Phải sinh mổ, mẹ chán nản không muốn bế con, mong bé ngừng thở

Ngày 16/03/2019 16:13 PM (GMT+7)

Bà mẹ 27 tuổi, sống tại California cho biết cô không hề cảm thấy mối liên hệ nào ngay lần đầu bế đứa con mới sinh của mình và luôn có suy nghĩ muốn đứa bé ngừng thở.

Tahnee đã từng lên kế hoạch rất tỉ mỉ cho ước mơ được sinh con tại nhà từ khi mang thai năm 2017. Nhưng cô đã đánh mất "khoảnh khắc kỳ diệu" đó khi có một sự thay đổi và được đưa vào Bệnh viện St Mary ở Newport để sinh mổ.

Tahnee đã luôn đọc những quyển sách về mang thai và tập thể dục trong suốt thai kỳ. Mặc dù vậy, về mặt tinh thần, cô thấy mình như đang ngồi trên một chiếc tàu lượn siêu tốc đầy cảm xúc, nhưng cô vẫn dũng cảm tiếp tục thực hiện kế hoạch sinh con tại nhà, thay vì ở bệnh viện.

Tuy nhiên, vào tháng 11 năm 2017, ở tuần thai thứ 39, cô đang đi loanh quanh trong nhà thì nhận ra trên quần có một vết ướt. Cô nghĩ rằng đó có thể là nước tiểu, nhưng nó hầu như không có mùi nên cô không chắc. Tahnee kể lại: “Tôi đã gọi cho nữ hộ sinh ngay lập tức. Cô ấy đã kiểm tra chất lỏng và xác nhận đó là nước ối. Sau đó cô ấy bảo tôi nên đến bệnh viện trong 24 giờ tới vì có thể tôi sắp chuyển dạ."

Ngày hôm sau, dù không có dấu hiệu chuyển dạ, mọi người vẫn nhất quyết khuyên cô nên đến bệnh viện. “Tại bệnh viện, các bác sĩ đã kiểm tra và bảo tôi sẽ đẻ mổ. Dù cảm thấy ngớ ngẩn, nhưng tôi đã thực sự rất buồn. Sự ra đời của đứa con đầu lòng là một điều rất quan trọng nhưng không có gì diễn ra theo cách mà tôi vẫn mơ ước”.

Trong khi đang cảm thấy thất vọng, Tahnee vẫn biết rằng điều quan trọng nhất là để con cô, bé Gus, được ra đời an toàn, vì vậy cô đã đồng ý ở lại bệnh viện.

Vào ngày 23 tháng 11, một ngày sau khi nhập viện, cô được khuyên là nên sinh mổ. Một ca sinh nở tự nhiên vào thời điểm này rất có thể phải dùng đến kẹp trợ sinh hoặc giác hút, điều mà cả Tahnee và chồng đều không muốn.

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 23 tháng 11, Gus được sinh ra nhưng ngay khi Tahnee bế con mình cô nhận thấy có điều gì không ổn. Cô ấy nói: “Tôi đã yêu cầu được gần con ngay sau đó, nhưng khi Gus được nằm trong vòng tay mình thì tôi lại cảm thấy không có sự kết nối. Giống như nó là một đứa bé ngoài hành tinh hay có thể là con của người khác."

Phải sinh mổ, mẹ chán nản không muốn bế con, mong bé ngừng thở - 1

Tehnee và gia đình

Tahnee được xuất viện sau 72 tiếng nhưng cô không muốn bế đứa con mới sinh của mình. Nhiều tuần trôi qua, tâm trạng của cô không được cải thiện và cô sớm nhận ra đó không chỉ là tâm trạng chán nản. 

Tahnee đã tiếp tục âm thầm chiến đấu với chứng trầm cảm sau sinh (PND) trong vài tuần trước khi nói với chồng, nhưng họ vẫn ngập ngừng trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ suốt bảy tháng. Cô cho biết: “Có quá nhiều chuẩn mực xã hội dành cho một người phụ nữ lần đầu làm mẹ, đến nỗi tôi cảm thấy bị áp lực. Tôi đã luôn thấy bực tức với chồng vì anh ấy quá say mê Gus. Và tôi không hiểu tại sao mình là người duy nhất cảm thấy như vậy."

Khoảng bảy tháng sau khi Gus được sinh ra, Tahnee đã được khai sáng khi có người bạn hỏi cô rằng: “Tâm trí cậu đang cảm thấy như thế nào?” Cảm xúc như được khơi dậy và cô ấy đã kể hết tất cả mọi thứ về việc mình phải vật lộn như thế nào. Nhờ đó, cô có can đảm tìm kiếm sự giúp đỡ từ cố vấn sinh sản đã được chỉ định trước đó.

Tahnee hiện tại đã trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều và Gus 17 tháng tuổi như là người bạn thân thiết nhất của mẹ. Tahnee đang lên tiếng để khuyến khích những bà mẹ mắc chứng trầm cảm sau sinh tìm kiếm sự giúp đỡ. Hiện tại, dựa trên những gì đã trải qua để giúp đỡ người khác, Tahnee đã mở những khóa chăm sóc sức khỏe mang thai của riêng mình. 

Phải sinh mổ, mẹ chán nản không muốn bế con, mong bé ngừng thở - 2

Tehnee và Gus- đứa con như người bạn thân thiết nhất của mình

Vậy trầm cảm sau sinh là gì? Cả cha và mẹ đều có thể trải qua loại trầm cảm này sau khi sinh con. Khi đó, họ nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ chăm sóc sức khỏe tại nhà càng sớm càng tốt, vì các triệu chứng có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc trở nên tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, nhiều người không nhận ra rằng họ bị trầm cảm. Các triệu chứng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong năm đầu tiên sau khi sinh. Có thể là cảm giác buồn bã và tâm trạng đi xuống, mất hứng thú về mọi thứ xung quanh, thiếu năng lượng và cảm thấy mệt mỏi mọi lúc, khó ngủ, khó liên kết với em bé, xa lánh mọi người và có những suy nghĩ đáng sợ như làm hại em bé.

Phương pháp điều trị bao gồm tự giúp đỡ (như nói chuyện với gia đình và bạn bè, tập thể dục và chế độ ăn uống lành mạnh), liệu pháp tâm lý và dùng thuốc chống trầm cảm.

Nguyên nhân của trầm cảm sau sinh không rõ ràng, nhưng nó có liên quan đến tiền sử các vấn đề về sức khỏe tâm thần, thiếu sự quan tâm, mối quan hệ kém với bạn đời và có thể do những căng thẳng trong cuộc sống.

Mặc dù đã có một số nghiên cứu ngăn ngừa trầm cảm sau sinh, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy bạn có thể làm gì để ngăn chặn tình trạng phát triển, ngoài việc duy trì lối sống lành mạnh. Những người có tiền sử trầm cảm hoặc các vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc tiền sử gia đình có vấn đề về sức khỏe tâm thần sau khi sinh con nên nói với các bác sĩ của mình nếu có thai hoặc nghĩ đến việc có con, để họ có thể theo dõi và điều trị thích hợp.

Bà mẹ mô tả sự tàn khốc của trầm cảm sau sinh chỉ với một bức ảnh
"Tôi thất vọng hơn cả mức giới hạn của mình, tôi không còn là chính mình nữa".
Diễm Quỳnh (Dịch từ UK news)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trầm cảm sau sinh