Giải mã chứng són tiểu

Ngày 07/02/2013 04:52 AM (GMT+7)

Sa dạ con không phải là một hiện tượng hiếm gặp ở phụ nữ mới sinh.

Theo TS. BS Lê Minh Châu, Phó khoa Khám bệnh (Bệnh viện Phụ sản Trung Ương) cho biết, đối tượng dễ mắc hiện tượng này là những phụ nữ không kiêng cữ và hoạt động mạnh ngay sau khi sinh.

Thế nào là sa dạ con?

Sa dạ con là hiện tưởng tử cung sa thấp hơn bình thường, tụt xuống đáy khung chậu, có trường hợp bị tụt hẳn ra ngoài khung chậu. Khi bị sa dạ con, chị em thường cảm thấy nặng và căng tức ở vùng kín, cảm thấy nặng ở phần bụng dưới, đi tiểu khó, đái rắt, đái không tự chủ, nhiều khi cười hoặc ho cũng bị són đái.

Giải mã chứng són tiểu - 1
Sa dạ con có thể gây són tiểu khi ho hoặc cười. (Hình minh họa)

Sa dạ con phát triển rất chậm, tuy nhiên sau mỗi lần sinh, tình trạng càng biến chuyển nhanh và nặng hơn. Nó không chỉ làm sa tử cung mà làm sa cả thành trước, thành sau âm đạo, phần phụ, nhiều khi kèm theo cả sa bàng quang và trực tràng ra ngoài…

Theo bác sĩ Lê Minh Châu, nguyên nhân chủ yếu của sa dạ con là do vận động mạnh quá sớm sau khi sinh. Khoảng một tháng sau khi sinh, tử cung vẫn còn to và nặng, trong khi các cơ và dây chằng nâng đỡ ở đáy chậu còn đang mềm yếu, chưa phục hồi sau thai nghén.

Một số trường hợp suy nhược cơ thể cũng dẫn tới sa dạ con. Tử cung cũng có thể thay đổi vị trí do sản phụ nằm ngửa quá lâu, hoặc có thói quen nằm nghiêng một bên.

Bác sĩ Châu cho biết, sa dạ con ở mức độ nhẹ (tử cung bị kéo giãn, chùng xuống thấp hơn một chút so với vị trí ban đầu nhưng vẫn nằm trong âm đạo) có thể không cần phẫu thuật. Chị em chỉ cần kiên trì tập luyện một số bài tập, đặc biệt là các bài tập cho vùng xương chậu, để nâng khả năng đàn hồi cho tử cung, kết hợp với một chế độ ăn uống khoa học, nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, dần dần tử cung có thể sẽ trở lại vị trí ban đầu.

Khi bệnh ở mức nặng (tử cung đã xệ hẳn xuống, thò ra bên ngoài) thì bắt buộc phải can thiệp bằng phẫu thuật. Nếu người bệnh còn nhu cầu sinh đẻ thì bác sĩ chuyên khoa có thể xem xét tiến hành thủ thuật treo tử cung lên, làm hẹp âm đạo để giữ lại chức năng sinh sản. Với trường hợp không còn khả năng sinh sản, bác sĩ sẽ cắt bỏ hoàn toàn tử cung.

Không quá khó để phòng ngừa

Bác sĩ Lê Minh Châu khuyến cáo phụ nữ sau khi sinh cần lưu ý vệ sinh sạch sẽ, lao động nhẹ nhàng, ăn nhiều chất xơ, rau xanh để tránh táo bón, phục hồi cơ thể, các cơ, dây chằng đàn hồi tốt hơn… Ngoài ra, chị em cần đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện bệnh tật.

Để phòng tránh bệnh sa dạ con sau sinh, phụ nữ không nên sinh nhiều, sinh sớm quá. Khi chuyển dạ, chị em nên đến cơ sở y tế để được đỡ đẻ đúng kỹ thuật. Tránh việc để sản phụ mất sức nhiều. Các thủ thuật sản khoa phải làm đúng điều kiện, chỉ định, kỹ thuật.

Trong thời gian ở cữ, sản phụ không nên nằm hoặc ngồi ở một tư thế quá lâu, nên thường xuyên thay đổi tư thế nằm nghỉ. Ngoài ra, chị em cũng cần sớm vận động chân tay nhẹ nhàng, tập một số động tác thể dục tay chân đơn giản ngay khi còn đang nằm trên giường.

Tuy nhiên, không nên tập mạnh mà nên tập nhẹ nhàng và nâng dần bài tập. Đặc biệt, sau sinh nở, sản phụ không nên nhịn tiểu. Khoảng từ 6 – 8 giờ sau sinh, sản phụ nên ngồi dậy, ngày thứ 2 sau khi sinh, sản phụ nên ra khỏi giường để vận động.

Sản phụ cũng nên cho em bé bú càng sớm càng tốt bởi vì kích thích mút núm vú của em bé có thể làm tử cung người mẹ co lại.

Theo Hà Linh (Bác sĩ gia đình)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các bệnh khác