“Cơn ác mộng” của bà bầu

Ngày 02/02/2017 16:56 PM (GMT+7)

Mang thai là thiên chức cao cả của người phụ nữ. Nhưng trong quá trình mang thai, nhiều mẹ bầu phải đối mặt với những khó khăn trong ăn uống, ốm nghén, sinh hoạt cũng như mắc những chứng bệnh “khó giãi bày” được cùng ai.

“Cơn ác mộng” của bà bầu - 1

Nhằm giảm thiểu được nhiều bệnh khó nói trong thời kỳ mang bầu, chị em nên uống nước nhiều. (Ảnh minh họa)

Nỗi đau thầm kín

Một trong những “tác dụng phụ” trong quá trình mang thai khiến các mẹ bầu “ám ảnh” khó chịu là “viêm vùng kín”.

“Ngứa, khó chịu kinh lên được! Lúc nào tôi cũng có cảm giác ẩm ướt vì chỗ “ấy” tiết dịch. Lại còn thời tiết nắng nóng khiến tôi chỉ muốn phát điên. Giờ mới hiểu sao người ta lại bảo khó tính như bà chửa!”, chị Hồng Hạnh (30 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) “bức xúc” tâm sự về bệnh khó nói nơi “vùng kín” của mình. Nấm âm đạo giống như những cục “sữa đông” phủ trong âm đạo do nấm candida albicans gây ra. Loại nấm này vốn có sẵn trong vùng kín phụ nữ và thường không gây khó chịu khi môi trường ở mức cân bằng. Tuy nhiên, trong quá trình thai nghén, do sự tăng tiết hợp chất glycogen trong âm đạo sẽ khiến nấm này sinh sôi nhiều hơn, khiến bệnh nấm âm đạo phát triển.

Sự thay đổi nội tiết trong cơ thể phụ nữ, tăng, giảm lượng đường hoặc axit trong cơ thể, hay pH âm đạo thay đổi ở phụ nữ mang thai khiến bà bầu dễ bị nhiễm nấm.

Trong mọi trường hợp, các mẹ bầu tránh chữa trị theo cách “truyền miệng” mà nhất thiết phải tham khảo ý kiến bác sĩ, dù coi đây là bệnh “khó giãi bày”. Sẽ khá đáng lo và cần điều trị ngay bởi các nhà khoa học đã phát hiện ra sự liên kết giữa viêm âm đạo và sinh non. Những viêm nhiễm đường sinh dục trước hoặc trong khi mang thai, nếu không được điều trị còn có thể dẫn đến viêm màng ối, khiến màng ối có thể vỡ ra bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng của thai nhi và sức khỏe thai phụ.

Trong tam cá nguyệt đầu tiên, các mẹ có thể dùng thuốc đặt. Đến tam cá nguyệt thứ hai mới nên dùng thuốc uống. Và trong suốt quá trình mang thai, dù có, dù không biểu hiện bệnh này, các bác sĩ cũng khuyên dùng viên nang có chứa Probiotic (một loại lợi khuẩn có trong sữa chua) 2 lần/ngày. Nhất là khi vệ sinh cá nhân, nên mặc đồ lót bằng chất liệu cotton, thoáng, hạn chế mặc đồ quá chật cũng như tránh làm tăng nhiệt độ cơ thể. Vệ sinh sạch sẽ sau khi đi vệ sinh và quan hệ tình dục cũng giúp loại bỏ nhiều loại vi khuẩn có hại. Mùa hè, nếu mẹ bầu đi tắm biển, tắm bể bơi, luôn giặt sạch và phơi khô có nắng mặt trời đồ của mình. Đặc biệt, không vệ sinh bằng chất khử mùi, các loại xà phòng có tính sát khuẩn cao, cũng không thụt rửa sâu bên trong.

Những bệnh “khó giãi bày”

Dù đã “hoàn thành kế hoạch” hai con, nhưng mỗi lần nghĩ lại thời kỳ mang bầu, chị Hoàng Mai (ở quận Tân Bình, TP HCM) lại “đỏ mặt” vì “chưa bao giờ bất lịch sự đến thế”. Số là hồi mang bầu hai bé, chị luôn bị chứng ợ hơi, “xì khói” không kiểm soát. “Khoảng ngoài 20 tuần thai, không ngày nào tôi không ợ hơi hay “thả bom” ngay trước mặt chồng và người nhà. Mới đầu, tôi còn ngượng chín mặt, nhưng riết rồi cũng quen do “bất khả kháng”. Có điều, tôi cắt hẳn thói quen tụ tập bạn bè, tiếp khách hay hạn chế đến nhà người quen, đề phòng “làm ê mặt người nhà!”, chị Hoàng Mai hóm hỉnh kể lại.

Mang thai là thời kỳ mà dạ dày của mẹ bầu hoạt động chậm lại do hormone ngày một nhiều hơn trong cơ thể. Điều này dẫn đến sự tích tụ khí trong dạ dày, nguyên nhân chính dẫn đến ợ hơi, “xì khói”. Ngoài ra, khi lượng Progesterone trong cơ thể mẹ bầu tăng cao sẽ làm thư giãn các mô cơ trơn khắp cơ thể, bao gồm cả ống tiêu hóa. Không may, quá trình thư giãn này sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa gây nên các triệu chứng “xì hơi”.

Bên cạnh việc “xả khói” nhiều, các bà bầu còn lo sợ đối mặt với tình trạng táo bón và bệnh trĩ. BSCK II Trương Thị Thảo (Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM) cho hay, 50% thai phụ than phiền về các chứng bệnh này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến táo bón ở phụ nữ mang thai như: Do ăn uống thiếu nước, thiếu rau xanh; Do nồng độ quá cao của Progesterone trong cơ thể thai phụ; Do kích thước tử cung tăng lên chèn ép các cơ quan trong ổ bụng; Do thai phụ ít vận động. Bên cạnh đó còn có những yếu tố như, thời gian đầu và cuối thai kỳ thường bị kích thích gây tiểu nhiều (đặc biệt vào ban đêm), nên nhiều thai phụ ngại uống nước nhiều (sợ phải đi tiểu đêm), cộng với việc nôn ói lúc mang thai dẫn đến thiếu nước cũng dễ gây táo bón…

Khi có thai, áp lực bụng tăng cao, nhất là ở thời kỳ cuối. Sự chèn ép của tử cung lên tĩnh mạch ngày càng cao, ảnh hưởng đến sự hồi lưu của máu, làm cho chùm tĩnh mạch trĩ bị xung huyết, mở rộng ra. Hậu quả là tình trạng bí đại tiện tăng thêm, khiến thai phụ dễ mắc bệnh trĩ.

Nếu chị em đã bị trĩ từ trước khi có thai, tốt nhất là chữa khỏi hẳn bệnh trĩ rồi mới nên có thai. Bởi quá trình mang thai và sinh nở sẽ làm cho bệnh trĩ tiến triển rất nhanh. Nhiều phụ nữ đã rất đau đớn vì bệnh trĩ sau khi sinh em bé. Đặc biệt, nếu bệnh trĩ có kèm chảy máu sẽ làm gia tăng sự thiếu máu ở giai đoạn mang thai. Nếu mắc bệnh ở cuối thai kỳ, bệnh nhân không nên phẫu thuật. Sau khi sinh con được khoảng 4 tháng, bệnh sẽ giảm nhẹ hoặc mất đi nếu bệnh nhân có phương pháp đúng.

Các chuyên gia khuyến cáo: Nhằm giảm thiểu được một số bệnh khó nói trong khi mang bầu, chị em nên uống nước nhiều.

Nhiều mẹ bầu hay bị són tiểu, tiểu không kiểm soát nên uống giảm nước đi. Điều này là sai lầm, bởi uống ít nước có thể khiến thiểu ối, thậm chí còn gây nên táo bón – nguyên nhân quan trọng gây nên bệnh trĩ. Nếu buồn tiểu bạn phải đi tiểu, không được nhịn.

Theo An Quỳnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Khi vợ mang bầu