Mẹ Hà Nội có thai đôi nhờ chiếc giường kỳ lạ, đến lúc sinh nở "căng như dây đàn"

Ngày 18/12/2018 05:31 AM (GMT+7)

Thai đôi IVF, nhau tiền đạo và tiền sản giật, nghe đến đây ai cũng ái ngại với trường hợp của chị L., thế nhưng, nhờ có các bác sĩ, 3 mẹ con chị đã vượt qua được cửa tử thành công.

Cận cảnh quá trình mổ bắt con trong ca sinh của chị L.

Các cụ xưa có câu “Chửa đẻ cửa mả”, chính vì vậy cả quá trình mang thai chị T.T.L. (Hà Nội) luôn trong tâm trạng lo lắng về tình hình của 3 mẹ con khi mình có nhiều vấn đề như thai đôi IVF, rau tiền đạo và tiền sản giật. Dù đã vượt qua cửa tử gần 1 tháng nay nhưng chị vẫn chưa hết sợ hãi và quên được 14 giờ căng thẳng của các bác sĩ trong phòng hậu phẫu, cảm giác run cầm cập vì lạnh, máu ra ồ ạt vì tử cung không co lại được, có thể phải phẫu thuật lại cắt bỏ tử cung.

Mẹ Hà Nội có thai đôi nhờ chiếc giường kỳ lạ, đến lúc sinh nở amp;#34;căng như dây đànamp;#34; - 1

Chị L. trong khoảnh khắc hạnh phúc da kề da với 2 con sinh đôi. (Ảnh: NVCC)

5 năm, 3 lần IVF mới có con, mẹ Hà Nội nơm nớp lo âu 9 tháng mang thai

Nhìn 2 con yêu ngủ ngoan, chị T.T.L. (Hà Nội) lại mỉm cười hạnh phúc. Chị cho biết, 2 thiên thần nhỏ này là thành quả của 5 năm tìm kiếm và 3 lần IVF của vợ chồng chị.

Chị L. kể, chị kết hôn vào năm 2013, chờ mãi không có tin vui, vợ chồng chị đi khám cả 2 đều không bị làm sao nên cứ mải làm ăn. Thế rồi thời gian trôi đi, bẵng cái 3 năm sau cũng không thấy tin tức gì, năm 2017, vợ chồng chị mới quyết định IVF ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

“Mình uống thuốc nam, thuốc bắc nhưng đau dạ dày nên bữa đực bữa cái, không dùng nhiều. Trước đây mình cũng hay giúp cho các mẹ hiếm muộn ở nhờ nhà, mẹ nào cũng đậu, còn mình thì thất bại 2 lần đến lần thứ 3 mới thành công.

Vợ chồng mình đến bây giờ vẫn nói vui rằng chiếc giường beta nhà mình là chiếc giường lộc con cái bởi mẹ hiếm muộn nào đến nằm ở đó cũng đều có con và beta HCG là nội tiết tố xuất hiện trong máu và nước tiểu khi có thai.

Mình 2 lần chuyển phôi về nhà mẹ đẻ, được mẹ chăm sóc cẩn thận ăn uống tẩm bổ không được, thế mà lần thứ 3, hai vợ chồng chở nhau đi xe máy đến viện làm, làm xong còn đi ăn bún đậu mắm tôm, không kiêng khem gì về nhà nằm nghỉ ngơi ở cái giường đó mà đậu thai. Bây giờ ai vào nhà mình ngủ ở chiếc giường đó, chồng mình vẫn trêu”, chị L chia sẻ về chiếc giường đặc biệt của nhà mình.

Mặc dù quãng thời gian mang bầu gặp không ít khó khăn, bị trào ngược dạ dày vì thai chèn vào không thể ăn uống được nhiều nhưng chị vẫn cảm thấy mình may mắn hơn nhiều bà mẹ khác, không phải ăn trực nằm chờ ở viện. Hơn nữa vì tập yoga thường xuyên trước đó nên chị không bị đau lưng như những mẹ bầu khác.

“Mang bầu đôi, bác sĩ sẽ tư vấn những phương pháp giữ thai như uống thuốc nội tiết, khâu bít cổ tử cung và đặt vòng nâng. Mình sợ khâu bít nên đặt vòng nâng có tác dụng đỡ làm tụt thai xuống nhưng phương pháp này cũng dễ viêm nhiễm nên mình phải đi khám thường xuyên chưa kể đặt thuốc. Thai đôi có nhiều rủi ro như dễ sinh non, vỡ ối sớm nếu nghỉ ngơi tốt sẽ tránh được điều này”, chị L. cho biết.

Tuy luôn giữ tâm lý thoải mái khi mang bầu nhưng đến tuần thứ 28, chị L. như ngồi trên đống lửa khi phát hiện mình bị nhau tiền đạo trung tâm. Chị L. tâm sự, khoảng thời gian đó chị luôn trong tình trạng nín thở, căng thẳng làm sao để kéo dài thai kỳ càng lâu càng tốt. Thế nhưng, đến tuần thứ 34, chị hốt hoảng phát hiện thêm bị tiền sản giật.

“Mình là người huyết áp thấp, khi mang thai huyết áp cao lên một chút nên bác sĩ không xếp mình vào nhóm huyết áp cao. Mình cũng không nghĩ bị tiền sản giật vì có 3 dấu hiệu như phù tay chân, huyết áp cao, protein trong nước tiểu thì phòng khám mình theo dõi thường xuyên bảo không bị.

Một hôm mình bị gò vào viện cấp cứu do em bé đổi tư thế, làm xét nghiệm các thứ nhưng người ta không đọc và phát hiện ra, chỉ chạy máy không có cơn gò là yên tâm. Thực ra lúc đó huyết áp đã chớm lên cao và kết quả thử nước tiểu đã có đạm”, chị L. kể lại.

36 tuần, không yên tâm, chị đi kiểm tra một lần nữa và nhận kết quả chỉ số protein quá cao trong nước tiểu. Bị 3 vấn đề thai đôi IVF, nhau tiền đạo trung tâm, tiền sản giật, chị lo lắng tìm bác sĩ xin mổ. Mặc dù được bác sĩ khuyên nên mổ sớm vì tiền sản giật thai không lớn được nhưng chị L. vẫn cố gắng để giữ thai thêm một tuần nữa. Thế nhưng hôm sau, khi thời tiết chuyển lạnh, huyết áp lên cao chị phải nhập viện cấp cứu gấp.

Mẹ Hà Nội có thai đôi nhờ chiếc giường kỳ lạ, đến lúc sinh nở amp;#34;căng như dây đànamp;#34; - 2

Thai đôi IVF, tiền sản giật, nhau tiền đạo trung tâm khiến ai cũng phải lắc đầu về tình trạng của chị trước khi sinh. (Ảnh minh họa)

14 giờ đồng hồ căng thẳng đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết 

Chị L. cho biết, sau khi tìm hiểu, chị đăng ký sinh bác sĩ Trần Ngọc Đính và bác sĩ Trần Trung Đạo ở bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Khi đăng ký sinh, ai nghe tình trạng thai đôi IVF, nhau tiền đạo trung tâm, tiền sản giật cũng đều ái ngại nhưng chị vẫn luôn giữ tâm lý thoải mái vì tin tưởng hoàn toàn vào chuyên môn của các bác sĩ.

Mọi chuyện với chị diễn ra êm đẹp từ khi vào phòng mổ, tiêu thuốc gây tê tủy sống đến khi bác sĩ bắt lần lượt từng bé ra và thông báo, bé trai nặng 2,2kg còn bé gái nặng 1,7kg. Tuy nhiên, ngay ở khoảnh khắc hạnh phúc nhất của bất kỳ người mẹ nào được da kề da với con, chị lại lịm đi, đầu óc quay cuồng vì huyết áp xuống thấp.

“Khi mổ các bác sĩ cứ thay nhau tiêm thuốc hạ huyết áp rồi thuốc tăng huyết áp cho mình. Sau sinh xong, mình chỉ kịp bảo hộ lý em mệt và buồn nôn rồi lịm đi. Khi tỉnh dậy, nằm ở phòng hậu phẫu mình rét run cầm cập như sốt rét vì dị ứng thuốc tê suốt 2 giờ. 

Ngay sau khi cắt cơn run thì mình bắt đầu ra máu xối xả. Các chị y tá ra sức tiêm truyền cấp cứu cho mình, nghe loáng thoáng các chị bảo nhau đờ tử cung rồi khéo phải mổ lại cắt tử cung. Máu vẫn ồng ộc chảy, nhìn vẻ mặt căng thẳng của các y tá mình khóc như mưa nói chị ơi em bị băng huyết rồi đúng không, chị cứu em với”, chị L. kể lại khoảnh khắc tử thần của mình.

Theo bác sĩ điều trị cho chị, vì dùng nhiều duphaston dưỡng thai và magie để điều trị tiền sản giật nên tử cung của chị không co lại được. Suốt 14 giờ chị ở phòng hậu phẫu từ 9h30 sáng đến nửa đêm, các bác sĩ tiêm truyền đủ mọi loại thuốc cũng không ăn thua. Sau đó, các bác sĩ phải thay phiên nhau mát xa bụng bằng tay cho chị để tạo cơn co tử cung, giúp cầm máu.

“Chị hộ lý phòng hậu phẫu cứ dùng tay nhồi bụng mình để tạo ra cơn co tử cung. Đau lắm, chị ý bảo mình không dùng gói giảm đau 48 giờ sau sinh thì còn đau hơn nữa nhưng bệnh viện nhiều bệnh nhân, bác sĩ có hạn, bác sĩ Đạo thay nhồi bằng tay cho mình một chút rồi cử một bác sĩ nữa nhồi bằng tay cho mình suốt 4 giờ đồng hồ.

Các bác sĩ hôm đó vất vả với mình vì để bao cát chèn lên không cầm máu được mà phải nhồi bằng tay như nhào nặn bột vậy.

Mình lịm đi đến đêm cầm máu được về với các con. Mọi người vào trước vào sau đều được về hết rồi còn mỗi mình mình ở đó không biết bao giờ mới được ra gặp con. Cảm giác ý sợ lắm, lúc đó chắc các bác sĩ nghĩ mình không qua được nên cho chồng mình vào gặp mình một chút ở phòng hậu phẫu”, chị L. kể lại khoảnh khắc ở cửa tử của mình.

Mẹ Hà Nội có thai đôi nhờ chiếc giường kỳ lạ, đến lúc sinh nở amp;#34;căng như dây đànamp;#34; - 3

Sau khi mổ bắt con thành công, chị gặp nguy hiểm vì tử cung không co lại được, ra máu nhiều. (Ảnh: NVCC)

Trở về từ cửa tử nhìn thấy 2 con nằm ngủ ngon, bầu ngực căng tức sữa về, chị L. rưng rưng vì thương các con, vì cuối cùng 3 mẹ con chị đã được mẹ tròn con vuông. Trong giây phút của tình mẫu tử ấy chị lại thầm cảm ơn các bác sĩ, đặc biệt bác sĩ Đính và bác sĩ Đạo cùng toàn bộ ê kíp mổ, hậu phẫu đã tận tình cho mình cơ hội được tiếp tục sống, được ôm 2 con vào lòng như bây giờ.

Chồng Tuyên Quang không tinh trùng khuyên vợ đi lấy người khác, 18 năm sau nhận cái kết
18 năm tìm kiếm con, từng ngậm ngùi khuyên vợ đi lấy chồng mới, cuối cùng hạnh phúc đã đến với vợ chồng anh Tới khi 2 nàng công chúa chào đời ở độ...
Hồng Nhung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề 9 tháng 10 ngày khổ tận cam lai