Rong kinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị hiệu quả

Ngày 17/04/2020 14:50 PM (GMT+7)

Rong kinh là hiện tượng kinh nguyệt kéo dài quá 7 ngày, gây nên mất nhiều máu nếu kéo dài rất nguy hiểm. Rong kinh có triệu chứng điển hình nhất là ra máu liên tục, kéo dài quá 7 ngày và không có dấu hiệu ngừng. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên và việc chữa trị là cần thiết phải thực hiện ngay.

Rong kinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị hiệu quả - 1

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngô Thu Hà - Khoa Phụ sản và hiếm muộn - Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt - Bỉ.

Rong kinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị hiệu quả - 2

Bác sĩ Ngô Thu Hà

Rong kinh là gì?

Rong kinh là một thuật ngữ chỉ hiện tượng ra máu kéo dài trong nhiều ngày một cách bất thường. Thông thường chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ từ 28 - 32 ngày, số ngày ra máu kinh từ 3 - 5 ngày, lượng máu mất đi từ 50 - 80ml/ mỗi lần hành kinh. Nhưng nếu máu kinh ra nhiều trên 80ml/ mỗi lần, kéo dài quá 7 ngày trở lên khiến cơ thể mất máu, mệt mỏi.

Khi ra máu được gọi là rong kinh không chỉ về thời gian mà còn về lượng máu. Máu kinh ra nhiều, phải dùng tới 2 miếng băng vệ sinh, thay liên tục mỗi giờ. Máu kinh thường đóng cục lớn, ra nhiều cả đêm lẫn ngày và đặc biệt xuất hiện hiện tượng đau bụng nhiều hơn chu kỳ kinh bình thường.

Dấu hiệu, triệu chứng, biểu hiện rong kinh

Các dấu hiệu rong kinh , triệu chứng rong huyết bao gồm:

- Máu ra nhiều hơn 7 ngày, và/ hoặc trên 80ml/ lần (có thể nhận biết bằng việc máu kinh ra quá nhiều, phải thay băng vệ sinh liên tục mỗi giờ, miếng băng thường ướt đẫm)

- Tính chất kinh nguyệt: Máu có các cục máu đông ra từng mảng lớn, màu sậm hơn hoặc đen hơn bình thường.

- Dấu hiệu toàn thân: Mệt mỏi, tiêu chảy, khó thở đôi khi có chóng mặt, buồn nôn và nôn do thiếu máu, mất máu nhiều.

Rong kinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị hiệu quả - 3

Rong kinh rong huyết là hiện tượng máu kinh ra nhiều bất thường cả về thời gian và số lượng (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân bị rong kinh ở phụ nữ

Vẫn chưa có kết luận chính xác cho hiện tượng rong kinh nhưng đa số đều có nguyên nhân từ:

- Mất cân bằng hormone

Trong chu kỳ kinh bình thường, hormone estrogen và progesterone điều chỉnh  lớp nội mạc tử cung, vào thời điểm cuối chu kỳ, estrogen và progesterone sụt giảm, từng mảng nội mạc bị bong tróc ra tạo thành kinh nguyệt. Nếu mất cân bằng nội tiết tố, nội mạc tử cung phát triển quá mức, quá dày khi bong ra khiến chảy máu kinh nặng hơn, dài hơn.

Nguyên nhân khiến mất cân bằng hormone: Hội chứng buồng trứng đa nang, béo phì, kháng insulin và các vấn đề về tuyến giáp...

- Các bệnh lý tại đường sinh dục:

+ U xơ tử cung

Những khối u lành tính trong tử cung xuất hiện, u xơ tử cung cũng là một trong những nguyên nhân gây nên rong kinh rong huyết.

+ Polyp ở tử cung, cổ tử cung.

Polyp xuất hiện trên thành tử cung được gọi là polyp tử cung hoặc xuất hiện ở cổ tử cung cũng có thể gây nên chảy máu kinh nặng hơn và kéo dài hơn.

+ Ung thư

Ung thư cổ tử cung, ung thư niêm mạc tử cung là những nguyên nhân gây nên tình trạng chảy máu bất thường. Đặc biệt đối với phụ nữ mãn kinh thì hiện tượng này càng xuất hiện phổ biến hơn.

+ Nhiễm trùng

Một số nguyên nhân rong kinh xuất phát từ nội mạc tử cung vị viêm nhiễm gây nên.

+ Dụng cụ tử cung

Các dụng cụ tránh thai cũng có tác dụng phụ gây nên rong kinh ở phụ nữ.

- Bệnh toàn thân

Một số người mắc các bệnh về máu do di truyền như bệnh Von willebrand gây nên máu khó đông, các bệnh lý gây suy giảm tiểu cầu, suy giáp... cũng gây nên rong kinh.

- Thuốc

Một số loại thuốc kháng viêm, thuốc an thần, thuốc tránh thai hay thuốc chống đông máu cũng góp phần khiến kinh nguyệt kéo dài.

- Nguyên nhân khác: Một số các vấn đề bệnh lý về gan, thận cũng có thể là tác nhân gây rong kinh.

Ngoài ra, ở tuổi dậy, phụ nữ tiền mãn kinh, phụ nữ sau sinh, nội tiết mất đi sự cân bằng, kinh nguyệt chưa ổn định cũng rất dễ bị rong kinh.

Rong kinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị hiệu quả - 4

Có rất nhiều nguyên nhân gây rong kinh ở phụ nữ (Ảnh minh họa)

Hậu quả của rong kinh

Chảy máu kinh quá nhiều, quá dài ngày khiến cơ thể mất máu gây nên nhiều những ảnh hưởng về sức khỏe, tâm lý thậm chí là tính mạng của chị em. Những biến chứng chị em có thể gặp phải đó là:

- Thiếu máu

Mất máu quá nhiều gây nên tình trạng thiếu máu. Các triệu chứng thường gặp nhất đó là da, niêm mạc nhợt nhạt, người mệt mỏi không còn sức sống, có thể xuất hiện các biểu hiện nư nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, tụt huyết áp. Lâu dài sẽ ảnh hưởng tới tính mạng.

- Đau bụng kinh dữ dội

Cùng với thiếu máu, rong kinh kéo dài cũng khiến tình trạng đau bụng kinh dữ dội hơn, người đờ đẫn, đôi khi kèm theo hiện tượng chuột rút.

Rong kinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị hiệu quả - 5

Đau bụng kinh dữ dội là biến chứng của rong kinh gây nên (Ảnh minh họa)

- Dễ viêm nhiễm phụ khoa

Rong kinh kéo dài là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây nên các bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, viêm ngược lên buồng trứng, vòi trứng ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của phụ nữ.

- Ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày

Rong kinh khiến cơ thể mệt mỏi, người không còn sức sống, bất tiện kéo dài… gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý và đời sống của chị em.

Cách điều trị rong kinh

Rất nhiều chị em không biết bị rong kinh làm sao hết. Các bác sĩ khuyến cáo khi thấy biểu hiện máu chảy nhiều, thay băng liên tục trong 1 giờ, đau bụng dữ dội thì cần đi gặp bác sĩ ngay. Các bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm, kiểm tra để xác định nguyên nhân từ đó đưa ra cách chữa trị rong kinh phù hợp nhất.

Về cơ bản có 2 cách điều trị:

1. Điều trị nội khoa

Các bác sĩ dựa vào nguyên nhân gây rong kinh để đưa các loại thuốc phù hợp nhất. Những loại thuốc có thể được kê đó là:

- Thuốc chống viêm steroid (NSAID): giúp cầm máu kinh nguyệt, giảm máu kinh đồng thời có tác dụng giảm đau bụng kinh.

- Thuốc cầm máu: có tác dụng giảm chảy máu kinh ngay, thuốc có tác dụng tức thì được chỉ định thực hiện tại thời điểm chảy máu.

- Thuốc tránh thai dạng uống: Bên cạnh ngừa thai thì thuốc tránh thai cũng có tác dụng ổn định kinh nguyệt, giảm chảy máu kinh nhiều và kéo dài.

Ngoài ra, nếu nguyên nhân gây rong kinh do sử dụng các loại thuốc làm rối loạn nội tiết tố thì sẽ được bác sĩ chỉ định ngừng thuốc.

Khi bị rong kinh cơ thể phụ nữ sẽ ở trong tình trạng thiếu máu, bác sĩ có thể khuyến cáo nên bổ sung sắt. Có nhiều cách bổ sung sắt bằng thuốc hoặc bằng dinh dưỡng.

Rong kinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị hiệu quả - 6

Chữa rong kinh bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ (Ảnh minh họa)

2. Điều trị ngoại khoa

Nếu việc sử dụng các loại thuốc điều trị nội không có tác dụng, máu kinh vẫn ra nhiều gây nguy hiểm cho tính mạng người phụ nữ các bác sĩ sẽ tiến hành chữa trị bằng việc soi buồng tử cung và thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật cần thiết,... nhằm mục đích vừa chẩn đoán, vừa điều trị.

Nên làm gì khi bị rong kinh?

Khi bị rong kinh điều đầu tiên chị em cần đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân và đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra chị em cũng nên:

- Nghỉ ngơi, tốt nhất là nằm nghỉ để tránh bị ra máu nhiều

- Duy trì chế độ dinh dưỡng ít chất béo, bổ sung thực phẩm có chứa magie, kẽm, sắt, vitamin B1, B6 và vitamin E. Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cafe và gia vị cay trong kỳ kinh.

- Có thể ăn ngải cứu hàng ngày vì theo Đông Y ngải cứu có tác dụng điều hòa kinh, giảm đau bụng kinh, giảm lượng máu kinh trong chu kỳ.

Rong kinh sau sinh: Bác sĩ sản khoa chỉ ra 3 yếu tố  khiến chị em dễ mắc nhất
Theo TS.BS Bùi Chí Thương, rong kinh sau sinh không chỉ gây ra nhiều khó chịu cho chị em mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe.

Bài chuyên gia

Bác sĩ Ngô Thu Hà - Khoa Phụ sản và hiếm muộn - Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt - Bỉ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bài chuyên gia