vợ vào phòng mổ đẻ. 

Anh Thế và chị Đào Huyền (SN 1994, Lai Châu) quen nhau khi cùng chung lớp đại học. Ấn tượng trước cô gái có mái tóc dài, chăm chỉ, cần cù, anh Thế cảm nắng lúc nào không hay. Sau 4 năm hẹn hò, cặp đôi về chung nhà trong sự chúc phúc của hai gia đình nội ngoại. 

Vợ chồng anh Thế kết hôn năm 2018.

Vợ chồng anh Thế kết hôn năm 2018.

Khác với nhiều cặp vợ chồng sớm bị cảm giác “vỡ mộng" sau hôn nhân, anh Thế, chị Huyền lại cảm thấy còn nhiều điều thật thú vị về đối phương mà chưa khám phá hết. Ngày biết tin vợ có bầu, anh Thế vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Anh tự động giành làm hết việc nhà, chăm sóc vợ chu đáo. 

“Cũng may hai vợ chồng được ở gần ông bà nội nên ông bà hỗ trợ nhiều. Vợ mình bầu chỉ nghén bún cá, mà phải là quán ở gần trường cũ Đại học Thương Mại. Nhớ có lần vợ thèm mình phóng 13km đi mua cho vợ.

Thời gian đó, vợ vẫn còn làm tới sát ngày sinh, chiều nào mình cũng đưa đón cẩn thận. Làm bố lần đầu nên cũng hồi hộp. Dù công việc bận nhưng tối nào mình cũng sẽ dành thời gian nói chuyện với con. Vợ mình đùa, sau này em sẽ quấn quít bố lắm, bố chăm con có khi còn khéo hơn mẹ", anh Thế chia sẻ. 

Con đầu lòng của cặp đôi là bé trai kháu khỉnh.

Con đầu lòng của cặp đôi là bé trai kháu khỉnh.

Vì quê ngoại tận Lai Châu, sợ bà xã nhớ nhà, anh Thế vẫn luôn động viên, an ủi vợ. Chủ động được thời gian, anh lại đưa chị Huyền về thăm quê cho khuây khoả. Trước khi sinh, ngày nào anh cũng đưa vợ đi dạo, luôn giữ tinh thần vợ thoải mái nhất có thể. “Nhiều lúc mình cũng có căng thẳng công việc kinh doanh cũ, vợ chồng có tranh luận nhưng mình cố gắng lui trước nhường vợ, tránh ảnh hưởng tâm lý”, anh Thế nói. 

Anh Thế chăm sóc vợ chu đáo lúc bầu và ở cữ.

Anh Thế chăm sóc vợ chu đáo lúc bầu và ở cữ. 

“Bố quốc dân” dỗ con cho vợ ngủ, thay bỉm, pha sữa thuần thục

Ngày bà xã lâm bồn, anh Thế thấp thỏm, lo âu. Nhớ lại đêm đi đẻ định mệnh đó, anh kể, vì bận công việc ở kho hàng nên về muộn. 11h đêm hôm ấy, vừa đặt lưng xuống giường nghỉ thì vợ kêu đau đẻ. Cả nhà dắt díu nhau sang viện. Suốt hai đêm hôm đó, ông bố trẻ thức trắng. Thấy vợ nhăn nhó, anh Thế sốt ruột, đứng lên ngồi xuống không yên. 

“Mình chỉ ước mình có thể san sẻ nỗi đau với vợ. Vợ đau nên cứ lúc đứng chỗ này lại ngồi chỗ kia. Mình bảo vợ bám vào chồng nhưng nhất định không chịu. Cô ấy gào thét, mình và mẹ bên cạnh quạt tới tấp. Nói chung rất sốt ruột.

Bé Mỳ là ca khó sinh nhất trong phòng. Con cũng ra chậm mất 1 tuần. Hôm đó thấy các ca khác xong hết rồi, vợ vẫn chưa ra. Một lúc bác sĩ ra bảo vợ em khó sinh đấy, chắc phải mổ thôi. Mình bồn chồn lắm. Lát sau, bác sĩ lại bảo gia đình bình tĩnh, cả nhà đứng bên ngoài chỉ biết cầu nguyện. Cuối cùng thở phào nhẹ nhõm khi nghe đứa bé khóc oe oe”, anh Thế bộc bạch. 

Con trai anh Thế rất quấn bố.

Con trai anh Thế rất quấn bố.

Ôm con trai đầu lòng trên tay, ông bố trẻ hạnh phúc lâng lâng. Khoảng thời gian sau sinh cũng là lúc hai vợ chồng anh Thế cảm thấy vất vả nhất. Chị Huyền thiếu sữa nhưng muốn nuôi con bằng sữa mẹ nên vẫn cố gắng vắt cả đêm lẫn ngày. Nhiều hôm đi làm về muộn, thấy vợ ngồi ngủ gật, tay vắt sữa, anh Thế xót xa trong lòng. Khi con trai được 1 tuổi, anh quyết định nghỉ việc, chuyển sang làm tự do để tiện chăm vợ con hơn. 

Anh Thế tâm sự: “Công việc mình đi làm cả ngày, tối về mệt lắm nhưng nghĩ thương vợ. 2-3 tháng đầu con quấy khóc, mình chỉ dám ngủ chập chờn để vỗ bé, nhường cho vợ ngủ.

Vợ mình sau sinh cũng vướng nhiều vấn đề về sức khoẻ. Huyền ở nhà cả ngày buồn, ít giao tiếp với mọi người nên lắm lúc tưởng như bị trầm cảm sau sinh, con cái lại quấy khóc. Nên có những hôm, mình vừa lái xe trên đường vừa gọi về động viên vợ”. 

Hai vợ chồng chia sẻ việc nhà, chăm con.

Hai vợ chồng chia sẻ việc nhà, chăm con.

Vốn không ngại việc nhà, anh Thế dành thời gian hỗ trợ vợ nhiều nhất có thể. Ông bố tự nhận bản thân dù “nấu cơm chưa ngon" nhưng rất nhiệt tình trong khoản nhặt rau, dọn rửa. Lần đầu chăm con nhỏ không tránh khỏi gượng gạo, bỡ ngỡ, anh Thế nhiệt tình lên mạng tra cứu cách thay bỉm, bảo quản sữa, pha sữa…, làm một cách thuần thục, khéo léo hơn cả vợ.

Tổ ấm nhỏ của vợ chồng anh Thế, chị Trang.

Tổ ấm nhỏ của vợ chồng anh Thế, chị Trang. 

Hiện, bé Mỳ đã được 3 tuổi, rất quấn bố. Hai vợ chồng anh Thế cũng dần quay trở lại công việc, kinh tế ổn định hơn. Năm nay, anh đặt ra nhiều dự định cho tổ ấm nhỏ: “Tuy vất vả nhưng mâm cơm nhỏ cả nhà luôn có nhau. Mình hiện đã nghỉ công việc cũ về làm cùng vợ. Vợ chồng bên nhau và hiểu nhau nhiều hơn, cùng nhau cố gắng xây dựng kinh tế chung. Giờ cả hai tự lập, học cách vun vén gia đình, sang năm sẽ đón thêm một em bé ra đời”.

Chồng bị liệt nhiều năm, vợ bất ngờ mang thai khiến nhiều người nghi ngờ và cái kết rơi nước mắt
Có một người chồng bị bại liệt là điều thiệt thòi đối với bất kỳ người phụ nữ nào nhưng với Trân Trân, cô còn hứng chịu thêm một nỗi đau khác.

Câu chuyện mang thai

Theo Đan San
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Khi vợ mang bầu