"Hai vạch", cần làm gì tiếp theo?

Ngày 20/07/2013 15:16 PM (GMT+7)

Khám thai là việc bạn cần làm ngay sau khi nghi ngờ mình có bầu.

Phát hiện 2 vạch hồng trên que thử thai là thời điểm hạnh phúc đáng nhớ nhất của những chị em đang nôn nóng được làm mẹ. Nhưng đừng vì thế mà quên lên danh sách phải làm ngay sau khi biết tin vui nhé, vì đây là những việc rất cần thiết để có một thai kỳ khỏe mạnh, vui vẻ cho cả mẹ và bé.

1. Khám thai sớm

Để khẳng định chắc chắn đã mang trong mình một sinh linh bé bỏng, đáng yêu, chị em hãy đến cơ sở y tế, phòng khám hay bệnh viện uy tín để được kiểm tra cẩn thận. Các thăm khám được thực hiện từ khi thụ thai cho đến kết thúc 3 tháng đầu tiên của thai kỳ gồm:

quot;Hai vạchquot;, cần làm gì tiếp theo? - 1
Nếu có 2 vạch hồng trên que thử thai, bạn đừng chần chừ mà nên đến ngay bệnh viện để xác định thụ thai và tiến hành các thăm khám cần thiết nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả 2 mẹ con (hình minh họa)

- Xác định thụ thai. Khi trễ kinh 2 tuần và kèm các dấu hiệu như căng đầu vú, hay đi tiểu lắt nhắt, thường buồn nôn, nôn, người mệt mỏi cáu gắt, chướng bụng …, hoặc khi que thử thai lên 2 vạch, chị em nên đi khám ngay để loại trừ trường hợp thai nằm ngoài tử cung. Thường chị em sẽ được chỉ định siêu âm ngả âm đạo để xác định vị trí thai nhi, số lượng thai, xác định tuổi thai, tìm những bất thường của tử cung và 2 buồng trứng nếu có. Tim thai cũng sẽ được bác sĩ xem xét. Nếu chưa thấy tim thai lúc mới 5 - 6 tuần tuổi, bạn cũng đừng lo lắng quá vì có thể thai nhi còn quá nhỏ. Khi đó, bạn sẽ được hẹn lại lần sau, khi thai được 7 – 8 tuần tuổi để xác định lại. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ tính ngày dự sinh cho bạn. Theo đó, ngày dự sinh là ngày thai nhi được 40 tuần tuổi. Tuy nhiên bạn cũng nên biết rằng ngày dự sinh chỉ là con số ước chừng, vì có gần 85% thai nhi bình thường sinh ra trong khoảng 1 tuần trước hoặc sau ngày dự tính sinh con.

- Siêu âm độ mờ da gáy. Vào thời điểm thai nhi được 11 – 13 tuần tuổi chính là lúc thích hợp nhất để đo độ mờ da gáy nhằm dự đoán một số bất thường về nhiễm sắc thể nguy hiểm gây bệnh Down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành v.v…, vì qua 14 tuần kết quả có thể không còn chính xác. Mọi thai nhi đang phát triển đều có một lớp dịch giữa da và mô mềm bên dưới gáy. Những bé có khiếm khuyết nhiễm sắc thể và tim bẩm sinh thường có nhiều nước hơn bình thường trong lớp này. Vì vậy, bóng mờ của hình dạng, kích thước như thế nào có thể chỉ ra bất thường nhiễm sắc thể. Nếu kết quả siêu âm độ mờ da gáy là 3mm, thai phụ sẽ được chỉ định chọc ối để xác định chuẩn đoán bệnh Down và siêu âm hình thái xem có dị dạng hay không vào tuần thứ 18 của thai kỳ.

- Xét nghiệm máu. Đây là việc cần làm khi khám thai, gồm xét nghiệm xác định nhóm máu, công thức máu, kết hợp xét nghiệm đường huyết, tổng phân tích nước tiểu và xét nghiệm để phát hiện các bệnh lây nhiễm như Rubella, giang mai, HIV, viêm gan siêu vi B để có biện pháp can thiệp, dự phòng kịp thời.

2. Thông báo tin vui

quot;Hai vạchquot;, cần làm gì tiếp theo? - 2
Thông báo tin vui đến bạn bè, người thân, bạn sẽ nhận ra rằng mình được yêu thương, quan tâm chăm sóc nhiều hơn (hình minh họa)

Trong lúc một số chị em chỉ chia sẻ thông tin bầu bí khi vượt được 13 tuần thai, tức là nguy cơ cao nhất của sẩy thai đã qua, lại có không ít thai phụ chọn cách thông báo tin mừng với bạn bè cùng gia đình ngay khi đã xác định được tim thai. Việc chia sẻ thông tin bầu bí sớm không chỉ giúp bạn nhận được nhiều lời chúc mừng, những lời khuyên bổ ích từ người đi trước, mà còn được quan tâm, thông cảm lẫn giúp đỡ trong thời gian đầu rất dễ ốm nghén, cáu gắt và rất hay mệt mỏi này.

3. Củng cố kiến thức bầu bí và sinh nở

Tham gia các lớp học tiền sản, Yoga hay tìm hiểu thông tin về quá trình mang thai và chuyển dạ, lẫn việc chăm sóc bé yêu sau chào đời là những việc bạn cần làm ngay khi biết mình bầu bí. Củng cố kiến thức trong lĩnh vực này không chỉ giúp bạn chăm sóc sức khỏe cho bản thân và sự phát triển của thai nhi tốt hơn, mà còn để chủ động trong việc phòng tránh các rủi ro có thể xảy ra trong kỳ thai nghén, giúp quá trình chuyển dạ diễn ra dễ dàng, cũng như không bỡ ngỡ khi chăm sóc bé sau sinh.

4. Làm quen với những bà mẹ khác

quot;Hai vạchquot;, cần làm gì tiếp theo? - 3
Chia sẻ chuyện bầu bí với các mẹ khác sẽ giúp bạn có thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích khi mang thai (hình minh họa)

Không có cách nào tốt hơn để trang bị kiến thức, kinh nghiệm cho mình bằng việc tiếp xúc, tìm hiểu quá trình mang thai với bạn bè và chị em đi trước. Bằng cách chia sẻ thành thật nỗi lo âu, hoang mang trong quá trình bầu bì và sinh nở, bạn nhận ra rằng mình sẽ nhận được muôn vàn lời khuyên bổ ích, lý thú từ những trải nghiệm thực tế của những người đã từng qua quá trình này mà đôi khi không có sách vở nào đề cập. Đây cũng chính là lúc học hỏi kinh nghiệm từ mẹ bạn, bạn sẽ thấy tình cảm mẹ con không chỉ ngày càng gắn kết, mà còn hiểu và yêu mẹ hơn vì những vất vả mà bà đã trải qua để mang nặng đẻ đau và nuôi dạy bạn nên người.

5. Giữ cơ thể khỏe mạnh với chế độ ăn đầy dinh dưỡng

Dù là khoảng thời gian không mấy dễ chịu khi bạn hầu như luôn bị các cơn ốm nghén hành hạ, nhưng hãy cố gắng bổ sung chất dinh dưỡng trong chế độ ăn của mình để đảm bảo bé có một khởi đầu thật tốt, vì là thời điểm quan trọng cho sự phát triển não bộ và thần kinh của thai nhi.

Hãy dùng gừng, trà gừng, nước chanh, hoặc trà bạc hà tươi để chống lại các cơn buồn nôn, ói vào mỗi buổi sáng. Trong thực đơn của bạn, phải đảm bảo đầy đủ các chất đạm (protein), chất sắt, canxi, vitamin C, D, đặc biệt là axit folic vốn đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển hệ thần kinh và não bộ của bé. Thêm trứng và cải bó xôi vào thực đơn hàng ngày vì đây là những món ăn được khuyên dùng trong 3 tháng đầu mang thai do chứa nhiều choline – chất quan trọng giúp hình thành các dây thần kinh ghi nhớ, học tập ở bào thai. Tuy nhiên, nên nhớ là trong 3 tháng đầu, chị em chỉ cần tăng từ 0,9 – 2,3 kg, riêng các bà mẹ đã dư cân, béo phì không nên tăng cân nhiều.

quot;Hai vạchquot;, cần làm gì tiếp theo? - 4
Trứng và cải bó xôi là những món ăn được khuyên dùng do chứa nhiều choline – chất quan trọng giúp hình thành dây thần kinh ghi nhớ, học tập ở bào thai (hình minh họa)

Duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh cũng là một điều hết sức quan trọng và cần thiết. Bà bầu nên tránh xa các chất kích thích, rượu, ma túy, các loại nước uống nhiều cafein như cà phê, nước có gas, trà, các loại thức ăn cay, nhiều dầu mỡ v.v…, đồng thời uống nhiều nước ấm, tập thể dục nhẹ nhàng ít nhất 30 phút mỗi ngày như đi bộ, chạy xe đạp, yoga, bơi lội…

6. Cố gắng ngủ và nghỉ ngơi nhiều hơn

Có thể trong giai đoạn này bạn sẽ cảm thấy khó ngủ, tuy nhiên hãy cố gắng duy trì ngủ đủ giấc với khoảng 7 - 8 tiếng mỗi ngày. Hãy thử những mẹo nhỏ sau đây để có một đêm ngon giấc hơn, bạn nhé.

- Giảm bớt cà phê, trà, không uống nhiều nước trước giờ đi ngủ.

- Uống một ly sữa ấm vì chất melatonin sẽ sản sinh trong cơ thể bạn, giúp bạn nhanh đạt được giấc ngủ ngon và sâu hơn.

- Tăng cường hoạt động vào ban ngày để giúp cơ thể thư giãn và dễ ngủ hơn vào ban đêm.

- Ngủ ngắn hay tranh thủ nghỉ ngơi thêm vào buổi trưa để cơ thể mau hồi phục sức khỏe, giảm căng thẳng, stress.

Q.Như
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Mang thai 1-3 tháng