Mẹ bầu 18 tuổi đối mặt lựa chọn sinh tử "cứu mẹ hay cứu con" chỉ vì... chủ quan

Ngày 16/10/2018 18:39 PM (GMT+7)

Thai phụ 18 tuổi ở Thanh Hóa mắc bệnh Basedow nhưng tự ý bỏ thuốc do nghĩ bệnh đã ổn định. Chị không ngờ, chỉ vì sự chủ quan này, chị và thai nhi đã có lúc đối diện với lằn ranh sinh tử.

Mẹ bầu 18 tuổi đối mặt lựa chọn sinh tử amp;#34;cứu mẹ hay cứu conamp;#34; chỉ vì... chủ quan - 1

Con của sản phụ Lương Thị Chuyên được cai máy thở, trở về phòng thường và tăng cân đều (ảnh do bệnh viện cung cấp).

Lựa chọn sinh tử: Chọn mẹ hay cứu con?

Cách đây 2 năm, bắt đầu bằng các triệu chứng cổ to, phình, chị Lương Thị Chuyên (18 tuổi, Thường Xuân, Thanh Hóa) đi khám tại Bệnh viện Nội tiết Thanh Hoá và phát hiện bị Basedow. Điều trị được một thời gian do thấy các triệu chứng ổn định, chị phát hiện mang bầu, lúc đó, chị đã bỏ thuốc điều trị.

“Suốt thời gian mang thai, tôi chỉ đi khám 2 lần, chỉ siêu âm xem con có ổn không, còn mẹ thì không… quan tâm”, chị Chuyên cho biết.

Khi thai được 28 tuần, thai phụ trẻ tuổi thấy mệt mỏi, hay vã mồ hôi, đánh trống ngực. 2 tuần sau, chị Chuyên xuất hiện tình trạng mệt, khó thở tăng dần, kèm phù 2 chi dưới, ho khạc đờm đục. Gia đình đưa chị đi cấp cứu tại BVĐK Thanh Hoá, sau đó chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai.

Lúc vào viện vì khó thở, tôi vẫn nghĩ rất bình thường. Nhưng đến lúc bác sĩ chẩn đoán, thông báo tình hình, tôi rất lo sợ, thậm chí đã nghĩ tới tình huống xấu nhất. Chỉ muốn con được chào đời khoẻ mạnh”, chị Chuyên nhớ lại.

Tại đây, chị được tiến hành các xét nghiệm, kết quả cho thấy bệnh nhân mắc Basedow, có tổn thương thận, cường giáp mạnh, suy tim nặng (chỉ bằng 2/3 chức năng người bình thường), tràn dịch màng phổi 2 bên, viêm phổi. Với thai nhi, có tình trạng thiểu ối. Suốt 2 tuần nằm viện, thai phụ tuổi teen này liên tục mệt mỏi, ăn uống kém, sốt cao liên tục (gần 39oC). Đặc biệt, huyết áp của bệnh nhân liên tục ở mức cao khó kiểm soát, mạch rất nhanh.

Thai nhi, lúc này có những triệu chứng rất nguy kịch khi có lúc máy thưa, thiểu ối, nguy cơ thai chết lưu trong tử cung. Để cứu mẹ, bệnh nhân phải dùng thuốc lợi tiểu, nhiều kháng sinh, nhưng nếu lợi tiểu, ối thai nhi càng giảm, thai đối mặt nhiều nguy cơ hơn. Bệnh nhân và người nhà đứng trước sự lựa chọn: Cứu mẹ hoặc cứu con…”, TS Nguyễn Quang Bảy, phụ trách Khoa Nội tiết - Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết.

Ngay lập tức, các bác sĩ đã xin ý kiến hội chẩn toàn viện, theo dõi liên tục, điều trị theo hướng cơn bão giáp trạng. Sau 2 tuần điều trị, thai phụ hết sốt, mạch chậm lại, huyết áp duy trì, hết khó thở, cai thở oxy. Với thai nhi đã ổn định, không còn thiểu ối.

Mẹ bầu 18 tuổi đối mặt lựa chọn sinh tử amp;#34;cứu mẹ hay cứu conamp;#34; chỉ vì... chủ quan - 2

Chị Lương Thị Chuyên. Ảnh: Võ Thu

“Rất may mắn, khi tình trạng Basedow ổn định, thai phụ chuyển dạ lúc 32 tuần thai, được chuyển khoa Sản mổ lấy thai. Bé trai 1,6kg chào đời ngay lập tức được chuyển hồi sức sơ sinh”, TS Nguyễn Quang Bảy thông tin thêm và cho biết, lúc này bệnh nhi bị thiếu máu nhẹ.

BS Đỗ Tuấn Anh (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, bệnh nhi chào đời ở tuần thai thứ 32, mẹ bị Basedow. “Các sản phụ bị bệnh nhưng không phát hiện hoặc phát hiện không theo dõi hợp lý thì 100% ảnh hưởng thai nhi. Với bé sơ sinh - con của sản phụ Chuyên, các chỉ số sau sinh cho thấy bé bị suy hô hấp mức trung bình nặng cần hồi sức sơ sinh. Bệnh nhân có những thay đổi hô hấp, tim mạch, huyết học. Chỉ số máu thay đổi, tiểu cầu giảm, còn ống động mạch”, BS Tuấn Anh nói.

Ngoài ra, cũng theo vị bác sĩ này, sau khi được hồi sức tại phòng mổ, bệnh nhi bước vào ranh giới suy hô hấp và hô hấp. Sau đó, khi vào khoa Nhi, bé được thở máy, không xâm nhập (không đặt ống nội khí quản). Hiện nay, bệnh nhân ổn định, ra được với mẹ, ăn giống đứa trẻ bình thường. Bé tăng được 100gram sau 6 ngày trẻ nằm lồng ấp.

Không bỏ thuốc giữa chừng

Mẹ bầu 18 tuổi đối mặt lựa chọn sinh tử amp;#34;cứu mẹ hay cứu conamp;#34; chỉ vì... chủ quan - 3

TS Nguyễn Quang Bảy. Ảnh: Võ Thu

Theo TS Nguyễn Quang Bảy, Basedow là bệnh tuyến giáp cần điều trị định kỳ, kéo dài, với nguyên tắc không được bỏ thuốc giữa chừng vì nếu bỏ, phải quay lại điều trị từ đầu. Bệnh thường điều trị khoảng 2 năm, thuốc không đắt, được BHYT hỗ trợ chi trả. Nhưng đáng tiếc, rất nhiều bệnh nhân mắc Basedow tự ý bỏ thuốc giữa chừng do điều trị khoảng 46 tuần, thậm chí 8 tuần đã thấy các triệu chứng ổn định.

Với thai phụ mắc bệnh Basedow, tình trạng bệnh sẽ nặng hơn. “Thông thường, bệnh nhân vẫn phải uống thuốc với sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ nội tiết và bác sĩ sản khoa. Nhưng nhiều người trước khi đó đã bỏ thuốc rồi, hoặc khi thấy các triệu chứng Basedow lại giống triệu chứng mang thai nên bỏ qua. Trường hợp khác có thể do sợ các loại thuốc ảnh hưởng thai nhi nên không dùng thuốc nữa”, TS Nguyễn Quang Bảy phân tích.

Vị chuyên gia này cho biết thêm, có khoảng 0,5% phụ nữ có thai mắc bệnh lý cường giáp với những biểu hiện rầm rộ như bệnh nhân Chuyên. Hầu như tháng nào, Khoa Nội tiết – Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận ít nhất một bệnh nhân tương tự sản phụ Lương Thị Chuyên. Đối với bệnh suy giáp, tỷ lệ này trong phụ nữ có thai khoảng 2%.

“Điều đáng tiếc, ở tuyến dưới, bệnh lý tuyến giáp với thai phụ chẩn đoán, theo dõi, điều trị không tốt vì những khó khăn khách quan, chủ quan nên thường phải chuyển tuyến ngay”, TS Nguyễn Quang Bảy nói.

Vậy thai phụ mắc bệnh lý tuyến giáp sẽ gây ra những nguy cơ cao nào với thai nhi? TS Nguyễn Quang Bảy cho hay, nguy cơ đầu tiên là thai rất dễ bị sẩy, hỏng do tử cung người mẹ co bóp rất mạnh, thai kém phát triển.

“13 tuần đầu thai kỳ, thai nhi chưa có tuyến giáp nên phụ thuộc hoàn toàn vào lượng hormone tuyến giáp của người mẹ cung cấp qua nhau thai. Đây chính là thời kỳ hình thành, phân chia các cơ quan nên nếu bị thiếu hormone trong thời gian này, biến chứng của thai nhi rất nặng nề”, TS Nguyễn Quang Bảy thông tin.

Cụ thể, thai phụ bị suy giáp rất dễ bị tăng huyết áp, với thai nhi, còn bị thai chết non, đẻ non, rau bong non, đặc biệt trẻ sinh ra bị đần độn, chậm phát triển trí tuệ. “Nhiều trẻ đẻ ra phát hiện ra ngay dị tật nếu tình trạng bệnh nặng. Nhưng cũng có trường hợp để lại hậu quả lâu dài, trẻ qua giai đoạn dậy thì mới phát hiện”, TS Nguyễn Quang Bảy nói và cảnh báo nguy cơ nguy hiểm nhất là cơn cường giáp cấp (cơn bão giáp trạng) lúc chuyển dạ có thể gây ra nguy cơ tử vong cả mẹ và con lên tới 100%.

Những ai cần được sàng lọc bệnh tuyến giáp trong thời gian mang thai?

- Đã được chẩn đoán bệnh lý tuyến giáp từ trước, bướu cổ, u tuyến giáp, bướu nhân tuyến giáp…

- Gia đình có tiền sử bệnh lý tuyến giáp;

- Lần trước có thai, có bệnh tuyến giáp, sau đẻ ổn định bệnh, nay có thai vẫn phải sàng lọc;

- Tiền sử sẩy thai hàng loạt, chết lưu liên tiếp, đẻ non, đẻ con bị dị tật bẩm sinh;

- Có những bệnh tương tự như tuyến giáp (bệnh tự miễn cơ thể sinh ra kháng thể chống lại tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp, viêm tuyến giáp mạn tính, lupus ban đỏ…).

Để phát hiện bệnh, thai phụ nghi ngờ bị bệnh hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh, cần đi khám các khoa Nội tiết. Bệnh nhân sẽ được khám lâm sàng kiểm tra xem có bị bướu cổ không; làm xét nghiệm máu các hormone FT4 và TSH; những trường hợp nghi ngờ sẽ được cho làm thêm siêu âm tuyến giáp và một số xét nghiệm máu đặc biệt.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, nếu phụ nữ mắc bệnh lý tuyến giáp, tốt nhất nên ngừng thuốc mới nên có thai. Nhưng nếu “lỡ” có thai trong quá trình bị bệnh thì bắt buộc phải có sự phối hợp giữa bác sĩ nội tiết và bác sĩ sản khoa.

Hành trình sống kỳ diệu của em bé Sài Gòn sinh non lúc 6 tháng nặng chỉ 6 lạng
Một em bé chào đời có hiện tượng thở thoi thóp, nhịp tim rời rạc và phản xạ yếu ớt, chỉ nặng 600g khi người mẹ vỡ ối non lúc thai chỉ mới được 24 tuần...
Theo Võ Thu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe bà bầu