Ngậm ngùi những ca mang thai “lạ”

Ngày 08/05/2013 14:32 PM (GMT+7)

Các mẹ đã biết về những hội chứng lạ như hội chứng người cá, không hậu môn, hở thành bụng của thai nhi hoặc mang thai trong gan chưa?

Sau đây chúng tôi xin được liệt kê lại những trường hợp mang thai “lạ” ở Việt Nam cũng như trên thế giới, để các mẹ dễ hình dung ra những bất thường có thể xảy ra trong quá trình mang thai và sớm có biện pháp khắc phục, tránh những rủi ro đáng tiếc.

1. Hội chứng người cá

Hội chứng người cá là một căn bệnh rất hiếm gặp ở trẻ sơ sinh (1/70.000 trường hợp). Những trẻ sinh ra có hai chân dính vào nhau rất giống với hình ảnh người cá huyền thoại. Loại dị dạng này là dị dạng bẩm sinh có các đặc điểm hậu môn hẹp, hệ tiết niệu-sinh dục dị thường, chi dưới phát triển không hoàn thiện. Thường thì trẻ em mắc khuyết tật này tử vong ngay sau khi sinh vài ngày do cơ quan nội tạng bị tổn thương nặng, thiếu thận hoặc các biến chứng khác. 

Ngậm ngùi những ca mang thai “lạ” - 1
Đây là một căn bệnh rất hiếm gặp ở trẻ sơ sinh.

Trường hợp thai phụ ở Vũ Hán (Trung Quốc), thai nhi 26 tuần tuổi, có nửa người phía trên đều bình thường, còn nửa người phía dưới thì lại chỉ có mỗi một “cái đuôi”, giống như nàng tiên cá. Bé không có bong bóng dạ dày, tiếp xuống dưới không nhìn thấy có các cơ quan quan trọng như hai thận, bàng quang và cơ quan sinh dục ngoài... Các bác sĩ cũng không nhìn thấy có kết cấu bình thường của hai chi dưới, chi dưới từ vùng hông kết thành một khối, không có mông, nhìn bên ngoài chỉ thấy có một chân. 

Ca bệnh này không chỉ khuyết nhiều cơ quan quan trọng, tim dị tật, mà còn có một chân, thuộc dạng nặng nhất trong bệnh loại này. Theo qui định, phải tiến hành thủ thuật phá thai. 

2. Không hậu môn 

Một bệnh nhi kém may mắn là trường hợp của bé H.L (1,5 tháng tuổi, ngụ tại Bình Phước), khi chào đời bị “thiếu” mất lỗ hậu môn. Qua chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ ghi nhận bệnh nhi hoàn toàn không có vết tích của lỗ hậu môn, trực tràng, đường tiểu, bộ phận sinh dục đổ chung vào một lỗ. Ngay lập tức bé được phẫu thuật mở một lỗ trên thành bụng bên phải làm lỗ hậu môn và đường tiểu tạm. Do tình trạng sức của bé còn yếu nên bác sĩ chưa thể tiến hành tạo lỗ hậu môn thật cho bé. 

Dị tật này xảy ra ở 1/5.000 trẻ sơ sinh. Khoa học chưa xác định được nguyên nhân, chỉ biết nó liên quan đến một số yếu tố như mẹ nhiễm virus, tiếp xúc với tia phóng xạ hoặc dùng thuốc trong thời kỳ thai nghén.

Dị tật không hậu môn được phân làm 2 loại cao và thấp, cách điều trị cũng khác nhau. Thể thấp gặp trong 90% trường hợp, trẻ sinh ra không hậu môn nhưng có một đường rò nhỏ xì phân ra dưới da, đổ ra bìu (trẻ trai) hoặc phía ngoài bộ phận sinh dục (trẻ gái). Trong trường hợp này, bé có thể được phẫu thuật làm ngay hậu môn thật. Chức năng hoạt động của hậu môn thường tốt, trẻ có thể tự đi cầu bình thường.

Ở thể cao, trẻ sinh ra hoàn toàn không có vết tích của hậu môn, không có đường rò phân dưới da, hoặc nếu có thì phân cũng đổ vào đường tiểu hoặc đường sinh dục ở trên cao (như âm đạo, niệu đạo hoặc cổ bàng quang). Ở một số trẻ gái, trực tràng, bộ phận sinh dục và đường tiểu cùng đổ chung vào một lỗ. Trường hợp này, trẻ sơ sinh sẽ được làm hậu môn tạm và đi tiêu bằng một lỗ trên thành bụng. Sau vài tháng, bác sĩ sẽ tiến hành làm hậu môn thật phía dưới. Hậu môn này được nong dần cho đến khi đạt được kích thước bình thường. Khi ấy, trẻ sẽ được phẫu thuật đóng hậu môn tạm trên thành bụng và đi cầu bên dưới như trẻ bình thường.

Ngậm ngùi những ca mang thai “lạ” - 2
Bổ sung axit folic mỗi ngày sẽ giúp chị em ngăn ngừa dị tật
bẩm sinh cho thai nhi. (ảnh minh họa)

3. Hở thành bụng

Vừa qua như chúng ta đã biết, có những em bé khi vừa lọt lòng mẹ, đã phải chịu cảnh bất hạnh, toàn bộ phần ruột nằm ngoài ổ bụng. Cháu N.H.N (Hà Nội) là những ví dụ điển hình. 

Bé N.H.N được sinh thường, nặng 2kg. Khi đẻ ra cháu vẫn thở bình thường nhưng hai chân bị khèo, phần thành bụng của bé N có một lỗ khuyết rộng 10 cm. Từ lỗ khuyết này có một bọng nhầy to chứa toàn bộ gan và ruột. Dị tật này đã được chẩn đoán từ khi bé N còn nằm trong bụng mẹ.

Theo chẩn đoán, bé bị thoát vị trong dây rốn. Tuy nhiên, do cháu N vẫn tự thở được nên sau 24h được sinh ra, bé N được tiến hành làm phẫu thuật đưa toàn bộ phần gan, ruột vào trong ổ bụng. Ca phẫu thuật đã bước đầu thành công. Hiện các bác sĩ đang theo dõi tình trạng bài tiết hoạt động gan của bệnh nhi này. Đây là một dạng dị tật bẩm sinh hiếm gặp.

Dị tật hở thành bụng là tình trạng thai nhi bị một dị tật thành bụng không đóng kín và tất cả các tạng trong ổ bụng như ruột non, đại tràng... bị lòi ra bên ngoài ổ bụng. Với dị tật này sau khi sinh ra, bệnh nhi sẽ được chuyển ngay đến bệnh viện để phẫu thuật đưa các tạng vào ổ bụng và đóng lại thành bụng trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Tỉ lệ thành công phụ thuộc vào tuổi thai, cân nặng lúc sinh, có dị tật đi kèm hay không. Sau khi phẫu thuật nếu thành công bé sẽ sống bình thường như bao đứa trẻ khác.

4. Thai trong gan

Thai nằm trong gan thực sự cũng là một dạng thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, thai nằm trong gan, một nơi rất giàu các mạch máu, cực kỳ hiếm, chỉ khoảng 0,01% nhưng lại cực kỳ nguy hiểm. Thai nhi vẫn được bảo vệ vì nằm trong nhau thai. Nhưng nó lại không nhận được một sự bảo vệ theo đúng chức năng tử cung của người mẹ, mà lại nằm trong một nơi chứa rất nhiều nguy cơ là ổ bụng.

Trường hợp của sản phụ tên là L.T.L. (27 tuổi, ở Rạch Giá - Kiên Giang). Chị L. sinh con đầu lòng vào năm 2001, bằng phương pháp sinh thường.

Lần tiếp theo, chị L. mang thai ngoài tử cung. Thông qua kết quả siêu âm và CT scan, các bác sĩ tại BV Từ Dũ, Trung tâm Medic, phát hiện một thai sống khoảng 22 tuần trong ổ bụng dưới gan phải. Kích thước khối thai là 12 × 15 × 17cm. Bánh nhau dày 47mm, xâm lấn gan phải và có mạch máu nuôi xuất phát từ động mạch gan phải. 

Chị L. được các bác sĩ BV Từ Dũ TP.HCM phẫu thuật. Sau khi mở túi thai ở gan, các bác sĩ lấy ra một bé gái nặng 600g đã chết. Sau đó, do nhau thai bong ra khỏi gan, gây xuất huyết ồ ạt, nên người mẹ cũng tử vong.

Trên đây là những trường hợp mang thai “lạ” nhưng lại gây ra nhiều biến chứng và để lại hậu quả nặng nề. Chị em có thể thấy rằng trong quá trình mang thai ngoài những triệu chứng phổ biến như nôn, đau lưng, đau bụng, sản giật, tiểu đường,… ra còn có những trường hợp mang thai rất “lạ”. Chính vì vậy, để tốt nhất cho cả mẹ và bé, chị em nên xem xét và tuân thủ theo những lời khuyên bổ ích sau đây:

Những lời khuyên giúp mẹ bầu ngăn ngừa dị tật thai nhi

Để ngăn ngừa dị tật thai nhi, các mẹ bầu nên:

- Có chế độ ăn uống cân bằng và bổ sung axit folic mỗi ngày.

- Loại bỏ rượu, bia, thuốc lá.

- Nếu mẹ nào đang mắc phải một số chứng bệnh như tiểu đường, béo phì hoặc có vấn đề về thần kinh,...thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi có bầu.

- Mẹ bầu cần tránh xa môi trường có hóa chất độc hại, tránh các loại vi trùng, ký sinh trùng bằng cách giữ vệ sinh cơ thể và môi trường xung quanh.

- Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ.

- Giữ đường huyết ở mức kiểm soát.

- Duy trì cân nặng phù hợp.

- Thăm khám sức khỏe định kỳ đều đặn.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu