Mẹo giữ sức khỏe bà bầu ngày xuân

Ngày 13/02/2013 08:54 AM (GMT+7)

Giữ sức khỏe là một việc rất quan trọng, kể cả trong dịp Tết mẹ bầu cũng chớ nên lơ là nhé.

Tết đến xuân về, mọi người lại cùng nhau vui chơi, ăn uống và thăm hỏi nhau. Những thói quen hằng ngày cũng có thể bị thay đổi đi ít nhiều. Chính vì vậy bà bầu nên chủ động chăm chút đến sức khỏe của mình. Sau đây là một vài lưu ý mà bà bầu không nên bỏ qua:

Giấc ngủ

Giấc ngủ rất quan trọng cho sức khỏe của bà bầu, chính vì vậy dù bận rộn đến mấy các mẹ cũng hãy cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để có giấc ngủ đầy đủ trong mấy ngày Tết nhé. Để có được giấc ngủ ngon mẹ bầu cần chú ý mấy điểm sau đây:

Trước khi đi ngủ

- Hãy thử uống một loại thức uống nhẹ nhàng nào đó khi đi ngủ - như trà hoa cúc rất thư giãn. Nếu mẹ nào bị ợ nóng, sữa sẽ giúp trung hòa axit trong dạ dày và cung cấp canxi cho mẹ bầu.

- Không nên uống nhiều nước trước khi đi ngủ vì mẹ bầu sẽ phải thức dậy cả đêm để đi vệ sinh.

- Không ăn tối quá muộn – tốt nhất là ăn trước 8 giờ tối. Tránh các loại thực phẩm nhiều gia vị hoặc bất cứ món ăn nào khiến các mẹ bị ợ nóng.

- Uống một ly sữa ấm trước khi đi ngủ cũng khiến mẹ bầu dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn vì sữa có chứa axit amino còn được gọi là l-tryptophan – gây cảm giác buồn ngủ cho bà bầu.

Mẹo giữ sức khỏe bà bầu ngày xuân - 1

Nếu khó ngủ, mẹ bầu nên nhờ chồng massage (Hình minh họa)

- Hãy nhờ chồng massage nhẹ nhàng trước khi đi ngủ. Chồng quỳ xuống phía sau bạn, nhẹ nhàng massage phần bụng, lưng và chân của bạn.

- Tắm nước ấm trước khi đi ngủ cũng giúp bà bầu cảm thấy thoải mái hơn. Nước ấm sẽ làm nhiệt độ cơ thể tăng lên một chút và giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ.

- Nếu các mẹ bận rộn vào buổi tối, hãy thư giãn nhẹ nhàng 1 chút trước khi đi ngủ. Ngồi xem tivi, đọc sách hoặc nghe nhạc…

Vị trí ngủ thoải mái

- Không nên nằm ngửa, để bụng chèn ép lên lưng trong giai đoạn sau của thai kỳ - trọng lượng của em bé có thể chèn lên mạch máu và dây thần kinh cột sống của mẹ bầu, tạo ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và thậm chí là chóng mặt.

- Nếu kích cỡ bụng quá lớn, làm cho mẹ bầu không thể tìm được vị trí nằm thoải mái, hãy cố gắng nằm nghiêng về phía bên phải, chân phải duỗi thẳng ra, đặt gối phía dưới.

- Nếu mẹ nào bị ợ nóng, hãy thử ngủ ở vị trí nửa ngồi, nửa nằm, tựa lưng lên lớp gối dày  - cách này giúp ngăn chặn axit từ dạ dày trào ngược lên.

- Còn nếu mẹ nào bị chuột rút ở chân, hãy thử kéo ngón chân và rút dần dần. Có thể nhờ chồng giúp nếu bạn thấy làm động tác này khó khăn.

- Mẹ bầu không nên nằm úp mặt vì tư thế này sẽ tạo sức ép lên các mạch máu tử cung khiến bà bầu cảm thấy chóng mặt. 

Ăn uống

Ngoài việc đảm bảo giấc ngủ ra thì chuyện ăn uống cũng hết sức quan trọng. Ngày Tết có rất nhiều món ăn ngon, thậm chí là những món khoái khẩu mà mẹ bầu cực kỳ “bồ kết”. Tuy nhiên, các mẹ nên nhớ phải chú ý xem những món nào tốt cho bà bầu, món nào không tốt cho bà bầu, món nào khi ăn cần phải chú ý,…để có được sức khỏe tốt cho cả mẹ và bé yêu trong dịp Tết đến xuân về nhé.

Món ăn ngày Tết bà bầu không nên ăn

Mẹo giữ sức khỏe bà bầu ngày xuân - 2

Tốt nhất bà bầu không nên uống rượu (Hình minh họa)

- Rượu: là loại đồ uống cấm kị trong thời gian mang bầu. Bà bầu uống rượu sẽ làm gián đoạn sự phát triển của thai nhi và gây nhiều biến chứng không tốt cho em bé sau này.

- Cà phê, trà: bà bầu dùng quá nhiều cà phê, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé trong bụng. Nguy hiểm hơn còn dẫn đến hiện tượng sinh non hoặc teo thai.

- Nước uống có ga: thường chứa hàm lượng đường cao, có thể dẫn đến bệnh tiểu đường. Chất CO2 trong nước ngọt có ga khiến thai phụ có cảm giác trướng khí.

- Các món chiên rán: có thể sẽ làm gia tăng chứng ốm nghén, nôn ói.

- Các loại mứt: khiến mẹ bầu tăng cân nhanh nhưng không có dưỡng chất cần cho thai nhi tăng trưởng. Hơn nữa, ăn mứt nhiều khiến mẹ bầu ăn mất ngon trong bữa chính (là bữa ăn có đủ dưỡng chất) hoặc bỏ đi một vài bữa phụ nên càng không tốt cho bé yêu trong bụng.

- Bánh kem: có chứa nhiều đường, dễ ngán và có thể làm tăng mức độ ốm nghén của mẹ bầu.

- Thực phẩm chế biến sẵn: thường chứa nhiều dầu mỡ và các loại gia vị không có lợi cho sức khỏe bà bầu và thai nhi vì vậy mẹ bầu không nên ăn nhiều dịp Tết. 

- Món lẩu: có thể làm tổn thương hệ tiêu hóa và gây nhiễm ký sinh trùng. Món lẩu chưa chín kỹ có thể dẫn tới chứng giun sán. Việc ăn lẩu cũng gây hại cho dạ dày và đường ruột. Mẹ bầu cũng nên đặc biệt tránh món lẩu cay vì vị cay dễ làm tổn thương dạ dày.

- Các loại rau mầm: có chứa vi khuẩn E. coli hoặc salmonella không tốt cho sức khỏe mẹ bầu.

- Thức ăn xông khói, nướng: phải dùng gỗ, than làm chất đốt để chế biến. Nhiên liệu đốt lên sẽ phát tán ra một loại chất độc có thể làm ô nhiễm các thức ăn được xông nướng, và gây ra ung thư. 

- Các loại trái cây không tốt cho mẹ bầu như quả đào, nhãn, dứa, đu đủ xanh… 

Món ăn ngày Tết tốt cho sức khỏe mẹ bầu

Mẹo giữ sức khỏe bà bầu ngày xuân - 3

Các loại rau, củ, quả giàu chất xơ rất tốt cho bà bầu (Hình minh họa)

Những món ăn được làm từ những thực phẩm sau rất tốt cho mẹ bầu:

- Các loại thịt nạc tươi: thịt bò, thịt gà, trứng gà….Thịt nạc là nguồn thực phẩm dồi dào protein. Ngoài ra, thịt bò và thịt nạc lợn còn chứa chất sắt và vitamin B – rất cần thiết cho bà bầu.

- Hải sản: Các loại cua, ngao, sò, hến, tôm…cũng đều phù hợp cho bà bầu. Các loại hải sản này có hàm lượng thủy ngân không đáng kể. Bà bầu nên chế biến kỹ những loại hải sản này trước khi dùng để tránh bị đau bụng, tiêu chảy đúng ngày Tết.

- Các loại rau củ như cà rốt, súp lơ, cà chua, măng tây, củ cải, khoai lang,... cung cấp canxi, chất xơ, kali, vitamin A và folate. Vitamin A trong rau lá xanh giúp phát triển thị lực, xương và da cho bé. Vì vậy, mẹ bầu đừng nên bỏ qua thực phẩm rất phổ biến lại giàu dưỡng chất này.

- Các loại hoa quả: Hoa quả giống như rau tươi, là nguồn thực phẩm không thể thiếu đối với sức khỏe con người. Đặc biệt đối với những phụ nữ mang thai, hoa quả có tác dụng rất tốt đối với quá trình hình thành đại não ở thai nhi.

- Các loại hạt: Hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, hạt dẻ giàu magiê giúp tăng cường sức khoẻ hệ cơ, bao gồm cả các cơ đang nâng đỡ tử cung nên mẹ bầu có thể ăn. Khi ăn nên tách hạt bằng tay, không nên cho vào miệng cắn.

Những món khi ăn mẹ bầu cần chú ý

Hải sản: mẹ bầu chỉ nên ăn những loại hải sản có hàm lượng thủy ngân không đáng kể như: cá hồi, cá vược, tôm, cá trê, cá tuyết, cá sardine, các loại cua, ngao, sò, hến, tôm…

Ngoài ra mẹ bầu cũng cần lưu ý những con ốc, sò, hàu… không mở miệng khi được nấu chín thì chúng đã bị chết hoặc bị thối cũng có thể chúng có bệnh, nên bỏ đi nhé.

Bánh chưng: có hàm lượng dinh dưỡng khá cao vì được làm từ gạo nếp và nhân thịt mỡ, chính vì vậy mẹ bầu ăn bánh chưng cũng chỉ nên có “chừng mực” thôi nhé, tránh tình trạng ăn quá nhiều dẫn đến đầy hơi, khó tiêu. Ngoài ra, bánh chưng không thích hợp cho nhóm thai phụ béo phì, cao huyết áp.

Mẹo giữ sức khỏe bà bầu ngày xuân - 4

Mẹ bầu không nên ăn nhiều bánh chưng nhé (Hình minh họa)

Thời gian an toàn để ăn bánh chưng là trong vòng 3 ngày. Nếu bánh chưng bị mốc thì mẹ bầu không nên ăn để tránh bị đau bụng, tiêu chảy hoặc ngộ độc nhé.

Dưa hành: Nếu mẹ nào bị viêm loét dạ dày hoặc mắc các chứng bệnh về rối loạn tiêu hóa khi mang thai thì không nên thử món dưa hành (hoặc các loại dưa muối khác). 

Tuy nhiên, với những bà bầu khỏe mạnh khác thì dưa hành lại giúp kích thích tiêu hóa tốt. 

Uống nhiều nước

Nước luôn cần thiết và có lợi cho cơ thể. Trong lúc mang thai thì nước lại càng cần thiết hơn. Uống nhiều nước có thể làm giảm và ngăn ngừa các loại bệnh thường gặp như là táo bón.

Tập thể dục

Tập thể dục rất tốt cho phụ nữ khi đang mang thai. Các bà bầu nên tập luyện những bài thể dục phù hợp đều đặn hằng ngày để tăng cường sức khỏe. Chính vì vậy, dù là ngày Tết bà bầu cũng vẫn nên cố gắng duy trì thói quen luyện tập này. Bà bầu có thể tập một số kiểu sau:

- Đi bộ: giúp cải thiện tuần hoàn máu và giải tỏa những căng thẳng cho mẹ bầu. Khi đi bộ mẹ bầu cần tránh các địa hình mấp mô, những nơi đông người hoặc nơi bị ô nhiễm.

Mỗi lần đi bộ khoảng 30 phút bao gồm có 6 phút khởi động và thư giãn sau mỗi 10 phút đi bộ nhanh.

- Yoga: giúp bà bầu chuẩn bị được tinh thần cho kỳ sinh nở vì yoga dạy cách thích ứng với các tình huống mới về thể chất và tinh thần.

Tuy nhiên mẹ bầu cần tránh các tư thế phức tạp và thực hành dưới sự giám sát của người hướng dẫn. Một số tư thế yoga phổ biến nhất được thực hiện trong quá trình mang thai là các bài tập thở, tư thế lạc đà.

Mẹo giữ sức khỏe bà bầu ngày xuân - 5

Bơi cũng là một môn thể thao tốt cho mẹ bầu (Hình minh họa)

- Bơi: không chỉ giúp cải thiện chức năng tim mạch mà còn giúp tăng sự lưu thông máu, sức mạnh cơ bắp, giúp mẹ bầu đối phó với những thách thức cảm xúc liên quan đến thai kỳ. Một trong những kiểu bơi phổ biến tốt nhất được đề nghị trong quá trình mang thai là bơi ếch.

- Tập aerobic cường độ thấp: không chỉ giúp mẹ bầu tăng cường sức khỏe của tim, phổi mà còn duy trì được sự săn chắc của cơ bắp.

Cần tránh các động tác khom người, xoay người vì nó có thể làm mẹ bầu chóng mặt. Ngoài ra khi tập, cần có một chai nước bên cạnh để uống, tránh trường hợp bị chuột rút cơ bắp do mất nước.

- Đi xe đạp: mặc dù nhiều người cho rằng đi xe đạp trong thời gian mang thai rất nguy hiểm nếu như chẳng may bị ngã và bị thương nên không tốt cho sức khỏe mẹ bầu. Nhưng thực ra đi xe đạp cũng là một bài tập tốt cho sức khỏe của bà bầu. Nếu có thể mẹ bầu hãy lấy một chiếc xe đạp nhẹ, ra chỗ bằng phẳng, vắng người và đạp từ từ vài vòng.

- Bài tập Kegel: giúp mẹ bầu kiểm soát được hệ tiết niệu trong quá trình mang thai. Bài tập này có nhiều động tác, động tác thực hiện đơn giản nhất là nằm ngửa, hai tay buông xuôi dọc theo thân hình.

Nâng hông, đồng thời bạn nhấc mông, hít thở và thu cơ thắt hậu môn, đếm từ 1 đến 3 rồi sau đó thả lỏng về vị trí ban đầu. Lặp lại động tác 5 - 6 lần. Bài tập này có thể thực hiện nhiều lần trong ngày.

- Tập Stretching: bà bầu sẽ có được sự linh hoạt, tỉnh táo và đặc biệt là quản lý được những cơn đau khi mang thai. 

- Tập tạ: giúp giảm những cơn đau nhức tay vai, hông, mông khi bầu bí. Mẹ bầu nên bắt đầu với những quả tạ nhỏ, phù hợp với sức của mình và nâng mức độ tạ lên dần dần. 

Mẹo giữ sức khỏe bà bầu ngày xuân - 6

Tập tạ đúng cách giúp mẹ bầu khỏe mạnh hơn (Hình minh họa)

- Khiêu vũ: có tác dụng cải thiện tâm trạng và sự cân bằng trong cuộc sống, công việc cho thai phụ. Tiếng nhạc trong lúc khiêu vũ cũng giúp tâm trạng bà bầu được thoải mái, thăng hoa và em bé cũng dễ dàng cảm nhận cuộc sống hơn.

Một số lưu ý khi tập thể dục:

- Được sự đồng ý của bác sĩ: Tùy theo sức khỏe của từng người mà quyết định có nên tập luyện hay không. Mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có hướng tập luyện phù hợp và hiệu quả với mình nhất.

- Lắng nghe cơ thể: Mẹ bầu phải theo dõi xem cơ thể mình có đủ khỏe mạnh và phù hợp với môn thể thao nào. Việc tập luyện thể thao khi mang bầu quả thực rất tốt nhưng nó lại phản tác dụng khi các mẹ tập luyện quá sức và với những môn thể thao không hợp với mình.

- Tránh chạy với khoảng cách xa và quá dài. 

- Tránh tập luyện dưới nhiệt độ cao, nắng trực tiếp hoặc tập luyện trên cao.

- Nên chọn địa hình tập luyện phù hợp và tập ở nơi công cộng vì ở đó có rất nhiều người, đề phòng rủi ro.

- Tránh các môn thể thao vận động mạnh như bóng rổ, quần vợt… chúng liên quan đến quá nhiều động tác mạnh gây ảnh hưởng đến thai nhi.

- Không để cơ thể quá nóng: Mẹ bầu phải đảm bảo cho cơ thể đủ nước khi luyện tập cũng như không được tập khi quá đói. Mang theo một chai nước nhỏ hoặc một ly sinh tố bên cạnh khi tập luyện là điều tuyệt vời nhất.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác