Mang thai, mẹ sợ nhất điều gì? (P.2)

Ngày 01/12/2013 05:00 AM (GMT+7)

Có nhiều nỗi sợ khi mang bầu là không đáng có, vì vậy mẹ bầu nên “dẹp bớt” lo âu để vui đón bé yêu sắp sửa chào đời.

Tham khảo Phần 1 tại đây

Mang thai, sinh nở là khoảng thời gian cơ thể chị em có nhiều biến đổi lớn, kèm theo đó là sự gia tăng đột ngột của các nội tiết tố trong cơ thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày. Với những chị em mới lần đầu tiên làm mẹ, đây là những thay đổi không dễ thích nghi, và vì vậy, bên cạnh những nỗi lo lắng về bé yêu như sợ bé bị dị tật, sợ mất con, sợ sinh non hay con kém thông minh v.v..., mẹ bầu còn có muôn vàn nỗi lo khác như sợ mình không thể lấy lại vóc dáng sau sinh, sợ gặp các biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ, hay e ngại sex và mối liên hệ gắn kết giữa hai vợ chồng sẽ không còn keo sơn như hồi son rỗi v.v....

Hãy tiếp tục khám phá những gì mẹ bầu sợ nhất ở bài viết kỳ này và tìm cho mình cách tốt nhất để loại bỏ các mối lo không cần thiết, sống vui vẻ, thanh thản, vì đó là phần quà tốt nhất mà bạn dành cho bé trong thời gian bầu bí.

Tăng cân quá nhiều, không thể lấy lại dáng sau sinh

Mang thai, mẹ sợ nhất điều gì? (P.2) - 1

Cùng với niềm vui chào đón bé yêu sắp chào đời của mẹ bầu là nỗi lo “không thể giảm cân” canh cánh trong lòng (hình minh họa)

Khi bầu bí, bạn phải từ giã vóc dáng thon thả ngày nào để hoàn thành trọn vẹn thiên chức làm mẹ thiêng liêng. Nhưng dù có hạnh phúc vì mang trong mình 1 thiên thần nhỏ đến thế nào, vẫn có lúc chị em sẽ chạnh lòng khi đứng trước gương. Và nỗi lo sợ mình tăng cân quá nhiều, bị béo phì khi mang thai cũng như không thể lấy lại dáng sau sinh đã trở thành mối lo của hầu hết mẹ bầu. Sự thật cũng không hề vui vẻ khi có 14 – 20% chị em sẽ vẫn giữ cân nặng như hồi mang bầu dù đã sinh bé từ lâu.

Để giảm bớt nỗi lo này, thay vì thường xuyên leo lên cân rồi xuýt xoa vì trọng lượng tăng “vùn vụt”, mẹ bầu nên áp dụng những cách hay để kiểm soát tăng cân quá mức trong thai kỳ và sau khi sinh như sau:

- Cố gắng đảm bảo tăng cân theo đúng chuẩn khuyến nghị của bác sĩ trong thai kỳ (khoảng từ 10 – 15 kg đối với mẹ bầu có cân nặng bình thường trước đó). Các nghiên cứu đã cho thấy nếu tăng cân quá nhiều trong thai kỳ, chị em sẽ rất khó để giảm được cân nặng và lấy lại dáng sau sinh.

- Cho bé bú giúp tăng hoạt động trao đổi chất trong cơ thể, nhờ đó mẹ có thể đốt cháy hàng trăm calo mỗi ngày.

- Cố gắng thu xếp thời gian để tập thể dục, năng vận động, dù là các hoạt động đơn giản như đi bộ, bơi lội, lau dọn nhà cửa, đi mua sắm v.v..., sẽ không chỉ giúp bạn duy trì vóc dáng thon gọn trước và sau khi sinh bé, mà còn hỗ trợ quá trình vượt cạn diễn ra nhanh chóng, dễ dàng hơn.

- Tranh thủ ngủ ngắn trong ngày. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, mẹ  nào có thời gian ngủ trong ngày ít hơn 5 tiếng đồng hồ, hoặc không tranh thủ ngủ các giấc ngắn trong ngày có nguy cơ tăng cân nhiều hơn các mẹ được ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ.

Mắc biến chứng nguy hiểm như tiểu đường, tiền sản giật

Mang thai, mẹ sợ nhất điều gì? (P.2) - 2

Thăm khám tiền sản thường xuyên theo đúng lịch hẹn giúp mẹ bầu loại bỏ bớt mối lo mắc các biến chứng thai kỳ (hình minh họa)

Tiểu đường, tiền sản giật v.v... là 2 trong số nhiều biến chứng rất nguy hiểm có thể phát sinh trong thai kỳ, hậu quả không chỉ gây hại cho thai nhi mà còn đe dọa đến tính mạng của 2 mẹ con, vì vậy việc mẹ bầu lo ngại sẽ mắc phải các biến chứng này trong khi mang thai bé là hoàn toàn bình thường. Tuy vậy, mẹ bầu cũng nên biết rằng, tỷ lệ bà bầu phát triển bệnh từ cao huyết áp sang tiền sản giật rất thấp, chỉ khoảng từ 5 – 8%, và thường gặp ở mẹ bầu dưới 18 tuổi hoặc trên 35 tuổi. Và hầu như không có cách nào để giảm nguy cơ mắc phải biến chứng này, ngoại trừ việc bạn nên tuân thủ nghiêm ngặt lịch thăm khám tiền sản, vì mỗi lần khám thai mẹ bầu sẽ được đo huyết áp, nếu huyết áp cao là lúc bác sĩ sẽ giám sát thai kỳ của bạn cẩn thận hơn. Ngoài ra, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như sưng tay, sưng mặt đột ngột, nhìn không rõ, đau đầu, chóng mặt v.v... mẹ bầu nên báo ngay cho bác sĩ của mình, vì có thể đây là dấu hiệu báo trước của chứng tiền sản giật.

Với chứng tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu đơn giản chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học hơn, hạn chế tiêu thụ tinh bột, đường, năng vận động cơ thể. Các xét nghiệm đường huyết sẽ được thực hiện thường xuyên vào tuần 24 và 28 của thai kỳ giúp phát hiện và can thiệp sớm tình trạng tiểu đường thai kỳ. Những mẹ bầu có người thân trong gia đình bị tiểu đường cần phải báo cho bác sĩ ngay trong lần thăm khám đầu tiên để được theo dõi chặt chẽ hơn.

Sex không còn mặn nồng như xưa

Có thai, rồi sinh con và bận túi bụi với việc chăm sóc em bé mới chào đời, cộng với những mệt mỏi, đau đớn di chứng sau cuộc vượt cạn vất vả ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vợ chồng. Nhiều mẹ bầu và sản phụ còn lo lắng chất lượng cuộc yêu bị giảm sút và nguy cơ chồng lập “phòng nhì”. Nhưng trong thực tế, đây lại là mối lo không đáng có.

Mang thai, mẹ sợ nhất điều gì? (P.2) - 3

Có đến 70% bà mẹ trẻ sớm lấy lại “phong độ” yêu đương như xưa, vì vậy mẹ  bầu đừng lo lắng quá về sex sau sinh (hình minh họa)

Chỉ cần thời gian ngắn khoảng 1 tháng để tử cung hồi phục lại như cũ là bạn có thể quan hệ trở lại. Có thể nhu cầu về sex sẽ giảm khi mẹ cho con bú, nhưng sau đó vài tháng, nhu cầu này sẽ tăng lên, và có gần 70% phụ nữ cho biết mọi thứ đã được hồi phục y như trước khi bầu bí chỉ sau 6 tháng sinh bé, theo 1 nghiên cứu gần đây của tạp chí Obstetrics & Gynecology. Thậm chí, khi cơ thể hoàn toàn hồi phục, nhiều bà mẹ trẻ còn cảm thấy chất lượng tình dục được cải thiện đáng kể, khao khát thường xuyên hơn vì mối quan hệ vợ chồng đã thêm bền chặt, gắn kết qua quá trình chăm sóc, nuôi nấng bé yêu.

Đau đẻ và sinh khó

Những câu chuyện hàng ngày giữa chị em phụ nữ về việc sinh nở, như cảm giác đau đẻ không gì diễn tả nỗi, hay sinh mổ thì càng đau gấp bội, cho đến vật vã vì chuyển dạ quá lâu, quá khó khăn v.v…, cộng với các tin tức về việc sản phụ gặp tai biến trong quá trình vượt cạn thỉnh thoảng được đăng tải trên báo, Internet v.v… gây ám ảnh không nhỏ cho mẹ bầu, nhất là với những chị em lần đầu tiên làm mẹ. Tuy nhiên, thay vì lo lắng không yên, mẹ bầu nên biết rằng có nhiều cách để vượt qua nỗi sợ này để “mẹ tròn con vuông”, như mẹ bầu có thể tham gia 1 lớp học tiền sản để trang bị đầy đủ kiến thức về quá trình sinh nở, các tư thế và phương pháp giúp giảm đau khi chuyển dạ v.v… Tập thể dục hay đi bộ, tập Yoga cũng giúp mẹ bầu có cơ thể dẻo dai hơn, chuẩn bị sẵn sàng cho lần vượt cạn sắp đến. Ngoài ra, cũng có nhiều can thiệp chuyên khoa giúp mẹ bầu đỡ đau hơn, như chích thuốc gây tê ngoài màng cứng, thuốc mê theo đường thở, thuốc an thần v.v…

Mang thai, mẹ sợ nhất điều gì? (P.2) - 4

Đi bộ là 1 trong những biện pháp đơn giản mà hiệu quả để mẹ bầu chuẩn bị cho lần vượt cạn sắp đến diễn ra nhanh và dễ dàng hơn (hình minh họa)

Một lưu ý nhỏ là mẹ bầu nên tránh xem các cảnh chuyển dạ trên tivi, vì chúng thường được diễn đạt theo hình thức “nghiêm trọng hóa vấn đề” để tạo ấn tượng cho khán giả, và vì vậy càng làm cho chị em lo sợ hơn mà không giúp ích được gì cho việc chuẩn bị vượt cạn trong tương lai.

Sinh bé trên đường đến bệnh viện

Thông tin về các sản phụ đẻ rớt trên taxi, trên máy bay hay khu công cộng được đăng trên báo đài có thể khiến nhiều mẹ bầu lo lắng mình sẽ rơi vào trường hợp tương tự, nhất là những chị em mang thai con rạ (thường quá trình chuyển dạ ở con rạ nhanh hơn con so). Tuy nhiên, mẹ bầu nên biết rằng, thông thường quá trình chuyển dạ sẽ kéo dài hàng tiếng đồng hồ và luôn có dấu hiệu báo trước. Với các mẹ sinh con so, thời gian chuyển dạ trung bình là 12 – 14 tiếng, với mẹ bầu con rạ là khoảng 7 tiếng, đây là khoảng thời gian không nhỏ để mẹ bầu có thể đến kịp bệnh viện trước khi sinh bé. Nhận biết các dấu hiệu chuyển dạ như chảy nước ối, đau bụng từng cơn, ra dịch màu hồng nhạt ở vùng kín v.v… sẽ giúp mẹ bầu nhanh chóng đến bệnh viện kịp thời. Còn nếu vẫn lo lắng về nguy cơ này, mẹ bầu hãy cùng người thân tìm hiểu cách đỡ đẻ khẩn cấp để xử trí an toàn cho cả hai mẹ con nếu chẳng may lâm vào tình huống trớ trêu này.

Phạm Ngọc (Theo PS)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác